Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lời Là Người, Người Là Lời - Khởi đầu một hành trình có tên là ân sủng

Tác giả: 
Lm Minh Anh

LỜI LÀ NGƯỜI, NGƯỜI LÀ LỜI

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật thú vị khi nói dụ ngôn người gieo giống là dụ ngôn của lòng sám hối; và nếu thế, thì Tin Mừng hôm nay quả là phù hợp với trình tự ngôn sứ Giêrêmia diễn tả. Phụng vụ Lời Chúa cho thấy Thiên Chúa những mong con người thời Cựu Ước và cả Tân Ước trở về với Người; để rồi, chính họ sẽ trở nên những hạt giống tốt trong Nước Người.

 

Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa phán, “Hỡi con cái phản loạn, hãy hối cải”. Chúa gọi dân Người là dân phản loạn vốn đã bao lần khiến Người nổi tam bành đến nỗi phải sửa trị họ tới mức lưu đày. Thế nhưng, vì là một Thiên Chúa xót thương nên bằng mọi cách Người làm cho dân biết sám hối, quay trở về. Một trong những trình tự Người làm là ban cho họ các chủ chăn, Giêrêmia nói, “Ta sẽ ban cho các ngươi những chủ chăn theo như ý Ta, để họ dùng lý trí và khôn ngoan chăn dắt các ngươi”. Đó là những chủ chăn biết kêu gọi dân sám hối và trở về; và rồi, chính họ sẽ trở nên ‘một dân truyền giáo’, một dân làm cho Đấng họ thờ được vinh quang. Sẽ không ngạc nhiên khi kết thúc bài đọc hôm nay, Giêrêmia nói, “Người ta sẽ gọi Giêrusalem là ngai của Chúa, mọi dân tộc sẽ nhân danh Chúa mà quy tụ tại đây”. Và như thế, dân sám hối nay trở nên những hạt giống tốt cho vinh quang Nước Người.

 

Dụ ngôn người gieo giống, kỳ thực, là một dụ ngôn của lòng sám hối. Chúa Giêsu nói đến bốn cung cách tương tác của Lời nơi người nghe: nghe nhưng không muốn hiểu; hiểu nhưng không đâm rễ; đâm rễ nhưng để vinh hoa phú quý bóp nghẹt; và cuối cùng, nghe, hiểu, đâm rễ và sinh ích. Cả bốn loại đất cùng mang một thông điệp, đó là hãy sám hối để Lời có thể mọc lên, sinh lợi cho Nước Trời. Chúng ta có thể lấy một bài giảng ngày Chúa Nhật làm ví dụ. Trước hết, có người nghe vì phải nghe, không cần nhớ cũng không cần hiểu, và tốt nhất là ngủ nếu có thể; thứ đến, có người thích thú nghe nhưng để lại ở nhà thờ và ra về tay không, chẳng có gì để nhớ, chẳng có gì để suy nghĩ; thứ ba, có người chăm chút nghe để có cái mà thảo luận với người khác, kể cả với vị giảng lễ nhưng thảo luận chỉ để thảo luận, không phải để sống; và sau cùng, là những người để cho Lời Chúa đánh động tâm hồn, thức tỉnh con tim và sau đó, sẵn sàng đáp trả bằng một quyết tâm hoán cải và sinh hoa kết trái.

 

Trong Tin Mừng Marcô, Chúa Giêsu nói rõ, “Người gieo giống đây là người gieo lời” nhưng trong Matthêu thì không, còn hơn cả lời; ở một cấp độ cao hơn, đó là những con người, người mang Lời và chính họ cũng là Lời; Lời là người, người là Lời. Người môn đệ của Chúa Giêsu phải là Lời rao giảng Nước Trời; ơn gọi của môn đệ là trở nên Lời, trở nên hạt tốt mà Thiên Chúa đang gieo vào các mảnh đất tâm hồn trong thế giới hôm nay. Nếu Gioan tiền hô nói, “Tôi là tiếng kêu” thì nay, người môn đệ Chúa Giêsu cũng được mời gọi hoán cải để cũng nên tiếng, nên Lời của Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi một sự cam kết, dấn thân được khởi đầu bằng việc sám hối.

 

Một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc sáu tuổi lớn lên trong một gia đình giàu có đạo đức; vậy mà cậu mất đức tin. Nhập trường sĩ quan Saint-Cyr nổi tiếng, nhưng vì say sưa, cậu bị giải ngũ. Sau đó, thám hiểm Marốc, Algérie châu Phi, cậu được huy chương vàng. Tuy nhiên, giữa bao sa đoạ của một cựu sĩ quan, cậu đã suy nghĩ về cuộc đời mình. Cậu có một người chị họ rất đạo đức, bà Marie de Bondy, bà đã đánh động cậu rất nhiều qua câu nói, “Cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?”. Từ đó, cậu đã hồi tâm và đã ăn năn trở lại lúc 33 tuổi; đời cậu bắt đầu sang trang từ dạo ấy. Đó là Đấng đáng kính Charles de Foucauld, vị linh mục tuy không sáng lập nhưng là người cha tiên khởi của các Tiểu Đệ và Tiểu Muội. Cha René Voillaume thành lập Tiểu Đệ năm 1933; chị Magdeleine thành lập Tiểu Muội năm 1939. Hiện nay Hội Thánh có hơn 1.324 tiểu muội và 1.286 tiểu đệ hiện diện trên khắp cùng thế giới.

 

Anh Chị em,

 

Để có thể bắt đầu hành trình gieo hạt và đơm hoa kết trái, một hành trình khác không thể không xảy ra trước, đó chính là sám hối và trở về.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, để có thể đi hết hai chặng đường này, xin cho con biết yêu mến và say mê của ăn Thánh Thể mỗi ngày”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

KHỞI ĐẦU MỘT HÀNH TRÌNH CÓ TÊN LÀ ÂN SỦNG

 

“Ôi, con yêu Chúa quá muộn màng; con yêu Chúa quá muộn màng”;

“Oh, late, have I loved you; oh, late, have I loved you”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Nếu năm 1949, linh mục nhạc sĩ Roc O’Connor dòng Tên, Mỹ, đọc Augustine’s Confessions để dệt nên bài nhạc thánh “O Beauty, Ever Ancient” thì năm 1983, linh mục nhạc sĩ Ân Đức dòng Xitô, Việt Nam, đọc Tự Thuật của Augustinô đã thêu nên bản thánh ca “Ngài Có Đó”. Gần như cả hai tác giả cách nhau nửa vòng trái đất đã chạm thấu những cảm xúc, những hụt hẫng nơi người thanh niên này, ‘Ôi Thiên Chúa, vẻ đẹp rạng ngời, vẻ đẹp toàn bích! Ngày cũng như đêm, con đi tìm Người. Con chạy vòng vòng nhưng không dẫn đến đâu; tất cả chỉ là hư vô, trống rỗng. Con không thấy vẻ đáng yêu đàng sau của những quà tặng, bởi con mù loà điếc lác không nhận ra Ngài, Đấng Tặng Quà’.

 

Một cái gì đó rất phù hợp với điều ngôn sứ Giêrêmia nói hôm nay, “Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh, để đào những hồ nứt rạn không giữ nước”. Khác nào Augustinô, Israel thay lòng đổi dạ, chạy theo thần ngoại, chạy theo thế quyền, vật chất và những gì tạm bợ vốn không thể dập tắt cơn khát, cơn đói tâm hồn; Augustinô bỏ Chúa, Israel bỏ Đấng cứu thoát mình, nguồn nước hằng sống để đào cho mình những giếng rạn nứt. Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa, bằng mọi cách đưa dân về lại với Người khác nào Mônica ròng rã mười sáu năm trường khóc con, mong con quay về với Chúa, suối nguồn yêu thương. Vậy mà, Augustinô phớt lờ, Israel bỏ ngoài tai; bởi lẽ, nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu.

 

Đây cũng là điều đã xảy ra trước và sau khi Augustinô trở lại. Chúa Giêsu nói về những người cứng lòng đương thời, như ‘Augustinô tiền’; và những môn đệ mềm lòng, như ‘Augustinô hậu’. Ngài nói, “Các con là những người được ban cho biết những mầu nhiệm Nước Trời. Vì ai đã có, thì ban thêm cho dư dật; kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi”.

 

Tại sao ai có lại có thêm, ai không có thì cái có cũng bị lấy đi? Đây là cốt lõi của mầu nhiệm ân sủng, mầu nhiệm Nước Trời. Mầu nhiệm này được ban cho ai biết mở lòng ra trước chân lý. ‘Augustinô hậu’, các môn đệ là những người đã mở lòng ra và Thiên Chúa đã tỏ những mầu nhiệm cao sâu, dài rộng, đẹp đẽ và vô biên một cách rõ ràng, trực tiếp cho các ngài.

 

Anh Chị em,

Đây cũng là điều chúng ta cần lưu ý. Hãy tìm học những gì Chúa Giêsu dạy và tuyệt đối tin vào lời Ngài. Vì một khi bắt đầu tin, sau đó, sống điều mình tin là khởi đầu một hành trình mới; một hành trình có tên là ân sủng, hành trình của niềm tin và sự hiểu biết mà trước đó chưa bao giờ có. Đó là ý nghĩa của việc ai có, sẽ cho thêm, cho cách dẫy đầy. Sự sống ân sủng là như thế! Một khi bắt đầu chấp nhận tất cả là sự thật, ân sủng sẽ biến đổi cuộc đời mỗi người như đã biến đổi Augustinô. Chúng ta sẽ được cho thêm theo cấp số nhân, nhiều gấp bội so với những gì có thể tưởng tượng và đó chính là ân sủng. Ngược lại, một khi từ chối lắng nghe và không chịu hiểu, thì ngay cả niềm tin và sự hiểu biết còm cỏi đã có cũng sẽ dần dần trở nên mơ hồ, nghi hoặc và rồi, sớm muộn gì cũng đi đến chỗ mất đức tin.

 

Lần kia, một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa đến hỏi một ẩn sĩ, “Làm thế nào để con mãi vững tin?”. Ẩn sĩ đáp, “Đức tin không phải là cái con nhận một lần thay cho cả đời. Đức tin là thế này, có những lúc con đi trên nước và có những lúc con chìm tựa chì. Nhưng nếu mỗi ngày con hoán cải, mở lòng ra cho ân sủng và biết sống yêu thương, thì con sẽ ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa và sự bất tử của linh hồn con”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ân sủng Chúa đang đổ xuống cho con trên bàn thờ; xin cho con hiểu, mỗi ngày con đi tìm Chúa; nhưng kìa, Chúa đang ngược chiều tìm con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)