Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đầy lửa, đủ thần

Tác giả: 
Lm Minh Anh

ĐẦY LỬA, ĐỦ THẦN

 

“Con cầu xin cho họ, là những kẻ Cha đã ban cho Con”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ, cho những ai theo Ngài vốn sẽ gặp bao nguy khốn trong thế gian. Ngài cầu xin cho họ điều gì? Ngài xin cho họ được Chúa Thánh Thần.

 

Chính sự hiện diện và sức mạnh của Thánh Thần đã nâng đỡ thánh Phaolô như tâm sự của ngài trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, “Thánh Thần báo trước cho tôi rằng, xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ gì cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng”.

 

Trong đời sống tự nhiên, tinh thần đã đóng một vai trò hết sức quan trọng phương chi trong đời sống siêu nhiên; tinh thần đó, chính là thần khí của Thiên Chúa, được gọi là Thánh Thần.

 

Trước một hoàn cảnh bế tắc, chúng ta thường nghe, “Làm sao đừng để mất tinh thần”; với Napoléon thì, “Trong chiến tranh, yếu tố tinh thần chiếm ba phần tư trong tổng thể; sức mạnh tương đối về vật chất chỉ chiếm một phần tư”. Theo ông, một đạo quân sở hữu một tinh thần mạnh mẽ sẽ làm được những điều kỳ diệu hơn một đạo quân có nhiều súng ống vật chất nhưng không có tinh thần. Tuy nhiên, Napoléon lưu ý rằng, tinh thần nếu không được nuôi dưỡng sẽ là thứ dễ bị huỷ hoại chỉ trong khoảnh khắc.

 

Cũng thế, trong đời sống siêu nhiên; ở đây, đời sống của Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu về trời, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ đóng một vai trò then chốt. Chúa Giêsu thấy trước điều đó nên Ngài khẩn khoản nài xin Chúa Cha ban cho các môn đệ, ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Để rồi, nếu nỗi buồn đè nặng tinh thần, niềm vui Thánh Thần sẽ nâng tinh thần chúng ta lên; nếu phê phán xói mòn tinh thần, tác động của Thánh Thần sẽ tài bồi nó; nếu thất bại khiến tinh thần co rút, sức mạnh Thánh Thần sẽ làm nó nên phấn chấn; nếu khước từ gây thương tổn tinh thần, sự chữa lành của Thánh Thần sẽ lành mạnh hoá nó; nếu ghen ghét đầu độc tinh thần, yêu thương của Thánh Thần lại ra sức thanh tẩy nó; nếu sợ hãi làm tê liệt tinh thần, sự tĩnh mịch của Thánh Thần lại trấn an và lay động nó.

 

Hình ảnh một cậu bé Péru 6 tuổi quỳ cầu nguyện ngay giữa đường trong đêm vào giờ giới nghiêm khi dịch bệnh đang lan tràn có thể là gương mẫu cho chúng ta. Cô Claudia Abanto, nhiếp ảnh gia đã chụp được hình ảnh sống động này. Cô chia sẻ, “Tôi đã nở một nụ cười khi bắt gặp hình ảnh này, với niềm tin và hy vọng nhỏ nhoi 1,000% của mình, nhưng hơn tất thảy, tôi đã thực sự rất hạnh phúc khi được chứng kiến tình yêu và niềm tín thác của đứa trẻ đó vào Thiên Chúa”. Cô cho biết, lý do đơn giản là vì trong nhà em quá ồn ào, đứa trẻ phải ra đường cầu nguyện. Cậu bé khiêm tốn cầu xin Chúa sớm kết thúc sự đe doạ của virus khiến toàn vùng châu Mỹ Latinh phải phó dâng cho Đức Mẹ Guadalupe. Em cầu xin Chúa một điều ước, cho ông bà và những người già được bình an, những người mà em đã không gặp sau nhiều tuần Péru phong toả. Và cô cũng cho biết, nhiều người trong khu phố đó đã gắn kết với nhau tạo ra một chuỗi cầu nguyện hằng đêm; mỗi tối, họ ra trước cửa nhà để đọc kinh cầu nguyện chung với nhau mặc những khoảng cách từ nhà này sang nhà nọ.

 

Anh Chị em,

Chúa Giêsu cầu xin Thánh Thần cho những ai thuộc về Ngài; phần chúng ta, chúng ta có khẩn thiết kêu nài Chúa Thánh Thần không. Chính Chúa Thánh Thần sẽ đem đến cho chúng ta lòng can đảm, sự bình an và niềm hy vọng, miễn sao chúng ta đừng quên van vái Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, trong mọi nghịch cảnh, xin giúp con đừng bao giờ thất thần, mất lửa; cậy nhờ ơn Chúa, cho con luôn đầy lửa, đủ thần”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)