Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đời đời chẳng cùng - Cảm hứng thôi, chưa đủ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

ĐỜI ĐỜI CHẲNG CÙNG

“Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Thật là thú vị, Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta từ những cái rất nhỏ, đến những cái rất lớn; từ cái rất người, đến cái rất Chúa; từ cái rất tạm thời, đến cái rất đời đời. Chúng ta sẽ gặp thấy những hình ảnh thật nhỏ bé, đó là những sợi tóc, những chút men, những con chim sẻ… cho đến những gì thật lớn lao; đó là những con người được trở nên con cái của lời hứa, trở nên quốc gia, trở nên một dân tộc có Thiên Chúa là gia nghiệp, được hưởng sự sống đời đời, ‘đời đời chẳng cùng’, như lời Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp”.

 

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô hôm nay, Thánh Phaolô nói đến địa vị cao trọng của những ai được làm con cái Thiên Chúa. Đó là những ai trong Chúa Kitô, được kêu gọi để trở nên thừa tự, được Thánh Thần ghi dấu ấn, được Thiên Chúa làm gia nghiệp, được ơn cứu chuộc và được ca ngợi vinh quang Chúa đến muôn đời; đó là những ai được Chúa yêu thương đến ‘đời đời chẳng cùng’.

 

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường coi những điều nhỏ nhặt là hiển nhiên; bởi lẽ, những điều này chẳng ăn nhập gì vào những kế hoạch lớn lao của chúng ta. “Đàn chim sẻ trên tháp chuông nhà thờ trong những ngày mưa bão vừa qua có cái gì để ăn không?”; “Hôm kia trời nắng ấm, đàn sẻ bỗng xuất hiện trở lại, nhưng dường như ít hơn; những con kia đi đâu?”. Những câu hỏi đó chẳng quan trọng gì đối với chúng ta, vì chúng ta có quá nhiều việc khác quan trọng hơn; thế nhưng, với Thiên Chúa thì không! Chỉ cần một câu hỏi như thế cũng đủ để Người lo lắng, bâng khuâng. Thế mà, Chúa Giêsu nói, “Các con đáng giá hơn nhiều con chim sẻ”, thì quả Thiên Chúa, Người là Cha, Đấng đặt lòng, đặt trí vào những điều quá đỗi tầm thường trong tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, hẳn, Người cũng quan tâm đến mỗi người chúng ta hơn biết bao; không chỉ quan tâm đến cái ăn, cái mặc… Người quan tâm đến linh hồn, quan tâm đến phần rỗi của mỗi người; đó là sự quan tâm đến cái ‘đời đời chẳng cùng’ do lòng xót thương vô bờ của một người Cha từ ái vô song.

 

Thiên Chúa biết chúng ta vô hạn hơn chúng ta biết chính mình; Người yêu chúng ta sâu sắc hơn chúng ta có thể yêu chính mình. Thiên Chúa yêu thương và lo lắng cho chúng ta không chỉ hôm nay để chúng ta nên thánh; nhưng yêu thương chúng ta đến đời đời, ‘đời đời chẳng cùng’ để chúng ta thuộc trọn về Người, hằng ở với Người.

 

Ngày kia, một thiếu nữ lững thững đi vào một ngôi thánh đường; cô lặng lẽ ngồi trong góc tối; chẳng phải để cầu nguyện, chẳng phải để chờ ai. Một bà nội trợ đi vào, trên tay vẫn xách một giỏ rau; rõ ràng, bà đến từ chợ và đang trên đường về nhà, chuẩn bị cho bữa tối; bà quỳ gối một vài phút, sốt sắng cầu nguyện trước Thánh Thể và sau đó, ra về. Cô gái trẻ sững sờ, bởi lẽ, cô đang đấu tranh với niềm tin vào Thiên Chúa. Và ngần ấy đã đủ cho cô, đó là mấy phút cầu nguyện sốt sắng của bà nội trợ, người đã cho cô thấy niềm tin công giáo có cơ sở như thế nào trong đời sống; cô đứng dậy, hớn hở ra về. Bà nội trợ ấy đâu biết rằng, chỉ một vài phút cầu nguyện của mình, Chúa quan phòng đã đổ ân sủng của Người xuống để cứu linh hồn cho đến ‘đời đời chẳng cùng’ của người thiếu nữ gốc Do Thái đang khủng hoảng đức tin kia. Cô gái ấy sẽ là soeur Thérèse Bénédicte Edith Stein của Nhà Kín Carmel; một triết gia, một nhà thơ, một văn sĩ và nhất là một vị thánh của nước Đức, cũng là một trong những vị thánh bảo trợ châu Âu được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong ngày 11/10/1998 như một thánh tử đạo của trại Auschwitz, Ba Lan, 1942, thời đệ II thế chiến.

 

Anh Chị em,

Nhiều lúc Thiên Chúa chọn lấy sự im lặng trong một vấn đề nào đó như là cách thức để lôi kéo chúng ta đến gần Người hơn, như trường hợp của Sr. Edith Stein. Chúng ta không lắng nghe Người cũng như không cầu nguyện đủ, nên chúng ta thiếu sự chú ý và hướng dẫn của Người; có lẽ sự im lặng của Thiên Chúa thực sự cũng là một dấu hiệu rất rõ ràng về sự hiện diện và ý muốn của Người; ý muốn của Thiên Chúa vẫn là yêu thương chúng ta hôm nay và cả đời đời, ‘đời đời chẳng cùng’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết, Chúa yêu thương con hôm nay, đang hiến mình mỗi ngày cho con trên bàn thờ; yêu thương con đời đời, để con được ở mãi với Chúa, ‘đời đời chẳng cùng’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

CẢM HỨNG THÔI, CHƯA ĐỦ

“Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Cảm hứng thôi, chưa đủ’, ‘Truyền cảm hứng, vẫn chưa đủ’; cảm hứng còn phải được kéo dài, phải được sống trọn vẹn nữa. Đó có thể là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Thánh Phaolô cảm tạ Thiên Chúa vì cộng đoàn Êphêsô non trẻ của ngài không chỉ được cảm hứng từ Chúa Kitô; từ chính ngài, vị chủ chăn đầy cảm hứng… nhưng họ đã sống, đã kéo dài niềm cảm hứng ấy khi sống bác ái Phúc Âm với nhau, với lương dân chung quanh. Và đó là lý do Phaolô sung sướng cất lên lời tạ ơn Thiên Chúa, “Khi nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em”; Phaolô cầu nguyện để họ biết rằng, ‘cảm hứng thôi, chưa đủ’, còn phải sống nữa, “Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng hứa một điều rất cảm hứng, “Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”. Các thánh không chỉ cảm hứng Chúa Giêsu, Thầy mình, nhưng đã sống và chết cho niềm cảm hứng Kitô trọn vẹn; và đó là công trình của Thiên Chúa đã làm nơi những con người mỏng dòn và yếu đuối của các ngài như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo”; không chỉ cảm hứng, các ngài đã sống, đã chết nên truyền được cảm hứng.

Một trong những bằng chứng cao cả về những con người không chỉ cảm hứng, nhưng sống chết với nó khi xưng nhận Chúa Giêsu trước mặt người đời, là các thánh tử đạo. Suốt chiều dài lịch sử, tuần tự vị này đến vị khác, các ngài chứng thực tình yêu của mình đối với Thiên Chúa; các ngài đã giữ vững đức tin, bất chấp bắt bớ và cả cái chết. Một trong những vị tử đạo hào hùng ấy là Thánh Ignatiô Antiôkia Giáo Hội mừng kính hôm nay; không thể có một sự trùng hợp nào thú vị hơn.

Trước khi chịu tử hình, Ignatiô gửi thư cho các đồ đệ, “Tôi viết cho tất cả các Hội Thánh để ai nấy biết rằng, tôi sẽ vui lòng chịu chết vì Chúa nếu anh em không cản đường tôi. Tôi van nài anh em, đừng xử tốt với tôi không đúng lúc; hãy để tôi làm thức ăn cho thú dữ, vì đó là đường tôi đến với Chúa. Tôi là hạt lúa mì của Chúa, sẽ được nghiền nát bằng răng thú dữ để nên bánh tinh tuyền của Chúa Kitô. Anh em hãy cầu xin Chúa cho tôi hiểu rằng, những con vật này sẽ là phương tiện để tôi nên lễ tế dâng lên Thiên Chúa”; ‘cảm hứng thôi, chưa đủ”, Ignatiô sống chết cho niềm cảm hứng.

“Ai có Thiên Chúa trong lòng, người ấy mới hiểu tôi đang muốn gì; người ấy mới thông cảm với tôi, và biết những gì đang thôi thúc tôi”; “Không có thú vui trần gian nào, không vương quốc thế tục nào có thể mang lại lợi ích cho tôi theo bất cứ cách nào. Tôi thích được chết trong Chúa Kitô hơn là có quyền trên những giới hạn có thể xa nhất mà thế gian ban tặng. Đức Kitô đã chết thay cho chúng ta là đối tượng duy nhất tôi kiếm tìm. Ngài đã truyền cảm hứng, đã trao tặng chúng ta một niềm khao khát”. Rõ ràng, Ignatiô đã sống, đã chết cho niềm cảm hứng; vì thế, truyền được cảm hứng.

Anh Chị em,

Tháng 10, tháng ‘mưa thánh, lụt thánh’; Mẹ Mân Côi và các thánh truyền cảm hứng cho chúng ta. Đây là một cái nhìn sâu sắc và rất quan trọng mà chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua khi đọc nó. Cái nhìn sâu sắc là chúng ta cảm thấy kinh ngạc về lòng dũng cảm của các thánh: Têrêxa nhỏ, Têrêxa lớn, Têrêxa đẹp, Têrêxa ít đẹp; ‘cổ nhất’, Ignatiô; ‘hót nhất’, Carlo Acutis… nhưng chúng ta không tiến thêm một bước để sống niềm tin và lòng can đảm của mình; vì thế, xem ra chúng ta vẫn trắng tay. Vì nếu các thánh chỉ là những gương sáng, thì không đủ, chúng ta còn phải sống chứng tá của họ và trở thành những Têrêxa trắng, Têrêxa đen, Ignatiô, Carlo Acutis khác… tiếp theo trong đời chứng nhân Chúa mời gọi chúng ta sống mỗi ngày nữa.

Mẹ Maria không chỉ truyền cảm hứng để chúng ta sống với Chúa Giêsu, nhưng Mẹ đã thật sự say mê Ngài; Mẹ là bạn của Thánh Thần, Mẹ để Thánh Thần dẫn dắt như Tin Mừng hôm nay nói đến; Mẹ đã hát bài Magnificat và sống bài ca ấy trong đời mình. Mẹ dạy chúng ta hôm nay trong những ngày lụt lội dồn dập, khó khăn chồng chất… cũng biết ca ngợi tình thương và quyền năng của Chúa trên các biến cố mà chúng ta chưa hiểu; và qua đó, chính chúng ta đang sống niềm cảm hứng vậy.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa, Đức Mẹ và các thánh đã truyền cảm hứng cho con; xin cho con biết, ‘cảm hứng thôi, chưa đủ’, ‘truyền cảm hứng, vẫn chưa đủ’, con còn phải kéo dài nó nữa… may ra con khỏi trắng tay”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)