Thiên Chúa rất ‘người’, chẳng ai ‘người’ hơn Thiên Chúa - Một sự dịch chuyển về phía Thiên Chúa
THIÊN CHÚA RẤT ‘NGƯỜI’, CHẲNG AI ‘NGƯỜI’ HƠN THIÊN CHÚA
“Chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, Hội Thánh cho con cái đọc lại gia phả của Chúa Giêsu, một gia phả vốn chỉ có trong Tin Mừng Matthêu mà mỗi năm được đọc không quá ba lần: hai lần áp lễ Giáng Sinh và lễ sinh nhật Đức Mẹ. Qua đó, Hội Thánh muốn nói, Thiên Chúa rất ‘người’, chẳng ai ‘người’ hơn Thiên Chúa, Đấng trung thành với các lời hứa mà Chúa Giêsu là điểm tới của lịch sử, là hiện thực của niềm hy vọng nơi các tổ phụ Cựu Ước. Thú vị thay, gia phả của Chúa Giêsu còn có cả những thiên tiểu thuyết không dành cho trẻ em dưới mười tám tuổi.
Chúng ta chú ý đến bốn phụ nữ trong gia phả này. Họ là ai? Họ là bà tổ Sara, vợ Abraham; Rebecca, vợ Isaac; Léa và Rakhel, hai cô vợ xinh của Giacob? Không phải thế! Matthêu không ghi danh “các mệnh phụ”, “các bà lớn” này, nhưng thánh sử kín đáo nói đến bốn bà khác dù người ta cảm thấy xấu hổ mỗi khi nhớ đến họ; bởi lẽ, bốn bà này có thể làm hoen ố dòng tộc dân Chúa với những vết nhơ lịch sử. Matthêu đã khéo bóng bẩy khi nhắc đến họ, và đây là khởi điểm quan trọng để dẫn vào Tin Mừng của ngài, Tin Mừng vốn dành cho người ngoại trở lại, “Những kẻ rốt hết sẽ nên trước hết”.
Với Thiên Chúa, thước đo của nhân loại phải đảo ngược, Người chọn những gì được coi là yếu hèn. Nhắc đến bốn phụ nữ bất xứng, gia phả của Tin Mừng Matthêu trở thành cây gia phả của hồng ân, gia phả của lòng thương xót. Thiên Chúa, một Thiên Chúa rất ‘người’, chẳng ai ‘người’ hơn Thiên Chúa, Đấng đón nhận tội lỗi và dựng xây kế đồ của Người trên nền tảng của lòng nhân hậu và thứ tha, chứ không trên những con người vĩ đại với những thành quả hiển hách của họ.
Vậy bốn phụ nữ bất xứng đó có thực sự là những con người tội lỗi không? Đức Bênêđictô XVI giải thích, “Nếu nhìn gần và nhìn kỹ các nố, một điều sẽ được xác định: đó là tội của các ông, không phải tội của các bà. Điều đặc biệt của các phụ nữ này ở chỗ, họ không phải là người Do Thái. Và một khi các bà ngoại giáo này tham dự vào những biến cố quan trọng của lịch sử, thì họ có quyền được coi là những “bà tổ” của vương triều Israel”. Chính Thiên Chúa, Đấng rất ‘người’, đã can thiệp nơi các bà.
Trước hết, Tama người Aramê, sách Sáng Thế chương 38. Sau khi hai người chồng qua đời, Tama goá bụa, không con; nhạc gia Giuđa hứa sẽ gả nàng cho Sêla, cậu thứ ba. Về sau, ông thất hứa, Tama về nhà mẹ. Biết bố chồng đến Timna, Tama ranh mãnh vờ làm một gái điếm; tranh tối tránh sáng, Giuđa nào biết đó là cô dâu trưởng của mình và sau khi đã trao những tặng vật nàng vòi vĩnh là chiếc ấn, sợi dây đeo ấn và cây gậy, ông ăn ở với nàng. Tin này tới tai Giuđa, “Tama, con dâu ông làm điếm; nó còn có thai!”; Giuđa nổi giận, “Lôi nó ra mà thiêu sống!”. Nhưng thật đáo để, Tama nhờ người báo cho ông nhạc rằng, cô có thai với ông, tang vật lão nhạc tặng còn đây. Tama thật thông minh; Giuđa nhận lỗi, “Nó công chính hơn tôi”. Như vậy, tội là tội của Giuđa, chứ không do Tama.
Rakháp, một gái điếm khác trong Giosuê chương 2, cô gái ăn sương người Canaan, đã giúp mở đường cho quân Israel tiến vào Giêricô; qua đó, cánh cửa Đất Hứa mở ra, Rakháp làm điều đó, vì tin vào Thiên Chúa của những con người lạ lẫm. Rút, trong sách Bà Rút, một phụ nữ ngoại giáo Moab kết bạn với Bôát, Do Thái; chồng qua đời, cô tự do và có thể về quê của mình, nhưng lúc Israel gặp nạn đói, mẹ chồng khốn quẫn, Rút không rời mẹ vì lời “xin vâng” của cô đối với chồng, với Thiên Chúa của chồng; Rút mót lúa ruộng ông Bôát và mót luôn trái tim ông, cô đã trở thành bà cố của Đavít, “bà tổ” của vương triều. Bà thứ tư, vợ của Uriah, rất quen với chúng ta; Bethseva, ngoại giáo người Khết; đọc chuyện của cô với Đavít trong 2 Samuel chương 11, rõ ràng, cô vô tội; tội ở chính Đavít, người không chịu ngủ trưa, vác xác đi ngơ ngơ trên sân thượng.
Bốn phụ nữ này đã gấp lại những trang sử rất quan trọng của các đấng nam nhi vĩ đại tuy có phần lem nhem, để rồi các bà thực sự trở thành người lèo lái dòng dõi. Nhờ vậy, cây gia phả với trái trăng của các bậc mày râu đã trở thành cây gia phả đong đưa trái hồng phúc, lủng lẳng quả niềm tin nhờ ơn mưa móc từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính trên niềm tin của các cô Tama, Rakháp, Rút và Bethseva, lời hứa của Thiên Chúa đã thành hiện thực. Cây gia phả của Chúa Giêsu đã trở thành cây gia phả của mọi dân tộc trên thế giới, một gia phả mà Thiên Chúa, Đấng rất ‘người’ ươm trồng.
Anh Chị em,
Đức Maria xuất hiện, cao điểm của cây gia phả. Đức Mẹ, như một khởi đầu mới, một khởi đầu đích thực mà tất cả đều phải quay về đó. Sự khởi đầu này xảy ra qua niềm tin với lời “xin vâng” của Mẹ. Khởi đầu này đã hình thành trong cả khởi đầu của Israel vốn cũng đã xảy ra qua niềm tin của các bà mẹ, niềm tin của những phụ nữ lạ lẫm mà Thiên Chúa, Đấng rất ‘người’, đã cho phép họ cộng tác. Cho đến hôm nay, khởi đầu này luôn được thực hiện; nhờ đó, gia phả của Chúa Giêsu vẫn sẽ tiếp tục “dài thêm”, nghĩa là ai ai cũng có thể trở nên họ hàng với Đức Kitô, có thể nên một với Ngài
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con cùng Mẹ Maria “kéo dài” gia phả Chúa. Xin cho con biết phải kéo dài làm sao để khúc lịch sử con tham gia được sáng sủa hơn, chứ không vì con mà lem luốc”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
MỘT SỰ DỊCH CHUYỂN VỀ PHÍA THIÊN CHÚA
“Phúc thay các ngươi là những kẻ nghèo khó”;
“Khốn thay các ngươi là những người giàu có”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay nói đến một tình trạng, một điều kiện của tâm hồn; một cái gì đó ở trạng thái tỉnh, khi Chúa Giêsu đưa ra các mối phúc, mối hoạ, trong đó một linh hồn đang trải qua. Thế nhưng, phụng vụ Lời Chúa hôm nay còn nói đến một sự dịch chuyển, dịch chuyển từ thấp lên cao, từ đất lên trời, từ đời tạm đến đời đời như là một sự dịch chuyển về phía Thiên Chúa.
Đặc biệt với bài Tin Mừng, khi Luca chia ‘tám mối’ thành hai, ‘bốn phúc, bốn hoạ’ đang khi Matthêu, lại có đến ‘chín mối’ nhưng được gộp lại còn tám, chúng ta thường gọi là Bát Phúc.
Với ‘bốn phúc, bốn hoạ’, chúng ta được mời gọi tự hỏi, vậy thì tôi đang ở đâu; tôi được chúc phúc hay bị chúc dữ; tôi có chỗ trong danh sách “phúc thay” không; sao tôi dám ảo tưởng mình có thể chen chân vào đó; hay tôi đang ở trong danh sách “khốn thay”?. Bởi lẽ, dù không giàu nhưng ít nhiều, tôi cũng có của cải; không cao lương mỹ vị nhưng ngày nào tôi cũng đủ no; không phải thường xuyên vui như đám cưới nhưng tôi luôn cười nhiều hơn khóc và ít nhiều, tôi cũng được người đời xưng tụng. Dưới con mắt thế gian, tôi là người hạnh phúc, nhưng có chắc như vậy không; phúc của tôi có phải là phúc thật không; hay tôi tưởng là hạnh phúc đang khi tôi bất hạnh? Và nếu tôi không hạnh phúc, thì đúng rồi, Chúa Giêsu có lý, “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có; khốn cho các ngươi là những kẻ đang no nê; khốn cho các ngươi là những kẻ đang vui cười; khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng”. Vậy thì làm sao để dịch chuyển từ “hoạ” sang “phúc”?
Trong bài đọc thứ nhất, khi nhìn xuống đất thấp với những gì đang có đó, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta cách dịch chuyển. Ngài chỉ ra cái chóng qua, tạm bợ ở đời này, nơi mà mỗi người đang đi qua như một lữ khách; cùng lúc, ngài bày cho chúng ta phương thế, “Thời gian vắn vỏi, ai vui mừng, hãy như chẳng mừng vui; ai mua sắm hãy như không có gì; kẻ hưởng dùng đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang qua đi”. Ngài nhắn nhủ chúng ta đừng quá gắn bó với của cải đời này để không bị ràng buộc hầu có thể thanh thoát dịch chuyển đến những của cải bền vững hơn, niềm vui lớn lao hơn; và như vậy, dịch chuyển hướng về phía Thiên Chúa, một dịch chuyển mang tính đời đời.
Trong Tin Mừng, nhiều lần, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách thức dịch chuyển, “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác, Người sẽ ban cho sau”; “Hãy dùng tiền của mà mua lấy Nước Trời, mua lấy bạn hữu”; “Hãy sắm cho mình những kho báu trên trời, nơi trộm cắp không vãng lai và mối mọt không làm hư hao”. Như thế, các mối phúc của Chúa Giêsu vượt xa những gì có ý nghĩa tức thời; chúng cho phép chúng ta sống trên một cấp độ hoàn toàn mới của đức tin, hy vọng và tình yêu; chúng cho thấy những giá trị đời đời, mời gọi con người dịch chuyển từ hèn hạ đến cao thượng, từ đất thấp lên trời cao, từ con người đến Thiên Chúa.
Trong tập hồi ký Titanic & Những Điều Vĩ Đại Chưa Kể, thuyền phó Charles Lightoller tiết lộ một trong những bí mật giấu kín nửa đời người. John Astor IV, một nhà kinh doanh, nhà phát minh và nhà văn nổi tiếng, cũng là một trong những người giàu nhất thế giới bấy giờ. Sau khi đưa vợ đang mang thai 5 tháng lên thuyền cứu hộ; một tay dắt chó, tay còn lại châm điếu xì gà, ông hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần ra xa, “Anh yêu hai mẹ con em!”. Thuyền phó ra lệnh, “Astor lên thuyền!”; nhưng ông kiên quyết, “Tôi thích cách nói cơ bản nhất bảo vệ phái yếu, Ladies first!”. Sau đó, ông nhường chỗ của mình cho một phụ nữ. Vài ngày sau, đội cứu hộ tìm thấy thi thể ông. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, nhưng Astor đã từ chối tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người thân yêu của mình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; bảo vệ nhân cách.
Anh Chị em,
Dịch chuyển về phía Thiên Chúa là quên mình, là trở nên cao thượng, vị tha; đó là những con người biết dành cho mình một kho báu trên trời. Vị tha hàm chứa một sức mạnh vô tỉ, biến những con người xấu số trong cơn “bão biển” Titanic thành những biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương cao cả.
Hôm nay, được lắng nghe những lời này, chúng ta thật có phúc nếu mỗi người biết dịch chuyển trong ân sủng và sự chỉ bảo của Chúa Thánh Thần; vì ở bất cứ cương vị nào, bậc sống nào, sống thánh đến bao nhiêu… thì lời mời gọi dịch chuyển vẫn còn đó.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con được chúc phúc; nhờ ơn Chúa, mỗi ngày, con được phúc nhiều hơn, khi con biết mở tai, mở tâm và mở tay để sống lòng thương xót của Thiên Chúa với anh chị em mình”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: