Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Câu trả lời cho niềm hy vọng

Tác giả: 
Lm Nguyễn Văn Nghĩa

CÂU TRẢ LỜI CHO NIỀM HY VỌNG

(Chúa Nhật VI PS A)

 

Thánh Phêrô nhắn nhủ tín hữu ở các xứ: Pontô, Galat, Capadokia, Axia và Bithynia và với chúng ta, những người được Thiên Chúa tuyển chọn là: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”(1P 3,15). Có thể nói động thái hy vọng là khao khát, là mong chờ điều tốt đẹp nào đó với niềm tin rằng sẽ đạt được. Niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta mà thánh Tông Đồ Cả nói ở đây chính là được hưởng phúc lành vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa ban. Và để đạt phúc lành này thì ngài khuyên bảo phải hiệp nhất nên một với nhau, biết cảm thông, yêu thương nhau như anh chị em, đừng lấy ác báo ác nhưng ăn ở nhân hậu (x.1P 3,8-9). Để thực hiện điều này thánh nhân nhấn mạnh: “hãy tôn Đức Kitô, là Đấng Thánh, làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta”.

 

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”(Ga 14,15). Điều răn mà Chúa Kitô truyền dạy đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13,34). Mẹ Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam căn cứ vào cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế đã cụ thể hóa giới luật tình yêu qua kinh “Mười bốn mối thương người” mà Kitô hữu chúng ta dường như thuộc nằm lòng, nhờ thường đọc trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng.

 

Một sự thật mà chúng ta cần chân nhận, đó là không ít người con cái Chúa vô tình hay vì lý do nào đó mà lãng quên lời căn dặn, đúng hơn là lời khẳng định của Chúa Kitô: “phải làm điều này mà không được bỏ điều kia”(x.Lc 11,42); đừng “gạn  lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà” (x.Mt 23,23-24), khi họ chỉ thực hiện một vài mối thương người mà thôi hoặc né tránh không thực thi một vài mối thương người này kia.

 

 Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng từ tín hữu giáo dân đến hàng mục tử một cách nào đó xem ra đã thực thi những nghĩa cử như “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt, chôn xác kẻ chết và có thể thêm việc “cho khách đỗ nhà”. Tuy nhiên việc thăm viếng “kẻ tù rạc” và “chuộc kẻ làm tôi” thì hình như đang bị thiếu sót cách này cách khác. Phải chăng nếu không phải là người thân thích thì chúng ta vốn ngại dây dưa với những người đang trong vòng lao lý, cả những người thực sự có tội và cả những người bị kết án cách oan sai, bất công?  Ngày nay không còn chế độ nô lệ như ngày xưa, nhưng tình trạng bị ràng buộc, bị kìm giữ cách bất công vẫn nhan nhãn trước mắt chúng ta. Trên thế giới và ngay trên đất nước chúng ta vẫn còn đó tình trạng rất nhiều người không được sử dụng các quyền căn bản của họ xét như là con người (nhân quyền). Đây cũng là một hình thức nô lệ không hơn không kém.

 

Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng Kitô hữu chúng ta xem ra ít tắc trách trong việc “lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ làm mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Thế nhưng việc “mở dạy kẻ mê muội và răn bảo kẻ có tội” thì dường như còn bị hạn chế về cả đối tượng lẫn phạm vi cần điều chỉnh hay sửa sai. Chúng ta, nhất là những vị mục tử vẫn chu toàn việc răn bảo kẻ có tội và mở dạy kẻ mê muội, nhưng thường là mở dạy hay răn bảo những người đồng đạo, những người dưới quyền và cũng thường trong những lãnh vực đạo đức mang luân lý cá nhân hay trong việc tuân giữ các luật buộc như “giữ Lễ Ngày Chúa Nhật, lãnh nhận các bí tích, kiêng việc xác, ăn chay…”. Cần thú nhận rằng những lỗi lầm mang tính công bằng xã hội hoặc những lệch lạc, sai lầm mang tính hệ thống, nhất là khi người lỗi phạm đang nắm quyền cao, vị lớn trong xã hội và cả trong giáo hội thì chúng ta có vẻ như đang xao lãng bổn phận “mở dạy và răn bảo”.

 

“Phải làm điều này mà không được bỏ qua điều kia”. Xin lặp lại lời của Chúa Kitô để cùng thức tỉnh nhau ra khỏi tình trạng “gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà”. Yêu thương cách có chọn lọc, cách có tính toán thì không thực sự là yêu thương, và chắc chắn không “như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta”. Yêu thương một cách có tính toán và chọn lọc như thế thì rất có thể có được sự bình an do thế gian ban tặng và dĩ nhiên cần khẳng định rằng đó không phải là sự bình an mà Chúa Kitô trao ban (x.Ga 15,27).

 

Xin Thần Khí sự thật đổ đầy tâm hồn Kitô hữu chúng ta để chúng ta biết thế nào là yêu mến Chúa Kitô, thế nào là tôn Đức Kitô làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta, thế nào là làm chứng về niềm hy vọng của chúng ta. Có thể không trọn vẹn và chắc chắn không thể đủ đầy, tuy nhiên điều chúng ta phải cần làm cho xứng với danh môn đệ Chúa Kitô, đó là kiên trì nhẫn nại trong hiền hòa và bao dung thực thi cả “Mười bốn mối thương người”, không xao lãng hay loại bỏ bất cứ mối thương người nào. Đây là câu trả lời có tính thuyết phục nhất cho niềm hy vọng của chúng ta trước bà con lương dân và anh chị em khác đạo và trước cả những người tự nhận là vô thần.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột