Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Những Thầy dạy khát khao - Trổ hoa thơm, sinh trái tốt

Tác giả: 
Lm Minh Anh

NHỮNG THẦY DẠY KHÁT KHAO

“Người mù có thể dẫn người mù được chăng?”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ thật bất ngờ khi nói, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu muốn trực tiếp nói với những người ít bạn, những người không hề có ai dám góp ý một điều gì, có thể đó là mỗi người chúng ta. Ngài muốn nói với những người dẫn đường, những thầy dạy… những gì thật nhất, “Người mù có thể dẫn người mù được chăng?”.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Thường Niên, 03/3/2019, cũng với đoạn Tin Mừng này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Với câu hỏi, ‘Người mù có thể dẫn người mù được chăng?’, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, người lãnh đạo không thể mù nhưng phải thấy thật rõ, nghĩa là phải có trí tuệ để lãnh đạo một cách khôn ngoan; bằng không, sẽ có nguy cơ gây thiệt hại cho những người đã được trao phó cho họ. Như vậy, Chúa Giêsu đặc biệt lưu ý đến những người có trách nhiệm giáo dục hoặc cai quản; đó là các mục tử, các nhà chức trách, nhà lập pháp, các thầy cô, bậc cha mẹ. Ngài thúc giục họ nhận thức vai trò tế nhị của mình và luôn phân định; nhờ đó, họ biết đâu là con đường đúng đắn, trên đó, họ sẽ dẫn dắt những người khác”. Êzêkiel canh gác nhà Israel, người canh gác là người đứng trên cao; cao không chỉ địa vị nhưng cao trên cả đức hạnh, nhân tâm, cao cả sự khát khao Thiên Chúa; đó là những người canh gác cộng đoàn, gia đình, giáo xứ.

Câu hỏi thứ nhất, người có trách nhiệm sẽ dẫn những người khác đi đâu? Dẫn họ đến với Chúa Cha, vào Nước Trời; giúp họ biết khao khát Thiên Chúa như là phần rỗi đời đời cũng là mục đích của mỗi cuộc đời trên trần gian. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nói lên điều đó, “Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái”; Thánh Vịnh cho thấy nỗi khắc khoải của người khát khao Chúa, “Linh hồn tôi khát khao mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh”. Khi xuống thế, Chúa Giêsu cũng chỉ làm một công việc đó; mặc khải Chúa Cha, đem mọi người đến cùng Chúa Cha, dẫn họ về quê trời. Ngài là Thầy Dạy Khát Khao, Ngài muốn chúng ta cũng trở nên những thầy dạy khát khao, khát Thiên Chúa.

Đường đời muôn lối, người ta sẽ dẫn tha nhân đi trên con đường nào? Không con đường nào khác ngoài đường Giêsu, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống; “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Như vậy, người dẫn đường phải là người đi trên đường Giêsu, say mê Ngài; họ phải khao khát Thiên Chúa trên hết mọi sự, may ra có thể làm cho người khác khao khát Thiên Chúa.

Vậy người có trách nhiệm sẽ dẫn đường cách nào? Cách xót thương, cách khiêm tốn như Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay nói đến kiêu ngạo, “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong mắt mình thì lại không thấy”. Kiêu ngạo khiến chúng ta không thấy con người mình; kiêu ngạo trở thành mặt nạ để chúng ta mặc một nhân cách giả; nó khiến chúng ta tránh xa sự thật, cản chúng ta nhìn bản thân dưới ánh sáng của Thánh Thần. Như vậy, người dẫn đường phải là người khiêm tốn, nhân hậu và xót thương; được như thế, may ra, họ mới có thể dẫn dắt người khác.

Ý thức trách nhiệm đầy khó khăn này, Thánh Phaolô tâm sự trong thư Côrintô hôm nay, “Phần tôi, tôi chế ngự thân xác, bắt nó tùng phục tôi, kẻo lỡ ra, tôi giảng dạy cho kẻ khác, mà chính tôi phải bị loại ra”. Như thế, người dẫn đường phải nên giống Chúa Giêsu, đi con đường khổ giá Ngài đi và càng để ân sủng Thiên Chúa biến đổi mình, họ càng có cơ may giúp người khác biến đổi.

Ngày kia, không chịu nổi xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa, các thánh trên trời xuống trần gian, dựng một dàn hoả thiêu vĩ đại để tiêu diệt mọi kẻ tội lỗi. Các ngài tin, sau cuộc thanh lọc, địa cầu sẽ chỉ còn những người công chính. Mọi sự đã sẵn sàng. Kìa, giữa đám người tội lỗi, một người đang vác thập giá. Phêrô nhận ra Thầy. Chúa Giêsu nói, “Ta quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi lẽ, trên trần gian, không ai có thể cứu thoát họ khỏi cơn thịnh nộ của các thánh”.

 

Anh Chị em,

Nhiều lúc chúng ta cũng là các thánh của câu chuyện, chúng ta thiếu thương xót, thiếu khiêm tốn và thiếu xét mình, nhất là khi chúng ta đứng trên cao. Nếu không khát khao Thiên Chúa, không chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta không biết ai sẽ dẫn ai.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Xin đừng để con làm một người dẫn đường mù nhưng cho con nên một thầy dạy khát khao”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

TRỔ HOA THƠM, SINH TRÁI TỐT

“Cứ xem trái thì biết cây”;

“Nhà đó được đặt nền trên đá”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn xem, liệu cuộc sống mình có như một cây tốt sinh trái tốt; cuộc sống ấy có là cuộc sống của những lời ngợi khen Thiên Chúa; toà nhà thiêng liêng của chúng ta được xây dựng trên đá hay trên cát; trên Thiên Chúa hay trên ngẫu tượng?

Chúa Giêsu nói, “Cứ xem trái thì biết cây”, nhưng làm sao biết được những gì sâu kín bên trong? Hãy nhìn xem hoa trái! Nếu cuộc sống chúng ta ngời sáng lòng bác ái, đức tin, kiên nhẫn và trung thực…; tạ ơn Chúa, tâm hồn chúng ta đang mạnh khoẻ. Ngược lại, nếu ở đó chỉ là giận dữ, đố kỵ, ham muốn, ích kỷ hoặc lười biếng…; nó đang bệnh và yếu. Muốn đổi thay, chúng ta không chỉ đổi thay vẻ bên ngoài, vì sớm muộn gì, mặt nạ vốn đang che giấu một thứ gì đó thối rữa bên trong cũng sẽ rơi xuống; phải đổi thay từ nội tâm, đi vào tận gốc những khiếm khuyết, chữa lành bằng bí tích hoà giải và nỗ lực xây dựng các nhân đức. Đổi thay bằng việc xa lánh ngẫu tượng, Thánh Phaolô căn dặn trong thư Côrintô hôm nay, “Anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng”; “Anh em không thể uống cả chén của Chúa, cả chén của ma quỷ được”. Từ đó, mới có thể dâng lời ca ngợi Chúa như Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ, “Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ”.

Tin Mừng hôm nay còn tiết lộ tầm quan trọng của một nền móng vững chắc vì “Nhà đó được đặt nền trên đá”. Thông thường, chẳng ai lo lắng hay nghĩ đến nền nhà trừ khi nó đổ sập; lẽ thường, không ai chú ý đến một nền móng vững chắc, ít phải lo lắng cho nó mỗi khi bão tố. Điều này cũng đúng với nền móng thiêng liêng, nền móng rắn chắc là một đức tin sâu sắc cắm sâu trong cầu nguyện; nền móng này là sự kết hiệp với Chúa Giêsu mỗi ngày. Chính trong sự kết hiệp đó, Chúa Giêsu trở nên nền tảng cuộc sống và một khi Ngài đã là nền tảng thì không gì có thể làm hại, cũng không gì có thể ngăn cản chúng ta hoàn thành sứ mệnh của mình. Chính sự kết hiệp toàn bích với Chúa Giêsu, ở lại với Ngài, đã trở thành một sức đề kháng thiêng liêng giúp chúng ta vững mạnh.

Đối lập với điều này là một nền móng yếu ớt. Đó là nền móng dựa vào chính mình như là lý do của sự ổn định và sức mạnh ở những thời điểm khó khăn. Sự thật là, không ai trong chúng ta đủ sức làm nền móng cho chính mình; ai cố sức làm điều đó thì thật là khờ khạo, vì họ không lường trước việc sẽ không thể chịu đựng được bất cứ một cơn lốc cuộc đời nào đang chực ném vào họ.

Một điều cần lưu ý. Đôi khi sự an toàn của chúng ta chỉ là một an toàn giả tạo khi mọi thứ xem ra tốt đẹp và chúng ta tưởng nền tảng của mình vững chắc. Thế mà, sự an toàn này có thể đang ru ngủ chúng ta; vì vậy, phải hết sức cẩn thận và khách quan, bởi lắm lúc, chúng ta đang thờ ngẫu tượng mà không biết. Nền móng có vững chắc hay không sẽ được chứng tỏ khi mưa to, gió lớn. Luôn kết hợp với Chúa Giêsu, luôn dâng lời ngợi khen Thiên Chúa là đá tảng, trên đó chúng ta xây dựng đời mình, thì cuồng phong sẽ không còn là vấn đề, chúng ta vẫn đứng vững. Sẽ là quá muộn khi lũ lụt, dông bão đến và chúng ta không thể ra ngoài để sửa chữa nền móng. Đang khi trời trong mây tạnh, chúng ta hãy xây đắp, chuẩn bị cho ngày thử thách. Chôn chặt vào Thiên Chúa là núi đá, toà nhà chúng ta sẽ vững chắc; cắm rễ vào Chúa Giêsu là cội nguồn ân sủng, lộc tốt sẽ trổ hoa; mềm mỏng với Chúa Thánh Thần là lửa mến, cây tốt sinh trái tốt.

Triết gia vô thần Ludwig Feuerbach đã từng viết, “Không phải Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, mà chính con người đã dựng nên Thiên Chúa theo hình ảnh họ”.

 

Anh Chị em,

Dù không đồng ý với nhận định trên, chúng ta cũng không thể phủ nhận một phần sự thật trong đó khi nhìn vào thực tế. Vì thế, phải luôn quay về với Thiên Chúa của mặc khải, Thiên Chúa của Thánh Kinh để khám phá dung nhan đích thực của Người; một Thiên Chúa như “Người là” nơi Chúa Giêsu chứ không phải một Thiên Chúa như chúng ta muốn. Trên nền đá Giêsu, chúng ta xây dựng cuộc đời; cắm rễ sâu trong Lời Ngài. Lúc đó, hoa trái chúng ta trổ sinh sẽ là hoa trái thánh linh; đó là bác ái, vui mừng, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con bị ru ngủ trong cảm giác an toàn giả tạo. Xin giúp con chôn chặt đời mình trong Chúa; nhờ đó, con có thể trổ hoa thơm, sinh trái tốt”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)