Nàng Dâu Kiều Diễm Tinh Tuyền Của Trời - Đến như Thiên Chúa mà hãy còn mơ
NÀNG DÂU KIỀU DIỄM TINH TUYỀN CỦA TRỜI
“Ta sẽ ban cho các ngươi quả tim mới”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến mối tương quan thâm trầm và đằm thắm mà Thiên Chúa mong mỏi nơi con người, tương quan phu thê. Êzêkiel nói, Thiên Chúa sẽ làm lại từ đầu, Người sẽ thay lòng đổi dạ dân để họ nên tinh tuyền, sạch trong, hầu xứng đáng với tình yêu Người; Tin Mừng nói đến tiệc cưới của hoàng tử mà đức vua, hình ảnh của Thiên Chúa, đứng ra triệu mời.
Êzêkiel cho thấy, Thiên Chúa, Đấng xót thương sẽ không bỏ mặc Israel dân mình, dân mà Người đã đính hôn. Người sẽ đưa Israel về, thanh tẩy họ sạch mọi uế thần và làm mới lại tình yêu thuở ban đầu, “Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mọi dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi từ muôn nước”; “Ta sẽ dùng nước trong sạch mà rảy trên các ngươi, và các ngươi sẽ được rửa sạch mọi vết nhơ”. Thiên Chúa sẽ thay lòng đổi dạ dân hầu họ có một trái tim biết thổn thức, yêu thương như trái tim Người, “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, đặt giữa các ngươi một thần trí mới, cất khỏi các ngươi quả tim bằng đá để ban cho các ngươi quả tim bằng thịt”. Đến thời Tân Ước, thần trí mới này chính là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ giữ lửa cho mối tình duyên đất trời này được bền vững.
Tin Mừng nói đến Nước Trời mà Chúa Giêsu sánh như một tiệc cưới của hoàng tử được đức vua tổ chức; đức vua ở đây chính là Thiên Chúa và hoàng tử chính là Con Một Người. Để có thể nắm bắt ý nghĩa dụ ngôn, chúng ta không thể bỏ qua một chi tiết tuy nhỏ nhưng rất thú vị và cũng là chìa khoá để hiểu trọn vẹn, đó là hình ảnh cô dâu, vị hôn thê. Dụ ngôn nói đến nhà vua, chủ tiệc, phò mã, khách mời, đầy tớ, bò bê… nhưng tuyệt nhiên, không hề nói đến vị hôn thê. Vậy thì vị hôn thê này là ai? Là tất cả những người được mời dự tiệc. Tiệc cưới này có gì đặc biệt? Đặc biệt vì là tiệc ban ơn cứu độ; ở đó, mỗi thực khách được mời trở nên một nàng dâu kiều diễm tinh tuyền của trời; trong đó có chúng ta. Thánh Phaolô đã nhắc đến diễm phúc này trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, “Tôi đã đính hôn anh em cho một người, như dâng một trinh nữ trong trắng cho Ðức Kitô”. Vì thế, nhận lời đến dự tiệc hay từ chối lời mời là một việc sống chết, nghĩa là hết sức hệ trọng và thật hiểm nghèo cho ai coi nhẹ lời mời như một số người đã không đến vì lý do này, lý do khác. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Thiên Chúa sẽ cử hành hôn lễ với mỗi người chúng ta; tương quan của mỗi người với Chúa không chỉ là tương quan vua tôi, tớ chủ, hoặc thầy trò, nhưng phải là tương quan của hôn thê được yêu bởi vị hôn phu của mình. Đó là một tương quan thâm trầm và đằm thắm của những người yêu nhau mà lửa Thánh Thần tình yêu sẽ gìn giữ.
Vì thế, thật là xúc phạm đối với người mời, ở đây là Thiên Chúa, khi bị từ chối; nhưng sẽ xúc phạm hơn khi một hôn thê phản bội vị hôn phu của mình. Đó là sự chối bỏ tình yêu mà Israel, cũng như vua Đavít hoặc mỗi người chúng ta trải nghiệm khi phạm tội. Vì thế, lời đáp ca hôm nay là một lời hứa thắp lên niềm hy vọng vì Thiên Chúa sẽ rửa sạch tâm hồn, cảm hoá trái tim con người bằng ân sủng, bằng sự kiên nhẫn để nó có thể trở nên một nàng dâu kiều diễm tinh tuyền, “Ta sẽ dùng nước trong sạch mà rảy trên các ngươi, và các ngươi sẽ được rửa sạch mọi vết nhơ”. Về phía con người, cần thấy được sự tan nát của mình mà khiêm tốn thưa lên với Chúa như những lời của vua Đavít được đọc trong đáp ca hôm nay, “Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch”.
Thánh Bênađô Giáo Hội kính nhớ hôm nay đã có một trải nghiệm sâu sắc về mối tình phu thê này, ngài viết, “Khi Thiên Chúa yêu, Người không nhằm điều gì khác ngoài việc được yêu lại, vì Người biết, ai yêu mến Người, sẽ hạnh phúc nhờ chính tình yêu đó. Tình yêu của vị hôn phu không đòi hỏi điều gì khác hơn là được hôn thê yêu lại và giữ lòng chung thuỷ. Làm sao hôn thê có thể không yêu khi chính nàng là hôn thê của tình yêu? Người yêu và tình yêu, linh hồn và Ngôi Lời, hôn thê và hôn phu, Tạo Hoá và thụ tạo nếu không tuôn đổ một dòng lưu yêu thương phong phú như nhau, thì khác nào một người khát, họng cháy bỏng, lại dửng dưng với nguồn suối”.
Anh Chị em,
Lời Chúa mời gọi chúng ta mềm mỏng trước Thiên Chúa như Tung Hô Tin Mừng hôm nay mời gọi, “Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến với bí tích hoà giải để được thanh tẩy sạch trong, và mỗi ngày, biết trang điểm bằng các nhân đức; nhờ đó, con xứng đáng là hôn thê xinh đẹp của Đức Lang Quân Giêsu ngày một hơn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
ĐẾN NHƯ THIÊN CHÚA MÀ HÃY CÒN MƠ
“Các ngươi sẽ biết Ta là Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá thú vị khi bảo Lời Chúa hôm nay nói đến những giấc mơ, giấc mơ của Chúa, giấc mơ của người. Êzêkiel mơ về một Israel được Thiên Chúa phục hồi như các xương khô ngoài cánh đồng chết được Chúa hồi sinh; Chúa Giêsu mơ về một giấc mơ của Thiên Chúa, rằng, con người sẽ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu anh em như chính mình. Con người mơ, không lạ; nhưng đến như Thiên Chúa mà hãy còn mơ, điều này khá lạ.
Với con người, một cái gì đó được gọi là mơ vì nó không thể xảy ra, khó có thể xảy ra hoặc hiếm khi xảy ra; nhưng gọi là mơ, vì nó luôn luôn là một điều đáng mơ ước. Ấy thế, giấc mơ rồi đây, Thiên Chúa sẽ phục hồi Israel của Êzêkiel đã thành hiện thực; Người đã tha thứ, đã đem dân về, cho định cư trên đất để dân sống trong niềm kính sợ và nhận biết Người. Giấc mơ của Êzêkiel về những bộ xương khô ở thung lũng chết được hồi sinh tiên báo điều Thiên Chúa sẽ làm cho dân, “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn các ngươi vào đất Israel”; “Các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, để các ngươi biết rằng, Ta là Chúa”. Quyền năng từ trái tim yêu thương của Thiên Chúa đã khiến một giấc mơ như không thể trở nên có thể; Thiên Chúa làm được tất cả chỉ vì Người quá nhân từ, quá xót thương.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến giấc mơ của Thiên Chúa khi vị thông luật hỏi Ngài đâu là giới răn trọng nhất. Ngài đọc thuộc lòng ‘khổ thơ mơ’, “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”; “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”. Để nghe, để nói, để giảng hùng hồn khổ thơ mơ này quả thật quá dễ; nhưng để sống nó triệt để như Chúa muốn thì đây quả là mơ giữa ban ngày, vì lẽ, đây là những đòi hỏi của tình yêu.
Từ thời cổ đại La Mã, thuở ‘thành đô vĩnh hằng’ Rôma ra đời, nghĩa là vào thế kỷ thứ 8 trước Chúa Giêsu, nhà sử học Sallust đã nói về nội dung đích thực của tình yêu như thế này, ‘Cùng ao ước một điều và cùng không ao ước một điều; người này trở nên giống người kia; và điều này đưa đến một sự hiệp nhất của ý chí và tư tưởng’. Suy tư này muốn nói, yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn là ý muốn của con người sẽ nên một, sẽ đồng nhất, sẽ trùng khớp với ý muốn của Thiên Chúa; và như vậy, yêu mến Thiên Chúa đích thực là trở nên giống Người. Đây cũng là giấc mơ của Thiên Chúa, vì khi tạo dựng, Người đã nói, “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”, Người mơ ước con người được nên giống Đấng tạo thành mình. Nên giống Thiên Chúa là xót thương như Chúa, thứ tha như Chúa, nhân từ như Chúa; bởi thế, yêu mến Thiên Chúa luôn luôn đi cùng yêu thương tha nhân. Lòng thương xót đã biến đống xương khô thành người sống; biến tội nhân thành thánh nhân; biến bất xứng thành rất xứng. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay quả là một lời ngợi khen đúng đắn, “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương”.
Nên giống Thiên Chúa đòi hỏi con người nhận biết Thiên Chúa là ai. Người là tình yêu, hằng sống, tạo dựng con người để nó sống, yêu và được yêu; để Người yêu nó và nó yêu Người. Nó hư hỏng, Người cứu chữa, tha thứ và xót thương. Nên giống Thiên Chúa dẫn đến việc tín thác tuyệt đối vào Người; đồng thời, nhận biết lửa Thánh Thần của Người đang biến đổi, đang làm những điều lớn lao bên trong nó. Điều này sẽ thôi thúc nó yêu thương đồng loại như Chúa yêu nhờ sự trợ giúp và sức mạnh của Thánh Thần. Các thánh là những người đã nên một với Thiên Chúa, tan biến trong Chúa, các ngài đã làm cho những giấc mơ của Thiên Chúa trở thành hiện thực.
Một dòng suối từ đỉnh núi chảy xuống đồng bằng cho đến khi chạm phải một sa mạc. Tại đây, nó nhận ra mình bắt đầu hao tổn và bốc hơi. Dù vậy, suối vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe một tiếng thì thầm, “Nếu muốn, con có thể băng qua sa mạc, ta sẽ giúp”. Suối giận dữ, “Tôi đâu cần ai”; nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn, “Ta sẽ mang con đi, dĩ nhiên là con phải tan biến trong ta”. Miên man suy nghĩ, suối vẫn chưa hiểu tại sao phải tan biến. Điều gì bảo đảm nó sẽ tìm được bản thân? Tiếng ấy lại cất lên, “Ta là gió, chỉ cần con tin ta, không cách nào khác; con không thể băng qua sa mạc mà không nên giống ta. Nếu con chịu tan biến để ta mang đi thì bên kia, con sẽ hiện nguyên hình. Còn nếu cứ chần chừ ở đây, con cũng sẽ đánh mất chính mình”. Thế là suối chấp nhận biến thành hơi nước để gió mang đi. Khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia, gió để cho nó rơi xuống, rơi xuống từ từ thành những giọt mưa và không mấy chốc… suối gặp lại chính mình, xinh đẹp hơn, sạch trong hơn.
Anh Chị em,
Câu chuyện nên thơ muốn nói lên rằng, hạnh phúc của con người chỉ có thể được tìm thấy khi nó biết nên giống Thiên Chúa, tan biến trong Người. Biết mơ như Thiên Chúa mơ và giấc mơ sẽ thành hiện thực một khi nó nên giống Người nhờ sức mạnh của ân sủng. Vì với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con mơ thật nhiều: mơ con được hồi sinh, mơ con biết yêu Chúa, mơ yêu cả anh em; đang khi, Chúa chỉ mơ một điều, con nên giống Chúa. Xin ban cho con ân sủng của Thánh Thần, để Ngài dạy con biết làm cho giấc mơ của hai chúng ta trở thành hiện thực”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: