Gọi con thuở tóc còn xanh - Thấu qua tai, thấm qua tim, thánh qua tay
GỌI CON THUỞ TÓC CÒN XANH
“Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?”;
Tôi liền thưa, “Này con đây, xin hãy sai con”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hơn lúc nào hết, Thiên Chúa vẫn đang lúng túng khi Người không biết sai ai, phái ai trong thời buổi gạo châu củi quế này; gạo châu củi quế ở đây không hàm ý cái để đun nhưng muốn nói thời giờ để nấu. Đúng thế, thời giờ là điều mà con người thế giới hôm nay đang cảm thấy thiếu trước hụt sau nhất. Vậy mà lời Thiên Chúa nói với Isaia ngày nào vẫn đang vang vọng nơi mỗi người chúng ta, “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?”.
Như Isaia, hẳn không ít người trong chúng ta cũng sẽ cự nự với lý do này lý do khác, ‘Vô phúc cho con, vì lưỡi con nhơ bẩn và không chỉ lưỡi con mà tay con cũng nhơ bẩn, trí con nhơ bẩn bởi con đang sống giữa một xã hội xem ra quá bẩn vì nó quá duy vật’. Thế nhưng, Chúa lại nói với chúng ta như đã già dặn khi nói với Isaia, “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá, tội ngươi được tha”, ‘Mỗi ngày các bí tích đang đụng đến con, dưỡng nuôi con, làm cho con lớn lên; bí tích giao hoà tẩy sạch con’. Lời Chúa đã khuất phục Isaia khiến Isaia không tài nào cưỡng lại, ông đã ú ớ như mỗi người chúng ta đang ú ớ, “Này con đây, xin hãy sai con”.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay tự tin hơn, quyết đoán hơn. Ngài không chần chờ cũng không do dự, không lúng túng cũng không dè chừng để tìm người này người kia như thời các ngôn sứ; thay vào đó, Ngài đưa ra một mệnh lệnh, “Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói ra ánh sáng; điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”; “Vì ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy”. Và Ngài nói thêm, “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai con chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần”.
Lời Chúa Giêsu hôm nay vừa là một lời căn dặn vừa là một lời ủi an; vừa là một lời khuyên vừa là một lời hứa; vừa là một cảnh báo vừa là một lời vỗ về. Đó là những lời không mấy lạc quan nhưng lại ẩn tàng hy vọng. Ngài không giấu giếm một điều gì về những khổ đau môn đệ phải chịu; nhưng rồi, Ngài lại bảo đảm, “Đừng sợ, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi”.
Một tờ báo Paris thế kỷ 19 đăng quảng cáo tuyển người đi truyền giáo hải ngoại như sau: “Chúng tôi sẽ cống hiến cho các bạn không lương bổng, không bảo hiểm, không người chỉ dẫn, không chế độ hưu trí nhưng phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, chỗ ở tồi tàn, rất ít ủi an, nhiều thất vọng, đau ốm thường xuyên, một cái chết đau đớn trong cô đơn và một nấm mồ vô danh”. Vậy mà không biết có bao nhiêu người “điên” vì nó đã ghi danh, xuống tàu, lên đường. Các thừa sai đến Việt Nam trong những buổi đầu thuộc số những người điên này.
Anh Chị em,
Mức độ con người nhận ra sự quan phòng yêu thương của Đấng Đếm Tóc tuỳ thuộc mức độ nó gieo mình vào đại dương lòng xót thương của Người. Trong mọi hoàn cảnh, mỗi chúng ta cầu xin cho được mạnh dạn thưa lên với Chúa, “Này con đây, xin hãy sai con”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đếm tóc con và gọi con thuở tóc còn xanh, xin cho con mải dấn thân trong yêu mến… mãi tới ngày tóc không còn sợi nào”, Amen.
((Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
THẤU QUA TAI, THẤM QUA TIM, THÁNH QUA TAY
“Lời của Ta sẽ không trở lại với Ta nếu không đơm bông kết trái”;
“Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến hai nhịp của một chuyển động: một nhịp từ trên cao xuống, một nhịp từ dưới thấp lên; một nhịp của Chúa từ trời, một nhịp của người từ đất; một nhịp tặng trao của trời, một nhịp hiến dâng của người: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống”; “Hạt giống mọc lên, sinh hoa kết quả”.
Bài đọc thứ nhất, diễn tả nhịp xuống của chuyển động kép. Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa nói, “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống sẽ không trở lên trời nữa nếu không thấm vào đất, làm cho đất phì nhiêu; cũng vậy, lời của Ta sẽ không trở lại với Ta nếu không đơm bông kết trái”. Đó là nhịp xuống, lời yêu thương quyền năng của Thiên Chúa từ trời ban xuống cho con người; lặng lẽ nhưng mạnh mẽ, quyết đoán nhưng tự tin, quảng đại nhưng đầy hy vọng.
Tin Mừng lại cho thấy nhịp còn lại của chuyển động này, đó là nhịp lên. Đó là sự mọc lên, vươn lên của những hạt được gieo trong những tâm hồn quảng đại vốn đã cọng tác với lời. Tâm hồn họ được ví như mảnh đất mỡ màu đón nhận lời Chúa và làm cho sinh hoa kết trái. Mỗi ngày, Thiên Chúa quảng đại gieo lời, gieo cách hào phóng, rộng lượng, không tính toán, không dè sẻn… và có thể nói, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, chúng ta cũng có thể đọc và nghe Lời Chúa. Thế nên, vấn đề không nằm ở chỗ được nghe hoặc được đọc, nhưng vấn đề ở chỗ mọc lên. Hạt giống tự nhiên một khi có đủ yếu tố, sẽ mọc lên một cách tự nhiên; nhưng hạt giống Lời Chúa thì hoàn toàn khác. Lời Chúa chỉ có thể mọc lên khi có sự hoán cải của tâm hồn, khi con người biết cộng tác bằng cầu nguyện, chiêm ngắm và nhất là đem ra thực hành.
Trở lại bài Tin Mừng, chúng ta chứng kiến một quang cảnh thật tuyệt vời của bờ hồ sáng hôm ấy. Một quang cảnh thật đẹp, đẹp không vì trời quang mây tạnh nhưng đẹp vì người ta chen chúc nhau dọc theo bờ cát để lắng nghe lời Chúa; đẹp hơn, từ bên ngoài, người thanh niên tuấn tú có tên Giêsu đang mượn một chiếc thuyền, ngồi bên mạn, lắc lư trên sóng, Ngài nói vói vào lời của Chúa cho mọi người nghe. Một ngạc nhiên thú vị khác là đường đường Chúa Giêsu, con một bác thợ mộc; lẽ ra, Ngài phải nói về nghề nghiệp của mình, nói đến các loại gỗ, gỗ kiền, gỗ sao, gỗ sến, gỗ huện, cam xe, pháo lái, cẩm lai… vậy mà không, Ngài lại nói về ruộng trưa, về vãi, về gieo, về giống, về đất… Ngài nói rành rõ khác nào một bác nông dân thực thụ.
Và với dụ ngôn này, chúng ta không cần phải giải thích gì thêm vì chính Chúa Giêsu đã cắt nghĩa tường tận. Sau khi kể “Kìa, có người kia ra đi gieo giống…”, Ngài đã nói đến bốn cung cách tương tác với Lời nơi người nghe: nghe nhưng không hiểu; nghe nhưng không đâm rễ; nghe nhưng để vinh hoa phú quý bóp nghẹt; và sau cùng, nghe, hiểu và áp dụng. Điểm chung của bốn cấp độ là ai cũng được nghe, nhưng Lời sẽ mất tác dụng với ai không muốn nhớ; càng vô ích với người quá ham mê của cải vốn là lực đẩy Lời ra khỏi cuộc sống mình; và sau cùng, những ai nghe bằng tai, ghi bằng tâm và thực hành bằng tay… Lời mới có cơ may sinh hoa kết quả, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm.
Thánh Gioan Kim Khẩu cho chúng ta biết cách thức để Lời Chúa sinh hoa kết trái. Ngài nói, “Chúa chẳng cần bình vàng chén bạc, nhưng Chúa cần những tấm lòng vàng; Người vui nhận của dâng cúng, nhưng vui hơn nhiều khi nhận của làm phúc. Khi dâng cúng, chỉ có người dâng được lợi; khi làm phúc, lợi cho cả người nhận lẫn người dâng. Quả vậy, ích gì khi bàn thờ Chúa chất đầy những bình vàng chén bạc đang lúc chính Người lại phải chết đói vì chẳng có gì ăn? Trước hết, hãy cho kẻ đói ăn no, còn lại bao nhiêu, đem trang hoàng bàn thờ. Sao bạn lại bỏ vàng làm chén lễ mà không chịu cho người khác một chén nước? Bạn đem khăn vàng ra trải bàn thờ Người làm chi, đang khi chính Người cần mảnh vải che thân bạn lại không cho? Làm thế thì ích gì? Rồi nữa, nếu bạn thấy Người mặc đồ rách bươm, toàn thân rét cứng, bạn chẳng nghĩ gì đến áo xống của Người, cứ lo xây cất cho Người hết cột vàng này đến cột vàng khác, mà bảo làm như vậy là tôn kính Người sao? Người lại chẳng nghĩ là đang bị nhạo báng và sỉ nhục đến cực độ sao?”.
Anh Chị em,
Những gì thánh Gioan Kim Khẩu nhắc nhở đáng cho chúng ta suy nghĩ. Như thế, mỗi ngày, Chúa hào phóng gieo Lời, chúng ta hào hiệp nghe Lời; điều quan trọng là làm sao hào hùng đem Lời ra thực hành.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa không chỉ thấu qua tai, thấm qua tim nhưng còn thánh qua tay con nữa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: