Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cảm nghiệm sự hiện diện và hành động của Thánh Thần

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội

 

 

SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

 

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM A (31/05/2020)

CẢM NGHIỆM SỰ HIỆN DIỆN VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN

[Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20]  

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

 

Kitô giáo được khai sinh vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày mà Thánh Thần Thiên Chúa cũng là Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô xuống trên các Tông Đồ là cộng đoàn những người tin theo Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Thánh Thần luôn đồng hành cùng Hội Thánh từ ngày đó đến nay, úc nào nên người tín hữu chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần. Nhưng có những thời điểm chúng ta có thể cảm nghiệm một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần, như trong những ngày này: chúng ta có Đức Phanxicô trên ngôi vị Giáo Hoàng và chúng ta vừa mới có hai Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II là hai Thánh Giáo hoàng của Công Đồng Vatican II là Công Đồng của canh tân đổi mới và trở về nguồn.

Chúng ta hãy đọc lại những đoạn Thánh Kinh về Thánh Thần mà cảm nghiệm sâu sắc hơn nữa sự canh tân đổi mới mà Người đem đến cho các tâm hồn và Hội Thánh.

  

II. ĐỌC & LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 2,1-11): "Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói" Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: "Họ đầy rượu rồi".]

 

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 11,3b-7,12-13): "Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể" Anh em thân mến, không ai có thể nói "Đức Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

CA TIẾP LIÊN

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Đấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-23): "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần" Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI  THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

- Là Thiên Chúa Cha, Đấng đã ban Thánh Thần cho các môn đệ Chúa Giê-su trong ngày Lễ Ngũ Tuần khiến họ rao giảng Chúa Giê-su Ki-tô bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, để mọi người có mặt ở Giê-ru-sa-lem dịp lễ ấy đều có thể nghe và hiểu nội dung các bài giảng của các tông đồ.  

- Là Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, Đấng

* đã ban bình an cho các tông đồ: "Bình an cho anh em!”

* đã thổi hơi trên các tông đồ để ban Thánh Thần cho họ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.”

* đã giao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."

* đã ban cho các tông đồ quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

- Là Chúa Thánh Thần, Đấng

* đã xuống trên các tông đồ để làm cho họ nên can đảm, mạnh mẽ và khôn ngoan,

* đã đổ tràn các đặc sủng trên các tín hữu để làm cho họ nên một cộng đoàn, một thân thể hiệp nhất, yêu thương và phong phú trong phục vụ và hoạt động.

 

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, chúng ta khám phá ra sứ điệp hay giáo huấn của Lời Chúa hôm nay gồm hai nội dung:

- Nội dung thứ nhất là: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”

Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi xem  

+ Chúng ta đã thực sự đón nhận Thánh Thần chưa?

+ Chúa Thánh Thần thể hiện sự hiện diện và hoạt động của Người như thế nào trong tâm/trí và cuộc sống hàng ngày của chúng ta?

- Nội dung thứ hai là: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em!”

Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi xem

+ Chúng ta có ý thức về sứ mạng được sai đi của mình không?

+ Chúng ta thi hành sứ mạng ấy thế nào trong đời sống hàng ngày của chúng ta?

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như người bạn sống với bạn mình, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuân phục!

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay giáo huấn của Lời Chúa qua 4 bước:

- Bước 1: Đón rước Chúa Thánh Thần và đầu phục Người. Đã chịu Phép Rửa Tội và Thêm Sức là chúng ta đã đón nhận Chúa Thánh Thần vào lòng mình rồi. Nhưng có thể là chúng ta chưa ý thức về sự kiện đó và chưa biết cách sống với Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng chúng ta. Vậy chúng ta hãy đánh thức Người dậy bằng những lời cầu xin được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày: “Lạy Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng con, xin Người tỏ mình và hành động trong con!”

- Bước 2: Để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong/qua chúng ta. Trước hết, chúng ta phải tạo một khoảng tĩnh lặng trong tâm trí và cuộc sống của chúng ta để có thể nghe được tiếng của Chúa Thánh Thần. Kế đến, chúng ta hãy để Người thúc đẩy chúng ta làm những gì Người soi sáng. 

- Bước 3: Ý thức sứ mạng được sai đi của mình, nhờ/qua việc

* đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày,

* chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ,

* học hỏi Thánh Kinh và cầu nguyện với Lời Chúa,

* rèn luyện tâm linh,

* thực thi các việc bác ái, từ bỏ và dấn thân.

- Bước 4: Thực thi sứ mạng được sai đi của mình, bằng cách

* chu toàn bổn phận trong gia đình, cộng đoàn và xã hội,

* tham gia đóng góp vào công cuộc Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội,

* mạnh dạn ra đi làm chứng cho Chúa và Tin Mừng. 

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 “Bình an cho anh em” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho các dân tộc đang phải chịu cảnh dịch bệnh coronavirus tàn phá, để họ được hưởng một nền hòa bình chân chính và vững bền.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ -, để mọi Ki-tô hữu được tràn đầy Thánh Thần của Chúa Ki-tô.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết quý trọng và triển khai các ơn huệ của Thánh Thần trong việc xây dựng cộng đoàn gia đình, giáo xứ và xã hội một cách hài hòa và vững mạnh.        

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà truyền giáo thời nay để họ kiên trì trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

Sài-gòn ngày 25/05/2020

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.