Một cơn lốc
MỘT CƠN LỐC
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu hai tuần qua, chúng ta mục kích những hoạt động của Chúa Thánh Thần trên những con người ‘được gió ru hời’ khi họ để mình ‘cuốn theo chiều gió’ Ngôi Ba thì trình thuật Phaolô bị quật ngã và chỗi dậy hôm nay là một cái gì khốc liệt hơn, chớp nhoáng hơn và mạnh mẽ hơn… sẽ được gọi là cuồng phong; hay đúng hơn, một cơn lốc của Thánh Thần.
“Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?”, một tiếng sấm rền từ trời đã hỏi một con người nửa tỉnh nửa mơ đang lăn lóc trên đường như thế, một con người nhiệt thành nhưng mang dáng dấp của một kẻ cuồng tín. Saolô không biết rằng, nhiệt thành với điều thánh thiêng không có nghĩa là luôn luôn có một con tim rộng mở đối với Thiên Chúa.
Saolô đã ngã xuống nhưng may thay, cuồng phong đã dịu lại và ngọn gió Thánh Thần đã thổi nhẹ để nâng ông lên. Dẫu sợ hãi, nhưng tâm hồn ông bắt đầu mở ra và qua đó, ân sủng được ban xuống, một phẩm giá được phục hồi. Vậy mà, tất cả ấy chỉ xảy ra ngang qua sự khiêm nhượng ở một con người; ở đây, một con người cuồng tín đáng thương.
Hành trình Đamas của Phaolô đã trở nên khúc tình sử về một con người dám để Thiên Chúa biến đổi trái tim mình. Một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ ông và chính trong hoàn cảnh đó, ông thấu hiểu sự thật về mình, một sự thật thê thảm vì nhiệt thành không đúng chỗ như Chúa muốn. Và tiếng sấm tự trời ấy không chỉ tra vấn Phaolô, nhưng còn mời ông đứng dậy, “Hãy đứng dậy, vào thành”. Khi đứng dậy, Phaolô nhận ra mình đã mù. Ông đưa tay cho người ta dẫn đi; từ đó, trái tim ông thật sự mở ra.
Anh Chị em,
Cũng thế, một khi mời gọi ai, Thiên Chúa cho phép xảy ra những gì cần thiết. Đó có thể là ngã quỵ, nhục nhã, bẽ bàng hay ê chề… vốn chỉ nhằm giúp người ấy trở nên ngoan nguỳ, mềm mỏng để có thể mở rộng con tim cho Con yêu dấu của Người, một con tim hoán cải.
Thế nhưng, chúng ta đừng bao giờ quên, nhân vật chính ở các câu chuyện của những con người được gió Thánh Thần tác động không phải là Nathanael, Gamaliel, cũng không phải là Phêrô hoặc Têphanô hay Philipphê và ngay cả hôm nay, không phải là Phaolô… nhưng là Chúa Thánh Thần. Nhân vật chính trong Giáo Hội là Chúa Thánh Thần, chủ thể của các câu chuyện trong Công Vụ Tông Đồ là Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng thổi, không ngừng hà hơi và nếu cần cả cơn lốc trên những gì Ngài muốn. Đó có thể là quật ngã sự nhiệt thành cuồng tín hay một ý chí lệch lạc; cũng có thể là đánh sập một sự cao ngạo hay tự phụ nơi một ai đó. Tất cả như để dọn đường cho những kế sách mà Ngài đang hoạch định.
Trong một bữa tiệc, Mark Twain, nhà văn được ví như tinh tú đầu tiên của bầu trời văn học Mỹ, ngồi đối diện với một mệnh phụ xinh như mộng nhưng xem ra khá kênh kiệu. Theo lịch sự, ông nói với bà, “Cô thật xinh đẹp!”. Bà ấy không hề cảm kích mà còn khích rởm, “Rất tiếc, tôi không có cách nào để có một lời khen tương tự với ông!”. Mark Twain bình thản, “Không sao cả, cô có thể nói một điều gì đó như tôi vậy, nói một lời nói dối là được rồi”. Nghe xong, bà xấu hổ, cúi mặt và nói lí nhí, “Tôi thành thật xin lỗi vì sự cao ngạo của mình”.
Anh Chị em,
Thật là đẹp khi chiêm ngắm cách thức Thánh Thần hà hơi để biến đổi một tâm hồn. Tâm hồn càng ngang bướng, Ngài thổi càng ngoạn mục, thổi cho đến khi nó không còn là mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nếu cơn lốc Ngài quật con ngã; xin đừng ngưng thổi, để nâng con lên”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)
- Loại bài viết: