Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vượt quá trí hiểu - “Sau này con sẽ hiểu”

Tác giả: 
Lm Minh Anh

VƯỢT QUÁ TRÍ HIỂU

“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Lang thang trên những nẻo đường Palestine, các môn đệ theo Chúa Giêsu đi đây đi đó; thế nhưng, chưa một lần, ai nói với ai cách rõ ràng về vị Thầy của mình. Hôm nay, đột nhiên, Chúa Giêsu quay lại hỏi, “Người ta bảo Thầy là ai?”; các môn đệ cho biết, dân chúng coi Ngài như một trong những vị đại ngôn sứ. Chúa Giêsu lại đặt một câu hỏi quan trọng hơn, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, câu trả lời của Phêrô thật ý nghĩa, “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

 

Phêrô hiểu đúng, Ngài là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”; nhận định của Phêrô sâu sắc hơn, vì lẽ, Phêrô nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Được Xức Dầu duy nhất của Chúa Cha; nói cách khác, Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, một tuyên tín vượt quá trí hiểu. Lợi dụng lời tuyên xưng của vị tông đồ trưởng, Chúa Giêsu đã mặc khải con đường của Chúa Cha, “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”, mặc khải này cũng vượt quá trí hiểu.

 

Chúng ta không thể hiểu hết chiều sâu của “mầu nhiệm đức tin” khi nói Chúa Giêsu vừa là người, nhưng cũng vừa là Thiên Chúa; một Thiên Chúa làm chủ vạn vật, làm chủ con người, làm chủ thời gian như sách Giảng Viên hôm nay xác tín, “Mọi sự đều có thì giờ của chúng; vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng”; “Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn”; “Con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối”. Thật là vượt quá trí hiểu.  

 

Đấng chủ tể thời gian ấy cũng là Đấng phải chịu đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết và phải treo lên để yêu thương, để tha thứ, để thấu cảm, để ban ơn cứu độ đời đời cho con người mọi thời, mọi đời… thì điều này lại cũng vượt quá trí hiểu. Giêsu đó, Thiên Chúa đó, mãi muôn đời là thế; Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, muôn đời xót thương, muôn đời tha thứ, muôn đời tìm kiếm, muôn đời chữa lành… điều này cũng vượt quá trí hiểu. Ai gặp được Ngài, chạm đến Ngài hay được Ngài chạm đến, sẽ được Ngài biến đổi bằng ân sủng của Thánh Thần; người ấy sẽ chạm được thiên đàng, hưởng nhận sự sống đời đời, hưởng nhận chính Ngài là Thiên Chúa hằng sống, Đấng cứu độ. Họ nhìn nhận Ngài là Đấng phù trợ, là khiên thuẫn, là tường luỹ, là núi đá, nơi họ ẩn thân như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng, “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn”. Thật là vượt quá trí hiểu.

 

Anh Chị em,

Hôm nay, khi nhìn lên Mình Thánh Chúa trên bàn thờ hoặc trong nhà chầu, chúng ta có thấy Chúa Giêsu đang ở với chúng ta không? Chúng ta có thấy một Thiên Chúa Toàn Năng, Toàn Trị, Yêu Thương, hiện hữu từ muôn thuở, chủ tể thời gian, cội nguồn của mọi điều tốt lành, Đấng tạo dựng vạn vật đang gần gũi với chúng ta đến thế không? Nhìn lên thánh giá, chúng ta chiêm ngắm một Đấng đang bị treo lên, cũng là Đấng đang tái diễn mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài liên lỉ trên các bàn thờ để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, chúng ta có thể hiểu hết mầu nhiệm đức tin này không? Có lẽ câu trả lời sẽ là vừa “Có”, lại vừa “Không”; “Có” ở chỗ chúng ta tin, và “không” ở chỗ, chúng ta không hiểu hết những điều vượt quá trí hiểu. Thật xúc động, khi hiểu được Chúa Giêsu là ai một cách sâu sắc hơn trong thần tính của Ngài; để từ đó, chúng ta thực hiện một quyết tâm đầy cam kết hơn trong đức tin của mình, một đức tin vượt quá trí hiểu.

 

“Thường thì giáo dân thấy cha nào làm lễ lâu, họ kêu van, phàn nàn; nhưng lạ thay, cha thánh Piô Năm Dấu dâng lễ lâu đến 3 giờ rưỡi đồng hồ mà các Hồng Y, Giám Mục, giáo sĩ, giáo dân vẫn chen nhau đến dự; họ còn cố ‘lết’ gần bàn thờ để được nhìn rõ cha. Ai dự lễ cha Piô cũng đều say sưa, sốt sắng, không biết mỏi mệt; họ đồng thanh nói, “Thấy nét mặt, cử chỉ của ngài, chúng tôi như thể trông thấy Chúa Kitô đang phải thương khó trên bàn thờ thực sự; nhờ thế, đức tin chúng tôi càng vững vàng, lòng ăn năn càng quyết chí, lòng mến Chúa càng gia tăng; dự lễ cha Piô mấy lần cũng không chán”. Từ khắp năm châu, người ta tuôn về một thị trấn nhỏ miền nam nước Ý, cốt để dự lễ của một tu sĩ già. Ở quê nhà họ không có ai dâng lễ sao? Có chứ; nhưng ở đây, họ thấy Chúa Giêsu làm lễ”. Đó là nhận định của Đức Hồng Y Thuận; phải chăng, đây cũng là một điều vượt quá trí hiểu.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy Chúa, tin Chúa, đang ở với con trong Thánh Thể, đang yêu thương nhìn con từ thập giá. Xin Chúa mãi là núi đá cho con nương ẩn; và quan trọng hơn, cho con được biến đổi; điều này, ‘với Chúa trên trời, với người dưới đất’, sẽ là điều vượt quá trí hiểu nhất”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

“SAU NÀY CON SẼ HIỂU”

“Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Các môn đệ chới với trước tuyên bố của Chúa Giêsu, Thầy mình, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Các ông không hiểu, lời đó còn bị che khuất. Tại sao lại bị che khuất và tại sao họ không dám hỏi điều họ không hiểu? Họ không hỏi hay không muốn hỏi vì sự thật quá phủ phàng? Hay phải chăng họ đang lóng ngóng một con đường vinh thân không có bóng dáng thập giá? Những chi tiết này thật hấp dẫn; vì một cách nào đó, Chúa Giêsu muốn nói với họ, “Sau này con sẽ hiểu”.

Thật ra, Chúa Giêsu không cảm thấy bị xúc phạm bởi sự chậm hiểu của các môn đệ, nhưng ít nhiều, Ngài đã thấm thía, đã nếm trước nỗi đau của chén đắng thập giá khi có người trong họ xin cho được ngồi bên hữu, bên tả Thầy; cũng như, rồi đây họ sẽ bỏ Thầy mà chạy tán loạn. Ngài biết họ không hiểu ngay lập tức điều Ngài nói nhưng dù thế nào đi nữa, Ngài vẫn phải nói cho họ; bởi Ngài biết, rồi đây, sẽ đến lúc họ hiểu. “Sau này con sẽ hiểu”, môn đệ sẽ hiểu, Thầy họ phải chết, phải thất bại ê chề; nhưng một khi Thánh Thần ngự xuống, Ngài sẽ dẫn họ vào mọi lẽ thật; chính Thánh Thần, thầy dạy, sẽ giúp họ hiểu hết mọi chiều kích phục sinh ẩn tàng đàng sau mầu nhiệm thập giá nghiệt ngã ấy.

Điều này cũng đúng với chúng ta. Khi đối diện với thực tế khổ đau trong cuộc sống mình hoặc cuộc sống của những người mình yêu thương; thoạt tiên, chúng ta cũng không hiểu hết, thậm chí đôi lúc không muốn hiểu. Chúng ta chưa hiểu, không hiểu, không muốn hiểu… có thể vì lòng chúng ta chưa đầy Chúa; con tim của chúng ta không cùng nhịp với con tim của Chúa; ước mong của chúng ta quá thế tục, nặng mùi đất, khác xa ước mong của Chúa, hương mùi trời; ân sủng của Thánh Thần chưa hoạt động trong chúng ta. Phải đợi đến lúc mà “Sau này con sẽ hiểu” khi chúng ta sống đầy tràn với Thiên Chúa, ‘ý của Chúa là ý của con’, gắn bó với ân điển của Thánh Thần. Nếu mỗi ngày chúng ta quy hướng về Thiên Chúa như sách Giảng Viên hôm nay mời gọi, “Trong ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Đấng Tạo Thành”, vì “Tuổi trẻ và khoái lạc đều là hư không”; “Con người sắp đi về nhà vĩnh cửu, và kẻ than khóc rảo quanh mọi phố phường”, chúng ta mới có thể hiểu. Nghĩa là đau khổ và sự chết, điều không ai tránh khỏi, không ai hiểu nếu không sống với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành; thế nhưng, “Sau này con sẽ hiểu” một khi con người ý thức rằng, Thiên Chúa đang ở với mình.

Vậy “Sau này con sẽ hiểu” là lúc nào? Đó là lúc mà quà tặng Thánh Thần được ban xuống, một quà tặng vốn sẽ mở ra tâm trí chúng ta để hiểu những bí ẩn. Vì thế, ai không để Chúa Thánh Thần tự do hoạt động trong cuộc sống mình, đau khổ sẽ dẫn người ấy từ hoang mang này đến hoang mang khác và không sớm thì muộn, sẽ đi đến tuyệt vọng; ngược lại, ai để cho Thánh Thần khai mở lòng trí, người ấy sẽ bắt đầu hiểu được cách thức Thiên Chúa hoạt động qua những khổ đau trong đời mình như Người đã hành động qua những đau khổ của Con Một, hầu mang lại ơn cứu độ cho thế giới. Dường như cả thế gian này chỉ có một mình Mẹ Maria hiểu được điều đó.

Chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria, hỏi có ai đau khổ bằng Mẹ; thế nhưng, Mẹ không phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”, vì Mẹ được Chúa ở cùng, Mẹ chọn Chúa làm nơi trú ẩn; Mẹ sống trong ân sủng Thiên Chúa, vì thế, Mẹ đã vượt qua tất cả. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã diễn tả tâm tình đó, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn”. Khi Con được hạ xuống khỏi thập giá, Mẹ ẵm lấy, vòng tay Mẹ ôm chặt xác thánh vào trái tim vô nhiễm nguyên tội của mình. Dẫu đây là khoảnh khắc đau buồn nhất, nhưng cũng là khoảnh khắc Mẹ hiệp cùng Con mang ơn cứu độ cho ngàn thế giới. Ôm chặt Con, Mẹ vẫn biết đó không phải là kết thúc; Mẹ đầy Chúa, Mẹ đã mở lòng ra cho Chúa, nên Mẹ có thể hiểu được điều này. Mẹ cảm thấy nhẹ tênh vì sự đau khổ trên trần gian của Con nay đã qua, sự nhẹ nhõm của Mẹ bắt đầu chuyển thành niềm hy vọng và mong đợi khi Mẹ nghĩ đến ngày phục sinh của Con, vì chắc chắn Mẹ đã được nghe, ít là một lần, rằng, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời, người ta sẽ giết Người nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Mẹ không cần phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”; lễ Ngũ Tuần có đến, Chúa Thánh Thần sẽ cho Mẹ hiểu cách tròn đầy hơn, viên mãn hơn. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên, Mẹ đã kiên vững dưới chân thánh giá.

 

Anh Chị em,

Đức Phanxicô nói, “Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ ban ơn, không phải để cất khỏi chúng ta sự sợ hãi, sợ thánh giá vốn không thể tránh khỏi; nhưng chúng ta cầu xin ơn không phải sợ hãi, cũng không chạy trốn thánh giá. Mẹ Maria đã có mặt ở đó, Mẹ biết cách thức làm sao để có thể đứng sát thập giá”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con được đầy Chúa như Mẹ, cho con mở rộng lòng với Thánh Thần, để con cũng có thể hiểu được ý nghĩa ‘thánh giá đời con’ từng ngày, từng biến cố; nhờ đó, con hiểu, con đang hứng lấy ơn cứu độ nhờ công nghiệp của Chúa Con; không cần phải đợi đến “Sau này con sẽ hiểu”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)