Lòng dạ không có gì gian dối - Vẫn là những lời đầy xót thương
LÒNG DẠ KHÔNG CÓ GÌ GIAN DỐI
“Nơi ông không có gì gian dối”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cả hai bài đọc Lời Chúa ngày lễ kính thánh Barthôlômêô, còn gọi là Nathanael, thật phong phú. Hội Thánh vừa là Hiền Thê, vừa là Giêrusalem mới; Chúa Giêsu vừa là thành thánh mới, vừa là Con Chiên Cứu Độ, Đấng thiết lập Hội Thánh.
Tác giả sách Khải Huyền thuật lại thị kiến, “Tôi là Gioan, một thiên thần nói với tôi, ‘Lại đây, tôi sẽ chỉ cho thấy Hiền Thê, Tân Nương của Con Chiên’; ‘Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống; ‘Tường thành xây trên mười hai nền móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành’. Văn phong khải huyền với những hình ảnh tuy có phần nhập nhằng nhưng ý nghĩa thần học của nó lại đem đến cho người đọc một cảm giác thú vị. Hội Thánh là Giêrusalem mới, là Tân Nương của Chúa Kitô; Con Chiên chính là Chúa Giêsu và Ngài cũng là đền thờ mà trên đó, Hội Thánh được xây dựng với mười hai trụ cột khắc tên các tông đồ và hẳn có cả tên của Barthôlômêô.
Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng giàu ý nghĩa không kém. Thoạt đọc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nathanael, chúng ta cảm thấy thôi thúc cần phải đọc lại một lần nữa; vì nếu chỉ đọc qua, dường như chúng ta đã bỏ lỡ một điều gì đó. Vì làm thế nào chỉ với một vài lời qua lại ít ỏi, “Đây thật là một người Israel, nơi ông không có gì gian dối”; “Sao Ngài biết tôi?” và “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, Ta đã thấy ngươi”, vậy mà lại đủ để Nathanael có thể tuyên xưng với người mình gặp lần đầu, cũng là người nói những lời ấy đến như thế này, “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Làm sao có thể đi đến một kết luận chóng vánh đến thế?
Chúa Giêsu nói, “Nơi ông không có gì gian dối”, nghĩa là ông không phải là kẻ hai lòng. Một người được gọi là hai lòng, nghĩa là người ấy tráo trở và gian giảo; họ rất tài giỏi trong việc lừa dối người khác, đó là một tính cách nguy hiểm, đáng sợ. Nhưng khi nói ngược lại, một người không hai lòng, không có gì gian ngoan, là nói rằng, họ trung thực, thẳng thắn, chân thành, trong suốt và thực tế. Nathanael là một con người như thế, ông trung thực; ông nói tự nhiên điều ông nghĩ. Ở đây, Chúa Giêsu chẳng đưa ra một luận cứ tri thức nào để thuyết phục ông tin vào thần tính của Ngài, Ngài không nói gì về điều ấy. Nhưng thay vào đó, điều đã xảy ra là đức tính tốt đẹp này của Nathanael đã giúp ông nhìn vào Chúa Giêsu và nhận ra Ngài là Đấng chân thật; đức tính tốt lành này cho phép ông không chỉ ‘mặc khải’ Chúa Giêsu là ai nhưng còn cho ông nhìn người khác một cách trong sáng và chân thực hơn; đức tính tốt lành này đã giúp Nathanael rất nhiều khi ông gặp Chúa Giêsu lần đầu để ông có thể nhận biết ngay lập tức sự cao cả của Ngài, cũng như Ngài là ai.
Theo hai cha Louis và Bernard Hurault, thuật ngữ “ở dưới cây vả” là kiểu nói một thầy thông luật thời xưa đang giảng dạy, họ thường dạy dưới bóng cây vả. Nathanael là một thông luật nhưng không như những thông luật khác; nhờ trung thực, thẳng thắn nên ông đã nhận ra “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”, một tuyên tín đâu kém tuyên tín của Phêrô, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và như đã khen Phêrô, Chúa Giêsu cũng thưởng cho Nathanael, “Ông sẽ thấy trời mở ra và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Và như thế, Con Người ở đây là chiếc thang nối trời và đất của Giacob mơ mộng thuở xưa nay thành hiện thực; nơi Ngài, Chúa và người gặp nhau; Ngài là Giêrusalem mới, nhà Thiên Chúa, nơi Chúa ngự cũng là ‘Giêrusalem mới’ được thánh Gioan nhắc đến trong bài Khải Huyền hôm nay.
Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần, thượng đế cho chúng mỗi đứa một chân đèn và dặn lau chùi chúng cho thật bóng sáng. Một hai tuần trôi qua, thượng đế không đến, tất cả các bé đều bỏ cuộc, chỉ có một em vẫn lau chùi chân đèn sáng bóng; mọi người chê em dại. Kết quả chỉ có em được trở thành thiên thần. Hoá ra làm thiên thần thật dễ, chỉ cần trung thực, thật thà là được.
Anh Chị em,
Mỗi khi mừng kính một vị tông đồ, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các giám mục kế vị các ngài. Hôm nay, chúng ta cầu cho tất cả mọi thành phần dân Chúa có một tâm hồn của em bé thiên thần, lòng dạ không có gì gian dối, nhờ lời cầu bàu của thánh Barthôlômêô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con xin một “lòng dạ không có gì gian dối” trước Chúa và trước anh em, hầu con có thể nhận biết những mầu nhiệm Thiên Chúa nơi con, nơi anh em con mỗi ngày”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
VẪN LÀ NHỮNG LỜI ĐẦY XÓT THƯƠNG
“Anh em chớ vội thay lòng đổi dạ”;
“Khốn cho các ngươi; khốn cho các ngươi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thoạt nghe lời Thánh Phaolô, “Anh em chớ vội thay lòng đổi dạ” và những quở trách của Chúa Giêsu, “Khốn cho các ngươi; khốn cho các ngươi”… chúng ta nghĩ, Lời Chúa đang cảnh báo hạng cứng tin hay nặng hơn, nguyền rủa phường vô đạo. Thế nhưng, sẽ rất ngạc nhiên khi nói, đây vẫn là những lời đầy xót thương và cũng là chủ đề Lời Chúa vốn chúng ta có thể dừng lại để suy tư.
Bài đọc thứ nhất chuyên chở tâm tình yêu thương của một mục tử đối với đoàn chiên. Thánh Phaolô cảnh báo tín hữu Thessalônica, “Đừng để ai lừa dối anh em” và nhất là, “Chớ vội thay lòng đổi dạ”; thế nhưng, sau khi khuyến cáo, ngài cầu xin Thiên Chúa thương ban ân sủng để những ai Chúa trao cho ngài được chuyên tâm “Bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”.
Cũng thế, những lời của Chúa Giêsu dẫu bề ngoài xem ra khó nghe và gay gắt, “Khốn cho các ngươi”, nhưng đó thực sự vẫn là những lời đầy xót thương. Đầy xót thương vì lẽ Ngài đang cố gắng hết sức để giúp những người Pharisêu hiểu rằng, họ cần phải ăn năn và làm sạch lòng mình. Dẫu thông điệp thoạt nghe ban đầu là “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”, nhưng thông điệp thực sự Chúa muốn nói mà chúng ta cần nghe là, ‘Trước hết, hãy làm sạch bên trong, hãy làm sạch bên trong’.
Đoạn Tin Mừng này có thể hé mở cho thấy hai tình trạng của linh hồn. Trước hết, bên trong của một con người có thể đang chất đầy “gian tham và nhơ bẩn” khi bên ngoài có vẻ sạch trong và thánh thiện; đây là vấn đề của biệt phái, họ rất quan tâm hình thức bên ngoài nhưng lại ơ hờ với nội tâm lòng mình và đó là vấn đề. Thứ đến, lời Chúa tiết lộ rằng, lý tưởng là hãy bắt đầu thanh tẩy bên trong, để khi điều đó xảy ra, thì bên ngoài hẳn cũng được làm sạch và nên rạng rỡ. Linh hồn ở tình trạng tốt lành này giả thiết trước đó nó đã được làm sạch tự nội tại và giờ đây, trở nên nguồn cảm hứng với những gì mỹ miều nhất. Điều làm cho một linh hồn xinh đẹp chính là trái tim của nó đã được thanh luyện và làm sạch thực sự; vẻ đẹp này không thể che giấu nhưng buộc phải toả rạng và ngời sáng cách tự nhiên, khiến những người chung quanh không thể không nhìn thấy. Nghĩa là chúng ta sẽ “làm và nói những gì tốt lành”, đây là điều mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy.
Trong buổi khai mạc tuần tĩnh tâm cho giáo triều Rôma năm 2019, cha Raniero Cantalamessa mượn lời của Thánh Augustinô để mời Đức Thánh Cha và mọi người xét mình, “Trở về với trái tim bạn. Tại sao bạn lại ra khỏi chính mình? Ra khỏi chính mình, bạn sẽ diệt vong. Tại sao lại theo những con đường hoang vắng? Hãy trở về từ cảnh lang thang từng đưa bạn đi quá xa như thế, hãy trở về với Chúa. Hãy làm nhanh lên. Trước tiên, hãy trở về với trái tim bạn; bạn đã đi lang thang và trở thành một người xa lạ với chính mình, bạn không biết chính bạn, tuy bạn vẫn đang kiếm tìm Đấng dựng nên bạn! Hãy trở về, trở về với trái tim bạn, tách mình ra khỏi thân xác bạn. Hãy trở về, hãy nhìn thấy ở đó những gì bạn có thể nhận thức về Thiên Chúa, vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa. Chúa Kitô ngự trong con người nội tâm và chính nơi con người bên trong của bạn, bạn sẽ được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa”.
Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở về với trái tim mình, ở đó, Thiên Chúa đang tiếp tục nói những lời đầy xót thương; nhờ biết lắng nghe, chúng ta sẽ để cho ơn thánh Chúa thanh luyện tâm hồn, trí lòng và ước muốn và như thế, mỗi người sẽ được thanh sạch từ bên trong; cùng lúc, chúng ta hãy để Chúa Giêsu tự do mang theo ân sủng Thánh Thần của Ngài đi vào lòng mình và hành động mạnh mẽ theo cách của Ngài. Vì Thiên Chúa, sau khi làm sạch con người từ bên trong, cũng sẽ làm cho việc làm và lời nói của chúng ta cũng nên tốt lành và thánh thiện như Người, vì chính Người cũng đang điều khiển thế giới này một cách thánh thiện và tốt lành bằng lòng thương xót.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cứ quở trách con bằng những lời xót thương, xin mạnh tay tẩy sạch con từ bên trong; may ra sự thánh thiện và vẻ tinh tuyền nơi con có thể toả rạng như Chúa muốn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: