Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ở đó gió sẽ lặng - Như một dòng suối tràn bờ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

Ở ĐÓ GIÓ SẼ LẶNG

Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất ngạc nhiên khi nói, Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay dù chúng ta không ở trong mùa giáng sinh nhưng đang ở giữa mùa thường niên; đó là một “Thiên Chúa ở cùng” với lòng nhân ái xót thương như là hằng tính của Người. Chúa đã ở cùng Giêrêmia, ban cho ông sự khôn ngoan để ông phân định ai là ngôn sứ thật, ai là ngôn sứ giả; Chúa đã ở cùng Phêrô, ban cho ông can đảm để ông đi trên nước mà đến với Ngài, sau đó, kịp đưa tay chộp lấy ông khi ông sắp chìm nghỉm.

 

Sách Giêrêmia bất ngờ kể chuyện sự xuất hiện của một ngôn sứ giả, Hanania. Giêrêmia, người có Chúa ở cùng, thoạt tiên xử sự rất khôn ngoan và đúng mực. Tiên vàn, ông phải bênh vực quyền lợi tôn giáo của đất nước, không để dân thoả hiệp chính trị với người ngoại vì điều này sẽ phương hại đến niềm tin vào Thiên Chúa của mình. Hanania lộ diện, đưa ra những lời tuyên sấm thuận tai mê hoặc lòng dân. Trước những lời đường mật của vị ‘ngôn sứ mới’, Giêrêmia bình tĩnh lắng nghe, ông không vội trả lời, cũng không phản đối; Giêrêmia đợi chờ Thiên Chúa, Đấng ông hoàn toàn tuỳ thuộc. Và một khi Chúa đã ngỏ lời với ông, ông lên tiếng nhân danh Người và thẳng thừng với ngôn sứ giả, “Chúa phán như sau, ‘Này, Ta sẽ bứng ngươi ra khỏi mặt đất, ngay năm nay, ngươi phải chết vì ngươi đã hô hào chống lại Thiên Chúa’”. Quả thế, Hanania đã chết năm đó. Thiên Chúa ở cùng Giêrêmia, ban cho ông khôn ngoan và sức mạnh.

 

Điều tương tự đã xảy ra với Phêrô qua trình thuật Tin Mừng. Giữa đêm khuya, biển khơi dậy sóng, gầm rú đến rợn người, thuyền các môn đệ bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió; ấy thế, Chúa Giêsu, người Thầy nhân ái vẫn đồng hành xa xa bên cạnh các học trò thân yêu của mình. Và câu chuyện xảy ra sau đó vốn thường được coi như một bài học về đức tin khi Phêrô đi trên nước mà đến cùng Thầy; vậy mà, bài học về lòng nhân ái và xót thương ở đây còn lớn hơn. Giữa trùng khơi đen kịt hãi hùng, một bóng người xuất hiện thấp thoáng trên sóng, các môn đệ la lên, “Ma kìa”, thì Chúa Giêsu, Thầy họ, lại thanh thản như đứng trên đất liền hoặc trên một bờ cát, Ngài lên tiếng trấn an, “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Ôi, dịu dàng!

 

Nghe thế, Phêrô lên tiếng, “Thưa Thầy, nếu quả là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Nói như thế, cách nào đó, Phêrô thách thức Thầy; không chỉ thách thức có phải Thầy đó hay không nhưng còn thách thức quyền năng của Thầy. Liệu Thầy có thể làm nước hoá cứng hay chắp cho tôi đôi cánh vô hình để tôi đến được với Thầy? Bên cạnh đó, Phêrô còn muốn ngang sức với Thầy, tài giỏi như Thầy và đàng sau những lời đó, còn cả một Phêrô tự phụ khi ông ỷ mình là người bơi giỏi, lỡ chìm thì bơi. Chúa Giêsu không chấp xét, trách móc; một lần nữa, Ngài nhân từ bảo ông như không có chuyện gì, “Cứ đến”. Ôi, dịu dàng!

 

Từ thuyền bước xuống, Phêrô đi trên nước, đến với Thầy nhưng khi thấy gió mạnh và bắt đầu chìm, ông la lên, “Lạy Thầy xin cứu con”. Tin Mừng nói, “Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông”. Lòng nhân ái và xót thương của Thiên Chúa nơi Ngài không cho phép Ngài ngần ngừ một giây; với một người thầy nào khác, có lẽ họ sẽ để cho người học trò đầy tự phụ no nước đến lả người rồi mới đưa tay cứu. Còn Chúa Giêsu, Ngài chỉ nhẹ nhàng trách yêu, “Hỡi kẻ kém lòng tin, sao lại hoài nghi?”. Ôi, dịu dàng!

 

Tin Mừng nói, “Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng”. Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó gió sẽ lặng; ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có bình an. Tin Mừng kể tiếp, “Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói, ‘Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa’”, và hẳn trong số người bái lạy Ngài, chúng ta tin, thế nào cũng có cả Phêrô, người được Ngài ở cùng nhiều hơn cả. Ôi, dịu dàng!

 

Cha Charles de Foucauld đã thưa lên điều tương tự như Phêrô, “Lạy Chúa, nếu quả có Chúa, xin tỏ cho con nhận ra Ngài”. Chúa đã tỏ mình cho vị chân phước vốn đã mất đức tin từ thời thiếu niên; Chúa đã ở cùng Charles de Foucauld mãi đến những ngày cuối đời trong sa mạc.

 

Anh Chị em,

Chúa Giêsu, Đấng Emmanuel, đang ở cùng và yêu thương chúng ta cả khi chúng ta không nhận ra Ngài trong đêm tối giữa dông tố cuộc đời hoặc cả khi chúng ta dám thách thức Ngài cách này cách khác. Ngài vẫn luôn sẵn sàng đưa tay cứu lấy chúng ta cả khi đức tin của chúng ta đầu hàng và bất lực trước những nỗi sợ và nghi ngờ có thực vốn chúng ta có thể sắp ngã lòng. Ngài vẫn hằng yêu thương chúng ta dù chúng ta có nghi ngờ đến mấy, thách thức Ngài đến đâu; Ngài không thể bỏ chúng ta vì Ngài là Thiên Chúa đời đời nhân ái và xót thương.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa luôn ở cùng con nhưng con ít ở cùng Chúa; xin cho con biết quay về với Ngài nhất là giữa lúc bão tố vì tin rằng, Chúa đang đưa tay ra cho con, bàn tay đẫm ân sủng”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

NHƯ MỘT DÒNG SUỐI TRÀN BỜ

“Ta đã đặt ngươi làm người canh gác nhà Israel”;

“Người nói với họ, “Lúa chín đầy đồng”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay mừng kính thánh Gioan Maria Vianney linh mục, bổn mạng các cha xứ trên toàn thế giới, Giáo Hội cho chúng ta đọc lại sứ vụ của Êzêkiel và sứ vụ của các môn đệ. Thiên Chúa nói với Êzêkiel, “Ta đã đặt ngươi làm người canh gác nhà Israel”; Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Lúa chín đầy đồng”, Ngài sai họ đi.

 

Trước tình cảnh nước mất nhà tan, nếu Giêrêmia có sứ mạng giúp cho số sót con cái Israel còn lại ở Palestine giữ đường lối Chúa thì tại đất lưu đày, Êzêkiel được gọi để hỗ trợ cho niềm tin dân Chúa luôn kiên vững. Êzêkiel nói với dân, đừng ảo tưởng khi quan niệm Giêrusalem sẽ bảo đảm cho Israel tồn tại, ông mạnh mẽ tố cáo quan niệm ấu trĩ đó khi dân sống một nếp sống vô luân, chạy theo ngẫu tượng; Êzêkiel thúc giục dân quay về với Chúa. Đó là ơn gọi của Êzêkiel như Chúa đã phán, “Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác nhà Israel”.

 

Tin Mừng hôm nay nói đến một điều tương tự khi Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng vơ vất như chiên không người chăn; Ngài động lòng thương xót họ và sai các môn đệ đi. Ngài căn dặn, trước hết, hãy cầu xin Chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về vì lúa chín đầy đồng.

 

Cha Gioan Maria Vianney không chỉ là người canh gác có trách nhiệm nhưng ngài còn là một thợ gặt tuyệt vời đến bất ngờ cho Giáo Hội và Âu châu đầu thế kỷ 19. Sau thời làm chú long đong, làm thầy lận đận vì sức khoẻ và chậm trí, cuối cùng, Vianney cũng chịu chức và được sai về xứ Ars với vẻn vẹn 230 linh hồn vốn chỉ quen với sòng bài, quán rượu và nhà thổ hơn là nhà thờ. Ngày về xứ mới, cha tổng đại diện nói với Vianney, “Đây là một họ đạo nhỏ bé nghèo nàn, thiếu vắng tình yêu Chúa. Cha hãy mang tình yêu cho họ”. Vậy là Vianney đã dìm mình trong Chúa và cuộc đời còn lại của ngài có thể tóm tắt trong hai điều, “cầu nguyện và yêu mến”. Ngài yêu mến các linh hồn Chúa trao cách đặc biệt, và nhất là yêu thương các tội nhân.

 

Cha Vianney nói, “Các con thân mến, kho tàng của người Kitô hữu không ở dưới đất, nhưng ở trên trời. Thế thì lòng trí chúng ta phải hướng đến nơi có kho tàng của mình. Hạnh phúc của con người là cầu nguyện và yêu mến”. Ngài chuyên chăm ngồi toà giải tội, mỗi ngày có khi đến 17 giờ đồng hồ. Có lần ngài tự thú, “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đó không”. Ở nhà ga Lyon, có loại vé tầu riêng, giá trị trong 8 ngày để đi Ars, vì để có thể xưng tội với ngài, việc phải chờ đợi vài ngày là chuyện bình thường. Ngài nói, “Lòng thương xót của Thiên Chúa như một dòng suối tràn bờ; nó kéo theo những tâm hồn trên dòng chảy nó đi qua”; “Không phải các tội nhân đến cùng Chúa để xin Ngài tha tội, nhưng chính Thiên Chúa chạy đến với tội nhân và làm cho họ đến với Ngài”; “Thành thử hãy cho Thiên Chúa niềm vui nầy và chúng ta sẽ hạnh phúc”. Có người nói, “Con đã làm quá nhiều điều xấu, Chúa tốt lành không thể tha thứ cho con”; ngài bảo, “Nói như thế là phạm thượng lắm, nói như thế là giới hạn lòng nhân từ của Thiên Chúa. Lòng nhân từ nầy không có điểm chấm, mà là vô tận. Lỗi lầm của chúng ta như hạt cát bên ngọn núi lớn lao của lòng nhân từ nơi Thiên Chúa”.

 

Cha Vianney yêu mến Thánh Lễ cách riêng, ngài nói, “Không có gì cao trọng hơn Thánh Lễ”; “Chính Chúa yêu chúng ta rất nhiều! Tại sao chúng ta không yêu mến Ngài?”; “Hãy đến mà rước lễ. Hãy đến với Chúa Giêsu. Hãy đến sống với Ngài, để sống cho Ngài”.

 

Anh Chị em,

Theo cha thánh Vianney, một mục tử tốt  là “Kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho một giáo xứ”, đồng thời là “Một trong những hồng ân cao quý nhất của lòng thương xót Chúa”; “Sau Thiên Chúa thì linh mục là tất cả hạnh phúc của người kitô hữu”, vì “Chức linh mục là tình yêu của trái tim Chúa Kitô”; “Hãy để một giáo xứ hai mươi năm không có linh mục; bấy giờ, người ta sẽ thờ thú vật”. Hôm nay, lễ thánh Vianney, Anh Chị em đừng quên cầu nguyện cho các cha xứ trên toàn thế giới.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,                                           

“Lạy Chúa, dù con bất tướng vô tài, xin đừng để con vô tâm. Muốn được vậy, cho con thắm đẫm Chúa và tận tuỵ yêu thương những ai Chúa trao cho con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)