Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sẽ không bao giờ lãng quên - Một nỗi buồn thánh, một nỗi buồn thiên đàng

Tác giả: 
Lm Minh Anh

SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÃNG QUÊN

“Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Tên gọi của ngày lễ ‘Suy Tôn Thánh Giá’ thật đúng với những ý nghĩa đáng suy tôn của nó, vì “Thiên Chúa đã tôn vinh Người”. Hôm nay, chúng ta tôn vinh, thờ lạy và khắc ghi hồng ân Thánh Giá của Chúa Giêsu như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở, “Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa”; nhờ đó, chúng ta yêu mến, đón nhận thập giá đời mình bằng sức mạnh Thánh Giá Chúa.

Thập giá thực sự có ý nghĩa gì? Nếu tách mình khỏi những gì chúng ta học được từ thập giá Chúa Kitô, nhìn nó dưới khía cạnh thế tục và lịch sử, thì thập giá chỉ là dấu chỉ của một thảm kịch lớn. Nó được liên kết với câu chuyện của một người đàn ông khá nổi tiếng với nhiều người, nhưng lại bị những người khác kịch liệt thù ghét. Cuối cùng, những kẻ thù ghét ấy đã sắp đặt một cuộc đóng đinh tàn bạo nhất dành cho Ngài. Vì thế, theo quan điểm thế tục, thập giá là một điều khủng khiếp.

Các Kitô hữu không nhìn thập giá theo quan điểm thế tục, chúng ta nhìn thập giá qua lăng kính linh thánh với lòng biết ơn. Thập giá Chúa Giêsu là một kỳ công của Thiên Chúa mà chúng ta không quên lãng vì Ngài dùng những đau khổ tột cùng để mặc cho nó một ý nghĩa khôn cùng; dùng cái chết để tiêu diệt sự chết; dùng tình yêu để cảm hoá ác tâm; dùng thứ tha để triệt tiêu hận thù; dùng ô nhục để đổi lấy linh hồn kẻ gây ra nó. Cuối cùng, Ngài đã chiến thắng trên đó và như thế, mãi mãi thập giá là một ngai toà cao trọng và vinh quang vốn đã trở thành Thánh Giá trổ sinh ơn cứu độ.

Điều Môisen đã làm trong sa mạc là hình ảnh báo trước cho Thánh Giá Chúa Kitô. Nhiều người đã chết vì rắn cắn; Chúa bảo Môisen treo con rắn trên cột để ai nhìn lên, sẽ được lành, và chính xác đó là những gì đã xảy ra. Trớ trêu thay, con rắn mang lại sự sống thay vì cái chết! Cũng thế, Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá đã trở nên nguồn sống cho ai ngước trông Ngài; Thánh Giá Ngài giờ đây trở nên khí cụ lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” như Thánh Gioan nói hôm nay; và nếu chúng ta có thể đo lường nồng độ tình yêu bằng nhiệt kế, thì thủy ngân sẽ bị tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đánh bay vút tận vô cùng. Tình yêu của Người là vô bờ bến vì Thánh Giá đã trở thành chiến thắng của tình yêu. Rắn đồng xưa cứu khỏi chết một số người, tạm thời; Con Thiên Chúa cứu sống muôn người, đời đời. Như vậy, Thánh Giá, kiệt tác và là kỳ công của Thiên Chúa mà chúng ta không bao giờ lãng quên để dâng lời tạ ơn.

Đau khổ xảy ra trong suốt cuộc đời mỗi người theo nhiều cách khác nhau. Với một số người, đó có thể là cơn đau nhức hàng ngày do sức khoẻ; với những người khác, những nỗi đau có thể ở mức độ sâu hơn nhiều: nỗi đau của cảm xúc, nỗi đau của các mối tương quan; riêng tư, cộng đoàn; thể chất, tinh thần. Nhưng thật ra, tội lỗi là nguyên nhân gây ra đau khổ lớn nhất; vì thế, những ai đang chiến đấu sâu sắc với tội lỗi trong cuộc sống của họ, người ấy phải chịu đựng sâu sắc tội lỗi đó.

Vậy thì đâu là câu trả lời của Chúa Giêsu? Câu trả lời của Chúa Giêsu là hướng cái nhìn của chúng ta lên Thánh Giá của Ngài. Chúng ta sẽ nhìn Ngài trong nỗi cùng khốn và đau khổ tột bậc Ngài chịu; trong cái nhìn đó, với đức tin, chúng ta được mời gọi để đọc cho được chiến thắng của Ngài trên đó; đồng thời, nhận biết rằng, Thiên Chúa mang lại điều lành từ tất cả mọi sự, ngay cả những khổ đau của chúng ta. Thiên Chúa Cha đã biến đổi thế giới vĩnh viễn qua sự đau khổ và cái chết của Chúa Con, chính Người cũng sẽ biến đổi chúng ta trong thập giá cuộc đời của mỗi người.

Một cậu bé tiểu học không bao giờ để ba mình đưa đến trường, em chỉ chịu mẹ đưa đi; mẹ không đưa đi, hôm ấy bỏ học. Ngày kia, mẹ em hỏi lý do; em trả lời vì khuôn mặt ba xấu quá, bạn bè trêu chọc con. Mẹ em ôm em và nói, “Lúc con còn nhỏ, nhà mình cháy, ba con xông vào để cứu con; ba con cố ôm lấy con, che cho con khỏi lửa. Một cột xà lửa rơi xuống, ba con cháy mặt”. Hiểu được, cậu bé hãnh diện về ba mình và từ đó, nhất định không chịu để mẹ đưa đến trường, nhưng là ba.

 

Anh Chị em,

Cũng thế, “Vinh quang của ta là Thánh Giá Đức Kitô”; như cậu bé, chúng ta học biết mầu nhiệm này; ở đó, sẽ có câu trả lời cho tất cả những cuộc nội chiến linh hồn của chúng ta mỗi ngày. Thánh giá Ngài là chìa khoá mở ra vinh quang, ân sủng và niềm vui phục sinh cho tất cả mọi khổ đau, kể cả sự chết. Hãy tháp nhập thập giá đời mình vào Thánh Giá Chúa để cũng trổ sinh hoa trái cứu độ.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ lãng quên tình yêu Chúa dành cho con trên Thánh Giá; cho con biết nhìn lên để hưởng nếm chiến thắng sau cùng của Ngài; xin củng cố thập giá đời con để nó cũng trở nên Thánh Giá cứu độ”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MỘT NỖI BUỒN THÁNH, MỘT NỖI BUỒN THIÊN ĐÀNG

“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà,

để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, một lễ sâu sắc với nhiều ý nghĩa và rất thực. Cùng với Đức Mẹ, hôm nay, chúng ta đi vào nỗi buồn sâu xa của trái tim ngài, để hiểu ngài, để yêu ngài; từ đó, cũng để cho tâm tư của tâm hồn mình được biểu lộ.

Với các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, Sáng, của chuỗi Mân Côi, đã bao lần, chúng ta ngắm nhìn Đức Mẹ qua những tâm tình của ngài; thế nhưng, chưa bao giờ chúng ta nghe nói đến việc Đức Mẹ buồn. Thế mà những gì cụ già trong đền thờ tiên báo về Chúa Giêsu, “mục tiêu cho người ta chống đối” là một thực tế rất buồn. Thực tế này được Đức Mẹ ghi đậm trong lòng một cách sâu sắc; và hẳn trên bước đường rao giảng của Con, Mẹ đã chứng kiến sự chống đối người ta dành cho Ngài thế nào và đỉnh điểm là cái chết của Con trên thập giá. Vì thế, đã yêu con, Đức Mẹ càng yêu Con nhiều hơn; Mẹ yêu Chúa Giêsu bằng tình yêu trọn vẹn của một người mẹ, và thật thú vị, chính tình yêu trọn vẹn này lại trở nên nguồn gốc của một nỗi đau tâm hồn và một nỗi buồn linh thánh sâu thẳm. Tình yêu của Mẹ đã kéo Mẹ hiện diện can trường với Con trong những khổ đau cùng tột dưới chân thập giá và vì lý do đó, như Con đã chịu đựng bao nhiêu, Mẹ cũng phải chịu đựng bấy nhiêu.

Thư Do Thái hôm nay viết, “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu”. Chúa Giêsu đã vâng phục để làm con của Mẹ; Mẹ vâng phục để làm Mẹ của Giêsu. Vì thế, nỗi đau của Chúa là nỗi đau của Mẹ, lưỡi gươm đâm thấu tim Chúa cũng là lưỡi gươm đâm thâu tim Mẹ; Mẹ đã học vâng phục đến cùng khi được hiệp thông với sự vâng phục của Con.

Vậy mà nỗi đau của Mẹ Maria không phải là nỗi đau của tuyệt vọng, nhưng là nỗi đau của tình yêu, nỗi đau của hiệp thông cứu độ; nỗi buồn của Mẹ Maria không phải là một nỗi buồn nhân thế, nhưng là một nỗi buồn thánh, nỗi buồn của thiên đàng. Không như bao nỗi buồn khác, nỗi buồn của Mẹ, đúng hơn, là một sự chia sẻ sâu sắc về tất cả những gì Con mình phải chịu. Trái tim Mẹ đã hoàn toàn hiệp nhất với trái tim của Con, do đó, Mẹ đã chịu đựng tất cả những gì Con chịu đựng và điều Chúa Con chịu đựng lớn lao nhất chính là tội lỗi của nhân loại, đây là sự chịu đựng của một tình yêu đích thực ở một mức độ sâu sắc nhất, đẹp đẽ nhất.

Hôm nay, khi kính nhớ Mẹ Sầu Bi, chúng ta được mời gọi sống hiệp nhất với nỗi buồn của Mẹ và của Chúa Giêsu, nỗi buồn do tội lỗi thế giới gây ra. Những tội lỗi đó bao hàm tội lỗi của chúng ta, là những gì đã đóng đinh Con chí ái của Mẹ vào thập giá. Chúng ta đau buồn vì tội lỗi; trước hết, tội lỗi của chính mình; sau đó, tội lỗi của người khác. Nhưng một điều quan trọng cần biết là, nỗi buồn chúng ta trải qua vì tội lỗi cũng là nỗi buồn của tình yêu; một nỗi buồn thánh, mà cuối cùng, thúc đẩy và nhen lên nơi chúng ta một sự cảm thương, một lòng trắc ẩn cũng như một ước muốn hiệp nhất sâu sắc hơn với những anh chị em chung quanh mình, đặc biệt với những người đang thương tổn, những người đang vướng vào tội lỗi. Nỗi buồn đó cũng thúc đẩy chúng ta từ bỏ tội lỗi của chính mình và đó là sự biểu lộ tâm tư đẹp đẽ nhất, đúng đắn nhất và đáng ước mong nhất.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Thuận nói, “Con trào trào nước mắt, đến với Mẹ, ‘Đức Bà an ủi kẻ âu lo’; con đau khổ ê chề, đến với Mẹ, ‘Đức Bà phù hộ các giáo hữu”; con tội lỗi ngã sa, đến với Mẹ, ‘Đức Bà bầu chữa kẻ có tội’ và chính con, sẽ trở thành một Maria khác, để đón tiếp mọi người đến trú ẩn và cũng như Mẹ, con sẽ là ‘nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng’ của anh em con”.

 

Anh Chị em,

Chiêm ngắm nỗi buồn thánh nơi Đức Mẹ, chúng ta ước ao một nỗi buồn thánh trong lòng mình; nỗi buồn do tội của mình, tội của anh em. Đó là điều Chúa muốn tâm tư mỗi người được tỏ lộ. Hiệp thông với nỗi buồn thánh của Mẹ, chúng ta được mời gọi dâng hy tế đời mình mỗi ngày cùng với Đức Kitô trong thánh lễ; nhờ Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha hiến lễ tạ ơn thay cho nhân loại.

 

 Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được một nỗi buồn thánh như nỗi buồn của Đức Mẹ; nhờ đó, con biết run sợ cho linh hồn con trước tội lỗi và từ đó, lòng trắc ẩn và thương cảm của con đối với anh chị em con ngày càng trở nên sâu sắc hơn”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)