Quên cả cơn đau
QUÊN CẢ CƠN ĐAU
“Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chớ làm thinh”;
“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cả hai bài đọc hôm nay là những lời trấn an của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Ngài nói với Phaolô, “Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chớ làm thinh”; với các môn đệ, “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Thật tuyệt vời những lời truyền lửa của Chúa cho những con người sẽ ra đi loan báo Tin Mừng. Lý do Ngài đưa ra để đừng sợ là vì, “Ta ở cùng con, sẽ không ai tra tay làm hại được con; vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo”. Với các môn đệ, Ngài lý luận, “Người phụ nữ khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ”.
Những lời này nằm trong bối cảnh sau bữa tiệc ly khi Chúa Giêsu biết sắp đến giờ Ngài phải ra đi khi quầng mây u ám của thời khắc vắng Thầy sắp chụp xuống các môn đệ. Ngài chuẩn bị tinh thần họ, “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Bản thân Ngài cũng sẽ trải qua những giờ khắc đông giá đó. Sợ hãi, u buồn, thương khó và cả cái chết sẽ đến nhưng kìa, mùa xuân rạng rỡ của niềm vui phục sinh đang đến. Ai không biết đến sợ hãi, khổ đau… người ấy chẳng có kinh nghiệm nào khi sống trong niềm vui.
Ngài nói với Phaolô, “Đừng sợ”. Sợ không phải là một thái độ Kitô giáo; đó là một thái độ cá chậu chim lồng, một tật xấu, vì sợ hãi là một thái độ tác hại. Sợ hãi làm suy yếu và ti tiện; thậm chí còn làm tê liệt khiến chúng ta co rút trong chiếc vỏ ích kỷ; một cộng đoàn sợ hãi sẽ nên bệnh hoạn, mất sinh khí. Sợ hãi chỉ cần thiết khi con người sợ Chúa và sợ tội; kính uý Chúa và sợ làm mất lòng Người. Niềm vui sau đó mới là điều quan trọng. Niềm vui Kitô hữu không đơn thuần là hân hoan, một sự vui tươi phù du nhưng là ân sủng của Thánh Thần. Kitô hữu phải có niềm vui, sống trong niềm vui, nhưng phải là niềm vui của Chúa Giêsu; cộng đoàn không vui là cộng đoàn bệnh. Chúa Giêsu viện dẫn niềm vui của người mẹ sinh con. Một khi đứa con đã chào đời, bà quên cả cơn đau; cũng thế, môn đệ Ngài phải học biết thế nào là đau khổ để có thể trải nghiệm thế nào là sống trong niềm vui.
Trong một cuốn phim giáo dục, “Le petit bébé est une personne”, “Em bé là một con người”, các bác sĩ dạy các bà mẹ những gì phải làm trước khi sinh con, đó là giáo dục thai nhi. Nhà khoa học Hà Lan, Franz Veldman, đã sáng lập ngành Haptonomy, còn gọi là thai giáo. Đây là cách giáo dục em bé khi còn là phôi thai trong bụng mẹ thông qua các hoạt động của năm giác quan, tinh thần và dinh dưỡng. Haptonomy là một nghệ thuật tương tác tuyệt diệu giữa ba mẹ và thai nhi, tạo nên những tác động lớn lao từ những cú chạm nhẹ đầy yêu thương bằng nguyên tắc thực hiện vô cùng đơn giản. Mỗi ngày, ba mẹ dùng tay chạm vào bụng bầu, vuốt ve, nói chuyện, ca hát với thai nhi. Những tuần cuối của tam cá nguyệt thứ hai, thai rất nhạy cảm với nhiệt độ và những tác động từ bên ngoài tử cung mẹ. Khi ba mẹ di chuyển bàn tay, thai sẽ di chuyển theo hơi ấm ấy. Cuốn phim giúp các bà mẹ biết cách dỗ dành để em bé nóng lòng chào đời; giúp các bà mẹ không còn lo sợ việc sinh con. Bởi lẽ chính em bé đã được tập luyện để chờ ngày ra đời và mẹ em cũng được tập luyện để đón ngày trọng đại ấy.
Anh Chị em,
Xét cho cùng, cuộc sống trần gian là một cuộc sinh nở triền miên mỗi ngày; qua đó, chúng ta vượt qua sợ hãi để sống trong niềm vui và hướng đến niềm vui phúc kiến thiên quốc.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để có được niềm vui mang tên Giêsu, xin cho con đừng sợ phải lột xác và sinh nở mỗi ngày”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)
- Loại bài viết: