Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chắt chiu

Tác giả: 
Lm Minh Anh

CHẮT CHIU

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tám ngày sau lễ Phục Sinh hoặc Giáng Sinh, phụng vụ thánh lễ có tuần bát nhật; qua đó, Hội Thánh cho con cái kéo dài niềm vui ngày đại lễ. Halleluia, Chúa đã sống lại, ngày của niềm vui và xét cho cùng, niềm vui căn bản đầu tiên này phải là niềm vui không hạn định mà nếu không có nó, các ngày lễ khác chẳng có ý nghĩa gì.

 

Trong tuần bát nhật mừng Chúa sống lại, Hội Thánh cho con cái lần lượt nghe các trình thuật phục sinh khác nhau của cả bốn thánh sử và trình thuật nào cũng đầy ắp niềm vui. Niềm vui phục sinh được nuôi dưỡng và lớn lên mỗi ngày nhờ cầu nguyện, hiệp nhất và yêu thương. Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy điều đó. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ hiệp nhất, cầu nguyện trong bầu khí yêu thương; từ đó, họ can đảm làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Các ngài không sợ phải làm chứng, phải rao giảng dù biết mình giới hạn; bởi lẽ, chính Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã nói thay các ngài. Phêrô, một người chài lưới ít ỏi lại có thể giảng thuyết một cách hùng hồn, trích dẫn Thánh Vịnh tài tình như một thầy dạy lỗi lạc, để rồi sau bài giảng uyên bác hôm ấy, có đến ba ngàn người trở lại.

 

Tiếp đến, Kitô hữu sống niềm vui phục sinh khi cuộc sống trổ sinh hoa trái, những hoa trái tốt lành được thể hiện trong các mối tương quan của chúng ta với môi trường, với tha nhân và với những gì trong cuộc sống riêng tư nhất. Niềm vui Tin Mừng đó được chắt chiu mỗi ngày trong những chuyện lớn, chuyện nhỏ và cả trong những thử thách. Và như thế, lễ Phục Sinh sẽ là một lễ có ý nghĩa nhất.

 

Những tuần qua, thế giới biết đến câu chuyện con tàu du lịch Diamond Princess với 2,700 hành khách thuộc 50 quốc gia khác nhau về văn hoá, tôn giáo và 1,100 thủy thủ. Từ Yokohama, tàu khởi hành ngày 20/01, nhưng do nhiễm dịch, phải đậu ngoài khơi gần một tháng với 712 ca nhiễm và chỉ 11 ca tử vong. Thuyền trưởng Arma người Ý tâm sự, “Trong bối cảnh này, tôi đã cầu nguyện nhiều hơn. Đức tin là nguồn an ủi lớn cho tôi. Mệt mỏi sau một ngày dài, tôi tập trung cầu nguyện vì đây là trợ giúp vĩ đại nâng đỡ tôi”. Ông kể, “Theo chỉ dẫn của chính phủ Nhật, hành khách phải cách ly trong phòng. Chúng tôi phải thay đổi toàn bộ hệ thống, giao các bữa ăn cho 1,350 phòng; tổ chức giám sát, kiểm soát các hành lang, để bảo đảm mọi người ở trong phòng và cũng bảo đảm cho hành khách mỗi ngày được hưởng một giờ không khí trong lành, nghĩa là họ có thể đi bộ trên boong”. Ông đã về Ý, được tổng thống khen ngợi. Được hỏi về bài học rút ra, ông nói, “Tôi rất tin tưởng vào thiên nhiên, nhưng sau khi sống trải nghiệm này trên tàu và với những gì tôi đang chứng kiến tại Ý, tôi tin chắc, chúng ta phải hiệp nhất, hy sinh như chúng tôi đã thực hiện trên tàu… Tôi tin rằng chúng ta sẽ trở nên những người tốt hơn. Theo tôi, đây là cơ hội duy nhất được trao để chúng ta suy tư, chia sẻ với những người ở bên mình. Chúng ta có nhiều thời gian để chăm sóc chính mình, gia đình mình. Chúng ta học cách đánh giá cao nhiều điều đã trải nghiệm, trong đó có nhiều điều nhỏ bé”.

Tại Việt Nam, chúng ta đọc được những tin tức tốt lành. Một máy ‘ATM’ chảy gạo ở Sài Gòn, 1,5 kg gạo 24/24 giờ cho bất kỳ ai; những phần ăn cho người nghèo Hà Nội với thông điệp khiêm tốn, “Nếu khó khăn, bạn lấy một phần; nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”.

 

Anh Chị em,

 

Chúng ta không biết những người Sài Gòn và Hà Nội kia có là công giáo như thuyền trưởng người Ý không, nhưng chúng ta tin chắc đó là những niềm vui phục sinh, niềm vui Tin Mừng.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, liệu niềm vui phục sinh có đơm được nụ nào nơi con trong những ngày này không?”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)