Chúa Thánh Thần đem bí tích vào đời sống như thế nào
Chúa Thánh Thần đem bí tích vào đời sống như thế nào
Lại Thế Lãng dịch
Khi một bà mẹ ôm đứa con trai, cái ôm đó là một dấu hiệu rõ ràng, hữu hình của một tình yêu dành cho người con. Khi một sinh viên tốt nghiệp trường y, tấm bằng tốt nghiệp cô ta nhận được là một dấu hiệu hữu hình có thể nhìn thấy, chuyển tải một sự thật vô hình. Tấm bằng đó nói với mọi người “Người này bây giờ đã được đào tạo đầy đủ và có đủ kinh nghiệm để hành nghề y”.
Đây là một cách để hiểu các bí tích và công việc của Chúa Thánh Thần trong những bí tích đó. Tất cả bảy bí tích đều sử dụng những thực thể hữu hình: nước, dầu và muối trong bí tích Thánh Tẩy, bánh và rượu trong bí tích Thánh Thể, việc đặt tay và dầu Thánh trong bí tích Thêm Sức. Đây là tất cả những dấu hiệu có thể nhìn thấy bên ngoài nói lên công việc bên trong của Thần Khí trong đời sống chúng ta. Bởi quyền năng của Thần Khí, những dấu hiệu này được biến đổi và thực sự đem lại công việc của Thiên Chúa mà những dấu hiệu đó biểu hiện: nước thực sự rửa chúng ta khỏi tội lỗi. Bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Dầu Thánh thực sự gắn kết chúng ta với qùa tặng của Chúa Thánh Thần.
Bây giờ hãy giả sử rằng cậu bé nhận được cái ôm của mẹ mình khi vừa ra khỏi cơn giận dữ và vẫn còn buồn bã với mẹ mình. Điều đó liệu có làm cho cái ôm của bà trở thành không thật? Liệu nó có kém đi ý nghĩa bởi vì con bà không mở lòng để đón nhận tình yêu của bà? Không. Tình yêu của người mẹ rõ ràng vẫn ở đó, nó đúng là không thay đổi vì những điều đó.
Tương tự như vậy, thánh Augustine đã dạy rằng ân sủng của mỗi bí tích luôn được tuôn đổ trên chúng ta khi chúng ta nhận những bí tích này. Vì vậy ngay cả khi đứa trẻ sơ sinh ngủ trong khi bé được rửa tội, bé vẫn được trở thành “tạo vật mới” (2Cr 5: 17). Ngay cả vị linh mục khi nghe chúng ta xưng tôi bị sa vào tội lỗi của riêng mình, chúng ta vẫn thực sự được tha tội khi linh mục công bố lời tha tội. Và ngay cả khi chúng ta hoàn toàn bị phân tâm trong Thánh lễ, chúng ta vẫn nhận được chính Chúa Giêsu, Mình và Máu, linh hồn và thần tính khi chúng ta rước lễ.
Ân sủng bí tích ràng buộc và không ràng buộc
Rõ ràng có một sự tương quan giữa những hiệu quả của các bí tích có trong cuộc sống chúng ta và mức độ cởi mở và tiếp nhận của chúng ta đối với Chúa. Như nhiều Giáo phụ đã nói, các bí tích có thể bị “ràng buộc” bởi tình trạng của người nhận bí tích. Điều này có nghĩa là hiệu quả ân sủng của Thiên Chúa bị hạn chế. Nó có nghĩa là chúng ta không cảm nghiệm ân sủng luôn hiện diện trong bí tích đó. Cho dù đó là sự thờ ơ, cứng lòng, tội chủ động hay bất tín thì thái độ và khuynh hướng của chúng ta cũng tạo ra sự khác biệt rất quan trọng.
Một công thức thực sự đơn giản. Nếu chúng ta đi xưng tội và biết chúng ta cần lòng thương xót của Thiên Chúa đến chừng nào, chúng ta như cảm nghiệm được lòng thương xót đó trong một cách giúp chúng ta thay đổi. Nếu chúng ta rước lễ với lòng biết ơn về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu thì tâm hồn chúng ta sẽ được nâng lên bởi tình yêu thương của Ngài khi chúng ta rước Ngài vào lòng.
Ngược lại, nếu chúng ta chỉ dành ít thời giờ cho Chúa Giêsu, nếu chúng ta chọn sống trong tội lỗi hay nếu chúng ta tiếp cận với sự thờ ơ và thiếu kỳ vọng, chúng ta sẽ cảm thấy như thể chúng ta chẳng nhận được gì từ bí tích. Hãy nghĩ về Giuđa Itcariốt. Ông ta đã nhận được Bánh Hằng sống trong bữa Tiệc ly nhưng việc đó đã chẳng có hiệu quả đích thực trong tâm trí và trong quyết định của ông.
Bí tích không phải là phép thần thông. Bí tích không giống như một viên aspirin chúng ta uống để hết bị đau. Một lần nữa, thánh Augustine nói với chúng ta “Đấng tạo thành chúng ta mà không có chúng ta sẽ không cứu chúng ta mà không có chúng ta”. Các bí tích đầy rẫy ân sủng của Thiên Chúa, nhưng hiệu qủa của ân sủng đó phụ thuộc vào thái độ mềm mỏng của chúng ta đối với Thiên Chúa và biết nói vâng với Ngài. Thiên Chúa sẽ không bao giờ tự áp đặt Ngài trên chúng ta. Ngài trông chờ chúng ta mở lòng ra và nói “Lạy Chúa Giêsu, con cần ân sủng của Ngài, con muốn nhận được ân sủng của Ngài”.
Thần khí và Bí tích
Chúa Thánh Thần có liên quan mật thiết trong mỗi bí tích. Chân lý này được nhấn mạnh đặc biệt trong thời gian của Công đồng Vatican II. Một thần học gia thế kỳ hai mươi, linh mục François-Xavier Durrwell, đã viết “Mỗi bí tích được thiết lập trong Thần Khí và đồng thời là những ống máng nơi Thần Khí hoạt động”.
Linh mục Yves Congar, một tiếng nói rất có ảnh hưởng trong Công đồng, cũng dậy rằng “Trong suốt lịch sử của Giáo hội, hiệu quả ân sủng của các bí tích luôn luôn tượng trưng cho hiệu quả của Chúa Thánh Thần”. Congar tiếp tục “Qua bí tích, Chúa Giêsu ở trong chúng ta nhưng để cho sự hiện diện bí tích có được hiệu quả, Chúa Thánh Thần phải thêm vào hơi thở của Ngài, ngọn lửa của Ngài và sự sống của Ngài”.
Thánh Kinh khuyến khích chúng ta được “tràn đầy Thần Khí” (Êp 5: 18; Cv 6: 3). Thánh Kinh mô tả lời hứa của Thiên Chúa “đổ tràn” Thần Khí của Ngài (Cv 2: 17, 18) và về việc chúng ta cần “mặc” lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần (Lc 24; 19).
Tất cả những hình ảnh này cũng như lời lẽ của vô số nhà thần học truyền đạt cái ý tưởng về một điều gì đó khác biệt – Chúa Thánh Thần – đến trên chúng ta và trở thành một phần của chúng ta. Tất cả họ đều nói về cách Thần Khí muốn thay đổi chúng ta thông qua các bí tích để chúng ta có thể càng ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Tất cả họ đều mô tả hoạt động của Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được trong ngày chúng ta được Rửa tội, khi Ngài ban nhiều ơn sủng và tình yêu của Ngài trên đời sống chúng ta. Điều này là lấp đầy, là tuôn đổ, là mặc cho chúng ta – đây là trung tâm của mỗi bí tích và tại trung tâm hiệu qủa của bí tích đó đã cho chúng ta.
Những trải nghiệm của ân sủng
Mô tả hoạt động của Chúa Thánh Thần, linh mục Karl Rahner, một thần học gia có ảnh hưởng khác của Công đồng Vatican II viết “Ở dưới đây con người có thể có những trải nghiêm về ân sủng đã cho anh ta một cảm giác tự do, mở một chân trời hoàn toàn mới cho anh ta, tạo ra một ấn tượng sâu sắc trên anh ta, chuyển đổi anh ta, định hình, thậm chí trong một thời gian dài, cả thái độ Kitô hữu sâu sắc nhất của anh ta. Không có gì có thể cấm cản chúng ta gọi những cảm nghiệm như thế là phép thanh tẩy trong Thần Khí”.
Chẳng phải là sự mô tả này cũng giống như những gì chúng ta có thể trông đợi mỗi lần chúng ta cử hành bí tích sao? Bởi vì Chúa Thánh Thần là ở trung tâm của mọi ân sủng mà các bí tích đổ ra. Chúng ta có thể nói rằng mỗi lần cử hành bí tích là một cơ hội cho chúng ta để được “thanh tẩy” hay được đắm mình trong tình yêu và ân sủng của Thần Khí.
Những loại “trải nghiệm ân sủng” này là những gì đã xẩy ra khi Chúa Giêsu bẻ bánh trước hai môn đệ trên đường Em-mau. Đây là điều đã làm cho thánh I-Nhã của thành Loyola khóc vì vui mừng vì cuối cùng ông đã có thể cử hành Thánh lễ như là một linh mục. Đó là tại sao ĐTC Phanxicô đã xưng thú tội lỗi của mình trước khi nghe người khác xưng tội.
Vì vậy mỗi khi chúng ta tham dự vào một bí tích hãy mở lòng ra với Thần Khí. Hãy nhớ rằng Ngài luôn ở đó, sẵn sàng hoạt động trong chúng ta. Hãy xin Chúa Thánh Thần “mở ra những chân trời hoàn toàn mới” và “tạo ấn tượng sâu sắc” trong chúng ta với mỗi bí tích chúng ta nhận. Hãy xin Ngài “biến đổi” chúng ta “trong một thời gian dài” để chúng ta nhận biết được cái ôm nồng ấm của Cha trên trời./.
- Tổng Hơp: