Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chiều kích vô biên, Con đón Chúa, Chúa đón con

Tác giả: 
Lm Minh Anh

CON ĐÓN CHÚA, CHÚA ĐÓN CON

 

“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy;

kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một trong những chủ đề của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay là đón tiếp, con người đón tiếp Thiên Chúa, Thiên Chúa tiếp đón con người; và ở đâu có đón tiếp, ở đó có niềm vui; ở đâu có niềm vui, ở đó có an bình.

 

Bài đọc thứ nhất, sách Các Vua kể chuyện thời Cựu Ước, hai ông bà của một gia đình sang trọng đón tiếp thầy trò ngôn sứ Êlisê và này, người của Chúa báo tin vui cho họ, “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”; Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu thời Tân Ước thì nói rõ hơn, đối tượng được đón tiếp chính là Thiên Chúa, “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

 

Lần dỡ các trang Thánh Kinh, chúng ta chứng kiến bao cuộc đón tiếp đem lại niềm vui và bình an. Từ cuộc đón tiếp những người khách lạ giữa sa mạc ở cụm sồi Mamrê của Abraham, hoặc cuộc đón tiếp sứ thần của Manoac mẹ Samson thời các thẩm phán cho đến cuộc đón tiếp Êlisê thời các vua… chúng ta thấy niềm vui và bình an là một điều gì đó luôn luôn xảy đến cho các gia đình. Và này, một cuộc tiếp đón khác, giản dị nhất nhưng cũng trọng đại nhất vốn mang đến một niềm vui lớn nhất không chỉ cho một gia đình son sẻ nhưng cho cả đại gia đình nhân loại phong nhiêu là cuộc đón tiếp sứ thần Gabriel của một thiếu nữ Giuđê có tên là Maria; ở đó, cũng một lời hứa tương tự, “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Và Giêsu đó chính là hoàng tử bình an và niềm vui cho con người mọi thời. Đến lượt Ngài, Ngài lại sai các môn đệ mình ra đi loan báo tin mừng bình an đó, rằng, Thiên Chúa là tình yêu; rằng, Người yêu thương con người đến đời đời.

 

Thế nhưng, một điều chúng ta đừng bao giờ quên, vì Thiên Chúa là tình yêu nên Người là Đấng luôn luôn đi bước trước. Người đón tiếp con người ngay trong ý định yêu thương đời đời của Người, ngay cả trước khi tạo thành nó, ban cho nó muôn vật muôn loài. Thiên Chúa đón tiếp con người cả khi nó hoá nên những tội nhân phản bội Người. Và vì là tình yêu nên tình yêu của Người là một tình yêu đời đời; Người bất lực trong việc để cho mình hết yêu. Vì thế, lòng Thiên Chúa luôn luôn rộng mở để đón tiếp con người đến nỗi đã ban Con Một Giêsu để ai tin vào người con đó thì được sống đời đời.

 

Chúa Giêsu, bàng bạc trong các trang Tin Mừng, đã đón tiếp bao con người đến với Ngài và họ đã hưởng lấy niềm vui và bình an. Một Nathanael đến với Ngài khi đêm đã chùng xuống; một Matthêu đến với Ngài khi vừa được gọi giữa sổ sách và tiền bạc; những người mù, những người cùi và những ai bệnh hoạn tật nguyền đến với Ngài; sau cùng, cả người trộm lành, cũng kịp được Ngài đón… để tất cả được chữa lành xác hồn và đổi mới.

 

Mỗi ngày, qua việc cầu nguyện, qua các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể, chúng ta đón tiếp Thiên Chúa, đón tiếp Chúa Giêsu; thế nhưng, sự thật là, chính Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu đón tiếp chúng ta. Chúa Giêsu đón tiếp chúng ta qua bí tích rửa tội để chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa; đón tiếp chúng ta qua bí tích hoà giải để tha thứ và chữa lành tâm can mỗi người; đón tiếp chúng ta qua bí tích Thánh Thể để chúng ta được nuôi sống và thông phần sự sống thần linh của Thiên Chúa… và đến giờ sau hết, hạnh phúc biết bao, khi chúng ta lâm chung lìa đời, cũng chính Thiên Chúa đang dang rộng tay đón lấy chúng ta như những đứa con được đón chờ.

 

Như vậy, mỗi ngày khi chúng ta đón tiếp Thiên Chúa thì cũng chính lúc ấy, Người đón tiếp chúng ta. Cụ thể hơn nữa, khi chúng ta đón tiếp anh chị em mình, nhất là những người nghèo khổ là chúng ta đón tiếp chính Chúa Giêsu.

 

Một bà mẹ quê hay thương người, trong nhà thường có những người mất trí lui tới, ăn uống; họ được bà sai làm những việc lặt vặt. Thỉnh thoảng gặp giờ cơm, bà cũng buộc họ ngồi vào bàn ăn với con cái. Người chị cả trong nhà rất khó chịu, thường hay phàn nàn vì họ luôn luôn có mùi hôi. Nhưng bà mẹ lại nói với các con mình, “Chúa Giêsu đó, Chúa Giêsu đó” và thế là không còn đứa nào dám hé môi.

 

Anh Chị em,

 

Người nghèo thì luôn luôn vui mừng vì được ai đó viếng thăm hay ít nữa, không bị xua đuổi. Như thế, mỗi khi đón tiếp họ, Chúa Giêsu đang ở trong họ lại nghênh đón chúng ta.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, mỗi ngày con đón Chúa, Chúa đón con cả khi con tồi tệ hôi hám nhất; xin cho con đón được Chúa trong những anh chị em ‘khó đón’ nhất chứ không chỉ trong những người nghèo”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

CHIỀU KÍCH VÔ BIÊN

 

“Thiên hạ sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc

cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Thiên Chúa”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến dân ngoại, một dân ngoại đáng bị Thiên Chúa loại khỏi gầm trời nhưng cũng là một dân ngoại được Thiên Chúa xót thương. Ở đây chúng ta gặp được một chiều kích vô biên, chiều kích phổ quát của ơn cứu độ vốn đã manh nha trong ý định vĩnh hằng của một Thiên Chúa ngàn đời yêu thương.

 

Bài đọc thứ nhất là một đoạn sách Ai Ca hiếm hoi được đặt ngay sau những điêu tàn của một dân tộc phải lưu đày mà sách Các Vua kể lại suốt hai tuần qua. Sách Ai Ca, gồm năm khúc ca thương, khóc than cho số phận của một dân bị Thiên Chúa đày ải vì đã lỗi nghĩa cùng Người; cùng lúc, Ai Ca nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi dân Người, Đấng sẽ xót thương một dân đang sám hối vì tội lỗi mình, “Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi dân Người mãi mãi; có làm khổ, Người cũng xót thương”. Năm vịnh ca ai oán này còn là một lời cầu nguyện của một dòng dõi vốn không còn gì để mất ngoài Thiên Chúa của họ, Đấng sẽ trị tội quân ngoại bang, cũng là quân đã đày đoạ dân Người, “Lạy Đức Chúa, xin Ngài đáp trả tuỳ theo những việc tay chúng làm”; và “Trong cơn thịnh nộ, xin đuổi xua và tiêu diệt chúng, cho chúng khuất dạng khỏi gầm trời”. Đó là một dân ngoại đáng bị Thiên Chúa nguyền rủa và trả thù đúng mực.

 

Ấy thế, cũng dân ngoại đó, Tin Mừng hôm nay cho thấy điều ngược lại, rằng, họ cũng được Thiên Chúa xót thương. Viên đại đội trưởng đại diện cho tất cả những ai chưa nhận biết Thiên Chúa đã đến với Chúa Giêsu; ông đã đón nhận hồng ân vô song của Ngài. Ông khiêm tốn thưa lên với Ngài sự khốn khó của mình, đứa đầy tớ nhà ông đau liệt và cùng lúc, tuyên xưng một niềm tin vào Ngài theo một cách thức mà có đốt đèn trong Israel cũng không tìm thấy, “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy ghé vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì đứa nhỏ nhà tôi sẽ lành mạnh”. Chúa Giêsu ngẩn ngơ, “Quả thật, Tôi bảo các ông, Tôi không thấy một lòng tin mạnh mẽ như thế trong Israel”; và ngay tiếp đó, Ngài nói đến chiều kích vô biên của ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành sẵn cho cả dân ngoại, “Tôi cũng nói cho các ông biết, thiên hạ sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Thiên Chúa”; sau đó, Ngài đưa ra một lời cảnh báo cho những ai hí ha hí hửng huênh hoang hão rằng, mình là con đạo dòng; vì coi chừng, “Con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

 

Một phụ nữ giàu có vào thiên đàng, bà được dẫn đến một căn nhà nhỏ hẹp. Bà vùng vằng phản đối, nhưng thiên thần bảo, “Đó là căn nhà bà đã chuẩn bị cho mình”. “Còn căn nhà xinh đẹp bên kia đường là của ai?”, bà hỏi. “Nó thuộc về người làm vườn ngoại giáo của bà”. “Làm thế nào anh ấy lại có một căn nhà đẹp hơn của tôi?”. “Những căn nhà ở đây được chuẩn bị từ những vật liệu dưới thế gửi lên, cách sống đạo của bà chỉ đáng được ngần ấy”.

 

Anh Chị em,

 

Có nhiều điều tốt đẹp nơi những anh chị em lương dân khiến chúng ta một đôi khi lấy làm hổ thẹn. Phần thưởng ưu tiên cho người làm vườn của câu chuyện trên hay viên đại đội trưởng được lại người đầy tớ mạnh khoẻ là bằng chứng hùng hồn cho thấy chiều kích vô biên của ơn cứu độ trong ý định đời đời của Thiên Chúa.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con ơn biết xấu hổ để sám hối mỗi khi thấy mình thua kém những anh chị em lương dân trong việc sống Lời Chúa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)