Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa
SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A (18/10/2020)
CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
CỦA THIÊN CHÚA TRẢ VỀ THIÊN CHÚA
[Is 45,1.4-6; 1 Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nhiểu người ngạc nhiên không hiểu tại sao ngày nay các Kitô hũu vẫn bị bách hại tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một trong những lý do chính của sự bách hại đó là chính quyền của các quốc gia ấy chỉ biết đến quyền của mình mà không chiu nhìn nhận quyền của Thiên Chúa, quyền mà chính Chúa Giêsu đã công bố trong Phúc âm Mátthêu: “Của Xê-da trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa" (Mt 28,18-20). Nhà cầm quyền của đế quốc Roma và của nhiều nước khác đã lạm quyền mà Thiên Chúa đã giao cho họ để phục vụ dân tộc đất nước họ, nên đã không tôn trọng, thậm chí tiếm đoạt, nhiều quyền thuộc về Thiên Chúa, thuộc về người dân.
Vì thế mà chúng ta được mời gọi suy gẫm cho thấu đáo và thực hành cho đến nơi đến chốn sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 45,1.4-6): "Ta đã cầm tay hữu của Cyrô để bắt các dân suy phục trước mặt nó" Đây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:
Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Tx 1,1-5b): "Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em" Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.
Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín. .
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 22,15-21): "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa" Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?" Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: "Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế". Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: "Hình tượng và danh hiệu này là của ai?" Họ thưa rằng: "Của Cêsarê". Bấy giờ Người bảo họ rằng: "Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa".
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
- là Đấng đã làm cho vua Kyrô được các dân xung quanh quy phục vì Thiên Chúa muốn dùng vua ấy để làm cho các dân biết rằng Người là Thiên Chúa duy nhất trên trần gian này không có Chúa nào khác (bài đọc 1).
- là Chúa Giêsu, Đấng đã xử sự một cách hết sức khôn ngoan và tỉnh táo trước lòng nham hiểm và thâm độc của những kẻ thù ghét Người. Chúa Giêsu chẳng những không để cho mình sa bẫy mình của họ mà Người còn lợi dụng cơ hội để truyền đạt một giáo huấn hết sức quan trọng trong cuộc sống con người thời xưa cũng như thời nay: nếu các vua chúa thời xưa và các chính quyền ngày nay có quyền của mình (thật ra thì quyền này cũng do chính Thiên Chúa ban cho) thì Thiên Chúa cũng có quyền của mình. Chúa Giêsu đòi hỏi quyền này cho Thiên Chúa, vì các nhà cầm quyền thường có xu hướng lãng quên, không nhìn nhận và thậm chí tiếm quyền của Thiên Chúa: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (bài Phúc âm).
- là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện và hành động cùng Chúa Cha và Chúa Giêsu. Người cũng là Đấng tác động và giúp đỡ các Kitô hữu và những ai thành tâm thiện chí nhìn nhận quyền của Thiên Chúa mà tôn trọng trong đời sống cá nhân và xã hội.
3.2 Giáo Huấn của Thiên Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?):
Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa được diễn tả trong hai câu Lời Chúa, một ở trong Sách Isaia, một ở trong Phúc Âm Mátthêu:
“Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta” (Is 45,5) và “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (Mt 22,21).
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như tạo vật đối với Đấng Tạo Hóa, như đầy tớ đối với ông chủ.
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa
chúng ta có hai việc phải làm:
* Một là chúng ta CHỈ TÔN THỜ MỘT MÌNH THIÊN CHÚA MÀ THÔI và
NHÌN NHẬN QUYỀN TỐI THƯỢNG & TUYỆT ĐỒI CỦA THIÊN CHÚA
trên tất cả những gì chúng ta đã đang và sẽ có: hiện hữu của chúng ta với thân xác và linh hồn bất tử, tài năng, sức khỏe, của cải, thời gian và hoàn cảnh xã hội của chúng ta như những nén vàng nén bạc mà Thiên Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lời sinh lãi cho Nước Trời.
* Hai là chúng ta phải tôn trọng và bảo vệ quyền của Thiên Chúa trong đời sống con người và cộng đồng xã hội, bằng cách tôn trọng và bảo vệ sự sống, phẩm giá và quyền con người, công lý và sự thật.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta» Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho các dân, các nước trong thế giới ngày nay để mọi người và mọi dân sớm nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa, là Thần Linh duy nhất trong vũ trụ này.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em» Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ và cho toàn thể các tín hữu, để mọi Kitô hữu cảm nghiệm được tình yêu nhưng không và sự chọn lựa yêu thương của Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!» Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho các mọi người thuộc giáo xứ/cộng đoàn chúng ta, để mọi người sống chân thật với Chúa và với nhau như ý Chúa muốn.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa» Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cách đặc biệt cho các cấp chính quyền Việt Nam để mọi quan chức nhà nước biết tôn trọng quyền của Thiên Chúa và của con người khi điều hành mọi hoạt động kinh tế, tài chánh, văn hóa, chính trị và xã hội của đất nước.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sài-gòn ngày 13 tháng 10 năm 2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: