Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tính nết

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

TÍNH NẾT

 

Tính và Nết là hai thứ – tính tình và cách sống, được khái quát hóa và gộp chung thành Tính Nết. Biết khó với mình là biết tránh nuông chiều xác thịt để khỏi hư thân, mất nết. Cái nết đánh chết cái đẹp, đừng để cái đẹp đè bẹp cái nết. Cái Tính sính cái Nết, cái Nết kết cái Tính. Chúng như hình với bóng vậy.

 

Tính nết liên quan tính cách và tình cảm – và vật chất. Đừng để vật chất hất tình cảm, hãy để tình cảm trảm vật chất. Tính cách là tính chất, là đặc điểm nội tâm của mỗi con người, có ảnh hưởng trực tiếp đến cách suy nghĩ, lời nói và hành động của người đó. Trong văn nói, tính cách gọi là “tính tình” hoặc nói gọn là “tính” – tính hiền, tính thẳng thắn, tính giản dị,... Một người có thể có nhiều tính cách và nhiều người có thể có cùng một tính cách – yếu tố quan trọng của mỗi con người. Trong cuộc sống, người ta thường đánh giá các động thái – đôi khi kể cả cách suy nghĩ – của một người, từ đó suy ra tính cách của người đó, cuối cùng là kết luận về bản chất của người đó.

 

Thông thường, tính cách có hai loại: tính tốt và tính xấu. Tốt và xấu là theo quan niệm của đa số, chứ không tuyệt đối. Tuy nhiên, đối với những tính cách mà số người cho là xấu bằng số người cho là tốt, hoặc không ai cho là tốt hay xấu gì cả, nên xem xét lại trong từng trường hợp cụ thể hoặc “gắn” quan niệm trung lập cho nó.

 

Người ta nói: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.” Không ai có thể hiểu hết một con người, có gọi là “đi guốc trong bụng” thì cũng chỉ là một phần mà thôi. Ngay cả vợ chồng nên “một xương, một thịt” với nhau vài chục năm mà cũng chẳng hiểu hết tính tình của nhau. Vì không hiểu hết nhau, người ta đâm ra mê tín dị đoan bằng cách đoán tính cách qua giờ sinh, ngày sinh, năm sinh, chòm sao,... Vô ích mà thôi. Kinh Thánh nói: “Bói toán, rút quẻ, chiêm bao cũng đều hão huyền cả, như những tưởng tượng của phụ nữ sắp sinh con.” (Hc 34:5)

 

Trong đời thường, chắc chắn ai cũng thích may mắn và sợ xui xẻo, thế nên người ta thường nói: “May hơn khôn.” Điều gì xảy ra hợp ý mình thì người ta cho đó là may mắn, là hên; điều gì xảy ra không hợp ý mình thì người ta cho đó là xui xẻo. Thật ra chẳng có gì là hên hoặc xui, chỉ là kiểu so sánh của con người mà thôi. Tuy nhiên, sách Huấn Ca cho biết: “Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt, còn kẻ bép xép, dại khờ lại bỏ lỡ cơ may. Kẻ nhiều lời sẽ bị chán ghét, người hiếu thắng thì bị khinh chê.” (Hc 20:7-8) Người ta cũng thường nói: “Mình tính không bằng trời tính.” Một khái niệm đầy chất tâm linh. Rõ ràng tất cả đều là Ý Chúa. Có những mơ ước cháy bỏng nhưng rồi tan thành mây khói, có những điều mình không dám nghĩ tới thì lại xảy ra bất ngờ. Thiên Chúa không làm ra cái xấu, nhưng Ngài cho phép điều đó xảy ra để giáo huấn và cứu vớt con người.

 

Thật vậy, có những điều cứ ngỡ là “trời cho” mà chỉ là “trò chơi,” nhưng có những điều cứ tưởng là “trò chơi” thì lại là điều “trời cho.” Thực tế cho chúng ta thấy có những điều nghịch lý mà vẫn “thuận” – gọi là nghịch-lý-thuận, và có những điều thuận lý mà lại “nghịch” – gọi là thuận-lý-nghịch. Một điều hiển nhiên: Thập Giá là đau khổ, là xui xẻo, nhưng chính Thập Giá lại trở nên hạnh phúc, là cái hên. Con người không thể hiểu hết hoặc biết chính xác. Hên hoặc xui, may mắn hoặc không may mắn, đó chỉ là quan niệm của phàm nhân. Ngay cả khoa tâm lý học cũng chỉ suy luận từ những gì đã xảy ra nhiều lần ngẫu nhiên trùng hợp, rồi rút ra kết luận. Nhưng kết luận đó cũng không tuyệt đối, có thể đúng vào thời điểm này mà không đúng vào thời điểm khác.

 

Tính nết cũng liên quan tâm linh. Có người say mê cầu nguyện, có người thi thoảng mới cầu nguyện hoặc chỉ cầu nguyện khi thực sự bị kẹt vấn đề gì đó, và chỉ cầu xin mà thôi.

 

Thói ăn, nết ở của dân xưa là cứng đầu, cứng cổ. Và dân nay cũng vẫn thế – tức là chính chúng ta. Ngày xưa, Thiên Chúa đã nói về dân Israel: “Ta vẫn biết rằng chúng sẽ chẳng nghe Ta đâu, vì đó là một dân cứng cổ. Nhưng trên đất lưu đày, chúng sẽ hồi tâm, và sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng. Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đôi tai biết lắng nghe.” (Br 2:30-31) Và họ đã “sáng mắt” nhờ cuộc lưu đày đau khổ đằng đẵng 40 năm: “Chúng không còn cứng cổ nữa, cũng sẽ chẳng có những hành động xấu xa, vì chúng sẽ nhớ lại cách ăn nết ở của cha ông chúng, những kẻ đã phạm tội trước nhan Đức Chúa.” (Br 2:33)

Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Có tu thân, sửa đổi tính nết, thì mới có thể làm đại sự.

 

TRẦM THIÊN THU)

 

Hạ tuần tháng 08-2020