Vun trồng sự kinh ngạc, Thằng mõ hay là đứa vỗ tay
VUN TRỒNG SỰ KINH NGẠC
“Anh em hãy chữa lành”;
Hãy nói, “Bình an cho nhà này”.
Kính thưa Anh Chị em,
Dù không thuộc nhóm mười hai, nhưng thánh Barnaba hôm nay Giáo Hội mừng kính vẫn được tác giả thánh sử Luca gọi là tông đồ. Như Phaolô, Barnaba nhận từ Thiên Chúa một sứ vụ đặc biệt, ngài cũng được Thánh Thần đặc cách sai đi. Thánh nhân người gốc Do Thái, quê ở Cyprô, tên là Giuse; về sau, được gọi là Barnaba. Tên gọi này có nghĩa là “con của sự an ủi”. An ủi là chữa lành, là đem bình an cho người khác.
Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu sai các môn đệ như những con cái của sự an ủi ra đi. Lời đầu tiên Ngài nói với họ là, “Anh em hãy chữa lành” và lời cuối cùng là, “Hãy nói, ‘Bình an cho nhà này’”.
Và như thế, Barnaba đã thực hiện hai lời dặn dò của Chúa Giêsu một cách rõ nét trong đời mình. Ông đã chữa lành Phaolô khi đứng ra bảo lãnh người bạn đồng hành trước mặt các tông đồ, đã giúp hai phía đón nhận và cộng tác với nhau; Barnaba cũng đã chữa lành giáo đoàn Antiôkia non trẻ, nâng uy tín họ trước giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Như thế, Barnaba đúng là “con của sự an ủi”, người đã làm cho tông đồ đoàn hiệp nhất và các giáo đoàn nên một.
Như thánh Barnaba, chúng ta cũng là những sứ giả chữa lành và trao tặng bình an. Thế nhưng, làm sao có thể chữa lành người khác nếu tâm hồn chúng ta thương tật; làm sao trao tặng bình an nếu tâm hồn chúng ta bất an. Vậy như Barnaba, trước hết, chúng ta hãy mềm mỏng với Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ chữa lành, ban bình an cho chúng ta và rồi, cùng Ngài, chúng ta đem Tin Mừng bình an và chữa lành của Chúa đến cho người khác.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Thiên Chúa gieo vãi con ở đâu, hãy hy vọng ở đó. Bất cứ nơi đâu, con cũng hãy xây dựng hoà bình. Hãy mơ ước một thế giới tốt đẹp; hãy có trách nhiệm với thế giới và sự sống của mỗi người. Thế giới bước đi nhờ bao người đã mở lối, xây cầu, ước mơ và tin cậy. Bất cứ ở đâu, con cũng hãy xây dựng! Nếu con ngã xuống, hãy đứng lên; nếu con đang ngồi, hãy bước tới; nếu sự chàm chán làm con tê liệt, hãy xua đuổi nó với những việc lành; nếu con cảm thấy trống rỗng và mất tinh thần, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ làm tràn đầy sự hư không của con”.
Một buổi chiều nọ, một bà chủ nhà nghe tiếng ồn ào bên ngoài. Nhìn qua cửa sổ, bà thấy một chiếc xe hàng to đùng đậu ngay trước nhà đối diện. Một nhóm thanh niên đang khiêng không biết cơ man nào là những nhạc cụ vào căn nhà. Biết rằng, đêm nay sẽ phải chịu đựng những tiếng ồn ào đinh tai nhắc óc… và sẽ không ngủ được, bà vô cùng tức giận. Vừa lúc ông chồng đi làm về, bà bắt đầu đổ hết bực dọc lên ông. Ông chồng tỏ vẻ bình tĩnh, ôn tồn nói, “Sao lại bực tức đến thế? Tôi tưởng bà thích chứ, đó là những nhạc sĩ lừng danh, họ đã từng trình diễn đó đây trên khắp thế giới. Này bà, mình sắp sửa ngồi nghe những bản nhạc nổi tiếng mà khỏi phải trả đồng nào. Bà không thích sao?”. Nghe đến đó, bà vợ đổi nét mặt, từ bực tức thành tươi cười. Bà điện thoại cho các bà bạn khác, mời họ đến nhà nghe nhạc. Bà pha trà và chuẩn bị một số bánh để họ thoải mái thưởng thức âm nhạc đến khuya.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tạo dựng hoà bình và biết nhìn mọi sự cách tích cực. Trước những gì bất ưng, hãy kiên nhẫn, hiền hoà để có thể trở nên những sứ giả bình an và chữa lành.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để có thể chữa lành và trao tặng bình an, xin cho con được thấm đẫm Chúa bằng việc cầu nguyện; từ đó, con có thể là người luôn vun trồng sự kinh ngạc”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
THẰNG MÕ HAY LÀ ĐỨA VỖ TAY
“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Kính thưa Anh Chị em,
Bài đọc sách Các Vua kể cho chúng ta câu chuyện ly kỳ đầy thách thức và liều lĩnh của Êlia trước những người chạy theo Baal thần ngoại mà quên đi lề luật của Thiên Chúa. Êlia đã đem mạng sống mình để làm tất cả những gì có thể hầu đưa dân về lại với Chúa. Cũng thế, Chúa Giêsu, Êlia mới, rồi đây sẽ đánh cược mạng sống mình cốt để người đương thời trở về với Đức Chúa Trời. Ngài nói trong Tin Mừng hôm nay, “Anh em đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri. Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Dưới thời Akháp, không ai hiểu rõ Israel bằng Êlia, đó là một Israel phân rã, bên trong thì phá sản, luật pháp rối loạn, luân lý xuống cấp; ngoài biên thuỳ thì Babylon gầm gừ, thôn tính đe doạ và ‘hứa hẹn’ những năm tháng lưu đày. Akháp bạc nhược, đắm mình trong tửu sắc, xây cung điện nguy nga; ông là thủ phạm vụ án cướp đất và giết Navốt, lòng tham không đáy của vua được tiếp ứng bởi những thủ đoạn hèn mạt của hoàng hậu Ideven. Điều đau đớn là dân chúng, kỳ mục và thân hào làm theo lệnh bà, họ chạy theo các Baal của bà từ vua cho đến dân. Êlia gióng giả, dân đã lạc xa Chúa, dân đang ở giữa một cuộc khủng hoảng đức tin, khủng hoảng đạo đức, “Các ngươi còn đi nước đôi cho đến bao giờ? Nếu Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; nếu Baal là chúa, hãy chạy theo nó!”.
Với Israel, qua mọi thời, lề luật là một cái gì linh thánh Thiên Chúa đã ban cho dân qua Môisen; đó là khuôn vàng thước ngọc giữ cho dân đi trong đường lối Người về mặt tôn giáo cũng như dân sự xã hội. Thế nhưng, qua dòng thời gian, lề luật đã bị thêm thắt, giải thích theo mặt chữ để rồi, trở nên hình thức đang khi cốt lõi bên trong lại bị đánh mất. Cốt lõi đó là yêu thương. Đã bao lần Chúa Giêsu ra sức giải thích cho người đương thời, lề luật có ra vì con người chứ không phải ngược lại. Ngài cố tình đưa lề luật lên một cấp độ cao hơn, thâm sâu hơn; cấp độ của tâm hồn, của con tim, cấp độ của lòng yêu mến trong Thánh Thần. Lề luật giờ đây không chỉ được khắc trên bia đá hay viết trên da thuộc, nhưng được viết trong tim, khắc trong hồn. Thế nhưng, Ngài vẫn bị coi là kẻ gây rối, mất trật tự, vi phạm lề luật, phá lệ Sabbat… gây khủng hoảng và dù, đúng là một cuộc khủng hoảng đạo đức và lề luật thật sự.
Về sự khủng hoảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Tôi cảm thấy tiếc cho một nhân loại không có khủng hoảng! Vì tất cả đều hoàn hảo, tất cả đều trật tự, tất cả đều đã được là ủi bóng loáng, phẳng phiu. Nếu đánh giá một nhân loại như vậy, nó sẽ là một nhân loại bệnh hoạn, rất bệnh hoạn”. Ngài nói tiếp, “Trong một cuộc khủng hoảng, nỗi sợ hãi xâm chiếm con người; chúng ta tự khép mình như những cá nhân và bắt đầu nhẩm đi nhẩm lại những gì là lợi ích vốn vô cùng ít ỏi. Chúng ta làm cho mình ra trống rỗng trước những ý nghĩa, che giấu ơn gọi của mình và đánh mất vẻ đẹp, một vẻ đẹp, như Dostoyevsky nói, sẽ cứu thế giới”.
Anh Chị em,
Thời nào cũng thế, xã hội và Giáo Hội cần đến những con người lội ngược dám khua chiêng gõ mõ như Êlia, như Chúa Giêsu trước những cơn khủng hoảng hơn là những con người chỉ biết vỗ tay, bầy đàn. Một đất nước, một thể chế, một tổ chức… rất cần thiết phải có những tiếng nói độc lập, đó là chưa nói đến đối lập. Nước Mỹ không chỉ có những con người Cộng Hoà, nhưng còn cần đến tiếng nói của người Dân Chủ và các nhóm khác nữa; không chỉ cần voi nhưng còn cần đến lừa và cả sư tử, hắc báo cùng các con vật khác.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con là thằng mõ hay là đứa vỗ tay”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: