Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mượn đấu Chúa mà đong, Những nẻo hẹp thánh

Tác giả: 
Lm Minh Anh

ĐẤNG ĐẾM TÓC

 

“Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao?

Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Ý nghĩa biết bao khi hôm nay, cùng với nhiều nước trên thế giới, chúng ta mừng ngày của những người cha, Fathers’ Day, thì Chúa Giêsu lại nói với chúng ta về một người Cha trên trời. Ngài nói, “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn”; “Nào người ta không bán hai con chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến”.

 

Những lời yêu thương của Chúa Giêsu vừa là dặn dò vừa là ủi an; vừa là khuyên răn vừa là hứa hẹn; vừa là cảnh báo vừa là vỗ về. Vừa nghe qua, những lời này xem ra không mấy lạc quan nhưng đó cũng là những lời chứa chan hy vọng. Ngài không chỉ nói với các môn đệ thuở xưa, nhưng với các môn đệ mọi thời, trong đó có chúng ta, những môn đệ hôm nay. Chúa Giêsu không giấu nhẹm một điều gì, Ngài nói đến những người giết được thân xác tức là nói đến những người có thể bắt bớ, hạch xách, tù đày những ai theo Ngài; ở chỗ khác Ngài, nói đến chia rẽ, phân hoá, đấu tố mà người môn đệ mọi thời phải chịu vì danh Ngài. Nhưng cuối cùng, Ngài kết luận, “Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ, các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần”.

 

Thì ra Thiên Chúa, ngoài một cái tên khác Người có là “Xót Thương” thì hôm nay, chúng ta còn có thể gọi Người là “Đấng Đếm Tóc”. Vậy thì điều gì khiến con cái Chúa không sợ hãi vì đã có “Đấng Đếm Tóc” là Cha trên trời. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta câu trả lời, hãy tựa nương vào Chúa; tựa nương vào Chúa là lý do khiến chúng ta không sợ hãi. Giêrêmia nói, “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”, vì “Chính Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ”. Thánh Vịnh cũng đã nói như thế, “Phúc thay người tựa nương vào Chúa”.

 

Cuộc đời Giêrêmia báo trước cuộc đời của Chúa Giêsu, đó là những cuộc đời không sợ hãi dù là những cuộc đời của gian nan và thử thách. Người ta đem Giêrêmia đi chôn sống; người ta cũng đem Chúa Giêsu đi làm thịt. Dẫu dân chúng manh tâm hãm hại Giêrêmia, ông vẫn bình tĩnh thi hành sứ vụ nói lời Chúa dạy; dẫu giới tư tế kinh sư quyết định giết Chúa Giêsu, Ngài vẫn nói lời của Cha trên trời. Như Giêrêmia, Chúa Giêsu không cần làm vừa lòng mọi người; điều Ngài muốn là làm vui lòng Cha vì Ngài đã tựa nương hoàn toàn vào Người.

 

Cuộc sống của Chúa Giêsu đã chứng tỏ cách sống của Ngài; Ngài bình an, thanh thản và tự tại đến cùng. Cũng thế, điều đáng sợ đối với chúng ta không phải là cái chết nhưng sống một cuộc sống đã chết. Tựa nương vào người đời, nương theo ý muốn của người đời, cậy vào người đời mà hành xử, chiều lòng họ. Sống một cuộc sống như thế chẳng khác nào đã chết, điều này đáng sợ hơn.

 

Chuyện kể về một thiếu nữ Do Thái vốn không chịu khuất phục khi người ta buộc cô tố cáo người khác thời đệ nhị thế chiến. Biết mình sắp bị đem xuống tàu để chuyển đến trại Auschwitz, nơi không có ngày về, cô gái đã viết một bức thư nhét vào một cái chai pénicilline rỗng. Ít lâu sau, chiến tranh kết thúc, người ta tìm thấy cái chai trên một bờ biển, nội dung bức thư như sau, “Lạy Chúa, con biết, con sắp chết, nhưng con muốn thưa với Chúa rằng, những ngày cuối cùng của đời con là những ngày dông bão con đã trải qua trong những địa ngục trần gian nầy với bao sỉ nhục, đắng cay mà một phụ nữ như con có thể chịu đựng. Thế nhưng, Chúa thấy đó, con vẫn cậy trông vào Chúa, con không mất niềm tin và sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn, vì con biết Chúa đang ở với con, đang thử thách con. Hôm nay, biết rằng giờ con đã điểm khi con xuống tàu để lãnh lấy bản án, con muốn thưa với Chúa một điều cuối cùng, là dù Chúa có dồn con đến cái tột cùng của sự khổ đau đến đâu, thì con, con cũng sẽ không bao giờ đánh mất niềm tin nơi Chúa. Chúa sẽ thua con, Chúa sẽ không thắng được con”. Ký tên, Etty Hillesum.

 

Anh Chị em,

 

Ngày nay, tuy không còn phải chịu những khổ đau dữ tợn như trong thời Giêrêmia, thời Chúa Giêsu, thời các thánh tử đạo, thời của Đức quốc xã… nhưng chúng ta vẫn đang phải đối diện với những cuộc tấn công khác có thể còn nguy hiểm hơn, tinh vi hơn gấp bội. Đó là chủ thuyết tương đối, đó là sức mạnh của tiền bạc, của quyền lực, địa vị, thụ hưởng và tự do buông thả. Những thử thách này đã làm cho bao nhiêu tín hữu thuộc mọi đấng bậc ngất ngưỡng, gục ngã; đã lôi kéo bao linh hồn rời xa Hội Thánh và lãng quên Thiên Chúa. Hãy cầu xin cho mình được tĩnh táo.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con biết rằng, mức độ con để mình không sợ hãi tuỳ thuộc mức độ con tựa nương vào “Đấng Đếm Tóc”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

NHỮNG NẺO HẸP THÁNH

 

“Cửa rộng, đường lớn, dễ đi; xôn xao, tấp nập người.

Ngõ hẹp, lối nhỏ, khó bước; vắng vẻ, mấy ai chen”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Trong những tuần qua, Hội Thánh cho chúng ta nghe Bài Giảng Trên Núi, trong đó, Chúa Giêsu nói đến một tinh thần mới, một nền đạo đức mới và một cách sống mới đối với lề luật của một công dân Nước Trời.

 

Tin Mừng hôm nay nằm trong đoạn kết tóm tắt các giáo huấn này. Chúa Giêsu mời gọi những ai theo Ngài đi vào cửa hẹp. Đó là cánh cửa của nghèo khó, của xót thương, của tha thứ, thống hối và bỏ mình. Đi vào cửa hẹp là đi vào những lối nhỏ yên tĩnh, ở đó, Thiên Chúa Đấng ngự nơi kín đáo cũng là Đấng sẽ thưởng công, “Các con hãy vào qua cửa hẹp… Cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.

Và thú vị thay, sách Các Vua hôm nay lại cho thấy chính Thiên Chúa đã đi vào cửa hẹp khi Người bỏ ý định phạt dân để một lần nữa xót thương, thứ tha cho dân dù chính Người đã quyết định trừng phạt họ bởi các vua Assyria vốn được coi là những ngọn roi Người dùng. Bài đọc kể chuyện Sennakêrib, vua Assyria gửi thư đe doạ Êdêkia, vua Giuđa. Êdêkia đã lên đền thờ, khấn xin cùng Chúa và cuối cùng, Chúa đã đổi lòng; Người nguôi cơn thịnh nộ và ra tay cứu thành. Chính Thiên Chúa đã đi vào cửa hẹp khi Người động lòng trắc ẩn để xót thương dân, “Để mọi vương quốc hoàn cầu biết rằng, chỉ có mình Chúa là Thiên Chúa”.

Trở lại bài Tin Mừng, thật lạ, Chúa Giêsu không bảo những kẻ theo Ngài hãy chọn những con đường rộng, dễ đi nhưng Ngài bảo, cố mà qua cửa hẹp; ở Luca, thì Ngài bảo, “Hãy chiến đấu”. Ngài không nói hãy luồn lách, lắt léo, lươn lẹo, len lỏi nhưng “Hãy cố, hãy chiến đấu”. Phải cố, phải chiến đấu, nghĩa là chấp nhận rủi ro, thương tích và cả cái chết.

 

Bản thân Chúa Giêsu, chính Ngài cũng đã qua cửa hẹp từ khi xuống thế làm người cho đến cuối đời. Từ ngày chào đời, hang Bêlem thật hẹp; hẹp hơn, túp lều Nazareth cần cù những ba mươi năm; quá hẹp, hai thanh gỗ chéo chiều ngày thứ Sáu; hẹp hơn nữa, huyệt mộ táng xác mượn tạm của một người không hẹp lòng. Thế nhưng, vì đã bền đỗ đến cùng, Ngài đã phục sinh vinh thắng bởi quyền năng của Thiên Chúa. Từ đó, Đấng Phục Sinh đã mở ra một chân trời mới bát ngát bao la; một viễn cảnh mừng vui hy vọng; một tương lai đượm phúc ân, thắm an hoà cho những ai dõi bước theo Ngài trên những nẻo hẹp Ngài từng rảo bước. Đó là những nẻo hẹp của Tám Mối Phúc Thật, nẻo hẹp của Mười Điều Răn, những nẻo hẹp thống hối ăn năn, nẻo hẹp xót thương của Tin Mừng.

 

Trong ngày đầu năm dương lịch vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công khai xin lỗi vì đã thiếu kiên nhẫn trước một phụ nữ đột ngột kéo tay ngài đêm hôm trước khi ngài bước vào quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói, “Tình yêu đòi chúng ta kiên nhẫn. Nhiều lần chúng ta mất kiên nhẫn; tôi cũng vậy, tôi xin lỗi vì đã làm gương xấu hôm qua”.

 

Anh Chị em,

 

Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào những nẻo hẹp thánh của thống hối, của bổn phận, của xót thương, của tha thứ; những nẻo hẹp của bỏ mình, của hy sinh, của nhẫn nại.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con biết, trên những nẻo hẹp thánh của đời con, Chúa đang đồng hành. Cho con biết đưa tay để Chúa cầm lấy; cho con dám nhảy tót vào vòng tay Chúa, để Chúa vác lấy”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MƯỢN ĐẤU CHÚA MÀ ĐONG

 

“Điều cốt lõi không thể thấy bằng mắt nhưng phải thấy bằng tim”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy câu nói trên của St. Exupéry là đúng khi Israel chỉ mải thấy bằng mắt nên bỏ Chúa chạy theo thần ngoại và con người cũng mải thấy bằng mắt nên dễ sa sẩy khi xét đoán anh em, điều Chúa Giêsu cảnh báo trong Tin Mừng.

 

Sách Các Vua kể lại một giai đoạn lịch sử của Israel, một giai đoạn thả mồi bắt bóng khi dân Chúa vẫn không nhìn thấy việc bị đày qua Assyria là điều tủi nhục cho một dân tộc; thay vào đó, họ hí hởn chạy theo các thần ngoại và tập tục của lương dân từ các vua. Dân Chúa đã nhìn lề luật một cách quá hời hợt, coi thường lễ nghĩa của cha ông; vì thế, họ đã bỏ ngoài tai bao mời gọi trở về của các ngôn sứ và rồi, quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng cứu thoát họ.

 

Cũng thế, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cảnh báo việc các môn đệ nhìn người khác một cách nông cạn vốn có thể dẫn đến việc xét đoán người anh em một cách thiếu công bình. Ngài không cần vận dụng chữ nghĩa, đòi hỏi suy tư như triết gia người Pháp kia; nhưng ngược lại, để ai ai cũng có thể hiểu, Ngài nói một cách trần trụi, dân giả, “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào, sẽ bị đoán xét thể ấy”; “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em mà cái xà trong mắt mình thì lại không thấy?”.

 

Tiếp đến, Ngài dạy các môn đệ một nguyên tắc căn bản trong xét đoán, “Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy”. Bằng cách đó, xem ra Ngài mời gọi họ hãy dùng đấu của Ngài mà đong; nhìn người anh em bằng tim như Ngài nhìn.

 

Lần dỡ các trang Tin Mừng, biết bao lần chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu nhìn người khác không chỉ bằng mắt nhưng bằng tim. Với biệt phái Nathanael, lẽ ra Ngài nhìn ông như nhìn một người đến rình rập gài bẫy mình; vậy mà không, Ngài nhìn ông bằng trái tim yêu thương, nói với ông một chân lý tuyệt vời, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”; ông đã tin và trở thành môn đệ Barthôlômêô. Với người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, cũng thế, Ngài nhìn chị bằng tim để nói với chị những lời xót thương, “Tôi cũng không kết tội chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Với Giakêu thu thuế đang vắt vẻo trên chạc cây bên đường, Ngài nhìn ông bằng tim để xin ông tá túc hôm ấy, “Giakêu, hãy xuống mau vì hôm nay, tôi phải ở lại nhà ông”, Giakêu đã xưng tội và làm việc đền tội công khai giữa tiệc mừng. Với Matthêu quan thuế, Ngài không nhìn ông như nhìn một người hôi mùi tiền, Ngài nhìn ông bằng tim để đưa ra một hiệu triệu đầy trắc ẩn, “Hãy theo tôi” và trong nhóm mười hai có tác giả Tin Mừng thứ nhất. Với anh trộm lành, Ngài kịp nhìn anh bằng tim với câu nói yêu thương, “Hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”; nhờ đó, anh kịp lẻn vào cửa trời mà chôm luôn cả thiên đàng.

 

Ngày kia, khi vừa được chọn làm Giáo Hoàng, một phóng viên hỏi Đức Phanxicô, “Thưa ngài, Jorge Mario Bergoglio là ai?”. Ngài trả lời không chút suy nghĩ, “Jorge Mario Bergoglio là một tội nhân” để rồi trong hầu hết các diễn văn hay bài giảng, ngài luôn xin cầu nguyện cho ngài.

 

Anh Chị em,

 

Cúi xuống lòng mình và cũng bằng trái tim, nhìn thật kỹ tâm hồn, có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ như người thu thuế ngật ngưỡng cuối đền thờ, “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” mà đến như một vị thánh thì đó cũng là sự thật, không phải chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, mỗi ngày mở mắt, con mở toà. Thôi từ nay, xin cho con biết mượn đấu Chúa mà đong, lấy tim Chúa mà nhìn mỗi khi phải xét đoán anh chị em con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)