Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thinh Lăng Để Lắng Nghe Tiếng Chúa

Tác giả: 
Anmai, CSsR

 

 

Chúa nhật II TN

 

THINH LẶNG ĐỂ LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA

1 Sm 3, 3b-10.19; 1 Cr 6,13c-15a, Ga 1, 35-42

 

 

           Thi thoảng về thăm gia đình, một hôm nọ, đứa cháu ở nhà mở hộp đồ chơi ra chơi. Trong hộp đồ chơi đó toàn là xe hơi be bé bằng sắt thật dễ thương. Đang chơi, bỗng dưng có khách hàng đến may đồ của người chị đến. Chị này không đi một mình như bao người khác nhưng dắt tay theo đứa nhỏ, chắc là con của chị chứ không phải con của người khác. Đứa bé thấy đống xe hơi be bé đó và xà vào chơi luôn với đứa cháu.

 

           Đến giờ về thì phải về nhưng người mẹ không tài nào kéo bé nó về được. Vì sao ? Chắc có lẽ ai cũng rõ, vì đống đồ chơi đã cuốn hút đứa nhỏ. Năn nỉ mãi, đứa bé không chịu về, đứa bé đã khóc ré lên ! Chẳng còn cách nào khác là phải “hy sinh” 2 chiếc xe nho nhỏ dễ thương để bé về chứ không là to chuyện.

 

           Đứa bé đó, nó biết nhà nó ở đâu, nó biết mẹ nó là ai nhưng nó tới nhà người khác chơi và thấy thích hơn nhà nó vì có đồ chơi lạ là nó ở lại. Đó là điều hiển nhiên và hết sức bình thường của con người. Nói cho bằng cùng, tại đứa bé đó nó thích chơi xe và nó nhận ra vẻ đẹp của những chiếc xe đó nó mới đòi chơi và đòi ở lại. Nếu như bé không thích chơi xe và không nhận ra những chiếc xe đó ưng ý, những chiếc xe đó vừa mắt thì có cũng chẳng đòi ở lại làm gì. Chuyện qua trọng là nó đã nhận ra món đồ chơi mà nó thích.

 

Hôm nay, ở Đền Đức Chúa, chúng ta thấy có đứa trẻ hết sức lạ lùng tên là Samuen ngủ trong đền thờ. Đền thờ này lại là nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đang ngủ như mọi ngày, bỗng dưng hôm nay khác lạ ! Samuen đến hỏi với Thầy Eli đang khi say ngủ và rồi Eli đã nói cho Samuen biết rằng không phải là thầy đã gọi Samuen. 3 lần như thế nhưng cả 3 lần Eli không hề gọi Samuen. Và, nhờ ơn Chúa, Eli nói với Samuen là nếu có ai gọi nữa thì hãy thưa : “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe”. Và rồi, nếu đọc tiếp trình thuật, đọc tiếp cuộc đời Samuen trong Thánh Kinh, chúng ta thấy ơn gọi của Samuen thật tuyệt vời.

 

Trang sách Samuen mà hôm nay chúng ta nghe chúng ta có cảm tưởng như đây là một câu chuyện bởi lẽ bố cục của đoạn văn rõ ràng, mạch lạc, lời văn thì lưu loát. Phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy đây là trang Thánh Kinh mang tính Thần học chứ không phải mang tính cách một áng văn.

 

       Trang Thánh Kinh Thần học này được viết vào khoảng thế kỷ thứ 9 hay thứ 8 trước Thiên Chúa giáng sinh; và như vậy cũng phải sau thời Samuel tới một, hai thế kỷ. Nghĩa là người ta đã thấy Samuen sống và đã có giờ để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời của ông ở trong Dân Chúa. Một hai trăm năm suy nghĩ như vậy tự nhiên dễ thần tượng hóa nhân vật mà người ta ngưỡng mộ. Và nhất là được viết vào khoảng thế kỷ 9 hoặc 8, tức là vào thời đại các ngôn sứ, câu truyện kể hôm nay đã phải chịu ảnh hưởng rất nhiều của phong trào ngôn sứ ở trong dân Dothái. Chúng ta có thể nói được rằng: sống ở thời các ngôn sứ, người ta đã lấy giáo lý của các ngôn sứ về ơn gọi để viết lại cuộc đời của Samuen mà người ta coi như là một trong những ngôn sứ đầu tiên.

 

Samuen là người thế nào? Ðọc lại các câu truyện viết về cuộc đời của ông có lẽ chúng ta được phép hình dung ông là một tư tế, một thẩm phán và cuối cùng một bậc ngôn sứ.

 

Trang Thánh Kinh hôm nay cũng muốn giới thiệu ông ở trong truyền thống và hàng ngũ các thầy tư tế Êli. Sách thánh viết: bấy giờ Samuen lo việc phụng sự Yavê dưới sự trông nom của Êli. Và chúng ta có thể hình dung Samuen bấy giờ là cậu bé vận áo trúc bâu (2, 18), ở với thầy Êli là một tư tế già nua, trông coi một đền thờ nhỏ ở Silô. Nói rõ rệt hơn, Samuel bấy giờ là một chú bé giúp lễ, nhưng đồng thời cũng sống trong nhà Cha sở, bởi vì mẹ cậu đã hứa dâng con lo việc nhà Chúa trước khi sinh cậu ra. Và lớn lên, Samuel cũng đã trở thành một tư tế theo kiểu thầy Êli. Người ta đã thấy ông chủ sự nhiều buổi dâng lễ cho Thiên Chúa (7,9; 9,13; 11,15; 13,8-15). Và đặc biệt chúng ta còn nhớ truyện ông đến nhà Yessê, Cha của Ðavít (16) Thấy ông tới, các kỳ mục trong thành Bêlem đã ra đón và hỏi ông: "Ngài đến, phải chăng là bình an?". Ông nói: "Bình an! Tôi đến để tế lễ cho  Giavê. Các người hãy thanh tẩy mình đi và sẽ đến dự lễ với tôi". Do đó rõ ràng ông là một tư tế.

 

Bên cạnh chức vụ là tư tế, Samuen cũng là một thẩm phán ở thời Dothái chưa có vua. Chính ông đã hướng dẫn dân chống lại quân Philitin. Và khi Kinh Thánh viết ông đã phân xử mọi việc cho dân không những ở Micpa (7, 6) mà còn trong suốt cả đời ông (7, 15). Ngay việc thiết lập chế độ quân chủ ở nước Dothái cũng phải đi qua ông. Ông xức dầu phong vương cho Saolê, nhưng dân vẫn sợ uy tín của vị thẩm phán mà họ biết chắc vẫn là "người của Thiên Chúa".

 

Từ ngữ này dần dần đã có một ý nghĩa rõ rệt. Nó chỉ các ngôn sứ, những người được Thiên Chúa thông đạt các ý định của Người để đến với dân. Dân tin họ hơn hết. Và vì thế dần dần vai trò tư tế và hoàng đế phải nhường bước cho các nhà ngôn sứ về mặt uy tín.

 

Ðối với Samuen cũng vậy, dần dần người ta không còn để ý nhiều đến sứ mệnh tư tế và thẩm phán của ông nữa; và người ta chỉ còn nhớ ông là ngôn sứ. Trang Thánh Kinh tường thuật về Samuen nằm trong chiều hướng đó. Nói đúng hơn, người ta đã lấy quan niệm về ơn gọi ngôn sứ để thuật lại việc ông được Chúa chọn để làm việc cho Người. Và quan niệm đó rất sâu sắc.

 

Người ta đã suy nghĩ nhiều về cuộc đời của Samuen. Và tác giả bài Kinh Thánh hôm nay đã đúc kết lại tâm tư của nhiều thế hệ dân Chúa. Tác giả thấy ơn gọi Samuen là hình ảnh của chính ơn gọi dân Chúa nói chung và mỗi người nói riêng. Chúa đã không kêu gọi mọi người từ thân phận hèn mọn sao? Người thật đã tỏ ra rộng lượng và nhân ái. Người trao sứ mệnh cao cả cho hết thảy miễn là ai ai cũng phải bắt chước Samuen "không để rơi xuống đất một lời nài Người đã phán" (3,19). Trang Thánh Kinh về ơn gọi Samuen cho chúng ta lời chất vấn về ơn gọi của cuộc đời.

 

Hôm nay, Gioan cũng thuật lại cho chúng ta về ơn gọi của ông cũng như anh em của ông. Trình thuật về ơn gọi của ông cũng như anh em của ông hết sức đơn giản, rõ ràng chứ không có gì làm ta phải suy nghĩ nhiều. Ông nói rõ cho chúng ta biết là ông đang đứng cùng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, bỗng dưng thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, không biết sao ngẫu hứng lại nói “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Chỉ với một câu như vậy mà hai môn đệ liền theo Chúa Giêsu. Và, chúng ta thấy câu chuyện đối đáp giữa Chúa Giêsu và các ông cũng hết sức thực tế, rõ ràng. Họ hỏi Chúa Giêsu ở đâu và Chúa Giêsu mời gọi các ông đến nơi Chúa Giêsu ở. Quả thật, các ông đã đến và đã gặp nơi ở Chúa Giêsu chứ không còn là thấy, là gặp trên lý thuyết.

 

Và, trong trang Tin Mừng hôm nay, có một chi tiết hết sức dễ thương đó là Chúa Giêsu đã đổi tên Simon thành Phêrô sau khi gặp Chúa Giêsu.

 

Cuộc đời của Phêrô, cuộc đời của các môn đệ sau khi gặp Chúa Giêsu như thế nào chúng ta đã qua biết.

Ngay cả cuộc đời của Samuen, khi khi nghe tiếng Chúa gọi thì Samuen như thế nào chúng ta cũng đã biết.

Những ai đến gặp Chúa, đều được Chúa biến đổi hay nói một cách khác hơn nữa là Chúa xung công vào công trình cứu độ của Chúa.

 

Chuyện hết sức quan trọng là chúng ta có lắng nghe tiếng của Chúa gọi để chúng ta gặp Chúa và Chúa biến đổi chúng ta hay không mà thôi.

 

Nhận ra Chúa phải mang trong mình một tấm lòng tìm kiếm, một tấm lòng lắng nghe, một tấm lòng biết đón nhận.

 

Với con người nhỏ bé và yếu đuối như Samuen, như các môn đệ thì làm sao ta có thể nghe được tiếng Chúa. Nhưng, với ơn Chúa, chúng ta tin rằng Chúa sẽ cho chúng ta được gặp Chúa như các môn đệ, như Samuen ngày xưa.

 

Chỉ trong thinh lặng và chỉ trong tìm kiếm Chúa thì Chúa mới cho gặp.

 

Gặp Chúa, ở lại với Chúa có lẽ là đủ cho chúng ta rồi. Tất cả đều qua đi, chỉ còn mình Chúa mới là quan trọng.

 

 

*******************************************************