Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Câu chuyện của một sự dịch chuyển - Được gọi để bị tước đoạt

Tác giả: 
Lm Minh Anh

CÂU CHUYỆN CỦA MỘT SỰ DỊCH CHUYỂN

“Chúa thương xót hết mọi người”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay có chung một chủ đề: lòng thương xót của Thiên Chúa cũng dịch chuyển, người lương kẻ giáo, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương. Isaia linh cảm tính phổ quát của ơn cứu độ mà Thiên Chúa sẽ ban cho mọi nước mọi dân; thánh Phaolô nói, Chúa thương xót hết mọi người, con trong nhà, con người ngoài; và qua Chúa Giêsu, Tin Mừng xác nhận ý định ngàn đời của Thiên Chúa, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương.

 

Bàn tiệc Lời Chúa hôm nay thịnh soạn một cách bất ngờ. Vì lẽ thường, vào các Chúa Nhật thường niên, liên quan đến bài Tin Mừng, chỉ có bài đọc một; thế mà hôm nay, cả ba bài đều có chung một chủ đề.

 

Qua bài đọc thứ nhất, Isaia tiên báo về sự hào hiệp đại lượng của Thiên Chúa vì rồi đây, Người sẽ gửi giấy mời dự tiệc Nước Chúa đến tận các dân ngoại. Isaia trực giác về lòng xót thương của Thiên Chúa vốn sẽ được tỏ cho muôn dân; ông linh cảm về tính phổ quát của ơn cứu độ vốn sẽ được dịch chuyển, mở rộng. Qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa nói về dân ngoại rằng, “Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện”; “Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ. Vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Rõ ràng, ý định ngàn đời của Thiên Chúa đã được hé lộ, lòng thương xót của Người dịch chuyển, người lương kẻ giáo, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương.

 

Dân ngoại hỷ hoan phớn phở, họ sẽ vui mừng khoái trá vì biết Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người đã ban cho họ ơn cứu độ. Niềm vui nhận biết Người vỡ oà qua Thánh Vịnh đáp ca, “Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài”.

 

Tường tận hơn, thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, giải thích với anh em tân tòng qua thư Rôma rằng, “Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được xót thương”. Ngài muốn nói, vì người đạo dòng cứng lòng, nên dân ngoại được kêu gọi; để một khi thấy dân ngoại được kêu gọi, may ra người đạo dòng dịch chuyển mà ăn năn trở về cùng Chúa để lại được thương xót, “Nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì việc họ được thâu nhận lại sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?”.

 

Đặc biệt với bài Tin Mừng, một phụ nữ ngoại giáo được Chúa Giêsu thương chữa lành cho con gái mình. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay rõ ràng là câu chuyện của một sự dịch chuyển, dịch chuyển từ vùng đất Israel sang vùng đất dân ngoại; dịch chuyển từ sự bất xứng đến với sự xứng đáng của người ngoại giáo; dịch chuyển từ niềm tin của bà đến với lòng thương xót Chúa và cuối cùng, dịch chuyển từ lòng thương xót Chúa đến phép lạ con gái bà được mạnh lại.

 

Và để có thể hiểu cũng như nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa của tiến trình dịch chuyển này, một lần nữa, chúng ta lùi lại một chút trước đó với thánh Matthêu. Ở đó, Matthêu cho thấy dân Chúa chọn từ chối Con Thiên Chúa và dân ngoại được vui hưởng Ngài. Ở vùng đất ngoại giáo Tyrô và Sidon ấy, Chúa Giêsu được chào đón với tước vị con vua Đavít bởi một phụ nữ ngoại giáo. Bà cầu xin một phép lạ mà thoạt đầu Chúa Giêsu lờ đi, nhưng bà cứ nài nỉ đến nỗi các môn đệ xin Ngài can thiệp kẻo bà cứ quấy rầy. Chúa Giêsu nói với bà, Ngài đến để chỉ lo cho các chiên lạc Israel. Tương phản với dân Chúa chọn, người phụ nữ chấp nhận sự hư không của mình, chấp nhận ngang hàng với chó con để được nhặt những gì từ bàn chủ rơi xuống. Chúa Giêsu đầu hàng trước niềm tin và sự khiêm hạ của bà, Ngài khen ngợi và ban cho bà điều bà xin.

 

Anh Chị em,

Chúng ta, dân được chọn, đến với Chúa là Đấng ban cho chúng ta của ăn mỗi ngày như thế nào? Chúng ta cảm thấy mình công chính vì đã giữ luật Chúa để cảm thấy như Thiên Chúa đang mắc nợ chúng ta? Hay qua thái độ của người phụ nữ này, đức tin dẫn chúng ta đến một chỗ thấp hơn dưới gầm bàn của chủ nơi chúng ta chấp nhận một sự tuỳ thuộc tuyệt đối vào sự chăm sóc của Người, đồng thời, chờ đợi những miếng vụn rơi xuống từ bàn Người. Đừng quên, ngay chỉ với những mảnh vụn này thôi cũng đủ nuôi sống chúng ta, cho chúng ta no nê hơn những gì người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay ao ước. Như một người nghèo, bất xứng và vô dụng, hãy đến với Thiên Chúa và lòng nhân lành của Người sẽ nâng chúng ta lên. Người nâng lên, ban cho chúng ta điều này điều kia vì Người nhân lành chứ không vì chúng ta có công trạng này, công nghiệp nọ.

 

Mahatma Gandhi còn được gọi là thánh Cam Địa, người có công dành độc lập cho đất nước Ấn Độ, có lần tuyên bố, “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không phục những người Kitô hữu”. Câu nói của vị thủ tướng, người đã từng lấy giáo lý của Chúa Kitô làm nền tảng cho chủ trương bất bạo động đáng cho chúng ta suy nghĩ.

 

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét mình, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa hay Người mắc nợ chúng ta? Chúng ta có xứng đáng với ơn lành của Người không? Là con cái trong nhà, có bao giờ chúng ta để cho ơn Chúa qua đi không? Hay là chúng ta đang dịch chuyển đời sống ân sủng của con cái Chúa đến với một đời sống mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là những “Kitô hữu vô thần”?

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lòng thương xót Chúa đổ xuống trên con vượt quá sự hiểu biết của con, một tội nhân nghèo hèn. Xin cho con biết dịch chuyển đến gần Chúa mỗi ngày làm sao để bớt bất xứng hơn”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

ĐƯỢC GỌI ĐỂ BỊ TƯỚC ĐOẠT

Kính thưa Anh Chị em,        

Cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay nói đến sự tước đoạt, một sự tước đoạt cần thiết. Chúa tước đoạt người vợ thân yêu của Êzêkiel để ông nên lời sấm báo trước tai hoạ sắp ập xuống Giêrusalem và tình huống hoảng loạn của dân vào buổi lưu đày; Chúa Giêsu đề nghị chàng thanh niên hãy để người nghèo tước đoạt những gì anh sở hữu nếu anh muốn giàu có thực sự với những của cải bền vững trên trời.

 

Như ‘nửa kia’ của Êzêkiel là ‘niềm vui của mắt ông’ bị Thiên Chúa tước đoạt thì Giêrusalem, ‘niềm vui của mắt dân’ cũng sẽ bị Người tước đoạt đột ngột như thế; đột ngột đến nỗi họ không kịp khóc, cũng không có thời giờ để khóc. Mục đích là, “Khi sự việc xảy ra, các ngươi sẽ biết Ta là Thiên Chúa”, Đấng sẽ tước đi những gì chỉ để vui mắt và che chắn việc con người nhận biết Người.

 

Đặt vấn đề với Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay là một người trẻ đáng trân trọng; đáng trân trọng vì lẽ dù giàu có, anh vẫn nhận ra Đấng nhân lành nơi một Giêsu nghèo khó và nhất là anh luôn luôn khắc khoải bởi một khát vọng cao hơn, đời đời hơn: khát vọng nên thánh, “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Chúa Giêsu phỏng vấn anh về các giới răn, và câu trả lời của anh chứng tỏ anh càng đáng được trân trọng hơn, “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Nhiều người tưởng anh quá đủ tiêu chuẩn; nhưng với Chúa Giêsu thì không, “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải anh có, bố thí cho người nghèo khó; anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Tôi”.

 

Ngài nói đến một chuỗi, một tiến trình mà anh phải làm nếu anh muốn giàu có hơn. Anh phải đi, phải bán, phải cho, phải trở lại và theo Ngài; tắt một lời, anh hãy để cho người nghèo tước đoạt hết. Chúa Giêsu mời anh đi một vòng rồi quay lại vì Ngài biết, một khi trở lại, anh sẽ nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn và bay bổng hơn vì anh đã được Thiên Chúa tước đoạt. Tiếc thay, anh đã từ chối. Anh sa sầm nét mặt, buồn buồn bỏ đi; và vì tôn trọng, Ngài cũng không buồn gọi anh lại. Thực ra, không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải; đúng hơn, của cải đã chiếm hữu anh. Bao lâu chỉ biết thu tóm, người ta cứ mãi sa sầm nét mặt.

 

Anh Chị em, Chúa Giêsu thật nhân lành khi Ngài không đòi chúng ta bán hết như thế. Đúng không? Hay Ngài đã đòi? Nếu muốn nên trọn lành, liệu chúng ta có thể đáp ứng điều Ngài đòi không? Câu trả lời sẽ rất thú vị và lắm ngạc nhiên.

 

Sự thực, Thiên Chúa đã kêu gọi một số người bán hết những gì họ có và cho đi đúng theo nghĩa đen. Với những ai đáp lại tiếng gọi này, họ khám phá ra một sự tự do tuyệt vời để mình được tước đoạt tất cả. Ơn gọi của họ là dấu cho thấy có một tiếng gọi tận căn bên trong mà mỗi người đã được ngỏ mời. Phần chúng ta thì sao? Lời mời gọi tận căn bên trong được ngỏ với mỗi chúng ta là gì? Đó là một lời mời sống tinh thần nghèo khó. Bằng tinh thần nghèo khó, mỗi người được gọi để bị tước đoạt khỏi những gì thuộc về thế gian cùng một trương độ như những người được gọi để sống khó nghèo triệt để theo nghĩa đen. Khác biệt duy nhất ở đây là một người được kêu gọi để sống khó nghèo cả bên trong lẫn bên ngoài; đang khi người kia thì chỉ nghèo khó bên trong; thế nhưng, cả hai đều đòi hỏi triệt để, tận căn.

 

Vậy thì nghèo khó bên trong là gì? Đó là một mối phúc, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” như Matthêu nói; và “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” như Luca nói. Tâm hồn nghèo khó chính là phúc lành giàu có thiêng liêng được khám phá khi một người để cho mình bị tước đoạt khỏi những cám dỗ vật chất đời này. Vật chất không phải là sự dữ, chúng ta có thể sở hữu nó nhưng quá gắn bó và muốn có nhiều hơn vì nghĩ rằng nhiều hơn sẽ hạnh phúc thì đó là cạm bẫy, “Ai có tiền sẽ không bao giờ có đủ tiền”. Của cải chỉ là phương tiện giúp chúng ta nên thánh và hoàn thành mục đích đời mình; quá gắn bó và ham hố đến nỗi phương hại đời sống ân sủng của con cái Chúa là điều tối kỵ và như thế, tước bỏ sẽ thật cần thiết.

 

Đã một thời tỷ phú George Soros than thở, “Tôi không biết mình đang giàu hay đang nghèo; đang làm chủ số phận hay đang nô lệ cho những thành công. Bởi lẽ, để thành công tôi đã phải làm việc như một con chó và để giàu có, tôi đã phải bất an triền miên”. Thế nhưng, sau khi đến với người cùng khốn, George Soros chia sẻ, “Chỉ khi biết yêu thương, tôi mới nếm được mùi hương hạnh phúc và sung túc thật sự”.

 

Anh Chị em,

Chúng ta không giàu như người thanh niên trong Tin Mừng, không là tỷ phú như George Soros, nhưng để có sự sống đời đời, những gì Chúa cần tước đi cũng sẽ không bằng một Nước Trời Người đang dành sẵn.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con trao vào tay Chúa những gì con có như một lễ tế thiêng liêng. Xin đón nhận tất cả và giúp con dùng nó theo cách Chúa muốn. Chớ gì trong khi để mình bị tước đoạt, con khám phá ra sự giàu có đích thực Chúa dành cho con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)