Những khiển trách thánh - Hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm
NHỮNG KHIỂN TRÁCH THÁNH
“Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ thật hụt hẫng khi hôm nay và ngày mai, chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Luca, Tin Mừng của lòng thương xót, đến sáu lần những lời khiển trách, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi” từ môi miệng của một Đấng từng nói, “Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.
Thật là thú vị, đang khi ‘Kinh cầu đọc tội’ của Luca chỉ có sáu lần “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”, thì điệp khúc khó hát ấy được lặp lại đến bảy lần trong ‘Kinh cầu đọc tội’ của Matthêu, và xem ra cũng khó nghe hơn. Thế nhưng, sẽ rất ngạc nhiên khi những ‘Kinh cầu’ này còn có một tên khác vốn sẽ nói lên lòng xót thương thẳm sâu vô bờ, tiềm ẩn đàng sau những lời chua xót ấy; tên gọi khác của kinh cầu này là ‘Những Khiển Trách Thánh’. ‘Những khiển trách thánh’ phát xuất từ một ‘Đấng thánh’, đang ao ước mọi người ‘nên thánh’, kể cả giới biệt phái kinh sư, những kẻ mà ‘máu thánh’ Ngài sẽ đổ ra cứu chuộc, cho dù, họ sẽ là những kẻ giết ‘Đấng Thánh’ của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu, nhà mô phạm tài tình bậc nhất; thầy dạy tuyệt thế vĩ đại, Ngài biết cách đưa các linh hồn tiến tới sự thánh thiện tuỳ theo tình trạng của mỗi người; người thì tiệm tiến từng chút một như đối với giới kinh sư biệt phái; người thì chóng vánh như Lêvi thu thuế. Khi thì chỉ với một lời an ủi, “Đừng khóc nữa!”; khi thì Ngài chỉ cần đăm đăm nhìn và nói một lời nhỏ nhẹ vừa đủ cho một người nghe, “Hãy theo Tôi!”; và ở chỗ này, chỗ kia, với những người khác thì Ngài phải dùng đến những lời mạnh mẽ như ‘những khiển trách thánh’ hôm nay, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”.
Với sự khôn ngoan và nhẫn nại của Ngài, Chúa Giêsu cùng lúc, biết cả khả năng và mức độ đón nhận của những kẻ lắng nghe Ngài. Ở đây, Ngài phải trực tiếp khiển trách những người biệt phái kinh sư và đó là chọn lựa duy nhất của Ngài dành cho họ; vì thế, khi đưa ra những lời kết án khắt khe đến thế, Chúa Giêsu thương xót họ một cách đặc biệt, thương xót gấp sáu, gấp bảy lần; con số bảy lần của Thánh Kinh có nghĩa là thương xót đời đời, thương xót cho đến chết. Khi mạnh mẽ bóc trần tô hô những sai lầm cố chấp họ mắc phải, Chúa Giêsu chỉ nhắm một mục đích là làm cho tâm hồn họ biết hoán cải mà đổi thay. Và như thế, ai trong họ ăn năn trở lại khi nghe ‘những khiển trách thánh’ ấy, người ấy hẳn sẽ được ơn tha thứ và được ôm bởi vòng tay thương xót của Ngài.
Các thánh là ai? Các thánh là những người ít nữa một lần trong đời đã hối cải, một khi nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự cứu chuộc của Đức Kitô. Thế giới mọi thời cần đến những con người biết hối cải và mở lòng ra cho Thánh Thần. Trong thư Galata hôm nay, Thánh Phaolô nói đến những con người thống hối, mở lòng ra trước Thánh Thần, họ sẽ đầy ắp hoa trái Thánh Thần, đó là “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết”; đó là những người nhận được ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Lạy Chúa, ai theo Ngài, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”.
Một thanh niên hư hỏng bỏ học theo bạn, ước mơ làm anh hùng. Ngày kia, cậu muốn gia nhập một đảng cướp. Để chứng tỏ lòng trung thành với lý tưởng vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo… đảng trưởng buộc cậu về nhà giết mẹ, đem trái tim đến nộp. Thoạt đầu, cậu tần ngần; nhưng vì chí lớn, cậu khuất phục. Về nhà giữa đêm khuya, cậu lẻn vào phòng mẹ; mẹ cậu chưa kịp mừng khi nhận ra con; thì kìa, mũi dao đã xuyên thấu tim bà. Máu chảy xối xả, cậu rạch vội, lấy trái tim và ù chạy; nhưng quá khiếp sợ, cậu vấp phải cửa và té xuống, trái tim lăn lóc giữa nền nhà lạnh lẽo kéo theo một vệt máu dài đỏ thắm ngoằn ngoèo. Bỗng, cậu nghe một tiếng nói yếu ớt, “Con có đau không?”.
Anh Chị em,
Nặng lời không hẳn là trách mắng, nhưng đôi khi là trách yêu; và cả những lời yêu thương chân thành cũng có thể khiến con người thay đổi. Mẹ sắp chết, vẫn nghĩ đến con; Chúa Giêsu chết thật, cũng chỉ nghĩ đến chúng ta. Không đợi đến cuộc khổ nạn, máu Ngài mới đổ ra; nhưng ngay khi quở trách “khốn cho các ngươi”, trái tim Ngài cũng đã tan nát vì đau, vì yêu, vì muốn cứu cho đến chết. Máu thánh Ngài đã đổ ra, cứu chuộc người biệt phái, cứu chuộc chúng ta, cứu chuộc cả nhân loại.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, một đôi khi, Chúa dành cho con ‘những khiển trách thánh’, xin cho lòng con biết lắng xuống, hầu con có thể nghe được tiếng Thánh Thần vang vọng và nhờ Ngài, mà tiến bước”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
HƠN CẢ MỘT NGÀY MỚI ĐẦY NẮNG ẤM
“Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô,
ban cho anh em ân sủng và bình an”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sau những ngày mưa lũ, bão dông dồn dập không chút khoan dung cho khoảng trời miền Trung, cách riêng cho xứ Huế; khi triệu triệu tấm lòng đang sụt sùi cảm thương, thì Lời Chúa hôm nay thật ủi an, “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô, ban cho anh em ân sủng và bình an”. Lời chào thân ái của Thánh Phaolô khởi đầu thư Êphêsô hôm nay còn ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’ và niềm vui; bởi lẽ, qua đó, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đón chào một Giêsu, Đấng sẵn sàng ban sự sống, bình an và hồng ân; đón chào Đấng Cứu Độ đang sống giữa chúng ta, đang chia sẻ cảnh lụt lội, đói khát và cơ cùng của chúng ta ngay trong những ngày này.
Cũng thế, sau những ngày bão tố bắt bớ của Giáo Hội sơ khai, Phaolô đã cùng Hội Thánh Êphêsô ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã dành cho con cái Người mọi phúc lành, “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô”; một lời tạ ơn ý nghĩa, còn ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’.
Về phía con người, chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình yêu Chúa? Thánh Phaolô nói, phải nên thánh, “Để chúng ta nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài”. Và xét cho cùng, bổn phận Kitô hữu mọi thời, mọi đấng bậc, cũng chỉ ngần ấy: sống nên thánh trong ơn nghĩa Chúa bằng sức mạnh và ân sủng của Thánh Thần; nên tinh tuyền và thánh thiện trong đời sống làm con Chúa; và như thế, ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’, chúng ta sống chứng nhân, sống truyền giáo.
Thật ý nghĩa, trong những ngày hôm nay, khi Hội Thánh đang hướng về Khánh nhật Thế giới Truyền giáo; chúng ta hướng nhìn lên các vị thánh, những mẫu gương tuyệt vời; cụ thể như Thánh Têrêxa Avila, Giáo Hội mừng kính hôm nay; hoặc gần gũi hơn, Chân phước Carlo Acutis, vị á thánh 15 tuổi, vừa được Giáo Hội tuyên phong chưa tới một tuần.
Têrêxa Avila, thế kỷ 16, một thiếu nữ quý tộc, đã để tiếng nói của Chúa rót vào lòng mình, “Ta không muốn con mê mải sự thế gian và tiếp xúc với người đời; Ta chỉ muốn con tiếp xúc với các thiên thần”. Gia đình rất mực cản ngăn, Têrêxa nhớ lời Thánh Giêrônimô, “Cả khi cha mẹ con nằm lăn trước cửa để ngăn cản con dâng mình cho Chúa, con cũng cứ can đảm bước đi; vì tiếng Chúa trong con mạnh hơn”; và thế là chim bằng vỗ cánh vút cao trên nền trời xanh, “Lạy Chúa, từ nay con muốn quên đi chính mình, hầu chỉ chú tâm vào việc con có thể làm gì để phụng sự Chúa, và con không còn ý muốn nào khác ngoài thánh ý Chúa”. Giáo Hội đã có một tiến sĩ, bậc thầy về đường thiêng liêng, ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’; một con đường dẫn tới đỉnh cao toàn thiện.
Ngày 10/10/2020, Carlo Acutis được phong Chân phước, ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’. Đó là một bạn trẻ người Ý gốc Anh, đẹp trai; sinh 1991, mất 2006 vì ung thư máu; một người trẻ có email và số điện thoại, còn ba mẹ, mê vi tính. Anh Chị em, đáng nghi quá phải không? Không đâu! Đó là một tông đồ Thánh Thể, một vị thánh của thời thượng mà Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị để trở nên nguồn cảm hứng không chỉ cho giới trẻ mà còn cho cả chúng ta. Để bớt hồ nghi, chúng ta điểm qua một vài bút tích của Carlo Acutis, “Tìm Chúa, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa đời mình”; “Thánh hoá không phải là bài toán cộng, nhưng là bài toán trừ, bớt ‘chỗ của tôi’, thêm ‘chỗ cho Chúa’”; “Luôn kết hiệp với Chúa, đó là chương trình sống của tôi”; “Mình Thánh Chúa là xa lộ lên thiên đàng của tôi”; “Hạnh phúc là hướng nhìn về Chúa; buồn bã là hướng nhìn về mình”; “Hoán cải không gì khác hơn là hướng cái nhìn từ thấp lên cao, một chuyển động của mắt là đủ”; “Tôi chết trong hạnh phúc vì tôi không lãng phí thì giờ vào những chuyện không đẹp lòng Chúa”.
Anh Chị em,
Tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Hội Thánh, đã khôn ngoan cho chúng ta những mẫu gương thánh. Chúng ta cũng sẽ là những vị thánh được Chúa chúc lành để hưởng ơn cứu độ của Chúa như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay công bố, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ”; chứ không phải là những người ‘được’ Chúa Giêsu tặng cho ‘Kinh cầu đọc tội’, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì con bám lấy Chúa, kết hợp với Chúa và nên giống Chúa hơn. Để trong Chúa, và cùng Chúa, con cũng trở nên ân sủng và bình an cho anh chị em thân yêu của con trong những ngày mưa bão đầm đìa này; với họ, Chúa và con vẫn ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: