Làm phép nhà mới là một việc quan trọng
Làm phép nhà mới là một việc quan trọng
Khi làm phép nhà mới, vị linh mục chúc lành, đi từng phòng và cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin đến cùng các tôi tớ Chúa đây là những người đang khiêm nhường cầu xin phép lành của Chúa, qua việc dâng lên Chúa ngôi nhà của họ hôm nay." Nghi thức này đi kèm với việc rảy nước thánh có thể được xem là hình ảnh thường được biết đến nhất của chức vụ linh mục. Việc chúc lành nhà mới đến từ sự khôn ngoan của Hội Thánh và được mọi tín hữu nhiệt thành đón nhận.
Thực hành chúc lành nhà cửa có truyền thống từ các nghi lễ của dân tộc Israel
Hội Thánh có khá nhiều á bí tích về việc chúc lành, bao gồm chúc lành công sở làm việc, cửa hàng, phương tiện di chuyển... Trong đó, chúc lành không gian sống có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc chúc lành này, ở Việt Nam thường gọi là làm phép, có nguồn gốc từ phụng tự của dân tộc Israel. Nó gợi nhớ về máu chiên trong lễ Vượt Qua mà người Do Thái đã vẽ lên cửa nhà họ trước ngày rời khỏi Ai Cập.
Ngay trong thế kỷ đầu của Kitô giáo, khi cấm cách và bách hại vẫn diễn ra quyết liệt, các tín hữu vẫn thực hành sự chúc lành này với nhà cửa của họ, gọi là "hội thánh tại nhà". Quả vậy, các nghi lễ đầu tiên của Kitô giáo đều được cử hành ở tư gia chứ không phải nhà thờ như ngày nay.
Ngôi nhà có vị trí rất quan trọng xuyên suốt Kinh Thánh, từ ngôi nhà hiếu khách của ông Ápraham đến các ngôi nhà tốt lành của Mácta, Maria, Ladarô đã đón tiếp Chúa Cứu Thế. Nhà cũng chiếm vai trò nổi bật trong sứ điệp truyền giáo của Chúa Giêsu: "Khi anh em vào nhà nào thì hãy nói 'Bình an của Chúa ở cùng nhà này'" (Lc 10,5). Một cặp vợ chồng nọ chia sẻ: Ngày làm phép nhà là một ngày biết ơn, vui vẻ và tiệc tùng, họ mời cả xóm lại để mừng ngày ấy. Đó chính là cách rõ rệt nhất để đặt ngôi nhà của bạn dưới bàn tay Thiên Chúa và gìn giữ gia đình bạn.
Một linh mục trừ quỷ đáng kính, cha Emmanuel Dumont, chia sẻ: Ngài đã nhận được rất nhiều thỉnh cầu làm phép nhà để trục xuất các ảnh hưởng xấu của ma quỷ. Làm phép nhà có thể bảo vệ hay giải trừ hiệu quả các tác động tội lỗi ma quái. Cha Dumont nói: "Ngôi nhà, không khác gì nhà thờ, cũng là nơi diễn ra các cuộc chiến đấu thiêng liêng. Trong nghi thức làm phép nhà, có một kinh nguyện thống hối cổ truyền mà tôi rất thích đọc. Kinh nguyện ấy cầu xin ơn tha thứ cho các tội lỗi và việc xấu xa đã được từng diễn ra trong nhà này hay trên đất này. Nó cũng là cơ hội để cầu nguyện cho những người đã chết ngay vị trí này khi mà linh hồn họ chưa được chuẩn bị sẵn sàng."
Vị linh mục sau đó sử dụng nước và muối thánh, hương và dầu để xức lên các cửa và cửa sổ.
Anh Ben 30 tuổi chia sẻ: Anh không thường xuyên chuyển nhà, nhưng bất kỳ nhà nào anh chuyển đến, anh đều phải mời một linh mục đến làm phép nhà mới. Anh nói: "Với chúng tôi, đó là cơ hội lớn để tạ ơn Thiên Chúa, và đặt cuộc sống của chúng ta cũng như cuộc sống của cả những người đến nhà chúng ta dưới sự chở che của Chúa."
Truyền thống dùng phấn Hiển Linh
Ngoài ra trong Giáo Hội cũng có một truyền thống sùng đạo nổi tiếng khác để chúc lành nhà cửa đã có từ nhiều thế kỷ. Ở hạt Calvados, vùng Normandy, nước Pháp, người ta thường dùng phấn vẽ lên đỉnh cửa nhà các ký tự "20 + C + M + B + 20". Được gọi là truyền thống lễ Hiển Linh, cử hành này đang được hồi sinh mạnh mẽ ở các vùng nói tiếng Đức và ở Hoa Kỳ. Các ký tự C M B là viết tắt của câu "Christus mansionem benedicat", nghĩa là "Chúa Kitô chúc lành cho nhà này", cộng với số năm ở 2 đầu. Ngoài ra, người ta cũng giải thích rằng các ký tự trên đại diện cho tên của Ba Vua đã đi viếng Chúa Hài Đồng, những người đã giúp loan truyền tin về sự sinh hạ của Chúa: Caspar, Melchior và Balthasar.
Ở vùng Normandy ấy, trong khoảng từ 6-13 tháng Một hằng năm, Đức Viện Phụ Guilhem de la Barre đi qua nhiều đường phố và dùng phấn Hiển Linh chúc lành cho khoảng 40 căn nhà bằng cách vẽ lên cây xà ngang trên cửa. Ngài giải thích "Chúc lành nhà cửa là một dấu chỉ hữu hình của việc Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Ngôi Lời làm người, qua cuộc nhập thể của Người, đang ở giữa chúng ta và hành động trong linh hồn chúng ta, ngay trong sự khiêm hạ của các công việc thường nhật đời sống." Giáo Hội khuyến khích chúng ta giữ gìn truyền thống dùng phấn vẽ lên trước nhà những dấu hiệu chúc lành này vào lễ Hiển Linh hằng năm.
Không như phấn, nước thánh không để lại dấu vết khả kiến nào trên nhà cửa, nhưng sự hiệu quả thì được duy trì bởi tay Thiên Chúa. Một linh mục cao niên khuyên: "Điều quan trọng là hãy đặt các ảnh, tượng, sách kinh nguyện, Kinh Thánh ở chỗ dễ thấy trong nhà" để nhắc nhở sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Đó là các dấu hiệu làm chứng rằng mỗi ngôi nhà Công Giáo là một "tế bào sống" của thân thể Hội Thánh.
Gioakim Nguyễn biên dịch
- Tổng Hơp: