Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nếu người không Công Giáo cũng có thể được cứu độ, thì tại sao phải loan báo Tin Mừng?

Tác giả: 
Gioakim Nguyễn

Nếu người không Công Giáo cũng có thể được cứu độ, thì tại sao phải loan báo Tin Mừng?

 

Trước đây không lâu, tôi nhận được 2 câu hỏi từ 2 người với quan điểm khác nhau, một người Công Giáo đã không còn giữ đạo và một người Công Giáo nhiệt thành bảo thủ. Người đã không còn giữ đạo, không hài lòng về việc tôi tin rằng đức tin Công Giáo là duy nhất và chính xác để dẫn đến ơn cứu độ, hỏi tôi rằng phải chăng tôi tin chỉ có người Công Giáo mới được cứu rỗi. Người còn lại thì không hài lòng vì việc tôi đánh giá cao những Kitô hữu ngoài Công Giáo như Billy Graham hay C.S. Lewis, cũng hỏi tôi rằng vậy có cần thiết phải truyền giáo không nếu những người ngoài Công Giáo cũng có thể được cứu độ. Câu trả lời của tôi với cả 2 trường hợp đều giống nhau: Đó là chuyện phức tạp.

 

Cả tâm lý độc quyền (cho rằng mọi người ngoài Công Giáo đều sẽ bị trầm luân) và cào bằng (cho rằng đức tin nào cũng giá trị như nhau) đều không tương hợp với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

 

Người Công Giáo KHÔNG tin rằng đức tin nào cũng tốt và hữu ích như nhau, theo kiểu trên đời có nhiều con đường dẫn đến Thiên Chúa, nên dù là Kitô hữu, tín hữu Do Thái, Hồi Giáo, Hindu, Phật Giáo hay vô thần mà miễn là cố gắng sống tốt thì đều được cứu rỗi. Chúng ta cũng KHÔNG tin rằng chỉ có người thực sự được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo mới được cứu, còn lại đều hư mất hết.

 

Từ thời các Giáo Phụ, Hội Thánh đã tin vào 2 điều sau: a/ không có ơn cứu độ nào khác ngoài Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh của Người, b/ một số người có thể được cứu độ dù không hiệp thông hữu hình với Giáo Hội.

 

“Extra ecclesiam nulla salus” - không có ơn cứu độ ngoài Giáo Hội - là một giáo huấn chắc chắn và bất di bất dịch của Giáo Hội Công Giáo, được biết đến rộng rãi nhờ sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII Unam Sanctam, trong đó xác định rất rõ ràng rằng “tuyệt đối cần thiết để một thụ tạo nhân loại được cứu độ là cần phải tùng phục vị Giáo Hoàng.”

 

Cũng cùng thời điểm đó, trong Giáo Hội bắt đầu phổ biến ý tưởng rằng không chỉ những nhân vật Cựu Ước (từ Êlia, Êlisa đến Đavit, Môsê và thậm chí đến cả Ađam và Êva) được cứu độ bởi Chúa Kitô, mà cả những nhà triết học Hy Lạp ngoại giáo như Socrates, Plato, Aristotle cũng được cứu nhờ Người.

 

Không chỉ vậy. Ngay từ thế kỷ thứ ba, Thánh Giáo Hoàng Stêphanô đã truyền rằng những người được rửa tội từ các phái dị giáo khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì không cần được rửa tội lại; họ chỉ cần nhận phép xá giải là có thể được hiệp thông vào Hội Thánh. Thánh Augustinô cũng đồng ý với điều đó, chấp nhận phép rửa của những người theo phái Đônatô dị giáo.

 

Bởi vì chỉ có một phép rửa, trong nước rửa tội, tất cả chúng ta được sinh lại làm con của Hội Thánh và của Thiên Chúa, nên có thể nói rằng tất cả những ai được rửa tội đúng nghi thức Tin Mừng dạy - kể cả người Tin Lành - vô hình trung đều là con cái của Hội Thánh Công Giáo, cho dẫu họ không phải là thành viên trọn vẹn của Giáo Hội hữu hình.

 

Hội Thánh thời kỳ đầu cũng đối mặt với vấn đề người lớn quay lại đạo, chưa được rửa tội, đang chuẩn bị chịu phép rửa thì qua đời hoặc chịu tử đạo. Vấn đề này đã đem đến các thuật ngữ mang nghĩa bóng là “phép rửa bằng máu” và “phép rửa bằng ao ước”, diễn tả ý tưởng rằng trong một số hoàn cảnh, Thiên Chúa có thể và thực sự ban ân sủng của phép rửa cho những người lành đã không phải vì lỗi của họ mà không nhận bí tích này.

 

Thánh Tôma Aquinô đi xa hơn nữa khi cho rằng “phép rửa bằng ao ước” không nhất thiết phải rõ rệt (explicit); nghĩa là một người “nhận được ơn tha thứ tội lỗi trước khi được rửa tội ở mức người đó có lòng ao ước phép rửa tội, dù là rõ ràng (explicitly) hay âm thầm (implicitly).” (ST III, 69, 4). Nói cách khác, người ta có thể được cứu độ trong Chúa Kitô không chỉ khi chưa được rửa tội, mà có thể cả khi không thật sự có ước muốn được rửa tội nữa, miễn là có một ao ước chung chung hàm ý hoặc bao hàm ước muốn được rửa tội, hoặc nhờ ao ước chung chung đó mà có thể được ban phép rửa.

 

Lúc bấy giờ, Thánh Tôma có lẽ chỉ nghĩ về những người đã được giáo dục trong đức tin Kitô giáo và những người có một niềm tin nào đó vào Chúa Kitô, dù có thể chưa được dạy gì về phép rửa.

 

Suy tư thần học sau này mở rộng tư tưởng “phép rửa âm thầm bằng lòng muốn” (implicit baptism of desire) ra cho cả những người chưa từng nghe biết về Chúa Kitô, hoặc những người đã không được nghe giảng về Người cách phải lẽ, phù hợp với điều kiện của họ, và những người gặp ngăn trở khi đến với đức tin. Đó là những người, vì bất kỳ lý do gì, không phải do lỗi cá nhân của họ, đã không có cơ hội thực tế để lãnh nhận phép rửa hay cơ hội để ao ước phép rửa, cũng như đã không tin vào Chúa Giêsu Kitô.

 

Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong tông thư “Mystici Corporis Christi” (Trên thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô), đã phô bày niềm hy vọng về ơn cứu độ cho những người ngoài Kitô giáo “được kết hợp với thân mình mầu nhiệm của Đấng Cứu Thế bằng một tư tưởng và khao khát vô thức”.

 

Giáo huấn này đã được phát triển hơn nữa trong lá thư nổi tiếng của Văn Phòng Thánh (nay là bộ Giáo Lý Đức Tin) gửi đến Đức Tổng Giám Mục Boston Richard J. Cushing năm 1949 để giải quyết vụ việc của một linh mục tên Leonard Feeney, người cực đoan rao truyền lý thuyết “Extra ecclesiam nulla salus” - không có ơn cứu độ ngoài Giáo Hội (cha này 4 năm sau đó bị vạ tuyệt thông; năm 1972 thì làm hoà với Giáo Hội, và qua đời vào năm 1978). Lá thư này của Văn Phòng Thánh khẳng định: phép rửa là “quy chuẩn” thường hằng (normative) cho ơn cứu độ, được Thiên Chúa quy định, và nếu xem thường quy định này chính là bác bỏ Chúa Kitô. Do đó, “không ai có thể được cứu độ, nếu biết rằng Hội Thánh đã được thiết lập bởi thánh ý Chúa Kitô, mà vẫn từ chối tuân phục Hội Thánh và từ khước vâng phục Đức Giáo Hoàng Rôma, vị Đại Diện Chúa Kitô trên trái đất” (trích thư). Tuy nhiên, nơi nào mà sự hiểu biết không thể đạt được không do lỗi của cá nhân (truyền thống gọi là “vô thức bất đắc dĩ” - “invincible ignorance”), thì “Thiên Chúa chấp nhận cả một ước muốn không dứt khoát, gọi như vậy vì nó hàm chứa những khuynh hướng tốt của linh hồn khi một người sử dụng ý muốn mình tương hợp với ý muốn của Thiên Chúa”.

 

Do vậy, ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô có thể chạm đến cả những người ngoài Kitô giáo. Sau cùng, giáo lý này đã được khẳng định trong hiến chế Lumen Gentium của công đồng Vaticanô II.

 

Nhưng cũng cần rõ là: giáo lý này hoàn toàn không có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể được cứu độ mà không cần đến Chúa Giêsu hay ân sủng. Giáo lý này càng không có nghĩa là một người ngoài Kitô giáo chỉ cần cố gắng sống tốt và mẫu mực là đủ để lên thiên đàng. Mọi người đều cần ân sủng tái sinh và tẩy sạch tội lỗi để được cứu độ. Không ai đã đến tuổi khôn có thể được cứu độ nếu không có một dạng nào đó lòng ao ước được tha thứ tội lỗi và ao ước được cứu độ, một khả năng đón nhận ân sủng nào đó để dẫn đến đức tin và đức mến siêu nhiên.

Chung quy, chân lý là chúng ta tin rằng người ngoài Kitô giáo vẫn có thể được cứu độ.

 

Thế thì tại sao cần truyền giáo?

 

Tại sao cần phải tìm gặp những người vô thức bất đắc dĩ với Tin Mừng, vốn không có lỗi, để áp đặt lên họ trách nhiệm phải chịu phép rửa tội hoặc sa hoả ngục? Có phải chúng ta đang mang đến cho họ một sự hãm hại nào đó? Dĩ nhiên là không.

 

Sự cần thiết đón nhận ân sủng của phép rửa tội là chân lý, dù là rõ ràng hay âm thầm. Và nếu tồn tại việc đón nhận ơn cứu độ cách vô thức thì cũng tồn tại việc từ chối ơn cứu độ cách vô thức. Do đó, tình trạng “vô thức không có lỗi” với Tin Mừng không phải là thẻ miễn tử, không hề làm cho người ta dễ được cứu độ hơn. Thực tế ngược lại là đằng khác.

 

Hội Thánh là “Công Giáo” vì hai ý niệm. Thứ nhất, từ “Công Giáo” nghĩa là “hoàn cầu” hoặc “của tất cả”, và do đó diễn tả sứ mệnh của Giáo Hội có tính hoàn vũ: Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô thiết lập, Người là Đấng Cứu Độ chung của toàn nhân loại, nên Giáo Hội là khí cụ cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thứ hai, “Công Giáo” chỉ về sự hoàn thiện và sung mãn của đức tin cũng như giáo huấn của Giáo Hội, cũng là sự hoàn thiện và sung mãn phương tiện cứu độ trong lòng Giáo Hội, bao gồm: các bí tích, phụng vụ, tông truyền và mục vụ giáo sĩ, bên cạnh đó là sự trợ giúp của các truyền thống tốt đẹp như sùng kính các Thánh, đặc biệt là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

 

Vì vậy, những Kitô hữu ngoài Công Giáo, dù nhận được những phương tiện ân sủng (nhất là ơn của bí tích rửa tội) cũng không nhận được đầy đủ phương tiện hỗ trợ mà Thiên Chúa đã ban cho. Quả vậy, người Tin Lành thiếu hầu hết các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, là bí tích đứng đầu mọi bí tích, và bí tích Hoà Giải, vốn là nhu cầu quy chuẩn (normative) để được ơn cứu độ đối với những người phạm tội sau khi chịu phép rửa. Một người có thể được phục hồi về tình trạng ân sủng sau khi nhận bí tích Hoà Giải thành sự. Tuy những nhu cầu quy chuẩn này lại không thể áp dụng với người Tin Lành vì họ vốn là “vô thức bất đắc dĩ” với các kiến thức Công Giáo; dù sao, bí tích này vẫn cần thiết và hữu ích cho linh hồn. Do vậy, những người Tin Lành có thể được cứu độ, nhưng tình trạng thiếu phương tiện cứu độ - tức là ơn lành từ các bí tích, hoa trái của phụng vụ, chân lý của giáo huấn Công Giáo - là một ngăn trở và khó khăn. Trên con đường tiến về thiên quốc, họ có nhiều chướng ngại và nhận được ít sự trợ lực hơn chúng ta.

 

Với những người chưa được rửa tội, và không có một chút kiến thức nào về đời sống Kitô hữu, tình trạng còn khó khăn hơn. Đức Giáo Hoàng Piô XII, cảnh báo rằng kể cả những người tiến đến ơn cứu độ trong sự ước ao vô thức “vẫn bị tước đoạt rất nhiều ân huệ và sự phù trợ từ trời mà họ chỉ có thể nhận được trong Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy, ước chi họ gia nhập sự hiệp nhất Công Giáo và ước chi, nhờ hiệp thông cùng ta nên một Thân Mình Chúa Giêsu Kitô, họ cùng với chúng ta chạy về phía Đầu duy nhất trong một cộng đồng yêu thương vinh hiển. Trong sự kiên trì cầu nguyện cùng Thần Khí chân lý và yêu thương, ta chờ đợi họ với vòng tay dang rộng, để khi họ đến, họ thấy không phải là nhà người lạ, mà là nhà của chính họ, của Cha họ.”

 

Gần đây hơn, Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin, trong tuyên ngôn năm 2000 “Dominus Iesus” (Trong ơn cứu độ phổ quát độc nhất của Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh), khẳng định: “Đúng là những người theo các tôn giáo khác có thể nhận được ân sủng của Thiên Chúa, nhưng cũng chắc chắn rằng, nói một cách khách quan, họ ở trong tình trạng giới hạn nghiêm trọng so với những người có đầy đủ phương tiện cứu độ trong Hội Thánh.”

 

Còn về chủ quan mà nói, tín đồ các tôn giáo khác có thể vẫn đang sống theo lương tâm của họ, tôn kính Chúa theo khả năng họ có, và tìm kiếm ân sủng trong bất kỳ cách nào họ có thể; nếu vậy, Thiên Chúa sẽ tôn vinh và ban thưởng họ. Ngay cả như vậy, “tình trạng giới hạn nghiêm trọng” cũng không phải là tình trạng tốt để chọn.

 

Thiên Chúa đầy yêu thương và lân ái, nên chúng ta có thể hy vọng ơn cứu độ cho những người thiện tâm trong mọi tôn giáo khác, kể cả người vô thần, nhưng con đường họ đến cùng Thiên Chúa thì thật sự khó khăn và bấp bênh. Chúa Kitô đã ban Giáo Hội Công Giáo cho trần gian, với tràn đầy các phương tiện cứu độ, để chúng ta có thể cậy nhờ trong đời này và bảo đảm sự sống đời đời sẽ đến.

 

Đây là lý do vì sao chúng ta phải truyền giáo. Nếu chúng ta không làm những gì Chúa Kitô truyền, thì chúng ta không đáng được gọi là Kitô hữu.

 

Chúng ta có thể hy vọng gặp lại những người thuộc các tôn giáo khác hay những người vô thần trên thiên đàng. Nhưng sẽ vui hơn nếu thấy mọi người hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo ở đời này, và niềm hy vọng vững chắc gặp nhau trên thiên đàng sẽ lớn lao hơn.

 

Theo Deacon Steven D. Greydanus, phó tế vĩnh viễn của Tổng giáo phận Newark, bang New Jersey, Hoa Kỳ

Đăng trên trang National Catholic Register

Gioakim Nguyễn chuyển dịch, Khanh Nguyen hiệu đính