Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thành kiến với sứ giả, đánh mất cả sứ điệp - Lời quyền năng, lời xót thương

Tác giả: 
Lm Minh Anh

THÀNH KIẾN VỚI SỨ GIẢ, ĐÁNH MẤT CẢ SỨ ĐIỆP

“Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Từ thuở ấu thời, thi hào Tagore đã biểu hiện như một thiên tài. Một hôm, cậu bé Tagore làm thơ, đưa cho cha mình xem. Cụ thân sinh của cậu lắc đầu, “Thơ của con chỉ là thơ thẩn”. Tagore bèn nghĩ ra một kế, cậu chép lại bài thơ thật kỹ và chua thêm xuất xứ là trích trong một tập thơ cổ. Lần này, đọc xong, mắt cha cậu rực sáng; ông đánh đét một cái và khen, “Tuyệt, tuyệt”, rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn lúc bấy giờ là chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói, “Chưa có bài nào hay như bài này”. Cậu lớn của ông đọc xong cũng bộc lộ kinh ngạc, “Tuyệt phẩm”, và muốn đăng báo. Bấy giờ, hai người đòi Tagore đưa tập thơ cổ ra để đối chiếu. Đến đây, chuyện mới vỡ lẽ; người cha rất giận nhưng nhìn con với sự thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn xưa nay của mình.

Thái độ của cụ thân sinh Tagore cũng là thái độ của những người cùng quê với Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay khi họ từ chối Ngài. Họ quên rằng, thành kiến với sứ giả sẽ đánh mất cả sứ điệp, một sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa. Đó cũng là điều chúng ta cùng suy tư với câu nói của Chúa Giêsu, “Tôi bảo thật các ông, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

Trước hết, chúng ta nói đến sứ điệp. Buồn thay, thông thường, sứ điệp Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta lại phụ thuộc vào sự cởi mở hay hẹp hòi của chúng ta dành cho sứ giả; Thiên Chúa nói với chúng ta qua người này, chúng ta từ chối; nhưng sau đó, qua người khác, chúng ta đón nhận. Bao lần chúng ta bỏ lỡ ánh sáng của Chúa hoặc một thông điệp yêu thương của Người chỉ vì nó đến từ một ai đó ngoài ý mình muốn, hay thậm chí từ người Chúa chọn chứ không phải chúng ta chọn. Điều đã xảy ra với đồng hương của Chúa Giêsu, họ đánh mất cơ hội đón nhận ân huệ Chúa.

Walter Fauntroy nói, “Đừng mù quáng do thành kiến; đừng chai cứng do thời gian; đừng để bất cứ điều gì làm khô bại lòng trí, trói buộc chân tay hay đánh bại tâm hồn bạn”. Lòng người đồng hương của Chúa Giêsu đã hỏng hóc bởi các thành kiến không đáng có; họ để ơn Chúa đi qua mà không bao giờ trở lại; tệ hơn, họ muốn xô Ngài xuống vực, nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi.

Thứ đến, chúng ta nói về sứ giả; đúng hơn, thái độ cần có của một sứ giả. Đến như Chúa Giêsu, một người hiền lành, dịu dàng và khiêm nhượng trong lòng như Ngài mà còn bị từ chối, phương chi là chúng ta. Đứng trước một chân lý, phản ứng của con người luôn luôn là phản kháng vì sợ hãi; con người sợ phải đón nhận chân lý vốn đòi hỏi họ phải thay đổi. Bởi thế, khi đến với người khác, điều đầu tiên Thiên Chúa muốn chúng ta trao cho họ chính là Lời Chúa và lòng thương xót của Người chứ không phải lời mình với một sự cảm thương; trao cho họ thông điệp lòng thương xót của Thiên Chúa nhờ sự tác động bên trong của Thánh Thần, với một thái độ khiêm nhu như Thánh Phaolô chỉ bày trong bài đọc Côrintô hôm nay, “Phần tôi, khi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan”; “Chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đến với anh em; lời tôi nói, việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng của Thiên Chúa”.

 

Anh Chị em,

Sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa có thể đến với chúng ta từ một em bé, một cụ già, một bề dưới hoặc một bề trên; đừng vì thành kiến mà đánh mất sứ điệp, xin cho chúng ta có đủ khiêm tốn để đọc ra điều Chúa muốn qua tất cả các sứ giả Chúa gửi đến dù họ là ai, người thế nào. Là sứ giả, chúng ta đến với người anh em trong sự khiêm nhu cần có, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất và chỉ nói cho họ những gì Chúa muốn; Lời của Chúa chứ không phải là lời của chúng ta. Tín thác vào sự nhân lành của Chúa cùng sự soi sáng của Thánh Thần, chúng ta sẽ múc lấy những gì tốt nhất cho linh hồn mình cũng như sẽ trao tặng những gì quý báu nhất cho anh em.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con vì thành kiến với sứ giả mà đánh mất sứ điệp; cũng đừng để con làm hỏng sứ điệp thật của Chúa khi con chỉ là sứ giả giả”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

LỜI QUYỀN NĂNG, LỜI XÓT THƯƠNG

“Lời gì mà lạ lùng thế?”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trừ một thần ô uế trong đền thờ với chỉ một lời, khiến dân chúng kinh ngạc thốt lên, “Lời gì mà lạ lùng thế?”. Chúng ta cùng tìm xem, tại sao nó lạ lùng.

Với chỉ một lời, người bị quỷ ám vật xuống; đúng hơn, quỷ bị quật ngã và xuất khỏi người ấy. Để trừ quỷ, Chúa Giêsu không cần thị uy, chẳng cần võ lực hay một vũ khí nào; Ngài chỉ phán, “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Sẽ không ngạc nhiên khi dân chúng bàng hoàng, “Lời gì mà lạ lùng thế?”. Vậy thì điều gì khiến Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền và lời Ngài nên lạ lùng?

Trước hết, Lời của Chúa Giêsu phát xuất từ một con tim đầy lòng xót thương của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài; thứ đến, Lời của Chúa Giêsu được nung nấu bởi quyền năng của Thánh Thần, Đấng xức dầu; thứ ba, Lời của Chúa Giêsu được phát ra từ môi miệng hiền lành và khiêm nhượng của “Người tôi tớ”, một tâm hồn tuyệt đối trong sạch đến từ Thiên Chúa trái ngược với sự ô uế của quỷ ma khiến con người hư hoại như kẻ quỷ ám trong Tin Mừng hôm nay. Thánh Luca đã rất ý tứ ghi lại cuộc trở về quê nhà của Chúa Giêsu ngay trước trình thuật này; Ngài vào hội đường, đọc sách Isaia, “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Đó là lý do Lời Chúa Giêsu trở nên Lời quyền năng và lạ lùng.

Lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta mục kích bao lần Lời quyền năng của Chúa Giêsu tỏ ra uy phép và gây ngạc nhiên. “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những ngư phủ lưới người như lưới cá”, Lời quyền năng, những môn đệ tiên khởi nên trụ cột Hội Thánh; “Ta thương xót dân này vì họ tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn”, Lời quyền năng, bánh cá hoá nhiều nuôi hơn năm ngàn người; “Tội anh được tha, hãy chỗi dậy vác chõng mà về”, Lời quyền năng, người bại đứng dậy vác chõng ra về; “Hãy theo tôi”, Lời quyền năng, Matthêu thu thuế nên tông đồ; “Tôi không kết tội chị”, Lời quyền năng, chẳng ai ném đá người phụ nữ, chị về bình an; “Hỡi thanh niên, hãy chỗi dậy”, Lời quyền năng, bà goá Nain được lại con; “Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”, Lời quyền năng, người chết bước ra; “Anh là Phêrô, nghĩa là đá. Trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, Lời quyền năng, Hội Thánh trơ gan cùng tuế nguyệt hơn 2,000 năm; và “Hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”, Lời quyền năng, anh trộm lành ung dung bước vào cõi vĩnh hằng.

Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta tiếp tục gây ngạc nhiên, nói lời quyền năng, lời yêu thương của Ngài. Để được vậy, trước hết như Ngài, lời của chúng ta cũng phải phát xuất từ một tấm lòng thương xót như lòng của Chúa; được đốt cháy bởi Thánh Thần như Thánh Phaolô nói trong thư Côrintô hôm nay, “Thánh Thần thấu suốt mọi sự, cả những điều thâm sâu của Thiên Chúa”; và lời chúng ta cũng phải được nói từ một tâm hồn trong sạch, hiền lành và khiêm nhượng như tâm hồn Chúa Giêsu. Được như thế, chắc chắn lời của chúng ta cũng nên lời quyền năng, lời yêu thương.

 

Anh Chị em,

Hôm nay, Lời quyền năng của Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục gây ngạc nhiên qua Hội Thánh, “Cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, Lời quyền năng, dân Chúa ngày thêm tăng số; “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”, Lời quyền năng, hy tế tạ ơn liên lỉ dâng lên Cha trên trời, Thánh Thể nuôi sống đoàn chiên; “Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an; vậy Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, Lời quyền năng, Thiên Chúa hằng ban ơn để con người được thứ tha, giao hoà với Người.

“Nếu tôi được trở thành một vị thánh, chắc chắn tôi sẽ là vị thánh của “bóng tối”. Tôi sẽ tiếp tục ở xa xa trên thiên đàng để thắp sáng cho những con người đang sống trong bóng tối trên trái đất này”. Đó là lời yêu thương, lời quyền năng của Mẹ Têrêxa. Năm 1997, Mẹ qua đời, số nữ tu của Mẹ đã là 4,000; hoạt động tại 610 nhà trên 123 quốc gia; các chị em, con cái của Mẹ vẫn đang tiếp tục nói lời yêu thương và gây ngạc nhiên cho thế giới thế kỷ 21.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con một trái tim biết xót thương, được nung nấu bởi lửa mến hầu tâm hồn con nên trong sạch và nhu mì; nhờ đó, lời con cũng nên quyền năng như Lời của Chúa, và con cũng tiếp tục gây ngạc nhiên”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)