Ra khỏi vùng an toàn - Một sự biến đổi bên trong
RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
“Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên”.
Kính thưa Anh Chị em,
Việc người phụ nữ còng lưng không hề mở miệng van xin Chúa Giêsu, cũng như viên trưởng hội đường tức giận trước phép lạ Ngài chữa lành bà, khiến chúng ta có thể đi đến một kết luận bất ngờ đến kinh ngạc. Phải chăng hai nhân vật này không muốn ‘ra khỏi vùng an toàn’ của họ?
Mọi phép lạ Chúa Giêsu làm hẳn là những hành động của lòng thương xót; thế nhưng, câu chuyện hôm nay còn có nhiều điều thú vị để nói với chúng ta. Người phụ nữ này dường như không tìm kiếm, chẳng trông mong, và cũng không cầu xin sự chữa lành; phải chăng, bà cam chịu nỗi đau như đã quen cam chịu nó mười tám năm qua; hoặc phải chăng bà vẫn cảm thấy an toàn và hạnh phúc với ‘thú đau thương ngọt ngào’ của mình một cách nào đó để không hề nghĩ đến, cũng như không hề muốn ‘ra khỏi vùng an toàn’? Với Chúa Giêsu thì không, lòng trắc ẩn của Ngài không cho phép điều đó; bất cứ giá nào, dù phạm luật Sabbat, Ngài vẫn phải đưa bà ‘ra khỏi vùng an toàn’ giả hiệu. Vì thế, chỉ một lời, cùng với việc đặt tay trên bà, tức khắc, bà đứng thẳng lên.
Cũng thế, trước phép lạ Chúa Giêsu làm, viên trưởng hội đường không muốn thấy, cũng không muốn tin, vì xem ra, sự hiện diện của Ngài đang đe doạ ông; cũng như việc tin nhận Ngài là Đấng Messia lại càng buộc ông phải thay đổi. Ông cảm thấy hài lòng với địa vị của mình, với những gì đang có và tất cả được coi như vùng an toàn; ông không muốn ra khỏi đó, vì thế, ông coi Chúa Giêsu chỉ như kẻ gây rối, một người đến để chực làm xáo trộn. Với Chúa Giêsu thì không, Ngài quyết đưa ông ‘ra khỏi vùng an toàn’ ảo, tầm thường, Ngài mạnh mẽ giải thích, “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”.
Với các tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô hôm nay cũng muốn đưa họ ‘ra khỏi vùng an toàn’, ngài nói, “Xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng hiện nay, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng”. Cũng thế, Thánh Vịnh đáp ca mời gọi chúng ta ‘ra khỏi vùng an toàn’ để nên giống Thiên Chúa, “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người”.
Một cô gái bán hoa hồng đã tặng một đoá hoa cho một người ăn mày. Người ăn mày chưa từng nghĩ, có một cô gái tặng hoa cho mình. Thế là anh quyết định, ngày hôm đó không đi xin nữa mà trở về nhà. Cắm hoa vào một chiếc bình nhỏ, anh ngồi thưởng thức và chợt nghĩ, “Cánh hoa xinh đẹp thế này sao có thể cắm vào một chiếc bình bẩn thỉu được”. Anh mang chiếc bình lau rửa sạch sẽ, rồi lại nghĩ, “Bông hoa xinh đẹp đến thế sao lại có thể đặt trong một căn phòng bừa bộn thế này?”. Vậy là anh quét tước toàn bộ, căn phòng trở nên ấm áp. Đang lúc lâng lâng, anh thấy trong tấm gương một người xấu xí, và thầm nghĩ, “Người như thế này đâu có tư cách làm bạn với đoá hồng kia”. Anh ta lập tức làm đẹp và anh phát hiện, kìa, một chàng trai tuấn tú, “Mình quả không tồi, sao có thể làm kẻ ăn mày được?”; và anh quyết định, “Tôi sẽ tìm việc làm”. Luôn có đoá hồng khích lệ, anh cố gắng không ngừng. Chỉ mấy năm sau, anh trở thành ông chủ giàu có của một công ty.
Chúa Giêsu luôn muốn tạo một sự khác biệt để đưa chúng ta ‘ra khỏi vùng an toàn’ tầm thường, nhưng nhiều lúc, chúng ta không muốn. Đôi khi, đó chỉ là nỗi sợ một điều gì đó phải thay đổi; chúng ta chỉ muốn ở lại trong những nếp cũ với những chân trời hạn hẹp và sợ phải trải rộng chúng.
Anh Chị em,
Người phụ nữ đã ‘đứng thẳng dậy’ là hình ảnh tượng trưng cho những gì ân sủng sẽ biến đổi. Một khi Chúa bước vào cuộc đời, ai ai cũng có khả năng đứng thẳng, có thể bước đi với sự tự tin, với một phẩm giá mới. Chúng ta khám phá ra mình là ai khi sống trong tự do, ân sủng; là con cái rất yêu dấu, chúng ta ngày càng bắt chước Chúa Giêsu hơn. Mặt khác, hãy để mình như cô gái hào phóng bên quầy hoa, với những ánh nhìn yêu thương, những nụ cười thông cảm, những lời khích lệ, hành động nhân ái, tấm lòng thấu cảm; hãy ‘ra khỏi vùng an toàn’ là cái tôi đang tự tô điểm, bọc mình lại khi chỉ trích kẻ khác hoặc vì nệ luật, vụ hình thức mà không yêu thương nâng đỡ tha nhân.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con ở lỳ trong sự tầm thường; xin đem con ‘ra khỏi vùng an toàn’ hầu con đứng thẳng và tung tăng đến tận chân trời mới, chân trời diệu vợi của tự do và ân sủng”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
MỘT SỰ BIẾN ĐỔI BÊN TRONG
“Nó mọc lên và trở thành một cây lớn”;
“Cho tới khi tất cả khối bột đều dậy men”.
Kính thưa Anh Chị em,
Với hình ảnh hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Thiên Chúa có thể biến từ cái nhỏ nhất thành lớn nhất; từ bất xứng thành rất xứng; từ tội nhân thành thánh nhân. Đó là một tiến trình khởi đi từ ‘một sự biến đổi bên trong’; từ đó, có thể biến đổi cả thế giới bên ngoài.
Đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy một điều thật hiển nhiên, Thiên Chúa muốn sử dụng cuộc sống mỗi người như sử dụng một hạt giống, một chút men cho những điều tuyệt vời. Trong viễn cảnh của Người, mỗi một con người đều có tiềm năng vượt quá những gì nó dám ước mơ; mỗi người được Thiên Chúa ban cho một đặc quyền đáng kinh ngạc để hoàn tất một kế hoạch hoàn hảo, chính xác, cho vinh quang Người; tiềm năng ấy là chất Chúa mà chính Thiên Chúa đặt vào lòng mỗi người; và Chúa Thánh Thần hoạt động để nó được biến đổi. Đó là một kế hoạch đem lại những hoa trái tốt nhất, dồi dào nhất và vĩnh cửu nhất. Và như thế, được cộng tác với Thiên Chúa, mỗi người trước hết cần có ‘một sự biến đổi bên trong’; đúng hơn, một sự hoán cải tâm hồn.
Vậy phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ chính trái tim với những gì nhỏ bé nhất, âm thầm nhất nhưng với một tình yêu lớn lao nhất. Hiện diện giữa lòng thế giới, mỗi Kitô hữu như một hạt giống âm thầm; như một chút men lặng lẽ. Cả hai hoạt động rất chậm nhưng rất mạnh mẽ và kỳ diệu; vì từng chút một, từng bước một, những hạt giống ấy sẽ làm nên những cánh rừng, những chút men ấy sẽ làm cả thúng bột dậy men. Và như thế, từ ‘một sự biến đổi bên trong’, những nhân tố ấy sẽ biến đổi tất cả.
Hạt giống ấy, chút men ấy, còn là gì nữa? Ở đây, một sự trùng hợp đến bất ngờ khi qua thư Êphêsô, Thánh Phaolô cho biết, đó còn là các gia đình Kitô hữu; họ là những nhân tố phản ánh tình yêu Chúa Kitô và Hội Thánh khi vợ chồng sống nhân ái, yêu thương và kính trọng nhau, “Mầu nhiệm này thật lớn lao”; đó là những Hội Thánh thu nhỏ có được ‘một sự biến đổi bên trong’; đó là dòng dõi của những người kính sợ Chúa như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa”.
Thế nhưng, như cây giữa rừng, như men trong bột, việc biến đổi trái tim cũng như các gia đình sẽ hiếm khi xảy ra một sớm một chiều; sự biến đổi này thường rất tiệm tiến. Ai càng để Chúa Thánh Thần điều khiển và biến đổi đời mình, người ấy càng có cơ may phát triển sâu xa để nên thánh. Như hạt giống đâm rễ sâu và âm thầm mọc lên, như men nồng sẽ làm cho thúng bột nhão từ từ dậy men, chậm chạp nhưng bền vững; cũng thế, người Kitô hữu, qua những suy nghĩ thánh, hành vi thánh, thói quen thánh và những cư xử nhân ái mang tính Tin Mừng vốn thắm đẫm một tình yêu Giêsu cũng sẽ biến đổi thế giới; Gounod từng nói, “Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng”. Và như vậy, những ai vốn đã có ‘một sự biến đổi bên trong’, sẽ có sức biến đổi và tạo nên một sự khác biệt.
Một giáo viên kể chuyện. “Sau 1975, đời sống cực kỳ khó khăn, tôi đi xe đạp thồ để mua thêm sữa cho con. Một buổi sáng, một bà cụ nhà quê đón tôi. “Cụ đi mô?”; “Đây xuống bến xe mi lấy mấy?”. Thấy bà, tôi chợt nhớ mẹ, “Thưa bà, đúng giá 1 đồng rưỡi. Còn chừ, cụ cho mấy cũng được, con chở giúp cụ, vì con đang trên đường về”. Bà cụ cười, “Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui ghê”. Nói xong, cúi xuống cầm đôi dép lào mà hai gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc, bà bỏ ở giỏ trước. Lên xe chuyện trò, tôi biết bà ra thăm con trai ở cảng; còn bà, biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi thồ. Đến bến xe tôi dặn, “Cụ ngồi yên, đừng lo, để con tìm xe”. Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe và nói, “Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn, con không lấy tiền”. Bà trả lời, “Thằng ni nói nghe được, tau không trả tiền nhưng chờ tau chút”; vừa nói cụ vừa lật áo, mở cây ghim găm túi trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi. Tôi giẫy nẩy, “Con nói rồi, con chở dùm”; cụ bảo, “Biết rồi. Tau cũng không trả tiền xe, tau cũng không cho mi; mi có chân có tay, lưng dài vai rộng mi làm mi ăn. Tiền ni tau gởi mi đem về mua sữa cho cháu tau; mi không lấy, tau la làng là mi móc túi tau. Răng, nhận đi con, cho bà vui”. Nói xong cụ nhét tiền vào túi tôi, rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe. Lần đó, tôi đứng khóc một mình giữa bến xe cho đến khi xe rời bến! Và giờ đây, ‘Bà ơi, bà đang ở cõi nào? Nay con viết sách, nhuận bút hàng chục triệu đồng; đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ, giảng viên một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này, con vẫn còn nợ bà một hộp sữa!’”.
Anh Chị em,
Chính những điều nhỏ nhặt như một hộp sữa của lòng nhân ái làm nên những điều vĩ đại bất ngờ. Thế giới này có quá nhiều tài năng, nhưng thiếu những giọt thánh thiện, giọt nhân ái, giọt Chúa. Đúng thế, nhân loại đang rất cần chúng ta, và chúng ta đang rất cần, trước hết, ‘một sự biến đổi bên trong’ trước khi có thể làm dậy men Tin Mừng môi trường mình bằng ‘những hành vi rất thánh’ nhỏ bé.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin thanh luyện con mỗi ngày, để nhờ Thánh Thần, con được ‘một sự biến đổi bên trong’; từ đó, con có thể biến đổi môi trường con đang sống nhờ ân sủng của Thánh Thần Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: