Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Luôn làm cho sống - Một nỗi sợ thánh

Tác giả: 
Lm Minh Anh

LUÔN LÀM CHO SỐNG

“Nhờ Ngài, chúng ta được sống”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa được chọn trong ngày lễ thánh Matta nêu bật chủ đề Thiên Chúa là tình yêu, cũng là một Thiên Chúa làm cho sống. Một sự trùng hợp ít ai để ý là tác giả của cả hai bài đọc chỉ là một, Gioan tông đồ. Qua thư thứ nhất, Gioan nói về Thiên Chúa là tình yêu; qua Tin Mừng, Gioan cho biết, Thiên Chúa đó làm cho sống: Lazarô, chỗi dậy sau bốn ngày chết trong mồ.

 

Thánh thư hôm nay là một trong những đoạn văn hay nhất của Tân Ước; trong đó, Gioan định nghĩa Thiên Chúa Là Tình Yêu, một định nghĩa tuyệt vời nhất về Thiên Chúa của Thánh Kinh mà chỉ mình Gioan có. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, tình yêu đó được biểu lộ khi “Người sai Con Một đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống”. Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống; bởi lẽ, công việc của tình yêu là làm cho sống, nhân lên sự sống. Ở đâu không làm cho sống, ở đó vắng bóng Thiên Chúa; ở đó, không phải là tình yêu.

 

Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu và các môn đệ đến nhà những người bạn thân của Ngài. Matta, người chị có cô em là Maria và Lazarô, người mới qua đời. Cuộc đối thoại bắt đầu với những dỗi hờn như trách yêu vị khách quý, “Nếu Thầy ở đây thì em con không chết”; nói như thế, Matta hàm ý, vị khách của mình đã từng làm cho nhiều người sống. Cô nói thêm, “Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”; Matta xác tín, vị khách quý của mình đầy quyền năng. Chúa Giêsu nói với cô, “Em con sẽ sống lại”; Matta hiểu em cô sẽ sống lại như bao người vào ngày thế mạt, “Con biết em con sẽ sống lại trong ngày sau hết”. Đến lúc này, Chúa Giêsu không thể cầm mình, Ngài buộc phải nói lên bản chất của tình yêu nơi Ngài, làm cho sống, “Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin Thầy thì dầu có chết cũng sẽ sống; kẻ nào sống mà tin Thầy, sẽ không chết bao giờ”; và Ngài dồn Matta đến chân tường, “Con có tin điều đó không?”. Matta đáp, “Thưa Thầy, vâng, con tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”. Sau đó, trước cửa mộ, Ngài cất tiếng gọi, “Lazarô”; người chết bước ra.

 

Anh Chị em,

 

Chúa Giêsu không chỉ làm cho con người sống lại phần xác như đã cho Lazarô em của Matta Maria sống lại, hoặc như cho con gái ông Giairô, con trai goá phụ thành Nain sống lại nhưng Ngài còn làm cho tinh thần, phẩm giá và nhân vị của con người được hồi sinh; cũng là điều mà trong kinh nguyện bình dân, con cái Giáo Hội xin cho được là “sống lại thật về phần linh hồn”. Lần giở các trang Tin Mừng, chúng ta đọc thấy biết bao con người được Chúa Giêsu làm cho sống lại thật về phần linh hồn. Một Nicôđêmô biệt phái được ơn tái sinh, những người phong cùi được lành sạch, hai người quỷ ám sống mà như chết lây lất giữa mồ mả được trừ tà, những người mù thành Giêricô được sáng mắt, một phụ nữ Samaria bên bờ giếng được nước trường sinh, một phụ nữ ngoại tình suýt bị ném đá được ra về an bình, một Giakêu thu thuế hồi tâm, một Lêvi trưởng quan thuế thành tông đồ hay một anh trộm lành trên gò Sọ được cả nước thiên đàng… Đó là những người được Ngài làm cho sống lại thật về phần linh hồn.

 

Chúa Giêsu là sự sống, không chỉ sự sống đời sau nhưng còn là sự sống hiện tại, qua đó, ơn thánh sự sống của Ngài đang hoạt động cùng với Thánh Thần trong linh hồn chúng ta, những lữ hành chốn khách đày cùng với Giáo Hội chinh chiến. Những lời lạ lùng, “Thầy là sự sống lại và là sự sống” của Ngài thật an ủi khiến mỗi người không ngần ngại để đến gần Ngài hơn; nhờ đó, Ngài cũng sẽ làm cho sống những gì đang chết… trong những ước muốn lăng loàn, những tâm tưởng khùng điên và cả linh hồn có thể đang rối bời như mớ bòng bong của mỗi người.

 

Tại một trại cùi tanh tưởi đến tởm lợm, bệnh nhân vật vờ như bóng ma trơi. Vậy mà ở đó có một bệnh nhân yêu đời đến lạ thường. Sau nhiều ngày, soeur phụ trách phát hiện, thì ra, đúng sáu giờ mỗi chiều, qua khe hở của bức tường, anh nhìn ra đỉnh đồi. Kìa, ở đó, người vợ yêu dấu của anh trao tặng anh một nụ hôn gió, kèm theo một nụ cười. Ôi, tình yêu làm cho sống.

 

Anh Chị em,

 

Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống cũng là “Bánh ban sự sống” cho chúng ta ngay hôm nay trên bàn thờ. Ngài đang đợi để làm cho mỗi người chúng ta sống. Hãy tin điều đó!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, qua khe hở của ngày sống, chớ gì con cũng thấy Chúa mỉm cười và giúp con sống; nhờ đó, mỗi ngày, con cũng làm cho anh chị em con sống, lớn lên và người hơn”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MỘT NỖI SỢ THÁNH

“Đến ngày tận thế cũng như vậy”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Cả hai bài đọc hôm nay nói đến ngày chung thẩm và sự công thẳng của Thiên Chúa. Giêrêmia cho thấy dân Chúa chỉ như nắm đất sét trong tay người thợ gốm, Thiên Chúa có thể bóp nó nhão nhoét bất cứ lúc nào, vì thế, hãy ăn năn; Tin Mừng nói đến ngày mà các thiên sứ sẽ tách biệt người lành ra khỏi kẻ dữ, vì vậy, hãy hoán cải. Thiên Chúa có hồi kết của Người.

 

Bài đọc thứ nhất đưa ra một hình ảnh biểu tượng khi Thiên Chúa sai Giêrêmia đến nhà người thợ gốm để chứng kiến việc ông làm. Ngôn sứ nói cho dân rằng, như nắm đất sét trong tay người thợ gốm thế nào, dân cũng ở trong tay Chúa như vậy; Người có thể bóp họ như thợ gốm bóp đất nhẽo nhèo, cũng có thể nặn họ theo ý Người muốn. Đọc tiếp Giêrêmia, một hình ảnh khác được dùng là một chiếc bình Chúa bảo ông mua về, mang đến công trường, nơi ba quân thiên hạ tụ tập; ở đó, ông sẽ đập bình vỡ tan tành. Người muốn nói với dân rằng, nếu không trở về, số phận của dân cũng sẽ ra như vậy và đừng nghĩ, Israel là dân Chúa chọn nên Giêrusalem sẽ không bao giờ sụp đổ, điều đó thật là ảo tưởng.

 

Dụ ngôn lưới cá trong Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một chung cục tương tự. Đây là dụ ngôn cuối cùng trong một chuỗi bảy dụ ngôn bắt đầu với người gieo giống, cỏ lùng, hạt cải, men bột, kho báu và ngọc quý của thánh sử Matthêu. Có sự một tương đồng giữa dụ ngôn lưới cá và cỏ lùng, bởi lẽ, cả hai nói đến việc tách biệt người lành kẻ dữ vào thời cánh chung, “Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

 

Thoạt tiên khi đọc những lời này, chúng ta thấy chẳng có gì hấp dẫn; thế nhưng, nó sẽ thật sự hấp dẫn khi chúng ta nghĩ đến tính cấp thiết của “một nỗi sợ thánh” nào đó trước sự công thẳng của Thiên Chúa và điều này thật cần thiết. Trong thời đại hôm nay, tội lỗi xem ra đang ngày càng được chấp nhận và trở nên “bình thường” hơn; nền văn hoá toàn cầu dường như đang phát triển vững chắc hơn theo hướng thế tục; cuộc sống vô đạo đức của nhiều loại hình đó đây đang ngày càng nở rộ và hậu quả là chúng ta dễ dàng coi xem tội lỗi là một cái gì bình thường, thậm chí có thể chấp nhận. Quả vậy, khi chúng ta nêu đích danh tội này tội kia thì thế gian gọi chúng ta là hạng hay sinh sự, phê phán và đạo đức giả.

 

Vậy mà khi chúng ta không chấp nhận những gì là vô đạo đức, và nguyên chỉ việc chấp nhận điều đó, thì Tin Mừng hôm nay sẽ truyền cảm hứng và thật sự hấp dẫn để chúng ta làm điều ngược lại. Văn hoá tinh tế hôm nay đã biến ngày Chúa Nhật thành một ngày gì đó chứ không phải là ngày nghỉ để thờ phượng Chúa và vui sống với tha nhân; văn hoá hôm nay xâm phạm sự thánh thiện của hôn nhân khi người ta đặt lại vấn đề; văn hoá hôm nay cũng có thể làm cho thiên chức của tu sĩ giáo sĩ biến họ thành những công chức hám danh tham quyền và mê tiền. Như thế, người môn đệ Chúa Giêsu cảm thấy đức tin mình bị thử thách, thậm chí bị tấn công. Lời Chúa hôm nay hấp dẫn và truyền cảm hứng cho chúng ta để chúng ta không chỉ ra sức nên thánh nhưng cùng lúc, làm tất cả những gì có thể để cứu vớt anh chị em mình vốn đang bị cuốn theo chiều hướng văn hoá tục luỵ này hầu đổi thay não trạng và cách sống của họ.

 

Anh Chị em,

 

Tội lỗi luôn xấu xa và huỷ hoại, chúng ta chống lại tội lỗi thế nào. Chúng ta thương yêu người phạm tội, nhưng không bao giờ hỗ trợ hoặc chấp thuận hành vi trái nghịch luật Chúa của họ. Giữ cho mình đứng vững trước sự đối nghịch của nền văn hoá thế tục đã là một hành động tuyệt vời nơi người môn đệ; còn hơn thế, nỗ lực làm mọi sự trong khả năng có thể để cứu một số người, ngày nào đó, khỏi phải khóc lóc nghiến răng sẽ là tuyệt vời và hấp dẫn hơn nhiều.

 

Thánh Louis Marie de Montfort nói, “Con hãy làm như người chủ hiệu với hàng hoá của ông; mưu lợi từ từng món. Đừng để mất một mẩu nào, dù nhỏ bé nhất. Đó có thể là những điều kỳ quặc của người láng giềng, có thể là một lối sống vô đạo khinh thường luật Chúa, một đồng xu bị mất, một cơn xao xuyến của tâm hồn, một cơn đau sơ sài ở tứ chi. Con hãy mưu lợi từ tất cả như người chủ hiệu khôn ngoan để thánh hoá bản thân con ngày càng thánh thiện hơn và giúp anh em con khỏi hư mất thì chẳng mấy chốc, con sẽ trở nên giàu có trước mặt Chúa”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con luôn có một nỗi sợ thánh để lánh xa tội lỗi; đồng thời, can đảm làm mọi sự có thể, hầu cứu thoát những ai đang trên đường hư mất”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)