Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một cuộc tìm kiếm có tên là cứu độ - Những bước đi đầu tiên

Tác giả: 
Lm Minh Anh

MỘT CUỘC TÌM KIẾM CÓ TÊN LÀ CỨU ĐỘ

“Anh em chớ mắc nợ ai điều gì, ngoài món nợ yêu thương”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đặt chúng ta trên một con đường khá gay gắt, một con đường có tên là yêu thương, con đường có tên là kiếm tìm nhưng cũng là một con đường có tên là cứu độ. Thiên Chúa đặt Êzêkiel làm người tìm kiếm dân Chúa, đưa những người lầm lạc trở về; với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ ra tuần tự các bước trên con đường ấy: bước yêu thương, bước khiêm hạ, bước gặp gỡ và quan trọng nhất, nhìn nhận kẻ lầm lạc là người anh em. Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai hôm nay, “Anh em chớ mắc nợ ai điều gì, ngoài món nợ yêu thương”.

 

Hội Thánh Chúa Kitô là một Hội Thánh lữ hành; ở đó, không phải tất cả con cái Hội Thánh là thiên thần, là cá lớn, là lúa tốt; nhưng ở đó, khi mọi người đang trên đường nên thánh, còn có cả những con người yếu đuối như chúng ta và nhiều khi, đáng thương hơn chúng ta về phần linh hồn. Thiên Chúa muốn chúng ta đi tìm kiếm họ. Đó cũng là những con người đang được Thiên Chúa xót thương, Người muốn chúng ta thương xót nhau; đó có thể là những tội nhân, những cỏ lùng và dù gì đi nữa, thì trước hết đó vẫn là người anh em, chị em của tôi; những người đáng được tôi yêu thương như chính bản thân như giới răn thứ hai đòi hỏi.

 

Trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa nói với Êzêkiel, “Khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng, ‘Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết’; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”. Êzêkiel không thể thoái thác lời Thiên Chúa, ông phải đến với dân, cũng như chúng ta không thể không cất bước đi tìm kiếm người anh em đang trên đường hư mất. Như việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người mang ý nghĩa cứu độ thế nào, thì cuộc tìm kiếm người anh em lầm lỗi của chúng ta cũng mang tính cứu độ như thế; yêu thương ai, trước hết là muốn cho người ấy được cứu độ. Vì thế, tìm kiếm người anh em là một cuộc tìm kiếm có tên là cứu độ.

 

Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời van xin của những ai được sai đi trong yêu thương ngỏ với người anh em lầm lạc của mình, “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người, ‘Các ngươi đừng cứng lòng’”. Đó phải là một lời van xin thực sự chứ không phải là một mệnh lệnh; một lời van xin như Thánh Ambrôsiô đã van xin Augustinô quay trở về, “Với chúng ta, Đức Kitô là tất cả! Nếu con có một vết thương cần phải chữa lành, Đức Kitô chính là vị lương y; nếu con khát khô vì cơn sốt, Đức Kitô chính là dòng suối mát; nếu con cảm thấy chán nản vì những bất công trong cuộc đời, Đức Kitô chính là Đấng công bình và rất mực công minh; nếu con cần giúp đỡ, Đức Kitô là sức mạnh; nếu con sợ chết, Đức Kitô là sự sống; nếu con khát mong nước thiên đàng, Đức Kitô là con đường dẫn về thiên quốc; nếu con ở trong bóng tối, Đức Kitô chính là ánh sáng… Hãy nếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao, phúc cho những ai cậy trông nơi Người!”.

 

Đặc biệt với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu phác hoạ một trình tự tiệm tiến của một lộ trình yêu thương và tìm kiếm vốn đòi hỏi sự bền chí khi chúng ta đi tìm người anh em đáng thương của mình. Con đường này được đặt nền móng trên lòng thương xót và sự khiêm hạ, một con đường mà Thiên Chúa luôn chúc lành cho những ai thành tâm cầu xin. Thông thường, khi một ai đó sai lỗi, chúng ta phê phán, lên án và quên mất người ấy là anh em, chị em; hậu quả là chúng ta dễ dàng loại trừ; đó là dấu hiệu của việc thiếu thương xót. Thương xót thật sự sẽ giúp chúng ta nhận thức sai lỗi của người anh em như là cơ hội cho một tình yêu lớn lên và đó phải là khởi đầu cho bước kiếm tìm. Bởi thế, việc công khai tội của người anh em không bao giờ là bước đầu tiên, thay vào đó là âm thầm cầu nguyện, tìm kiếm, ước ao gặp gỡ và hoà giải.

 

Vậy làm sao để tiếp cận người anh em, nhất là khi họ chống lại chúng ta? Đây là một công việc vô cùng khó khăn vốn đòi hỏi nhiều lời cầu nguyện, hy sinh, nỗ lực và sáng tạo. Trước hết, trong yêu thương, tìm kiếm đối thoại chỉ giữa hai người; tiếp đến, nếu cần, mời những người đáng tin trợ giúp; và sau cùng là đưa đến Hội Thánh. Mục đích cuối cùng là Thiên Chúa, là sự thật, để sự thật đó có thể phục hồi sớm nhất mối tương quan hiệp nhất của người anh em với Chúa và Hội Thánh. Chỉ sau khi đã cố gắng hết sức mà vẫn hoài công, chúng ta mới nghĩ đến việc rũ bụi chân và phó thác người anh em cho lòng thương xót của Thiên Chúa và đừng quên cầu nguyện và hy sinh cho họ gấp bội; cả khi điều xấu nhất xảy ra, hành vi rũ bụi chân vẫn là một hành vi yêu thương vốn vẫn hy vọng một ngày nào đó, người anh em sẽ nhận ra hệ trọng của những lầm lỗi họ gây nên để quay trở về. Qua thư Rôma hôm nay, chúng ta được Thánh Phaolô nhắc nhở, “Anh em chớ mắc nợ ai điều gì, ngoài món nợ yêu thương”.

 

Một lần nọ, khi một nhóm 50 người trong cùng một công ty đang tham dự một cuộc hội thảo thì bất ngờ, vị diễn giả dừng lại và quyết định làm một hoạt động nhóm. Mỗi người được trao một quả bóng để viết tên mình lên đó bằng một bút lông. Toàn bộ số bóng được thu lại và để vào một căn phòng. Những người tham gia sau đó, được yêu cầu trong vòng năm phút, tìm lại quả bóng có tên mình. Tất cả nháo nhào đi tìm; họ xô xát, húc đẩy nhau, tạo thành một mớ hỗn độn người và bóng trong căn phòng. Năm phút trôi qua trong hỗn loạn, không ai tìm được quả bóng đang bay lên rơi xuống của mình. Vị diễn giả tiếp tục yêu cầu những người tham gia chọn ngẫu nhiên một quả bóng trong phòng và tìm kiếm người có tên được ghi trên quả bóng. Thật đáng kinh ngạc, trong không khí thân thiện, chưa tới năm phút ai nấy đã cầm trên tay quả bóng ghi tên mình.

 

Anh Chị em,

 

Đẹp thay bước chân người đi loan báo Tin Mừng, loan tin bình an; và cũng đẹp thay bước chân ai đi tìm kiếm người anh em, chị em đang hư mất của mình. Mỗi chiếc bóng trong câu chuyện tượng trưng cho tình yêu, phẩm giá, sự tha thứ và lòng xót thương của chúng ta dành cho người anh em đáng thương mà chúng ta đang kiếm tìm. Hạnh phúc của người anh em cũng chính là hạnh phúc của chúng ta; trái tim của chúng ta chỉ được lấp đầy khi trái tim ai đó cũng được lấp đầy và thương tích ở đó được chữa lành. Thánh Phaolô thật chí lý, “Anh em chớ mắc nợ ai điều gì, ngoài món nợ yêu thương; vì yêu thương là chu toàn lề luật”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ai cũng được Chúa thương, và xem ra, ai cũng nói, Chúa thương họ nhất và con cũng thế. Xin cho con biết thương người anh em lầm lỗi của con, cho con biết cất bước đi tìm họ, một cuộc tìm kiếm có tên là cứu độ”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN

“Hãy chỗi dậy, đứng ra giữa đây!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một chi tiết khá thú vị trong Tin Mừng hôm nay là người có tay khô bại không hề hé môi răng lạnh để xin Chúa Giêsu chữa lành.

 

Phải chăng anh sợ các biệt phái vì hôm đó là ngày Sabbat? Phải chăng anh tránh cớ vấp phạm cho Chúa Giêsu khi các kinh sư đang rình rập Ngài? Phải chăng anh sợ tiếng là giả vờ khi không ai thấy cánh tay teo tóp của anh đang giấu kín? Phải chăng anh sợ Chúa Giêsu rầy vì lười vận động?

 

Không! Như bao người khác, anh có mặt để nghe Chúa Giêsu; bỗng Ngài gọi anh, “Hãy chỗi dậy, đứng ra giữa đây!”, thế thôi. Anh hết hồn nhưng dễ thương ở chỗ, anh vâng lời. Thì ra, Chúa Giêsu gọi anh, chữa cho anh ngay trong ngày Sabbat như để trả lời cho các biệt phái đang rình rập hòng tố cáo Ngài. Chúa Giêsu đi bước trước, Ngài đi bước đầu tiên.

 

Và Thiên Chúa luôn luôn là người kiến tạo những bước đi đầu tiên. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Thiên Chúa là Chúa của những bước đi đầu tiên”, Người là chuyên gia của những bước đi đầu tiên. Người không ngừng đi trước chúng ta. Hàng trăm lần, Thánh Kinh cho thấy, Thiên Chúa, Đấng còn có tên là Xót Thương đã tự đày ải khi ra khỏi chính mình để đi những bước đầu tiên.

 

Thiên Chúa đi bước đầu tiên khi vạn vật vẫn còn trong bóng tối, hỗn mang; Người ra khỏi chính mình, đem mọi sự vào hiện hữu.

Thiên Chúa đi bước đầu tiên khi Người dạo chơi trong vườn địa đàng và thấy nguyên tổ trần truồng.

Thiên Chúa đi bước đầu tiên khi làm một lữ khách, đến trong lều vải của Abraham giữa trưa hè nắng cháy và bất ngờ cho ông một lời hứa sinh con.

Thiên Chúa đi bước đầu tiên khi hiện ra với Môisen đang chăn cừu cho nhạc gia, mở cho ông những chân trời mới của một thủ lãnh.

Thiên Chúa đi bước đầu tiên khi Người xót thương Giêrusalem, cả lúc thành này đánh đĩ qua các ngả đường bất nghĩa.

Thiên Chúa đi bước đầu tiên khi cùng dân Người xuôi về miền nam, chung kiếp nô lệ với họ ở đó.

Đến thời viên mãn, Thiên Chúa quyết định mạc khải “tên thật của những bước đi đầu tiên” ấy; bước ấy có tên Giêsu, bước ấy mải đi tới, không bao giờ quay trở lại cũng như không thể quay lại.

 

Anh Chị em,

“Giêsu”, có nghĩa là Cứu Chúa, một khi đã cứu, Ngài cứu đời này, cứu cả đời sau; một khi đã yêu, Ngài yêu khi gặp, yêu đến muôn đời. Ai yêu như Ngài, Ngài đổ tình yêu để họ cũng thực hiện những bước đi đầu tiên hầu không sợ lạc đường khi ra khỏi chính mình; họ đã đặt cọc tình yêu từ lòng xót thương của những bước đi đầu tiên nơi Thiên Chúa, chiếc la bàn giữ họ khỏi trệch đường.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hôm nay, con ước nên một bước đi đầu tiên; con sẽ đến với một em bé phải nghỉ học vì không có tiền nộp vào ngày khai giảng, một người anh em đang tổn thương, một người già đang cô quạnh, một đôi vợ chồng đang rối, một ai đó đang cần một viên thuốc. Xin cho mỗi ngày của con luôn là một ngày mới của những bước đi đầu tiên”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)