Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chèo kéo, nhì nhằng - Chỗi dậy và đi tới

Tác giả: 
Lm Minh Anh

CHÈO KÉO, NHÌ NHẰNG

“Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho”.

 

Anh Chị em thân mến,

Dù khá dè dặt, nhưng sẽ rất thú vị nếu chúng ta dám nói dụ ngôn ‘Xin bánh giữa đêm’ của Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn rất châu Á; vì lẽ chỉ có người châu Á mới ‘chèo kéo, nhì nhằng’ năm lần bảy lượt… như tính cách nhân vật Chúa Giêsu mô tả để dạy chúng ta kiên trì trong cầu nguyện.

Vốn cũng là châu Á, Chúa Giêsu kể chuyện một ‘người bạn’ đến nhà một ‘người bạn’, vay ba chiếc bánh vì một ‘người bạn’ khác bất chợt ghé thăm ‘bạn’. Chỉ có người châu Á mới ‘xin khéo’ đến thế, bánh mà vay; chỉ có người châu Á mới ‘tới không báo, đi quên chào’; chỉ có người châu Á mới không có bánh trong nhà; chỉ có người châu Á mới lò dò đến nhà người khác đập cửa giữa đêm; chỉ có ‘Á’ mới lì lợm nài ní bằng được cái mình cần và cũng chỉ có ‘Á’ mới có cảnh cha con ngủ chung giường... Khi dùng những hình ảnh này, Chúa Giêsu chỉ muốn làm nổi bật tương quan thân tình cần thiết giữa chúng ta với Thiên Chúa; thân tình như bạn với bạn, thân tình như cha với con và thú vị biết bao khi xem ra, Thiên Chúa, cũng thích chúng ta ‘chèo kéo, nhì nhằng’ với Người.

Dụ ngôn hôm nay có thể gây nhiều hiểu lầm. Một số người có thể nghĩ, phải cầu nguyện ráo riết hơn, cật lực hơn, để may ra, Chúa nhậm lời; số khác cho rằng, Chúa sẽ không nhậm lời nếu chúng ta cầu nguyện không đủ chăm chỉ; số khác cũng có thể nghĩ, bất cứ điều gì chúng ta cầu, sẽ được, nếu chúng ta cứ ‘chèo kéo, nhì nhằng’. Có lẽ, không phải vậy!

Dĩ nhiên, chúng ta phải cầu nguyện chăm chỉ và phải cầu nguyện thường xuyên, nhưng một câu hỏi quan trọng là, chúng ta nên cầu nguyện điều gì? Đây chính là chìa khóa, vì Thiên Chúa sẽ không ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu, bất kể chúng ta cầu bao lâu và chăm chỉ đến mấy, nếu điều đó không nằm trong ý muốn cho vinh danh và sự toàn thiện của Người. Ví dụ, nếu một người nào đó lâm bệnh, sắp chết và việc để người đó ra đi là một phần trong ý của Thiên Chúa thì mọi lời cầu nguyện trên thế gian cũng sẽ không thay đổi được gì; thay vào đó, ở đây, chúng ta nên hiệp lòng để mời Chúa đi vào giờ lâm chung này hầu biến nó thành một cái chết lành thánh. Vì vậy, vấn đề không phải là ‘chèo kéo, nhì nhằng’ với Chúa cho đến khi thuyết phục được Chúa làm điều chúng ta muốn, như đứa trẻ có thể làm với cha mẹ; đúng hơn, chúng ta phải cầu xin một điều, duy nhất một điều, là xin Chúa viếng thăm, ban Thánh Thần để Ngài chỉ cho chúng ta điều Thiên Chúa muốn.

Cầu nguyện không phải để thay đổi ý định của Chúa, mà là để biến đổi chúng ta, củng cố chúng ta và cho phép chúng ta chấp nhận tất cả những gì Chúa muốn nơi chính mình. Thiên Chúa, Đấng sẽ ban điều quý nhất như Phaolô nói hôm nay trong thư Galata là “Đấng ban Thánh Thần cho anh em và làm những việc lạ lùng nơi anh em” vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Cuối trình thuật, Chúa Giêsu cũng nói đến điều tốt nhất đó, “Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho kẻ cầu xin Người”. Vì thế, lời cầu nguyện đúng đắn nhất của chúng ta là mời Chúa viếng thăm, ban Thánh Thần; Ngài sẽ trả lời mọi sự, đó là tất cả cho vinh quang Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm dân Người”.

Ngày kia, có người hỏi vị tu sĩ, “Làm sao thầy có thể bảo thợ thầy làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần trông chừng họ, trong khi mắt chúng tôi không rời họ mà họ vẫn đánh lừa chúng tôi?”. Tu sĩ trả lời, “Tôi không rõ, tôi chỉ biết, mỗi sáng, trước khi tới xưởng, tôi dâng họ cho Chúa; tôi đến với họ bằng quả tim xót thương. Vào xưởng, tôi yêu thương họ; tôi phân công cho họ, rồi ra về. Trong phòng, tôi đặt mình trước nhan Chúa và ‘chèo kéo, nhì nhằng’ cho từng người. Như vậy đó, tôi cầu nguyện cho mỗi một người, người này đến người khác. Cuối ngày, tôi đến trao đổi với họ vài câu chuyện vui. Và chúng tôi cầu nguyện chung với nhau; rồi sau đó, chúng tôi ra về, nghỉ ngơi”.

 

Anh Chị em,

Tu sĩ trong câu chuyện đã cầu nguyện như thế và kết quả thật tốt đẹp; cũng thế, nhờ ‘chèo kéo, nhì nhằng’ với Chúa khi cầu nguyện, đời sống đức tin của chúng ta được Thánh Thần dạy dỗ cũng sẽ trở nên sâu sắc hơn; qua cầu nguyện, chúng ta sẽ gần gũi Chúa và gần gũi anh chị em mình hơn.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xem ra Chúa không thích con ‘Tây với Chúa’; ngược lại, Chúa thích con ‘chèo kéo, nhì nhằng’; nhờ đó, Chúa Thánh Thần sẽ dạy con sống thân tình với Chúa, như Cha với con, như bạn với bạn”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

CHỖI DẬY VÀ ĐI TỚI

“Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

“Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi”, một câu nói êm ái mà thoạt nghe, chúng ta ngỡ là của Chúa Giêsu; thế nhưng, khá bất ngờ, đó là câu nói của thần ô uế một khi nó đã bị trục xuất ra khỏi một ai đó. Chúng ta dừng lại với chi tiết Tin Mừng này để thấy rõ mối hiểm nguy của một tội thường phạm.

Một tội thường phạm là tội mà chúng ta có thể phạm đi phạm lại nhiều lần; với nhiều người, đôi khi, họ phải đấu tranh suốt cả cuộc đời cũng với một tội này. Và mỗi lần phạm tội, chúng ta quyết tâm, đi xưng tội và vượt qua nó. Xưng tội xong, chúng ta vui mừng; thế nhưng, chẳng bao lâu sau, chúng ta lại rơi vào tội đó. Đây là một cuộc chiến dai dẳng mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm ít nhiều; với không ít người, cuộc chiến này có thể gây nhiều thất vọng, vì họ không đủ quyết tâm ‘chỗi dậy và đi tới’.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết, ma quỷ không dễ gì để mất một linh hồn mà trước đó nó đã chiếm cứ; nó sẽ trở lại, rủ thêm bảy tà thần khác, hung dữ hơn trước và sẽ giành giật, sẽ tấn công linh hồn một cách ác liệt hơn, “Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi”. Kết quả là, một số người rốt cuộc, đã đầu hàng và không còn cố sức để vượt qua hầu có thể ‘chỗi dậy và đi tới’; đó là một sai lầm nghiêm trọng. Một số khác thì chiến đấu chiếu lệ, chứ không quyết liệt, hầu yên lương tâm và ma quỷ vẫn vờ vịt thả lỏng; chúng đợi cho đến giây phút người ấy hấp hối để kéo đến một đạo binh, đánh phủ đầu… hầu thuyết phục rằng, Thiên Chúa không xót thương, Thiên Chúa không tha thứ và linh hồn sẽ ngã gục một cách dễ dàng; đó cũng là một sai lầm chết chóc.

Trong đời sống thiêng liêng, đối với một tội thường phạm, chúng ta cần nắm vững một nguyên tắc quan trọng; đó là, càng sa đi ngã lại với một tội cụ thể nào đó, quyết tâm của chúng ta để vượt thắng nó càng phải sâu sắc hơn, quyết liệt hơn. Việc vượt qua tội lỗi này có thể khá đau đớn và vô cùng khó khăn nhưng nó nhất thiết phải như thế, vì lẽ, nó đòi hỏi một sự thanh tẩy tâm hồn sâu sắc tận căn; đồng thời, cũng đòi hỏi một sự khuất phục hoàn toàn của tâm trí, và ý chí mỗi người trước Thiên Chúa. Tắt một lời, chúng ta phải tín thác hoàn toàn vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng sẽ giúp chúng ta mỗi ngày kiên cường để ‘chỗi dậy và đi tới’ hầu vượt thắng nó. Nếu không có sự quyết tâm cũng như sự khuất phục mang tính thanh luyện này, chúng ta sẽ rất khó để vượt qua những cám dỗ ngày càng tinh vi hơn của ác thần. Đây là hành trình của một người leo núi: vấp ngã, ‘chỗi dậy và đi tới’; đây cũng là một hành vi đức tin của một người không cậy sức mình nhưng cậy vào sức mạnh và lòng thương xót của Thiên Chúa; đồng thời, gia tăng cầu nguyện và kêu van sự cầu thay nguyện giúp, đỡ nâng của triều thần thánh và những tâm hồn tốt lành thánh thiện.

Một con chuột rơi vào hũ gạo, gạo trong hũ vẫn còn một nửa; thoạt tiên, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó hơi lo lắng. Nó tìm cách nhảy ra; nó nhảy lên nhảy xuống từ sáng đến chiều, nhưng lần nào, nó cũng chỉ xém thành công. Sau một ngày, nó cảm thấy mệt mỏi và không còn muốn cố sức để nhảy ra nữa; ý tưởng bỏ cuộc vừa chớm nở, lạ thay, nó nhận thấy một cảm giác dễ chịu chợt đến. Thế là quên hết mối hiểm nguy, nó bắt đầu một cuộc sống an nhàn, ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn. Chẳng bao lâu, hũ gạo cạn kiệt, bấy giờ chuột mới phát hiện rằng, mình sắp chết; và giờ này, nó rất muốn thoát ra; nhưng nó biết, đây là điều không thể, vì đã quá muộn.

 

Anh Chị em,

Cảm giác dễ chịu chợt đến của con chuột cũng là hạnh phúc ảo chúng ta thường gặp khi phạm tội. Thế nhưng, với Thiên Chúa, không bao giờ là quá muộn; chỉ sợ chúng ta tuyệt vọng khi cho rằng, mình đã muộn và buông xuôi. Chúa Giêsu, Đấng rất mực xót thương; Ngài biết thân phận con người mỏng manh, dễ sa đi ngã lại, nên Ngài mãi thứ tha. Đức Phanxicô nói, “Thiên Chúa không biết mỏi mệt khi tha thứ, chỉ sợ con người không đủ kiên nhẫn để xin Ngài xót thương”. Đừng ngần ngại, dù ở trong tình trạng nào, chúng ta cũng hãy ‘chỗi dậy và đi tới’. Kìa, Chúa Giêsu đang đợi chúng ta!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin xót thương con; với ơn Chúa, con tin, con sẽ đủ sức ‘chỗi dậy và đi tới’, với điều kiện, con sẽ chỗi dậy ngay hôm nay”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)