Không còn phải ngao ngán nghẹn ngào - Khát khao cả Đấng trên cao
KHÔNG CÒN PHẢI NGAO NGÁN NGHẸN NGÀO
“Hôm nay phải chi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến những con người cứng lòng khiến Thiên Chúa phải thở dài; Người ước mong nó hoán cải. Qua ngôn sứ Mikha, Người nghẹn ngào ngao ngán, “Dân Ta ơi, dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay Ta đã làm phiền chi ngươi, hãy trả lời Ta đi”; qua Tin Mừng, Chúa Giêsu tê tái tức tưởi, “Sẽ không cho các ngươi dấu lạ nào trừ dấu lạ Giôna”.
Mikha, ngôn sứ được mệnh danh là vị ngôn sứ xã hội, một nông dân miền Morati cách thủ đô Giêrusalem không xa, ông thấy nhiều và chứng kiến nhiều; ông nói những lời đanh thép và cương quyết khi tố cáo những bất công xã hội thời bấy giờ và đấu tranh cho quyền con người. Bài đọc hôm nay nói lên những trách cứ nhưng đầy trìu mến của Thiên Chúa trước sự cứng lòng của dân Người, “Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay Ta đã làm phiền chi ngươi, hãy trả lời Ta đi”. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Mikha đưa người ta đi đến cùng đích, đó chính là Thiên Chúa. Cuối bài đọc hôm nay, ông nói, “Hãy thực hiện công bình, quý mến lòng nhân lành và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa của ngươi”. Đó là một lời mời gọi hoán cải.
Tin Mừng hôm nay cho thấy sự cứng lòng của giới biệt phái thời Chúa Giêsu. Họ đòi Ngài một dấu lạ ngoạn mục; tiếc thay, Ngài không thoả mãn một thứ dấu lạ mang tính biểu diễn. Ngài nói, “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giôna”; Ngài nói cho họ rằng, chính Ngài là dấu lạ, một dấu lạ mời gọi hoán cải.
Hình ảnh Giôna trong bụng cá tiền trưng cho hình ảnh Chúa Giêsu ba ngày trong huyệt mộ. Cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài là dấu lạ lớn nhất cho thế giới, cho mỗi người. Ấy thế, không hơn gì những biệt phái xưa, đôi khi, chúng ta cũng đòi Thiên Chúa làm điều này, điều kia và sự việc thường không xảy ra. Nhưng thường xuyên hơn, điều chúng ta trải nghiệm là sự im lặng từ Thiên Chúa; không ít lần, Người xem ra xa vắng hay ít ra, Người lãng tai và chúng ta trách cứ Người. Chính những lúc ấy, Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta theo cùng một cách; Ngài thầm thĩ nhắc nhở chúng ta về sự sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài nhắc chúng ta phải tin vào Lời Ngài cả khi chúng ta cảm thấy tăm tối tanh tưởi như chính bản thân mình đang ở trong bụng kình ngư hoặc đã chết trong mồ. Đừng đánh mất hy vọng. Thiên Chúa có mặt trong mọi biến cố; Người hoạt động, hiện diện cả khi Người dường như im lặng.
Hãy tin, Thiên Chúa đang nói với chúng ta qua thánh lễ, mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Con. Đến với thánh lễ là đến để chứng kiến dấu lạ Chúa làm cả khi chúng ta cảm thấy không còn gì để mất hoặc Thiên Chúa cứ câm nín; không, Người không câm nín, Người đang nói qua Lời của Chúa Con; đang ở với chúng ta trong hy tế của Chúa Con. Chỉ cần chúng ta phân biệt cho được giọng nói của Người, một giọng nói đang mời gọi mỗi người hoán cải.
Thánh Bonaventura nói, “Sự kỳ diệu của thánh lễ diệu kỳ hơn sao trên trời, hơn cát dưới biển; thánh lễ tái diễn cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên thánh giá xưa, cho nên thánh lễ là một sự kỳ diệu khôn lường trong thế giới này, một kho tàng chứa đầy mầu nhiệm cực kỳ huyền diệu. Trên trái đất không có gì có thể so sánh được; và trên thiên đàng cũng không có gì lớn lao hơn, kỳ diệu hơn thánh lễ”.
Anh Chị em,
Thánh lễ không chỉ là một lời mời gọi đến dự tiệc thánh, nhưng trước hết là một mời gọi hoán cải nhờ biết sám hối và tin vào Tin Mừng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa không luôn ban ngay điều con muốn, nhưng luôn ban cho con điều con cần; điều con cần hôm nay là ơn sám hối, Chúa không còn phải ngao ngán nghẹn ngào”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
KHÁT KHAO CẢ ĐẤNG TRÊN CAO
“Tôi đã tìm kiếm chàng, nhưng tôi không gặp được chàng”;
“Tôi đã trông thấy Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Chẳng tình cờ chút nào khi một trong những đoạn văn trữ tình nhất của sách Diễm Ca và trình thuật phục sinh được chọn đọc nhân ngày lễ thánh nữ Maria Madalena. Qua đó, Hội Thánh muốn nói đến cơn khát của một tâm hồn mong gặp Chúa; Maria, tâm hồn khát khao đã gặp được Ngài, Đấng phục sinh chỉ cho vị ‘tông đồ của các tông đồ’ khát khao cả Đấng trên cao.
Sách Diễm Ca diễn tả nỗi lòng của một thiếu nữ đang yêu những mong gặp người mình yêu, “Suốt đêm trên giường ngủ, tôi đã tìm kiếm người tôi yêu”. Hơn bao giờ hết, con người hôm nay bị cuốn vào cơn lốc thời gian khiến nó trở thành một sinh vật động đạc; các tương quan của nó trở nên lỏng lẻo. Đức Phaolô VI nói, “Chúng ta đang sống trong một thế giới bị kìm kẹp bởi một cơn sốt vốn đã xâm nhập vào cả nơi tôn nghiêm và sự cô tịch của tâm hồn. Tiếng ồn ào huyên náo ầm ĩ đã xâm chiếm gần như mọi thứ khiến người ta không còn khao khát Thiên Chúa, không còn muốn hồi tâm. Giữa hàng ngàn thứ gây xao lãng, con người hoài phí năng lực chạy theo những điều vô bổ. Văn hoá hiện đại đã xâm chiếm sự thân mật tư riêng của các gia hộ và các con tim. Thật khó khăn hơn nhiều khi phải tìm một cơ hội cho việc hồi tâm, ở đó, linh hồn khao khát có thể gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa”.
Tin Mừng nói đến cơn khát đó nơi Maria, người ra mộ Thầy từ tinh mơ theo cảm tính để tẩm thuốc thơm cho một xác chết; vậy mà đặc ân lớn lao đã xảy ra, bà gặp Đấng đã chết nay đang sống. Sẽ không ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng, bà không đáng được diễm phúc này. Tin Mừng xác nhận bà là người được Chúa trừ bảy quỷ; rõ ràng trước đó, bà bị chúc dữ, được kể là người tội lỗi. Cuối thế kỷ thứ sáu, Giáo hoàng Grêgôriô Cả coi bà là người phụ nữ suýt bị ném đá được Chúa cứu mạng ở trong đền thờ. Ấy thế, sau khi gặp Chúa, bà là môn đệ, giúp Chúa và các tông đồ, có mặt dưới chân thập giá đang khi các tông đồ chạy tán loạn.
Chúa phục sinh đã nâng khát khao cảm tính của bà lên một cấp độ cao hơn, dù đau dớn nhưng cần thiết, “Đừng động đến Thầy, vì Thầy chưa về cùng Cha”; “Hãy đi báo tin cho anh em Thầy, ‘Thầy về cùng Cha Thầy, cũng là Cha anh em; về cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Ấy, người phụ nữ tội lỗi được nhìn thấy Chúa trước nhất, cũng là sứ giả trước nhất của Tin Mừng phục sinh. Chúa Giêsu không câu nệ quá khứ tội lỗi của một ai, Ngài dùng người đó cho một sứ mệnh; thứ đến, Ngài muốn kẻ khát khao Ngài không vì cảm tính thể lý nhân loại nhưng phải gắn kết với Ngài để gắn kết với chính Chúa Cha trên trời.
Một phụ nữ trước khi chết, ước được thấy Chúa. Trong mơ, Chúa cho biết tối mai Ngài đến. Bà sửa soạn, đợi chờ và thiếp đi; Chúa nói, “Sao Ta đến mà con không tiếp?”. Bà nói, “Con đợi Chúa trước cổng”; Chúa bảo, “Cổng sau”. Ngài hẹn bà đêm mai; bà lại chờ, ra cổng trước vào cổng sau, hoài công. Chúa trách và cho biết Ngài đến qua cửa sổ. Ngài lại hẹn bà tại một giếng nước đầu làng; đến đây, bà chợt nhận ra Chúa chơi trò cút bắt. Cuối cùng, Ngài nói, “Nếu con chỉ muốn gặp Ta ở một nơi nào đó, sẽ không bao giờ gặp. Ta cho con thấy không chỉ một lần trước khi chết, nhưng là mỗi ngày, mỗi phút với điều kiện hãy bỏ khát vọng được thấy Ta bằng mắt trần tục; con chỉ có thể thấy Ta bằng đôi mắt của trái tim với lòng yêu mến”.
Anh Chị em,
Bên mộ trống, Chúa tỏ mình cho Maria; trên bàn thờ, Chúa tỏ mình cho chúng ta. Hãy cầu xin cho được khát khao Ngài, khát khao cả Cha trên trời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Maria khát khao Chúa; xin cho con biết, Chúa đang khát linh hồn con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: