Mùi hương của thiên đàng, Đầy ắp ở đó rồi
ĐẦY ẮP Ở ĐÓ RỒI
“Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thi thoảng, chúng ta nghe nói, “Em ấy đẹp như Đức Mẹ; chị ấy mới nhìn qua, tựa Đức Mẹ” và chúng ta tạm đồng ý là Đức Mẹ đẹp. Nhưng Đức Mẹ đẹp thế nào, điều gì làm cho Đức Mẹ đẹp? Đó là câu hỏi chúng ta thử đặt ra trong ngày lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ hôm nay.
Mẹ là “Đấng Đầy ơn Phúc”, đó chính là nét đẹp đầu tiên của Mẹ, trình thuật Truyền Tin đã nói lên điều đó; với Chúa, Mẹ hằng chiêm ngắm và sống Lời Người, nét đẹp thứ hai; đồng thời, Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng các biến cố, đó cũng là một nét đẹp khác. Biến cố lạc mất Chúa trong Tin Mừng hôm nay là một ví dụ.
Trước hết, thiên sứ vào nhà một trinh nữ, có thể nói, một thiếu nữ tiểu tốt, vậy mà lời chào của ‘rồng đến nhà tôm’ ấy lại chẳng vô danh chút nào, “Kính chào Bà Đầy Ơn Phước, Chúa ở cùng Bà”; ôi, Mẹ là phụ nữ đầy ơn phước, có phước nhất giữa muôn vàn phụ nữ. Tiếp đến, Tin Mừng nói, Mẹ “Hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”; thánh Giáo Hoàng Phaolô VI gọi Mẹ là “Virgo Audiens, Trinh Nữ Lắng Nghe”; thánh Augustinô thì cho việc được làm môn đệ Chúa Kitô lại giá trị hơn việc được làm mẹ. Trước khi Ngôi Lời ngự xuống lòng Mẹ, Lời Chúa đã đầy ắp ở đó rồi. Mẹ cưu mang Ngôi Lời chín tháng, cho bú mớm ba năm; nhưng Lời đã nuôi dưỡng linh hồn Mẹ khi Mẹ còn thơ ấu và ở mãi đó suốt đời. Mẹ sinh một Ngôi Lời, còn Lời thì sinh hoa kết trái vô vàn nơi Mẹ. Mẹ là mẹ của Ngôi Lời, nhưng Mẹ cũng là môn đệ của Lời; Chúa ở trong Mẹ, Mẹ ở trong Chúa. Vì thế, có thể nói, trái tim vô nhiễm của Mẹ là một trái tim cực sạch; ở đó, Lời Chúa đầy ắp đến ngập tràn. Đó là những nét đẹp đặc trưng của Mẹ.
Lời Chúa đầy ắp khiến Mẹ lặng lẽ, một sự lặng lẽ tuyệt vời để Mẹ trở nên kiểu mẫu cho những ai biết để tâm lắng nghe tiếng nói bên trong của Thánh Thần. Mẹ lặng lẽ, âm thầm và hầu như Mẹ chọn thinh lặng suốt đời để trở nên người con linh hoạt thường xuyên của Thánh Thần, nhờ đó, Mẹ có thể vượt qua mọi nỗi gian truân trong cuộc đời như Bêlem, như Nazareth, như Cana hoặc như ngày lạc mất Chúa hay cả chiều tê tái trên đồi Canvê.
Trong tập thơ “Người Làm Vườn”, thi hào Tagore đã mô tả người phụ nữ thế này, “Hỡi người phụ nữ, ngươi không chỉ là kiệt tác của Thượng Đế nhưng còn là công trình của loài người. Con người luôn tô điểm cho ngươi để ngươi thêm rực rỡ, các thi sĩ dệt cho ngươi chiếc voan mỹ lệ với những dây vàng óng ả của óc tưởng tượng; các hoạ sĩ tô vẽ cho ngươi một chân dung mới mẻ và bất tử; biển khơi đọng cho ngươi muôn châu ngọc, hầm mỏ dâng cho ngươi đá quý vàng ròng; vườn ngày hạ tặng cho ngươi muôn đoá hồng để ngươi thêm cao sang. Khao khát của lòng người làm cho ngươi trẻ mãi; một nửa ngươi là phụ nữ, một nửa ngươi là giấc mộng”.
Anh Chị em,
Những vần thơ ấy như muốn nói rằng, một phụ nữ lý tưởng sẽ không bao giờ có trên mặt đất này; mãi mãi người phụ nữ ấy vẫn là đối tượng của ảo mộng hơn là hiện thực, của ước mơ hơn là nhìn thấy. Ấy thế, với Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, điều này lại là một sự thật. Với Đức Maria, Thiên Chúa đã không tiếc công khi phải ròng rã đợi chờ Mẹ; Người đợi Mẹ mỏi mòn ngàn năm này đến ngàn năm khác từ khi nhân loại ngã sa; để qua Mẹ, Thiên Chúa tái lập chương trình cứu độ của Người khi Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Độ trần gian.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ Maria, Mẹ nói ít nhưng cầu nguyện nhiều; con thì nói nhiều, cầu nguyện ít. Xin cho con đầy ắp Lời Chúa như Mẹ để có thể nói nhiều với Chúa trong một thinh lặng đầy”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
MÙI HƯƠNG CỦA THIÊN ĐÀNG
“Vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tâm là tim, thánh tâm là tim thánh. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ chúng ta chiêm ngắm trái tim cực thánh của Ngài, một trái tim khiêm nhượng hiền lành, một trái tim yêu thương đến đời đời.
Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Tất cả hãy đến với Tôi, tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn anh em sẽ gặp được bình an”.
“Hãy đến với Tôi”, lời mời gọi của Chúa Giêsu gửi đến tất cả mọi người không trừ ai, người lành thánh, kẻ tội lỗi; người mạnh khoẻ, kẻ yếu đau. Ngài nói với bậc làm cha mẹ vốn đang cảm thấy một cách nào đó bị bỏ mặc bởi những đứa con bất hiếu; Ngài nói với những người đang hụt hẫng khi gia đình hoặc cộng đoàn hiểu lầm; Ngài nói với những người đang chới với khi một người thân đột ngột ra đi; Ngài nói với những người đang cảm thấy sự khô khốc của một cuộc sống vô vị khi mỗi ngày mới là một ngày sợ hãi; Ngài nói với những người đang cảm thấy bị phản bội trong một tương quan; Ngài nói với những người đang lo sợ vì tuổi tác đang nhẫn tâm tước đi sức khoẻ và những gì xem ra an toàn; Ngài nói với những ai đang mang những gánh nặng của kèn cựa dẫm đạp hoặc đang phải đương đầu với một tương lai tối mù; Ngài nói với những ai đang gánh những gánh rất nặng của những tổn thương, mất mát, thất nghiệp và nghiện ngập; rồi Ngài cũng nói với người đang bị tội lỗi đè nặng lương tâm.
Ấy thế, những biến cố ấy, những tình trạng ấy tự chúng xảy ra, chuyển dịch hay đứng yên theo cách thức của chúng, một cách thức có thể nói là thiên hình vạn trạng. Vào chính những lúc đó, Chúa Giêsu đang nói với mỗi người chúng ta, “Hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi”. Đó là một bảo đảm kèm theo một lời hứa trìu mến nhất, ủi an nhất phát xuất từ một tấm lòng nhân hậu của một Thiên Chúa cứu độ, yêu thương và từ tâm. Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu ngỏ với mỗi người chúng ta trong Tin Mừng hôm nay là một lời mời gọi sống còn. Ngài mời gọi chúng ta chạy đến với Ngài để được bổ sức, để được bình an. Đến với Ngài, chúng ta cảm thấy thật sự cảm thấy an toàn tin tưởng, bởi lẽ Ngài thật sự “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Theo nhà thần học Isaac người Syria, một người thực sự khiêm nhường là người toả ra một hương thơm nhất định nào đó mà những người khác sẽ cảm nhận được và ngay cả động vật cũng cảm nhận đến mức mà các loài hoang dã kể cả rắn rết cũng bị thu hút để không bao giờ làm hại người này. Với Isaac, người khiêm nhường có mùi hương của thiên đàng. Đứng trước một người như vậy, chúng ta không cảm thấy mình bị phán xét, không có gì để sợ và điều này đúng với cả động vật. Họ cảm thấy an toàn bên cạnh một người khiêm nhường và bị thu hút bởi người đó. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người như thánh Phanxicô Assisi có thể nói chuyện với chim muông, kết bạn với chó sói. Khiêm nhường có một mùi hương, mùi của đất mùn, đất thó pha lẫn mùi của thiên đàng.
Và nếu như thế, thì Chúa Giêsu quả là một con người khiêm nhường hiền lành thực sự. Bàng bạc trong các sách Tin Mừng, chúng ta chứng kiến biết bao con người đã tìm đến với Ngài. Họ đã đến, được Ngài bổ sức, chữa lành và ra về bình an.
Anh Chị em,
Chính lúc chúng ta tuyệt vọng, chính lúc bầu trời sụp đổ khi chúng ta rơi vào lũng xoáy và chỉ đủ sức kêu lên, “Tại sao, lạy Chúa?” thì này, Chúa Giêsu đem đến sự nghỉ ngơi cho tâm hồn. Ngài mời chúng ta đến để trải nghiệm thế nào là nghỉ ngơi, thế nào là ánh sáng, thế nào là sự tươi mới Ngài ban tặng khi tâm hồn chúng ta đang tả tơi. Với Ngài là nguồn ủi an và là phương dược cứu chữa, chúng ta sẽ có khả năng mang lấy gánh nặng cuộc sống vì ách Ngài êm ái, gánh Ngài nhẹ nhàng.
Chuyện kể về cô Roy Campanella. Mỗi ngày, cô phải ngồi xe lăn đến phòng Vật Lý Trị Liệu, cô không buồn để ý một tấm bảng đồng ngay ở hành lang. Thế rồi, một buổi chiều, xe cô dừng lại, cô tò mò đọc: “Lạy Chúa, con cầu xin mạnh mẽ để thành đạt, Chúa cho con yếu ớt để khiêm hạ; con cầu xin sức khoẻ để làm điều lớn lao, Chúa cho con tàn tật để làm những việc nhỏ tốt lành; con cầu xin giàu sang để hạnh phúc, Chúa cho con nghèo khó để học biết khôn ngoan; con cầu xin uy quyền để được kính nể, Chúa cho con thấp hèn để biết con cần Chúa; con cầu xin có được tất cả để tận hưởng cuộc đời, Chúa cho con cả cuộc đời để tận hưởng mọi sự. Con xin gì Chúa cũng không chiều nhưng những điều lẽ ra con phải mơ ước, con lại không biết để xin, thì Chúa lại ban dư tràn từ lâu. Lạy Chúa, hoá ra, con là người có phúc hơn hết trên cõi đời, bởi con đã nhận được từ Chúa vô vàn ân phúc”. Cô bỗng cảm thấy một niềm vui vô bờ trào dâng từ đáy tâm hồn, một tâm hồn bấy lâu tuyệt vọng vì tủi nhục. Chiếc xe lăn của cô chầm chậm rẽ vào một nhà nguyện gần bên, những giọt nước mắt hạnh phúc long lanh rơi xuống và chiều cũng xuống mênh mang.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi khi kiệt sức, xin đừng để con loay hoay nhọc sức, một hãy chạy đến với Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: