Hoá như trẻ, nên như Ngài - Biến đổi của ân sủng
BIẾN ĐỔI CỦA ÂN SỦNG
“Gieo ít, gặt ít; gieo nhiều, gặt nhiều”;
“Nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ kính thánh Lorensô hôm nay có chung một chủ đề: ai gieo thì gặt; ai mất thì được, được cả Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu nói, “Cha Tôi sẽ tôn vinh nó”.
Thánh Phaolô nại đến Thiên Chúa, Đấng giàu có vô lượng không thua lòng quảng đại của một ai… để mời chúng ta biết cho đi như Người, “Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng, Người có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc”, vì “Ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều”. Thánh Lorensô vui lòng cho, vui cho đến khi cho những gì sau hết trên chiếc giường lửa người ta nướng ngài như một hiến lễ hy tế, “Phía này chín rồi, bên kia thì chưa. Lật qua!”.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhân cách hoá hình ảnh hạt lúa vốn dám thối đi, chết đi nhằm hướng đến một ngày mùa hoan lạc, “Thật, Tôi nói thật với anh em: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt”. Ngài đã sống điều Ngài nói; Ngài là hạt lúa đã gieo xuống, thối đi, để hôm nay, đồng lúa nở rộ.
Lời thánh Phaolô cũng như câu nói của Chúa Giêsu cùng mang một ý nghĩa mà thoạt nghe, thật hấp dẫn nhưng cùng lúc, chúng nói lên một thực tế nghiệt ngã vốn thật khó để chấp nhận và nhất là để sống. Chúa Giêsu trực tiếp nói đến sự cần thiết phải chết đi chính mình để cuộc sống mỗi người có thể mang lại một mùa hoa quả bội thu.
Tại sao lại khó? Cái gì khó? Cái khó nhất có căn rễ ở việc chấp nhận ban đầu, rằng, chết đi chính mình là cần thiết và tốt. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của hạt lúa. Hạt lúa phải rứt mình và rơi xuống đất. Đây là một hình ảnh hoàn hảo của sự dứt bỏ. Hạt lúa đơn độc đó phải để cho mọi thứ ra đi. Ai muốn Thiên Chúa làm phép lạ trong đời mình, người ấy phải sẵn sàng để cho tất cả những gì đang bám dính mình ra đi; họ bắt đầu bước vào một quỹ đạo, một làn ranh của việc từ bỏ thực sự những ước muốn, ưa thích, khát khao và cả những hy vọng của riêng mình. Điều này có thể rất khó để thực hiện, bởi lẽ, nguyên việc hiểu được nó, cũng đã khó. Thật không dễ hiểu chút nào, rằng, việc dứt bỏ là một điều tốt, cần thiết thực sự, và đó cũng là cách thế duy nhất để chuẩn bị cho một cuộc sống mới vốn rỡ ràng hơn, phong phú hơn đang chờ đợi qua sự biến đổi của ân sủng. Chết đi chính mình là tín thác vào Chúa hơn những gì chúng ta đang dính trết trong cuộc sống; đồng thời, tin rằng, kế hoạch của Thiên Chúa thì tốt hơn vô cùng so với bất cứ một kế hoạch nào mà chúng ta có thể nghĩ ra.
Trong mọi đấng bậc, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta chết đi mỗi ngày để hướng đến một cuộc sống phong phú hơn, dồi dào hơn và cao cả hơn, cuộc sống của ân sủng.
Mùa xuân năm ấy, có hai hạt lúa nằm cạnh nhau. Hạt thứ nhất hăng hái nói, “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống đất và đâm chồi; tôi muốn vươn những búp non như cờ hiệu triệu báo mùa xuân”, và nó mọc lên xanh tốt. Hạt thứ hai tự nhủ, “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, chẳng biết sẽ gặp gì trong bùn lầy tăm tối. Nếu xuyên qua đất, chồi non sẽ thương tổn. Làm sao mình có thể để búp non xoè lá khi một chú sâu nào đó đang chờ sẵn để xơi mình? Và nếu nở hoa, một bé con nào đó có thể nhổ bứt mình lên! Không, tốt hơn nên chờ”, và nó nằm chờ. Cho đến một buổi sáng, có cô gà mái đỏng đa đỏng đảnh, chân chữ nhất bươi đất kiếm ăn, nhìn thấy hạt lúa, “Tróc”, cô mổ lấy và nuốt ngay.
Anh Chị em,
Hôm nay, Chúa muốn chúng ta liều lĩnh quên mình, dám nứt ra, dám thối đi, chết đi một cách vui vẻ thay vì co ro như hạt lúa ích kỷ và để cho một cái gì đó ra đi. Đó chính là biến đổi của ân sủng. Chúng ta có dám để cho tất cả những gì không phù hợp với Chúa được ra đi?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa có một dự định vô cùng tốt lành cho con, xin cho con biết ôm lấy nó, vì Chúa sẽ cho con một mùa bội thu không chỉ ở đời này nhưng cả đời sau, khi con được Chúa biết đến như thánh Lorensô được Chúa biết”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
HOÁ NHƯ TRẺ, NÊN NHƯ NGÀI
“Không hoá nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Trời”.
Anh Chị em thân mến,
Thuở còn thơ, ai mà không chơi đồ hàng, nhất là các bé gái. Các em lấy vỏ bưởi, vỏ dừa làm chão làm nồi; vỏ sò, vỏ hến, làm chén làm đĩa; lấy tre, lấy hóp làm đũa làm thìa. Rồi thì đi chợ, trả qua trả về, “nói làm đày”, đôi khi một mình phải đóng hai ba vai. Ôi, hồn nhiên! Sau đó, các thiên thần chụm lại quanh bếp lửa tưởng tượng, nào đun, nào thổi, nào quạt. Cuối cùng, cỗ cũng được dọn ra trên một chiếc lá vả to đùng. Mâm xôi đỏ mọng, mưng, táy, khế, ổi, đào, dâu, đái mít… cái ăn được, cái không ăn được xen lẫn ngũ sắc, tứ thời, thọ, cúc, thược dược, bông cỏ may… đặt chung với các đĩa tơ hồng bứt bên hàng dậu chè tàu để lót dưới những đĩa trấu vàng, dăm bào hay mạt cưa. Mấy cậu nhóc chơi loanh quanh, chỉ giỏi chực để được mời xơi cỗ. Có cái ăn thật, có cái ăn giả, có cái ngứa phổng môi, khóc bù lu bù loa… nhưng rồi phải khen ngon cho đẹp lòng ‘các cô’ kẻo lần khác, khỏi mời. Ôi tuổi thơ, đẹp như chuyện thần tiên!
Bài đọc Êzêkiel hôm nay cũng kể chuyện thần tiên. Thiên Chúa nói với Êzêkiel như nói với một đứa trẻ, “Hỡi con người, ngươi hãy ăn sự gì ngươi tìm được”, và đó là một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài; Người phán, “Hãy ăn cuốn sách này và đi nói với con cái Israel những lời của Ta”. Như trẻ chơi đồ hàng, Êzêkiel nhai cuốn sách ngấu nghiến rồi nói, “Gặp được Lời Chúa, tôi đã nuốt vào, Lời Chúa ngọt ngào như mật trong miệng tôi”. Thiên Chúa đó vẫn muốn con người thời nay hoá nên như trẻ thơ để ‘ăn thật lấy’ lời Người và làm sao cũng cảm nhận được sự ngọt ngào của lời Thiên Chúa, lời mà nó không cần tìm kiếm nhưng được gửi đến mỗi ngày.
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến tuổi thơ, nói đến những mảnh trăng non với thế giới cổ tích đầy mê hoặc. Chúa Giêsu nói mà như hát; Ngài nói say sưa, không ngập ngừng, cũng chẳng ngại người khác cho là thiên tư tây vị, “Nếu anh em không hoá nên như trẻ nhỏ, anh em chẳng được vào Nước Trời”; “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ nầy, ấy là người lớn nhất trong Nước Trời”; “Ai tiếp đón một em nhỏ vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”; “Đừng coi khinh một ai trong những trẻ nhỏ nầy, vì Thầy nói cho anh em hay, thiên thần của chúng trên trời không ngừng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Anh Chị em,
Chúng ta thử chiêm ngắm hình ảnh một Giêsu đang ngồi, một em bé đang đứng trước Ngài quay mặt ra với mọi người, hai tay Ngài đặt trên đôi vai em. Lúc đó, hẳn mắt Ngài đang cay cay, rưng rưng chực khóc khi miệng Ngài hát lên ‘ca khúc nịnh trẻ’ chưa ráo mực của mình. Bởi lẽ vào chính giờ phút ấy, Ngài đang cảm nghiệm sâu sắc em bé đang ở trong lòng Ngài là hiện thân của chính Ngài. Con Thiên Chúa xuống thế làm người, phụ thuộc vào không gian, hạn hữu với thời gian; chịu đàm tiếu, bắt bẻ, rình rập và vận mệnh Ngài đang được định đoạt bởi bàn tay kẻ ác với những gì xấu nhất dành cho Ngài. Đúng như văn hào Saint Exupéry trong kiệt tác Hoàng Tử Bé nhận định, “Ngay giữa loài người, con người cũng thật bơ vơ”. Tin yêu, vâng phục, phó thác; xót thương, chữa lành, thứ tha; hồn nhiên, vô tội, một đời cho đi. Ấy thế, chẳng bao lâu nữa, môn đệ sẽ bán đứng Thầy, tông đồ trưởng sẽ chối nhận Thầy, số còn lại sẽ bỏ Thầy mà chạy, một mình chơ vơ giữa hai hàng lính hậm hoẹ, hận cừu, tua tủa lòi tói và dây da; để rồi, “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con”. Quả, ngay giữa loài người, “Con Người” cũng thật bơ vơ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hoá như trẻ, nên như Chúa Giêsu; nhờ đó, mỗi người cũng có thể mặc lấy tâm tình con thảo đầy yêu mến đối với Thiên Chúa. Trong mối tương quan này, Thiên Chúa muốn chúng ta tín thác, lệ thuộc, hồn nhiên, thanh thoát, kính sợ, không kiểu cách và vô tội trước nhan Người như trẻ thơ trước cha mẹ, như Chúa Giêsu trước Chúa Cha. Thánh lễ là nơi tốt nhất để chúng ta quan chiêm Chúa Giêsu và học biết trở nên giống như Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, điều gì đang khiến con chưa hoá như trẻ, chưa nên như Ngài. Xin giúp con tìm thấy sự cao cả thực sự trong tính hồn nhiên và đơn sơ của trẻ thơ; trên hết, giúp con tín thác vào Ngài”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: