Thánh Gioan Tẩy giả bị chém đầu
Thánh Gioan Tẩy giả bị chém đầu
Lại Thế Lãng dịch
Hêrôđê sợ Gioan vì biết rằng ông là người công chính và thánh thiện (Mc 6: 20)
Hiện thân của lập trường cực đoan, Gioan Tẩy giả mặc áo lông lạc đà “ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1: 6), và dọn đường cho Chúa Giêsu bằng cách mạnh dạn hô hào mọi người hối cải và chịu phép rửa để được tha thứ tội lỗi (Mc 1: 4). Trong suốt cuộc đời của ông, Gioan là vị tiền hô của Chúa Giêsu, người sứ giả của Ngài. Một thiên sứ đã tiên báo về ngày sinh và đặt tên cho cả hai vị. (Lc1: 13,31; Is 24: 25,35). Cả hai đều được thụ thai bởi sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa (Lc 1: 24- 25, 35). Ngay từ thời thơ ấu người ta đã nhận ra bàn tay của Thiên Chúa đặt trên hai vị (Lc 1: 66; 2: 18- 19)
Cả Gioan và Chúa Giêsu cùng “lớn lên và tinh thần trở nên vững mạnh” và mỗi vị đã sống riêng biệt trước khi bắt đầu sứ vụ công khai (Lc 1: 80; Mc 1: 12- 13). Chúa đã làm cho miệng lưỡi hai vị nên như những lưỡi gươm sắc bén (Is 49: 2), có thể đâm thủng những lý lẽ dối trá của loài người với những sự thật của lời kêu gọi hối cải, tha thứ và tình yêu của Thiên Chúa để sinh ra “hoa trái xứng đáng với sự hối cải” (Lc 3: 8; Mt 7: 21). Gioan sẵn sàng chịu đau khổ và chết cho Chúa Giêsu giống như Chúa Giêsu đã chết để tất cả mọi người có thể trở nên con cái Thiên Chúa.
Về thánh Gioan Tẩy giả, thánh Bêđa Đáng kinh đã nói: “Đó là phẩm chất và sức mạnh của người đã chấp nhận kết thúc cuộc sống bằng cách đổ máu ra”. Qua việc ông “bị giam giữ trong ngục tù tối tăm . . . ông xứng đáng được gọi là ngọn đèn sáng chói lọi” của Chúa Kitô “Ánh sáng của sự sống”.
Là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng được mời gọi trở nên ánh sáng rạng ngời, tôn vinh Chúa Kitô trong một thế giới dầy đặc bóng tối của tội lỗi. Mặc dù chúng ta sẽ không phải trải qua sự tử đạo, chúng ta có thể hàng ngày bắt chước Chúa Kitô bằng cách tuân theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thay vì theo chiều hướng của xác thịt. Sự quyết liệt của chúng ta có thể đưa đến đau khổ, nhưng tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui khi Thần Khí cho phép chúng ta, giống như Chúa Giêsu chiến thắng sự chết. Mặc dầu có nhiều khó khăn, chúng ta sẽ vui mừng khi thấy Chúa Giêsu tái sinh vào thế giới qua sự làm chứng của chúng ta.
Những điểm để suy gẫm:
Thông điệp Tin mừng rất lôi cuốn bởi vì hy vọng nó đem đến, nhưng cũng làm bối rối bởi vì cách nó thách thức chúng ta. Hêrôđê đã bị cuốn hút bởi sứ điệp của Gioan nhưng đã không thể quay lưng với tội lỗi trong đời sống của ông. Những nét đặc trưng hay điểm yếu nào đã cản trở Hêrôđê đến với sự lôi cuốn ban đầu đối với lời rao giảng của Gioan? Có điều gì đó tương tự trong đời sống của chúng ta đã ngăn cản chúng ta theo Chúa chặt chẽ hơn?
Gioan không bao giờ sợ hãi công bố sự thật, bất chấp hậu qủa. Khi chúng ta có cơ hội bênh vực sự thật, chúng ta có cảm thấy sợ hãi vì bị ngược đãi hay đau khổ? Trong buổi cầu nguyện hôm nay, hãy xin Chúa Giêsu giải thoát bạn khỏi mọi sợ hãi có thể có trong việc công bố sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa.
Hiểu biết về Thiên Chúa của Gioan Tẩy giả đã tạo cho ông một sự khiêm nhường mạnh mẽ. Khi được hỏi liệu ông có phải là Chúa Kitô, Gioan đã trả lời rằng ông thậm chí còn không xứng đáng cởi quai dép cho Chúa (Ga 1: 27). Tại sao sự khiêm nhường của Gioan lại rất cần thiết đối với sứ mệnh Thiên Chúa đã giao cho ông để loan báo việc Chúa Giêsu đến? Làm sao sự tăng trưởng trong khiêm nhường có thể giúp chúng ta thực hiện ý Chúa tốt hơn trong đời sống của riêng chúng ta?
Lời nguyện:
Lậy Thiên Chúa là Cha chúng con, Ngài đã gọi Gioan Tẩy giả là người loan báo sự ra đời và cái chết của Con Ngài. Vì ông đã trao mạng sống trong việc làm chứng cho sự thật và công lý, xin cho chúng con cũng cố gắng tuyên xưng đức tin trong Tin mừng của Ngài (Lời nguyện mở đầu trong lễ nhớ)
Tin Mừng đối chiếu với Maccô 6
Matthêu 14: 1- 12)
Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ. Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. Ông Gio-an có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.
Gioan Tẩy giả vừa làm cho Hêrôđê sợ hãi vừa làm cho Hêrôđê kính nể. Mặc dầu Hêrôđê đã tống giam Gioan vào ngục tù, ông cảm thấy dân chúng đã đúng: Gioan là một tiên tri (Mt 14: 5) và vì vậy ông “đã lo lắng” (14:9) khi ông nhận ra rằng ông phải thực hiện lời thề thiếu thận trọng và cho chém đầu Gioan.
Tuy nhiên tình huống của Hêrôđê đáng thương hơn Gioan. Mặc dầu Gioan đã phải cam chịu một cái chết bi thảm, Gioan Tẩy giả đã hoàn thành công việc của ông trên trần thế - ông đã là người “đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1: 76). Chúa Giêsu mô tả ông như là người cao trọng hơn bất cứ người nam nào được sinh ra bởi người nữ (Mt 11: 11). Gioan sẽ được hưởng cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa.
Hêrôđê, mặt khác đã được ban cho vinh dự được biết một trong những tiên tri vĩ đại nhất mọi thời đại. Thay vì được thay đổi bởi trải nghiệm này, ông tiếp tục chọn con đường tội lỗi. Có lẽ ông ta sợ những gì sẽ xẩy ra cho cuộc sống của ông nếu ông ta để thông điệp của Gioan thấm nhập ông. Chắc chắn, ông ta phải thay đổi. Thay vì nắm lấy sự thật, Hêrôđê – lúc nào cũng vậy – được biết đến như là một người được chế tác để làm những điều ông ta không muốn làm: Tuyên án tử hình đưa đến cái chết cho Gioan Tẩy giả.
Sợ thay đổi đôi khi cũng dẫn chúng ta tới những dạng tiêu cực hay tội lỗi trong cuộc sống. Chúng ta có vinh dự được biết Chúa Giêsu Kitô trên nền tảng cá nhân. Triển vọng đó có thể làm chúng ta vui mừng, nhưng nó cũng làm cho chúng ta sợ hãi. Là một Kitô hữu tận tụy, Chúa sẽ kêu gọi chúng ta thay đổi gì trong đời sống chúng ta? Chúng ta có phải từ bỏ những thói quen đã dẫn chúng ta đến việc xa cách Ngài hay là ảnh hưởng tiêu cực tới tình bạn chúng ta? Chúng ta có nguy cơ bị bức hại bởi thái độ không được mọi người ưa thích?
“Chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống.” (Dt 10: 39). Chúng ta sẽ không lùi xa Chúa, ngay cả khi chân lý của Ngài thử thách tất cả những giả định trên đó chúng ta đã xây dựng cuộc sống của chúng ta. Chân lý của Ngài là cánh cửa dẫn tới đời sống vĩnh cửu.
“Lậy Cha, xin ban cho chúng con sự can đảm để theo Ngài, bất kể giá nào. Thâm chí nếu chúng con phải đối diện với đau khổ vì phải thay đổi, xin giúp chúng con vững tin vào tình yêu của Ngài dành cho chúng con và kế hoạch của Ngài cho đời sống của chúng con./.
- Tổng Hơp: