Hãy làm gì đó đi
HÃY LÀM GÌ ĐÓ ĐI
Kính thưa Anh Chị em,
Cách đây đúng 20 năm, vào Chúa Nhật II Phục Sinh 30/4/2000, trong dịp phong thánh cho chị Faustina, Đức Gioan Phaolô II đã thiết lập Chúa Nhật này để Kính Lòng Thương Xót Chúa. Lạ lùng thay, 5 năm sau, đúng tối thứ bảy áp Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, 02/4/2005, ngài qua đời. Và thật ý nghĩa, vào Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa 27/4/2014, Đức Phanxicô tôn phong hiển thánh cho Đức Gioan 23 và cho vị Giáo Hoàng được mệnh danh là Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót Người, Gioan Phaolô Đệ Nhị.
Với toàn thể Hội Thánh, hôm nay chúng ta tôn kính lòng thương xót Chúa giữa những ngày dịch bệnh khi bản đồ thế giới đang phải nhuốm đỏ vì tang tóc. Chúng ta đâu có khác gì các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai trong tuần thương khó của Thầy mình. Đó cũng là những ngày chết chóc, điêu đứng như nhân loại đang chết chóc, điêu đứng trong mùa dịch. Vậy mà, lòng thương xót Chúa vẫn được tôn kính; tự trong lòng, chúng ta vẫn thưa lên, “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa; lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
“Bình an cho anh em”, lắng nghe những lời của Chúa Phục Sinh trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy lòng mình ấm lại. Ngài nói với các môn đệ đang khi họ đau đớn, mất mát. Đó là những lời đầy yêu thương và ủi an. Những lời ấm áp ấy vẫn đang nói với mỗi người chúng ta, “Bình an cho anh em”. Bởi lẽ, Ngài đang có đó để nói với chúng ta rằng, như các môn đệ trong những ngày sợ hãi khi họ phải cửa đóng then cài, chúng ta cũng đang trải qua những ngày lo âu khi phải đóng cửa ở nhà; thế nhưng, hừng đông phục sinh đã tiềm ẩn ở đó, Đấng Phục Sinh đang chờ đợi chúng ta trước những ngôi mộ trống trơn đó để nói với chúng ta rằng, “Thầy đây, đừng sợ”, “Bình an cho anh em”.
Ngài đang hiện diện, đầy yêu thương, ban sức mạnh. Một bằng chứng cụ thể xảy ra trong phòng tiệc ly năm nào, Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ và một lần nữa, cho cả Tôma đầy nghi nan, “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Những ngày hôm nay, có thể chúng ta cũng nói những lời tương tự của Tôma. Vậy mà, như đã nói với Tôma, Chúa Giêsu cũng đang nói với chúng ta, “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, tin rằng, sau cơn mưa, trời lại sáng; tin rằng, Chúa đã sống lại; tin rằng, Chúa đang hiện diện. Chúa đã sống lại là bằng chứng lớn lao nhất nói lên lòng thương xót của Người.
Ngày lễ hôm nay liên quan đến vị thánh Giáo Hoàng đã thiết lập, chúng ta có thể tự hỏi, vị thánh thế kỷ hai mươi mốt này đã sống lòng thương xót Chúa như thế nào. Học giả Scott Hahn kể chuyện một linh mục, bạn ông, ngày kia được tiếp kiến Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trước ngày hẹn, vị linh mục thăm một vài nhà thờ tại Rôma. Bỗng, trước các bậc cấp một nhà thờ, ngài gặp một gương mặt quen quen giữa những người ăn mày. Dừng lại, vị linh mục nói, “Tôi biết bạn. Chúng ta đã học với nhau tại đại chủng viện?”. Người đàn ông gật đầu”. “Vì thế, bạn là một linh mục!”, - “Phải, nhưng bây giờ không còn nữa. Tôi đã rơi xuống vực. Xin hãy để tôi một mình”. Vị linh mục lưu tâm đến cuộc hẹn nên tạm biệt người hành khất. Trong cuộc gặp Giáo Hoàng, linh mục ấy kể về người bạn linh mục ăn mày nơi cổng nhà thờ. Cuối ngày hôm đó, ngài được điện thoại, văn phòng Rôma nói với ngài rằng, ngài và người bạn ăn xin được mời ăn tối với Giáo Hoàng. Vị linh mục hoảng hốt, tức tốc đi tìm và năn nỉ người bạn cũ, vì thoạt tiên, người ấy thấy mình bất xứng nhưng cuối cùng họ cũng đến với Đức Thánh Cha. Trước món tráng miệng, Đức Thánh Cha ra hiệu để ngài được một mình với người ăn xin. Lâu thật lâu, vị linh mục nóng ruột. Sau cùng, người ăn xin xuất hiện với hai dòng lệ. “Những gì đã xảy ra trong đó?”, linh mục hỏi. “Giáo hoàng xin tôi giải tội cho ngài”, người ăn xin nghẹn ngào. Sau khi lấy lại bình tĩnh, ông nói, “Tôi nói với ngài, thưa Đức Thánh Cha, hãy nhìn con, một gã ăn mày”; ngài nói, “Không phải, là một linh mục. Con trai của ta, một khi là linh mục, sẽ là linh mục đời đời; ai trong chúng ta mà không phải là gã ăn mày trước mặt Chúa, tôi cũng là một gã ăn mày xin tha thứ tội lỗi”. Với tư cách Giám mục Rôma, ngài phục hồi tôi và sai tôi đến chỗ của tôi vừa rời đi để lo cho những người vô gia cư và những người ăn xin trên các bậc cấp nhà thờ.
Anh Chị em,
Cả chúng ta nữa, hãy đi và sống lòng thương xót của Thiên Chúa như những người lương giáo đang sống lòng thương xót đó ngay trong những ngày hôm nay khắp nơi trên thế giới.
Bà Suzanne Hoylaerts, qua đời ở tuổi 90 vì dịch bệnh sau khi từ chối dùng máy thở, bà đã nói với các bác sĩ của mình, “Tôi đã có một cuộc đời thật đẹp. Hãy dành máy thở cho những người trẻ, những người đang cần nó nhất”.
Bác sĩ Giampiero Giron, 85 tuổi, “Họ cần sự có mặt của tôi và tôi đồng ý. Khi bạn quyết định sẽ làm một bác sĩ, bạn phải có trách nhiệm với điều ấy. Tôi đã lập một lời thề y đức. Nếu bạn sợ lây bệnh thì tốt hơn hết, đừng nên làm một bác sĩ”.
Một chàng trai Ả Rập sống tại Ý, đứng trước quầy trái cây miễn phí của mình, anh treo một tấm bảng, “Các bạn đã chào đón tôi vào đất nước của các bạn trong suốt 10 năm qua. Hôm nay cho tôi được trả ơn các bạn”.
Một người khác, “Ngày hôm nay, biết chúng tôi đang tự cách ly, xóm giềng đã mang những túi thức ăn đến đặt trước hiên nhà tôi. Đậu, chà là, mì, sốt mè, rau, thịt và cả kẹo cho lũ trẻ của chúng tôi nữa. Thật là tử tế và tôi rất lấy làm biết ơn”.
Một người đàn ông ở Morristown, đứng ngoài cửa kính phòng cấp cứu với tấm bảng có dòng chữ, “Cảm ơn tất cả y bác sĩ đã cứu mạng vợ tôi. Tôi yêu tất cả các bạn”. “Hãy nhớ nói lời cảm ơn đến những người ở tuyến đầu nhé!”.
Một chủ nhà trọ viết, “Hôm qua tôi đã gõ cửa phòng người thuê nhà của mình và bảo anh ấy có thể ở lại đó mà không cần phải trả tiền nhà trong 5 tháng tới. Anh ấy buôn thúng bán bưng, phải nuôi 4 đứa trẻ. Không cần Thủ tướng Boris phải bảo, tôi vẫn biết đạo đức là gì. Này các bạn chủ nhà, nếu có thể, bạn hãy làm gì đó đi, và làm nhiều thêm nữa”.
Trên quầy hàng trống không của một siêu thị, người ta vẫn đọc thấy một thông báo, “Gửi tất cả những khách hàng lớn tuổi của chúng tôi. Vui lòng cứ hỏi nếu ông bà cần bất cứ món đồ gì vì chúng tôi đã giữ riêng chúng lại cho ông bà”.
Một bà mẹ khoe, “Đứa con học lớp 6 của tôi đã gửi email cho giáo viên toán của cháu để được giúp đỡ, vì thế, thầy ấy đã đến và giải quyết bài toán cho cháu với tấm bảng lớn bên ngoài khung cửa kính trước hiên nhà chúng tôi”.
Một bác sĩ đang phải điều trị cho những bệnh nhân tại một bệnh viện có nguy cơ cao ở Arkansas. Anh ấy đang sống xa gia đình và phải lái xe mất một giờ đồng hồ để về thăm đứa con nhỏ mới chập chững biết đi của mình. Cha đứng ngoài cửa, đứa trẻ quỳ bên trong, họ chạm tay nhau qua khung cửa kính. Khoảnh khắc này thật đặc biệt.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con không làm một điều gì đó, hầu ai gặp con, họ cũng gặp được lòng thương xót Chúa, gặp được bình an”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)
- Loại bài viết: