Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội

 

 

SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

 

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A

 

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH (03/05/2020)

 

“TÔI ĐẾN ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO!”

[Cv 2,14a.36-41; 1 Pr 2,20b-25; Ga 10,1-10]  

 

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

 

Trong nhiều thập niên gần đây Giáo Hội Công Giáo có diễm phúc là có được những Vị Giáo Hoàng vĩ đại khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ: từ Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I và II cho đến Đức Bênêđitô XVI và Đức Phanxicô, các Vị Giáo Hoàng trên đều là các vĩ nhân về thánh thiện và khôn ngoan. Nhưng trước hết các vị Giáo hoàng kể trên đều là các MỤC TỬ NHÂN LÀNH đúng như lời của Thầy Chí Thánh Giêsu Kitô: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào!”

Mừng Lễ Chúa Chiên Lành năm nay chúng ta hãy chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu Kitô, là Con Một Thiên Chúa và là Chúa chúng ta, được phản chiếu trên gương mặt hiền từ và đời sống thánh thiện của các vị Giáo hoàng cũng như của các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân đã hy sinh cho đoàn chiên, nhất là trong thời dịch cúm Covid-19 này.

 

II. LẰNG NGHE/ĐỌC LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 2,14a.36-41):  "Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Đấng Kitô" Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Đấng Kitô".

Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: "Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?" Phêrô nói với họ: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến". Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ mà rằng: "Anh em hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này". Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

 

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Pr 2,20b-25):  "Anh em đã trở về cùng Đấng canh giữ linh hồn anh em" Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Đức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Đấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Đấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em.

 

2.3 Trong Bài Tin Mừng (Ga 10,1-10): "Ta là cửa chuồng chiên" Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung (Thiên Chúa là Đấng nào?)

Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

- Là Thiên Chúa Cha, Đấng đã đặt Chúa Giê-su - Đấng đã bị người Do-thái treo trên thập giá - làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.

- Là chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chịu đau khổ vì chúng ta, để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà chúng ta đã được chữa lành.

- Là Chúa Giê-su Ki-tô là Mục Tử, Đấng đã đến trần gian để qui tụ mọi người (chiên lạc) thành một đoàn chiên và chăm lo cho chiên (là chúng ta) được sống và sống dồi dào.

3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?)

Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, sứ điệp của Lời Chúa hay giáo huấn của Chúa là chúng ta hãy đến với Chúa Giê-su Ki-tô là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô và là Mục Tử; và hãy nhập vào đoàn (ràn) chiên của Người để được sống và sống dồi dào!

[Được sống và sống dồi dào trong bản văn Phúc âm Gio-an là có sự sống siêu nhiên, sự sống thần linh, sự sống của Thiên Chúa. Có sự sống của Thiên Chúa thì sẽ sống kết hợp mật thiết  (hiệp thông) với Thiên Chúa và hiến thân cho những giá trị của Nước Trời và cho tha nhân, cách riêng cho những người cần được hướng dẫn, chăm lo, nâng đỡ và ủi an (qua hình ảnh những con chiên lạc.)]

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

Chúng ta đáp lại lời mời gọi hay sứ điệp của Chúa bằng cách đến với Chúa Giê-su Ki-tô là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô và là Mục Tử và đón nhận từ Người sự sống thần linh.

4.1 Đến Chúa Giêsu Ki-tô là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô và là Mục Tử để nhìn nhận Người là Chúa; là Đấng được xức dầu và sai đi; là Chúa Chiên Nhân Lành đã hiến mạng sống cho.vì chiên.  

4.2 Nhận sự sống thần linh từ Chúa Giêsu Ki-tô là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô và là Mục Tử để chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần; và để chúng ta cống hiến thời gian, tài năng và của cải cho tha nhân, nhất là cho những người yếu kém, bị khinh khi, thiệt thòi nhất chung quanh chúng ta.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 "Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô." Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa Giê-su Ki-tô là Đức Chúa và là Đấng Ki-tô, để họ sớm nhận ra và đón nhận Người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2  “Người đã chịu đau khổ vì chúng ta, để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người." Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi Ki-tô hữu càng ngày càng nên giống Chúa Giê-su Ki-tô hơn.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả giáo dân trong giáo xứ chúng ta để mọi người nhận được sự sống thần linh dồi dào mà Chúa Giê-su Ki-tô là Mục Tử Nhân Lành ban tặng cho những kẻ thuộc về Người và đi theo Người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4  “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”  Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thành tâm thiện chí để họ tìm thấy lối vào Vương Quốc của Chúa Giê-su Ki-tô là Vương Quốc Tình Thương và Cứu Độ.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

        

Sàigòn ngày 28/04/2020

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.