Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Niềm vui phúc kiến

Tác giả: 
Lm Minh Anh

NIỀM VUI PHÚC KIẾN

 

“Ít lâu nữa, anh em sẽ không thấy Thầy và ít lâu nữa, anh em lại thấy Thầy. Anh em sẽ u buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Những lời trên đây thật khó hiểu đối với các môn đệ của Chúa Giêsu trước khi Thầy trò chia tay. Chỉ sau biến cố phục sinh, với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới hiểu được những lời này. Tuy nhiên, họ vẫn phần nào biết rằng, sự ra đi của Thầy là cần thiết.

 

Điều Chúa Giêsu muốn nói hôm nay là, rồi đây, Ngài sẽ phải ra đi nhưng làm sao mối tương quan Thầy trò phải luôn vững bền, xa mặt chứ không cách lòng. Những người bạn chí thiết của Ngài được mời gọi vượt qua những tương quan thể lý, mặt giáp mặt, để đi vào trong một tương quan khác, tương quan khiếm diện; bấy giờ, không gian và thời gian không còn là vấn đề. Đó là một tương quan đích thực khi những người yêu nhau không còn ở bên nhau, một cái gì ngoại diện; nhưng họ sẽ mãi mãi ở trong nhau, một thế giới nội tâm; và như thế, hiện diện với nhau mọi lúc, mọi nơi.

 

Khi nói, “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”, Chúa Giêsu cũng muốn hướng đến niềm hy vọng Kitô giáo. Sau cuộc khổ nạn bi thiết của Ngài, các môn đệ sẽ được quan chiêm Thầy mình như chiêm ngưỡng mặt trời rỡ ràng sau những ngày dông bão, chiêm ngưỡng vẻ tráng lệ lộng lẫy của Đấng Phục Sinh mà ngày kia, ngự bên hữu Chúa Cha. Đối với người Kitô hữu, đó chính là niềm vui phúc kiến; ở đó, chúng ta sẽ gặp lại Chúa Giêsu với muôn triều thần thánh cùng tất cả những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta và đang nghỉ giấc bình an. Bấy giờ, lời Chúa Giêsu trở nên dễ hiểu, “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.

 

Vào những năm khó khăn ở thập niên 80’s, việc đi lại của người dân rất khó khăn và đối với các linh mục lại càng khó hơn. Tôi nhớ mãi câu chuyện cha xứ của tôi kể lại lúc bấy giờ. Được tin mẹ qua đời, ngài bồi hồi xót xa và quyết định đi xin giấy vào nam an táng mẹ; Ngài muốn có mặt để dâng một thánh lễ tiễn biệt mẹ lần cuối sau cả chục năm không gặp. Thế nhưng, người ta vẫn nhẫn tâm từ chối. Sau đó, ngài tâm sự, “Họ không cho mình đi, rất buồn, nhưng thật lạ... những ngày sau đó, đi đâu mình cũng thấy sự hiện diện của bà. Mình vào nhà thờ, bà như đang quỳ bên; mình dâng lễ, bà như đang đứng trước mặt”.

 

Sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ, với Hội Thánh của Ngài còn hơn thế, một sự hiện diện đầy tràn, sống động, viên mãn dù là một hiện diện khiếm diện. Bên cạnh đó, chính sự vắng mặt của Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta nhận ra giá trị thực của những lời Ngài nói, những việc Ngài làm và những gì Hội Thánh đang làm mà theo như Ngài, “Anh em sẽ còn làm những việc lớn lao hơn Thầy”. Đồng thời, chúng ta ý thức sự tự do, bổn phận và trách nhiệm làm tròn tất cả những nguyện ước mà Ngài đã thỉnh nguyện trước khi ra đi.

 

Anh Chị em,

 

Chúng ta đang trải nghiệm sự hiện diện vắng mặt của Đấng Phục Sinh, Đấng đang hoạt động trong Hội Thánh từ thời các tông đồ cho đến hôm nay; Ngài đang hiện diện và hoạt động trong cộng đoàn tôi, gia đình tôi và bản thân tôi. Cùng với các tông đồ, chúng ta đang trải nghiệm thâm trầm những lời đầy yêu thương và trấn an Ngài đã nói về sự hiện diện liên lỉ của mình, “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, con hiểu, khiếm diện cần thiết cho tình yêu trưởng thành và lớn lên; xin giúp con sống đẹp để nay có thể buồn, mai hẳn sẽ vui”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)