Chuyện tình ở nơi tâm dịch
CHUYỆN TÌNH Ở NƠI TÂM DỊCH
Một lần nữa, chẳng ai mong muốn sự "trở lại và lợi hại hơn xưa" của nàng Cô Vy 19. Và dĩ nhiên nhà nhà chung tay, người người chung sức để làm giảm thiểu số ca lây nhiễm cũng như thiệt hại về nhân mạng mức thấp nhất.
Cùng chung một tấm lòng ! Có lẽ đây là điều mà mọi người phải ý thức để cùng nhau chung chia nỗi khó mà cả thế giới đang gặp phải.
Một lần nữa, trước khi thiếu ăn thiếu mặc do đại dịch thì nhiều người phải đối mặt với chuyện thiếu khẩu trang và thiếu nước rửa tay sát khuẩn. Lần trở lại của Cô Vy này không nhiệt nóng, không ồn ào, không rộn rã như trước kia nhưng đâu đó ta vẫn thấy manh nha của những con người vì cái lợi cá nhân đã không ngần ngại tăng giá khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn.
Thật dễ thương với câu nói của một bạn ở nơi tâm dịch : "Khẩu trang chỗ em đang ở giá vẫn bình ổn và mọi người có thể mua rất dễ dàng. Ở những vùng dịch chưa tới hay chưa nóng thì giá của những trang thiết bị y tế lại tăng cao". Và, có lẽ không chỉ một mình bạn này nói nhưng ai ai cũng thấy rõ vì nó quá rõ giá cả được tung ra thị trường.
Ở những nơi tâm dịch, ở những nơi dịch đang bùng phát thì người ta lại thấy le lói tình người với nhau. Những tấm lòng như vậy thật trân quý giữa mùa dịch.
Ở đời ! Đâu đâu cũng có mặt trái - mặt phải và con người cũng vậy. Chẳng phải ở đâu cũng có người xấu cả và ngược lại.
Cách đây ít lâu. Đang trên đường thăm Mẹ Măng Đen, chưa kịp cảm ơn Mẹ vì ân tình mới nhận thì Mẹ lại cho thêm quà cho người nghèo qua một gia đình quảng đại. Gia đình ấy, chưa một lần quen biết, chỉ mới gặp chóng vánh ở quán ăn nhưng họ sẵn sàng chia sẻ cho những người nghèo mà cả họ cũng chưa biết mặt. Họ chỉ biết cho đi và cho đi chứ không hề mong đợi bất cứ gì sau những lần cho đi ấy.
Lễ sáng ở núi Mẹ vừa xong, một người nghèo chạy tới dúi vào tay Cha 200 ngàn : "Cha cho con chia sẻ với người nghèo". Nhìn anh thấy thương và không dám nhận. Không phải chê nhưng nhận ra anh là người làm hồ ở công trình nên nào dám nhận của người nghèo. Thế nhưng Anh cứ dúi vào và nói : "Con chia sẻ chút xíu, Cha đừng từ chối".
Từ chối sao được tấm lòng của người nghèo biết chia sẻ. Lòng của Anh trân quý lắm cơ mà !
200 ngàn của anh chàng này lớn lắm chứ ! Nó là 2 triệu, 2 chục triệu của người giàu đó chứ ! Nó chỉ là 200 nhưng nó gói ghém cả tấm lòng sẻ chia với những người bất hạnh.
Và đâu đó giữa chợ đời, ta vẫn bắt gặp đươc nhiều và rất nhiều tấm lòng sẻ chia giữa những con người thu vén.
Ta vẫn thấy đó, chỉ vì vài đồng bạc mà có những người, những tổ chức đưa đón người nhập cảnh tràn lan để mang họa cho con người và đất nước. Có những chuyến xe chỉ vì lợi ích cá nhân mà đã rước mầm rủi ro vào cho nhân loại.
Giữa những người chung tay góp sức ta lại thấy những kẻ bất nhân. Và, điều đáng tiếc là những người bất nhân ngày nay sao sinh sôi nhiều và nhanh như thế. Nhìn đi nhìn lại thì ta lại thấy họ quá ác và lòng họ dường như chai cứng trước những nỗi đau của đồng loại. Những con người ấy, Chúa Giêsu lại gán cho họ một cái tên nghe đến nhói lòng : Đồ cái hạng người lòng chai dạ đá.
Nôm na và dễ hiểu thì lòng con người phải mềm mại cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và đúng với chức năng chuyển tải thức ăn của nó. Và, người ta vẫn dùng, vẫn ví von hình ảnh lòng người để diễn tả tâm tình sống của một ai đó. Mãi muôn đời, nhân loại vẫn cần và cần lắm những con người có tấm lòng. Hóa ra rằng có những người xem ra đang còn sống đó nhưng lòng họ đã chai cứng và khô cằn trước nỗi đau của đồng loại để họ tăng giá khẩu trang, làm nước diệt khuẩn giả, đưa người nhập cảnh trái phép ...
Sống trên đời sống, mãi mãi và muôn đời vẫn cần đó một tấm lòng. Để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi thôi !
Ờ mà kỳ lạ ! Nếu ở đời không có lòng với nhau thì thật ư là chán ! Thế cho nên mỗi người chúng ta tự nhủ với nhau là lòng ít lòng nhiều miễn sao lòng có với nhau cũng ấm áp tình người giữa cơn đại dịch này.
Một lần nữa, ta phải đấu tranh với cái xấu và cái ác để sống thiện với anh chị em đồng loại. Một lần nữa, ta được mời gọi là hãy sống với anh chị em chúng ta bằng cả con tim, bằng cả tấm lòng yêu thương và chia sẻ, nhất là trong cơn đại dịch nguy hiểm này.
- Tổng Hơp: