Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Không mai một, chẳng lu mờ - Tìm kiếm và ôm lấy nó

Tác giả: 
Lm Minh Anh

KHÔNG MAI MỘT, CHẲNG LU MỜ

 

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, mừng thánh Đa Minh và dù ngày lễ chỉ ở bậc nhớ buộc, nhưng Giáo Hội vẫn cho chúng ta nghe các bài đọc chọn lọc từ sách Khôn Ngoan và đoạn Tin Mừng nói đến việc theo Chúa thì chắc hẳn ở đây, Giáo Hội đã có ý. Phải chăng vì thánh Đa Minh đã khôn ngoan chọn Chúa, khôn ngoan yêu Chúa và nhất là khôn ngoan để biết cách làm cho nhiều người trở về với Chúa. Nguyên trong cái tên tiếng Việt dành cho ngài, “Đa Minh”, đã có một cái gì đó thiên về tri, chiều về trí và hướng đến thông tuệ. Một trong ngữ nghĩa của chữ “đa” ở Hán văn có nghĩa là bội, nhiều, như đa sầu, đa cảm; thật thú vị, ở đây, cách nào đó, “Đa Minh” nghĩa là đầy ánh sáng, xán lạn.

 

Bài đọc hôm nay đã nhân cách hoá sự khôn ngoan thành Đức Khôn Ngoan, “Tôi nguyện xin và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Tôi quý trọng Đức Khôn Ngoan còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Với tôi, trân châu bảo ngọc đâu sánh tày Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới so với Đức Khôn Ngoan cũng chỉ là cát bụi; và bạc, so với Đức Khôn Ngoan kể như bùn đất. Tôi ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi”.

 

Đức Khôn Ngoan ở đây là gì nếu không phải là Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan mà thánh Đa Minh đã chọn; đồng thời, ngài dành trọn đời mình mà đào sâu, nghiền ngẫm và rao giảng Người; từ đó, thánh nhân đem về cho Người không biết bao nhiêu là linh hồn. Lời đáp ca hôm nay cũng đã nói lên sứ vụ của ngài, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm”.

 

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ cách thức khôn ngoan để theo Ngài, “Phần con, hãy theo Thầy, cứ để kẻ chết, chôn kẻ chết”; “Ai đã tra tay cầm cày mà ngoái lại đàng sau, sẽ không xứng đáng làm môn đệ Thầy”. Lời Chúa nói với thánh Đa Minh, nói với chúng ta về ơn gọi bổn phận của mỗi người. Loại hình có thể khác nhau, nhưng tựu trung, ai ai cũng có cho mình một chiếc cày bổn phận. Người trẻ, chiếc cày đèn sách; cha mẹ, chiếc cày trách nhiệm; linh mục, chiếc cày cầu nguyện, thánh hoá và giảng dạy. Tận tuỵ với bổn phận là những gì khôn ngoan đáng ao ước. Chúa Giêsu nói, “Cứ để kẻ chết, chôn kẻ chết”, hay “Đừng ngoái lại đàng sau” vì Ngài biết ngoái lại đàng sau sẽ chỉ mất tập trung, mất năng lực, mất trọn vẹn, mất thời giờ và mất phương hướng… để rồi, “ngoái lại đàng sau” không chóng thì chày dẫn kẻ cầm cày “quay lại phía sau”, thậm chí thả cày mà đi.

 

Hiểu được điều đó, thánh Đa Minh nói, “Ai chế ngự được các đam mê, người ấy là chủ của thế giới. Phải thống trị chúng, bằng không, chúng sẽ thống trị chúng ta. Là một chiếc búa sẽ tốt hơn là làm một cái đe”.

 

Chuyện kể về bà mẹ của thánh Đa Minh, một người mẹ rất đạo đức. Ngày kia, bà đến tu viện Silos để cầu cho có thêm một người con; bà được nhậm lời. Để tỏ lòng tri ân, bà đặt tên cho con mình là Đa Minh, cũng là tên vị thánh thành Silos. Trước khi đứa trẻ chào đời, bà có một giấc mộng báo cho biết con mình, dưới dạng một con chó trắng đen ngậm trong mõm một ngọn đuốc cháy sáng và chạy khắp thế gian. Ngày rửa tội, mẹ đỡ đầu của Đa Minh cũng đã nhìn thấy một ánh sao sáng trên vầng trán Đa Minh. Đa Minh được tiền định để trở thành ánh sáng cho thế giới vậy.

 

Anh Chị em,

Thánh Đa Minh còn là một chiến sĩ của Đức Mẹ, là tông đồ của chuỗi mân côi. Ngài yêu mến Đức Mẹ cách riêng và Đức Mẹ đã giúp ngài chiến thắng lạc giáo Albigeois, ngài đã đưa về cho Giáo Hội bao linh hồn từ một nền văn hoá sự chết vốn chối bỏ tính thánh thiêng của Chúa Giêsu, của hôn nhân, của việc sinh sản con cái và tự tử được xem là đáng khuyến khích. Những người theo dị giáo Albigeois hoàn toàn từ bỏ những giảng dạy của Giáo Hội, kể cả việc Nhập Thể. Thánh Đa Minh khôn ngoan chọn Thiên Chúa, cống hiến cả cuộc đời để rao truyền sự lớn lao của một mình Người, đem về cho Chúa và Giáo Hội những linh hồn đã chạm ngưỡng hư mất. Với thánh Đa Minh, danh Thiên Chúa được sáng mãi, không mai một, chẳng lu mờ.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa, yêu Chúa và khôn ngoan để biết cách làm cho nhiều người ước muốn gần Chúa hơn; và như thế Chúa được sáng mãi, minh mãi”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

TÌM KIẾM VÀ ÔM LẤY NÓ

 

“Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”;

“Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Cách đây mấy tuần, chúng ta chia sẻ với nhau câu chuyện Êlia gặp Chúa trên núi; cách đây mấy ngày, chúng ta cùng suy nghĩ về câu chuyện Chúa đi trên nước… vậy thì Chúa Nhật hôm nay, với hai bài đọc này, chúng ta còn gì để nói với nhau. Vậy mà có đó, nếu không nói là sẽ thú vị hơn. Nào, hãy cùng nhau dừng lại ở một chủ đề khác, Thiên Chúa ở gần con người đến mức nó phải sợ; nhưng, sợ Thiên Chúa hay sợ một cái gì khác; đó là vấn đề. Trên núi Horeb, Thiên Chúa gọi Êlia; giữa biển hồ, Chúa gọi các môn đệ, và những con người này không thể tưởng tượng một Thiên Chúa lại có thể ở gần họ đến thế.

 

Bài đọc thứ nhất nói đến cuộc thần hiện trên núi của Thiên Chúa cho Êlia. Theo quan niệm Do Thái, núi là nơi Thiên Chúa ngự. Trên núi Sinai, Chúa hiện ra với Môisen; trên núi Horeb, Người hiện ra với Êlia; trên một ngọn núi khác, Chúa Giêsu công bố hiến chương Nước Trời; trên núi Taborê, Ngài hiển dung xán lạn và trên núi Sọ, Ngài hiến mình thê lương. Từ núi Horeb, nơi Êlia đang ẩn mình cho khỏi quân thù đang tiễu phỉ, Thiên Chúa gọi ông, buộc ông trở về để phong vương, để xức dầu cho những ai Người định.

 

Nếu núi là nơi Thiên Chúa ngự thì cũng theo quan niệm Do Thái, biển là chốn ma vương trị vì. Sách Khải Huyền nói, “Biển đã trả lại những người chết trong nó; tử thần và âm phủ hoàn lại những người chết chúng giam giữ”; “Tôi thấy một trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua, và biển không còn nữa”; hoặc quỷ nhập vào đàn heo và lao xuống biển. Vì thế, việc Chúa Giêsu hiện diện giữa đêm khuya trên biển hồ khiến gió yên biển lặng có nghĩa là Ngài chiến thắng, thống trị ma quỷ và các thế lực thù nghịch. Tin Mừng hôm nay nói, Ngài lên tiếng với các môn đệ, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. “Thầy đây” theo bản dịch Hy Lạp, có nghĩa “Ta là”, một thuật ngữ Thánh Kinh gợi lên sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa. Trước bụi gai, Chúa gọi Môisen, sai ông đi giải phóng dân; ông lấy tay che mặt, miệng ú ớ. Ông hỏi Người là ai, Chúa trả lời, “Ta là Đấng Hiện Hữu”, Đấng Hiện Hữu luôn mang theo sức mạnh của Người.

 

Anh Chị em,

 

Thiên Chúa đó có khiến chúng ta sợ hãi không? Hoặc một câu hỏi hay hơn, ý muốn tốt lành của Thiên Chúa có làm chúng ta sợ không? Hy vọng là không; thế nhưng, có lúc chúng ta sợ thật, ít nữa là lần đầu. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta phần nào sự hiểu biết thiêng liêng và cách thức chúng ta phản ứng trước ý muốn của Thiên Chúa trong đời mình.

 

Trước hết, bối cảnh Tin Mừng thật quan trọng. Các môn đệ ở trong thuyền, giữa biển hồ sóng gió một đêm khuya. Bóng tối tượng trưng cho màn đêm chúng ta phải đương đầu với vô vàn khó khăn; con thuyền, theo truyền thống, được coi như Giáo Hội và biển hồ, biểu tượng cho thế gian. Vì thế, trình thuật Tin Mừng nói với chúng ta rằng, rất thực tế, mỗi người, giữa thế gian, trong Giáo Hội, đang phải đối mặt với những “đêm tối” cuộc đời.

 

Một đôi khi, trong đêm tối đời mình, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta sợ hãi. Thế nhưng, không phải chúng ta sợ chính Chúa, cho bằng, chúng ta sợ những ý muốn và đòi hỏi của Người. Ý muốn của Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta vươn tới một điều cao cả hơn, hướng thượng hơn, thánh thiện hơn; đó là một sự quên mình để trao ban, đó là một tình yêu đòi phải có hy tế. Đó là những lý do khiến chúng ta sợ và lắm lúc, điều này thật khó chấp nhận. Thế nhưng, trong niềm tin, nếu chúng ta chịu nhượng bộ Chúa, thuận thảo, mềm mỏng với Người… thì Chúa Giêsu cũng sẽ dịu dàng nói với chúng ta như đã nói với các môn đệ, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. Ý muốn của Người không là điều để chúng ta sợ; trái lại, chúng ta tìm kiếm và ôm lấy nó, lòng đầy tin yêu phó thác. Thoạt tiên, điều này có vẻ thách đố; thế nhưng, với lòng cậy tin, việc đáp ứng ý muốn của Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đến một cuộc sống tràn đầy nhất, hạnh phúc nhất, một cuộc sống có tên là ân phúc.

 

 

Anh Chị em,

 

Hôm nay, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta điều gì, Người đang muốn điều gì cụ thể nơi tôi. Một điều gì đó có thể làm chúng ta chết lặng, choáng ngợp hay ngắc ngoải… thế nhưng, đó chính là điều Thiên Chúa đang chờ. Đó có thể là một lời thứ tha thật lòng cho ai đó, có thể là từ bỏ một lối sống nào đó, một ý định điên khùng nào đó hay một ước muốn quái gở nào đó… Hãy dán mắt vào Người và hãy tin, Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta một điều gì đó quá sức khiến chúng ta không thể hoàn thành. Ơn Chúa luôn luôn đủ cho chúng ta và những gì Người muốn luôn luôn đáng giá để chúng ta chấp nhận và liều lĩnh tín thác.

 

Ngày kia, Têrêxa Avilla nói, “Chúa đã đối xử với con quá tệ, Chúa quá đòi hỏi”; Chúa Giêsu trả lời, “Ta thường đối xử với các bạn Ta như thế!”. Chị thánh mới ngoe nguẩy, “Hèn chi, chẳng mấy ai thèm làm bạn với Chúa”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, thật lòng… con cũng không sợ Chúa mấy, nhưng con rất sợ Chúa đòi hỏi điều này điều kia nơi con. Xin hãy xua tan nỗi sợ của con với ân sủng của Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)