Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ba dòng suối chảy không ngừng từ trái tim Chúa Kitô

Tác giả: 
Lại Thế Lãng

Ba dòng suối chảy không ngừng từ trái tim Chúa Kitô

 Lại Thế Lãng dịch

 

Đôi khi tiếng nói của một vị thánh vang vọng rõ ràng đối với chúng ta qua hàng thế kỷ.

Khi chưa trưởng thành, tôi thấy mình vật lộn trong cách bình thường của những người trẻ với cảm giác xa lánh Thiên Chúa.

 

Với sự hoang mang của sự nổi loạn ở tuổi vị thành niên, tôi đã nói với Chúa ra khỏi cuộc sống của tôi và để tôi yên. Bây giờ vướng mắc vào vòng tội lỗi, tôi đã không còn cách để thoát ra, tôi cần Thiên Chúa giúp sức nhưng không biết làm cách nào để có được (sự giúp sức đó). Tôi thậm chí còn không biết liệu điều đó có thể (hay không).

 

Vào thời gian này, tôi thường chạy bộ mỗi buổi tối. Hết đêm này qua đêm khác, như hàng dặm đường đã lướt qua, tôi đã cố gắng không thành công lý luận cách sai lạc về tội lỗi, phiền muộn và vô vọng tôi cảm thấy. Tôi thậm chí còn tưởng tượng những cách Thiên Chúa có thể giải thoát tôi cách kỳ diệu – mặc dầu tôi không bao giờ tin tưởng rằng Ngài sẽ làm.

 

Vào một buổi tối với hương thơm của tháng Năm khi tôi chạy bộ, tôi đi qua tu viện Thăm Viếng và thấy bãi đậu xe đông khác thường. Ở bên trong các nữ tu và những người khác đang làm tuần cửu nhật Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tôi nhón gót đi vào, với ý nghĩ sẽ cầu nguyện ngắn gọn.

 

Có điều gì ở đó đã đánh động trái tim tôi, và trong khi bề ngoài tôi đọc kinh cầu nguyện, bên trong tôi trải lòng ra với Chúa. Khi tôi trải lòng ra, Chúa Giêsu bắt đầu làm cho tâm hồn tôi mềm ra và chữa lành trái tim cứng cỏi của tôi.

 

Ngài cũng trải lòng ra với tôi, tỏ lộ tình yêu dịu dàng không thể diễn tả của Ngài đối với tôi. Tôi không còn chỉ muốn giải quyết những khó khăn của tôi; tôi bắt đầu có được sự khôn ngoan và khả năng để làm như vậy. Một ước muốn lớn lên trong tôi để yêu mến và phụng sự Thiên Chúa và Ngài đã chỉ cách cho tôi.

Ba dòng suối

 

Sáu trăm năm trước đây, một nữ tu trẻ của dòng Thăm Viếng đã viết những lời mô tả kinh nghiệm của tôi với Thánh Tâm Chúa Giêsu gần như hoàn toàn chính xác.

“Ba dòng suối chảy không ngừng từ trái tim thánh thiêng của Chúa Giêsu. Đầu tiên là dòng suối thương xót đối với người tội lỗi, ban cho họ tinh thần thống hối và ăn năn. Thứ hai là dòng suối bác ái đem sự giúp đỡ đến tất cả những ai có nhu cầu, đặc biệt là đối với những người tìm kiếm sự hoàn thiện và cần giúp đỡ để vượt qua những khó khăn. Thứ ba là dòng suối tình yêu và ánh sáng chảy vào những ai mà Chúa muốn chia sẻ tri thức và những giới răn của Ngài để họ, mỗi người theo cách riêng của họ có thể dấn thân cho toàn thể để thúc đẩy vinh quang của Ngài”.

Tác giả là sơ Margaret Mary Alacoque, một nữ tu sống trong tu viện Thăm Viếng ở Paray le Monial, Pháp quốc, người đã chịu đau khổ đến không thể tin được trong suốt cuộc đời, không làm phép lạ, không để lại những tác phẩm dài. Trong cách nào đó, sơ thậm chí không phải là một nữ tu gương mẫu. Nhìn bề ngoài, cuộc sống của sơ có rất ít điều để bắt chước.

Nhưng Margaret Mary là một bình hoa tuyệt hảo đối với Chúa. Sự đau khổ  đã dậy sơ cách mở lòng ra cho ba dòng suối tình yêu của Thiên Chúa và ống máng chảy tình yêu đến những người khác. Khi sơ làm như vậy, Thiên Chúa đã lấp đầy sơ với một tình yêu hấp dẫn đến nỗi sơ muốn chấp nhận đau khổ thêm nhiều hơn nữa. Ước muốn cháy bỏng của sơ là mọi người ở khắp nơi sẽ được cứu rỗi và toàn thể thế giới sẽ đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu.

Nhân chứng phản văn hóa

 

Được sinh ra tại Pháp năm 1647, Margaret Mary Alacoque lớn lên trong thời đại của Richelieu và Cromwell, của Newton và Galileo. Đó là thời đại của thám hiểm và phát minh: thuộc địa Jamestown được thành lập và con tàu Mayflower đã cập bến ở Plymouth Rock. Kính thiên văn và đồng hồ bỏ túi được phát minh, rượu sâm banh được chế tạo và kem lạnh được phục vụ lần đầu tiên.

 

Tuy nhiên trong thời đại táo bạo và sôi nổi này, tình yêu đối với Thiên Chúa – và sự hiểu biết về tình yêu của Ngài – đã lớn lên lạnh lùng. Một chiều hướng mạnh mẽ của chủ nghĩa hoài nghi đang thịnh hành trong xã hội Pháp đã hủy hoại niềm tin vào Thiên Chúa và lòng trung thành đối với Giáo Hội. Nhiều tín hữu đã bị ảnh hưởng bởi tà thuyết Jansen dạy rằng bản tính của loài người là sa đọa và rằng Chúa Giêsu chết đi chỉ để cứu rỗi một số ít đã được chọn sẵn. Tình thế nhìn có vẻ nghiệt ngã, nhưng tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ mờ nhạt. Vì sự sắp đặt không hứa hẹn này, Ngài nêu lên một nhân chứng thuyết phục, phản văn hóa đối với tình yêu và lòng thương xót của Ngài.

 

Là một cô gái, Margaret Mary chỉ thích chơi đùa. Cô cũng nhận thức được một cách khác thường về sự hiện diện, tình yêu của Thiên Chúa và thường lén đi cầu nguyện. Đã có lần trong thời thơ ấu, cô đã lập lời thề hứa giữ đồng trinh trọn đời. Bình luận về điều này những năm sau đó cô nói rằng cô chẳng hiểu những từ “thề hứa” và “đồng trinh” nghĩa là gì! Cô chỉ biết rằng trong sự kính sợ Thiên Chúa cô cảm thấy “liên tục được thúc giục” để nói những lời đó với Ngài.

 

Thân phụ cô qua đời khi cô mới tám tuổi. Những người thân đã nắm giữ tài sản và gửi Margaret Mary vào trường nội trú, ở đó cô bị mắc chứng bệnh co rút khiến cô không thể đi lại trong bốn năm trời. Tất cả những phương pháp chữa trị đều thất bại. Margaret Mary đã dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria, thề hứa rằng nếu được chữa khỏi bệnh, cô sẽ trở thành  một trong những “nữ tử” của Đức Maria. Margaret Mary đã thực hiện lời thề hứa ngay khi được chữa lành.

 

Mặc dù Margaret Mary có được niềm vui vì không còn phải nằm liệt giường nữa, cuộc sống trong gia đình đã trở nên thật khốn khổ. Những thân nhân chiếm giữ nhà của cô nay quay sang hành hạ, đối xử với cô và thân mẫu cô như là những đầy tớ. Margaret Mary đã đáp lại bằng cách đắm mình trong cầu nguyện “Tôi dành ban đêm cũng như ban ngày tuôn rơi nước mắt dưới chân tượng chịu nạn” cô nói.

 

Hoàn toàn có thể hiểu được khi thân mấu Margaret Mary phản ứng bằng cách xin con gái đi kiếm lấy một người chồng. Bằng cách đó, bà lý luận, chính cô sẽ có một nơi để sống và thoát khỏi những thân nhân này. Trong thực tế Margaret Mary khá hấp dẫn để cho nhiều người cầu hôn mặc dù không có của hồi môn hay sản nghiệp. Cô đã phải đấu tranh căng thẳng giữa việc làm vừa lòng thân mẫu và việc muốn sống với lời thề hứa trước kia.

 

Trái tim nói với trái tim

 

Trong lúc Margaret Mary buồn khổ về sự chọn lựa, cô tỏ ra biết được, nhưng không hoàn toàn hiểu, rằng Thiên Chúa muốn được là “Người thầy tuyệt đối” trong trái tim cô. Cô cảm nghiệm tình yêu của Ngài như là một “thúc giục mạnh mẽ” nhắc nhở cô trở nên cho riêng Ngài “Vì thế tôi xin Ngài dậy cho tôi và cho tôi biết Ngài muốn tôi làm gì để làm hài lòng Ngài”.

 

Thiên Chúa thật sự đã chỉ cho cô, linh hứng để cô đi chăm sóc cho người nghèo, kẻ yếu đuối, băng bó vết thương cho họ và cho đi thực phẩm và của cải cô có. Chính việc cô từ bỏ chính mình và những đau khổ trong gia đình đã dậy cô vâng phục và tình yêu cô cảm nhận từ Thiên Chúa làm dấy lên “mong ước nhiệt thành” để đáp trả trong sự ân cần. Thiên Chúa đã trung thành và nhẹ nhàng với Margaret Mary, thường xuyên an ủi và khích lệ cô khi cô phải chiến đấu chống lại ý riêng. Cuối cùng cô tìm được sự bình an để đi theo tiếng gọi của Ngài – và ước muốn thật sự của trái tim cô – vào tu viện ở Paray le Monial.

 

Margaret Mary đã không được yêu thương ở đó. Các nữ tu khác nhìn sơ như là người vụng về, bướng bỉnh, tự cao và qúa lơ đãng để có được điều tốt lành thực tế nào. Sơ cảm thấy khó cầu nguyện theo khuôn mẫu nhà dòng thiết lập. Đồng thời sơ đã dùng tất cả những khoảnh khắc nhàn rỗi của mình trước Thánh Thể trong cuộc trò chuyện thân mật với Chúa mà sơ luôn luôn thực hiện.

 

Ở đó vào tháng 12 năm 1673 sơ cảm nghiệm Chúa Giêsu mở trái tim ra và nói với sơ trong tình yêu thương của Ngài “Trái tim Ta bừng cháy vì yêu thương nhân loại và đặc biệt vì con vậy con phải là phương tiện  để lan tỏa tình yêu đó”. Ba lần mạc khải tương tự tiếp theo trong hai năm sau đó. Một lần nữa sứ điệp tập trung vào tình yêu của Chúa Giêsu “Này đây trái tim đã yêu thương biết chừng nào”.

 

Những điều mạc khải khác thường này đã khiến Margaret Mary “bừng cháy và say sưa” với tình yêu thánh thiêng đến độ sơ không thể nói ra và không ngủ được. Nhưng sơ càng cảm nghiệm sự viên mãn tuyệt vời của Thiên Chúa thì dường như càng làm cho sơ bị chế nhạo và khinh thường từ các nữ tu trong tu viện.

 

Kiên nhẫn, luôn khuyến khích sơ vâng phục bề trên, Chúa Giêsu đã dẫn dắt Margaret Mary tới sự tái sinh và thúc đẩy lòng tận tụy với tình yêu của Ngài. Điều này sơ đã làm bằng cách đôn đốc các chị em khác suy gẫm về tình yêu trong trái tim Chúa Giêsu. Mỗi khi sức mạnh và sự khôn ngoan của sơ bị giảm sút, Chúa Giêsu đã nhắc nhở sơ “Ta là người điều khiển khôn ngoan và thông thái, biết cách hướng dẫn các linh hồn an toàn khi họ từ bỏ mình vì Ta và quên đi bản thân”.

 

Ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa

 

Tất cả những gì Chúa cho Margaret Mary biết về trái tim Ngài có thể không ai biết trừ ra một linh mục đã dành ra một năm ở Paray là linh hướng của sơ. Cha Claude de la Columbiere nhận ra việc làm của Thiên Chúa trong Margaret Mary đã khuyến khích sơ viết ra mọi sự sơ nghĩ Chúa đã nói với sơ.

 

Cha Claude de la Columbiere qua đời năm 1684. Hai năm sau, một cuốn sách về những bài giảng của cha được xuất bản, trong đó cha có đề cập đến những điều mạc khải của Margaret Mary mà không nói đến tên sơ. Khi những bài giảng về Thánh Tâm này được đọc trong tu viện, các nữ tu đã có được sứ điệp. Lời lẽ có thẩm quyền của vị linh mục qúa cố đã chấm dứt sự đối kháng của họ và rất nhanh chóng, Paray le Monial đã trở thành trung tâm của lòng sùng mộ và cũng đã nhanh chóng lan truyền tới những tu viện Thăm Viếng khác và rồi trên thế giới.

Ngay cả khi lòng sùng mộ Thánh Tâm lan rộng, Margaret Mary tương đối không được biết đến. Không bao giờ được sống khỏe mạnh, sơ qua đời năm 1690 ở độ tuổi bốn mươi ba và mãi đến năm 1920 mới được phong thánh. Chắc chắn sơ thích được hoàn toàn biến mất trong sự rực rỡ của tình yêu Thiên Chúa.

Bằng cuộc sống khiêm nhường và ẩn dật, Margaret Mary đã chuyển một lời mời gọi từ Thiên Chúa đến thế giới rất cần phải nghe – một lời mời gọi để biết tình yêu của Ngài trong một cách thức mới mẻ và năng động. Lời mời gọi này cũng dành cho chúng ta, bởi vì trong mọi thế kỷ, trái tim con người khao khát tình yêu Thiên Chúa. Sùng kính Thánh Tâm đưa chúng ta mặt đối mặt với sự thật rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ưa thích với việc tha thứ và thương xót. Như bất cứ người cha yêu thương nào, Ngài sẽ giúp chúng ta khi chúng ta vất vả. Ngài muốn chúng ta là bạn bè để Ngài có thể chia sẻ trái tim của Ngài. Tất cả những gì Ngài đòi hỏi là chúng ta cũng chia sẻ lòng mình với Ngài.

Khi làm như vậy, ngọn lửa tình yêu của Ngài sẽ nhen nhúm trong chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được sự tha thứ và thương xót, giải thoát khỏi những khó khăn, có được sự hiểu biết mới về Thiên Chúa. Chúng ta tìm thấy bản thân mình, như tôi đã làm nhiều năm qua, với một mong muốn cháy bỏng để yêu mến và phục vụ Ngài./.