Không gì là không thể - Đến để hoán cải
KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ
“Suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ khi chúng ta khám phá những chi tiết đầy thú vị ở hai Thánh Tông đồ hôm nay Giáo Hội mừng kính. Thánh Giuđa Tađêô được biết như người bảo trợ cho các ‘trường hợp bất khả thi’; Thánh Simon được biết như người bảo trợ cho sự ‘thay đổi thái độ’.
Thánh Giuđa Tađêô, họ hàng của Chúa Giêsu, người đã có một thư trong các thư Tân Ước. Giuđa Tađêô được gọi là người bảo trợ cho những ‘trường hợp bất khả thi’, nghĩa là, ‘không gì là không thể’ đối với Thiên Chúa. Với Giuđa Tađêô, Thiên Chúa là Đấng độc nhất, là Cứu Chúa, bất khả chiến bại, đầy vinh quang và oai hùng; trong lá thư duy nhất của mình, ngài viết, “Xin kính dâng Thiên Chúa duy nhất, Đấng Cứu Độ chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; kính dâng Người vinh quang, oai phong, sức mạnh và quyền năng, trước mọi thời, bây giờ và cho đến muôn đời”.
Thánh Simon được gọi là Nhiệt Tâm. ‘Nhiệt Tâm’ thời Chúa Giêsu là nhóm người nổi tiếng với việc kích động dân chống lại người Rôma đang chiếm đóng; cách nào đó, những người này có xu hướng nổi dậy. Là thành viên của một nhóm có ý hướng chính trị, chắc chắn Simon phải chú ý đến sự xuất hiện của Chúa Giêsu và nhóm người theo Ngài; và một khi đã trở thành tông đồ, hẳn ông cũng đã có một bề dày nghiên cứu và thấm đẫm sứ điệp Ngài mang đến, một sứ điệp vốn đã cuốn hút ông về một Vương Quốc mới, Vương Quốc Thiên Chúa có tên là Nước Trời, một vương quốc chân thật và linh thiêng. Việc Simon được chọn có ý nghĩa là Đấng chọn ông đã nhận ra khả năng thay đổi nơi con người ông; vì thế, Simon được coi như người bảo trợ cho ai biết ‘thay đổi thái độ’.
Hai Thánh Tông đồ cùng làm nên nhóm mười hai, được mừng chung một ngày, cho chúng ta nhiều ý nghĩa sâu sắc và nhiều bài học lý thú.
Với chúng ta, vượt qua những ràng buộc tầm thường đôi khi cỏn con như những ụ mối bên đường, hay cả những chướng ngại lớn như những ngọn núi cao chót vót có vẻ như là một ‘trường hợp bất khả thi’; cũng thế, nhiều lúc thái độ cũng như cách thức nhìn nhận các vấn đề của chúng ta xem ra là ‘trường hợp bất khả thi’… thì hai Thánh Tông đồ hôm nay là một bằng chứng cho thấy quyền năng của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn những khiếm khuyết của con người, miễn sao chúng ta tuyệt đối tín thác vào lòng xót thương của Chúa. Vì ‘không gì là không thể’ đối với Thiên Chúa ngay cả việc từ bỏ một thái độ, một lối sống này để chấp nhận một thái độ, một lối sống tốt hơn. Những ràng buộc vật chất, những trói buộc tinh thần; những thái độ ích kỷ, ươn lười hay ở lỳ trong tội; hoặc những thành kiến, định kiến với người này, người kia nhiều lúc là ‘những gì bất khả thi’ khiến chúng ta không thể vượt qua để từ đó có thể chấp cánh bay cao; thì với ân sủng Chúa cùng với những nỗ lực hết mình, chúng ta vẫn có thể làm được; và đó, cũng chính là điều Thiên Chúa rất mong chờ.
Một khi nghĩ đến các Tông đồ, hẳn không bao giờ Simon, Giuđa là những cái tên đầu tiên ‘may mắn’ được chúng ta nhớ đến; tên của hai ngài hầu như cũng luôn đội sổ nhóm mười hai, chỉ trước Giuđa, kẻ chối Thầy. Thế thì, không phải ai ai cũng cần là người đứng đầu để có thể trở thành người cộng tác tích cực cho kế hoạch của Thiên Chúa. Simon và Giuđa là những người trung thành, những người đã kiên trì trong sứ mệnh Chúa trao; cũng thế, chúng ta không cần phải là những ngôi sao, chỉ cần chúng ta chiếu sáng; không cần phải đại thành công, chỉ cần mải trung thành.
Ngoài ra, để có thể vượt qua những điều bất khả thi cũng như thay đổi một nếp sống, một thái độ sống, điều quan trọng chúng ta không bao giờ quên, đó là chuyên chăm cầu nguyện. Tin Mừng hôm nay nói đến việc Chúa Giêsu thức suốt đêm để cầu nguyện. Với những con người bất khả thi, với những thái độ bất khả chấp nhận, nhờ cầu nguyện và liên lỉ cầu xin Chúa Cha, với những con người hèn yếu đó, Chúa Giêsu vẫn xây dựng được Giáo Hội của Ngài.
Thánh Isaac Syria có một kinh nghiệm tuyệt vời về những gì bất khả thi, ngài viết, “Vào những lúc nguội lạnh và ươn ái, lòng anh em hãy hồi tưởng những thời gian quá khứ khi còn đầy nhiệt tâm và hăng say trong mọi việc, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất; hãy nhớ lại những cố gắng trước kia và năng lực đã dùng để chống lại những đối thủ muốn ngăn cản sự tiến bộ của anh em. Sự hồi tưởng ấy sẽ đánh thức tâm hồn anh em khỏi giấc ngủ mê, đem lại cho nó một ngọn lửa hăng say, nâng nó chỗi dậy từ chỗ chết, làm nó sốt sắng dấn thân vào cuộc chiến chống lại ma quỷ và tội lỗi”.
Anh Chị em,
Để chọn gọi chúng ta trong mọi đấng bậc, Chúa Giêsu cũng đã thức suốt nhiều đêm. Dưới con mắt người đời, chúng ta có thể là những con người bất khả thi và bất khả chấp nhận; nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa, mỗi chúng ta thật cao cả biết chừng nào. Trong Chúa Giêsu, chúng ta trở nên đồng hương với những người thuộc dân thánh, người nhà của Thiên Chúa; để cùng hai Thánh Tông đồ hôm nay, chúng ta xây dựng toà nhà Thiên Chúa giữa trần gian. Vậy, hãy tin vào giá trị của chính mình và vươn lên, Thiên Chúa đang có một chương trình và một kế hoạch vĩ đại cho từng người. Đừng để niềm tin bị lung lay trước bão táp nhưng hãy là những con người vẹn toàn của Thiên Chúa theo ơn gọi của đấng bậc mình giữa thế giới đầy cám dỗ này. Vì với Thiên Chúa, ‘không gì là không thể’; chỉ sợ lòng chúng ta nguội lạnh với một Giêsu nào đó, đôi khi, hãy còn quá xa lạ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã thức suốt đêm để cầu nguyện mà chọn các Tông đồ và chọn con; xin cho con ngủ thật ngon mỗi tối, để chỗi dậy chọn Chúa mỗi ngày hầu vượt qua những ươn hèn tội lỗi; vì ‘không gì là không thể’ với Chúa”. Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
ĐẾN ĐỂ HOÁN CẢI
“Đấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ khi câu đầu tiên của Tin Mừng hôm nay tiết lộ hai điều thú vị đáng suy tư; bởi lẽ, Chúa Giêsu, Đấng ‘khởi sự mọi việc tốt lành’, cũng là Đấng ‘đến để hoán cải’ mọi người, không trừ ai.
Trước hết, đó là sự kiện Ngài đến nhà của một thủ lãnh biệt phái để dùng bữa. Đây không phải là chuyện nhỏ; vì trên thực tế, đó sẽ là chủ đề của những cuộc thảo luận giữa những người biệt phái khác, cũng như Ngài sẽ là đề tài của những bàn tán xôn xao giữa dân chúng. Sự kiện này cho thấy Chúa Giêsu không mải mê với những gì Ngài yêu thích; Ngài không chỉ đến cho những người dễ bị tổn thương, Ngài còn đến để ‘khởi sự mọi việc tốt lành’, ‘đến để hoán cải’ cả những người giàu có và quyền lực. Chúng ta thường quên mất sự thật đơn giản này. Ngài đến vì mọi người, muốn cứu mọi người và đáp lại lời mời của tất cả những ai muốn có Ngài trong cuộc đời họ. Chúa Giêsu không ngại đến nhà vị thủ lãnh để thách thức ông, thách thức các khách mời vọng tộc của ông; Ngài muốn thay đổi lòng dạ họ; Ngài ‘đến để hoán cải’ họ, những con người mà Ngài đang cất bước kiếm tìm.
Tiếp đến, Tin Mừng nói, mọi người ‘cẩn thận quan sát’ Ngài. Một số có lẽ chỉ vì tò mò và đang tìm một điều gì đó cho những khoảnh khắc trà dư tửu hậu; nhưng với những người khác, rất có thể họ cẩn thận quan sát Chúa Giêsu vì họ thực sự muốn hiểu Ngài, hoặc có thể họ đã biết một điều gì đó độc đáo nơi Ngài và họ muốn biết thêm về Ngài; biết đâu, họ sẽ nhận ra Ngài, Đấng ‘khởi sự mọi việc tốt lành’, Đấng ‘đến để hoán cải’ tâm hồn họ vốn có thể đang rối như bòng bong, như tơ vò.
Hai bài học này cho thấy, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, bất kể chúng ta là ai. Ngài sẽ đáp lại sự cởi mở của mỗi người trước sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống mình. Tất cả những gì chúng ta phải làm, là mời cho được Ngài và mở lòng mình ra để Ngài đến ‘dùng bữa’. Như những người hiện diện đã cẩn thận quan sát Ngài; cũng thế, chúng ta bắt chước họ, chăm chú đến Ngài và đó là một ước ao tốt lành. Mặc dầu một số người dù đã quan sát nhưng quay lưng, chế nhạo Ngài; thế mà, hẳn đã có những người quan sát Ngài cẩn thận sẽ đón nhận sứ điệp Ngài mang đến; họ nhận ra Ngài là Đấng ‘khởi sự mọi điều tốt lành’, Đấng ‘đến để hoán cải’ ma trận, mê cung lương tâm họ.
Cùng với ý hướng đó, hôm nay Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy có một trực giác siêu nhiên khi nhìn Chúa Giêsu một cách tích cực như “Đấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành”, Ngài ‘đến để hoán cải’. Từ đó, thay vì quan sát Ngài cách tiêu cực như biệt phái, chúng ta thấu cảm và hiểu biết Ngài; thay vì quan sát Ngài để mặc cảm và sợ hãi, chúng ta mời Ngài vào nhà ‘dùng bữa’. Như thế, hoán cải không là gì khác ngoài việc hướng nhìn lên Chúa Giêsu như Carlo Acutis nói, “Hoán cải không gì khác hơn là hướng cái nhìn từ thấp lên cao, một chuyển động của mắt là đủ”.
Một người đàn ông quyền lực, giàu có, khá đạo đức, nhưng không chút hạnh phúc. Ông ước ao Chúa Giêsu đến ở cùng. Ngày kia, Chúa đến, ông dành cho Ngài một tầng sang trọng; ông xin Chúa toàn quyền sử dụng mọi thứ. Ít lâu sau, nhà ông nhộn nhịp, kẻ lui người tới; ông hạnh phúc khi cánh cổng rộng mở. Thì ra, khách nhà ông là những người phụ trách các phòng từ thiện. Khi thì Chúa Giêsu tặng họ chiếc đồng hồ tường bằng vàng; khi thì Ngài cho họ cặp ngà voi nạm kim cương; khi thì Ngài biếu họ bức tranh cổ… tất cả được bán, lấy tiền giúp người nghèo. Cho đến một buổi sáng, không thể chịu đựng lâu hơn, ông xin Chúa rời đi; Chúa nói, “Con xin Ta đến, Ta đến; con xin hạnh phúc, Ta ban; con xin Ta toàn quyền sử dụng mọi thứ, Ta dùng; và nay con xin Ta ra đi, Ta đi”.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu đến, ‘khởi sự mọi điều tốt lành’, đem bình an, hạnh phúc; nhưng để được vậy, trước hết, Ngài phải ‘đến để hoán cải’ con tim. Và xem ra, điều này thật không dễ, phải có ơn Chúa cũng như cần sự cộng tác triệt để của con người. Từ việc người giàu đã có Chúa nhưng lại để mất Ngài, chúng ta nhận ra một sự thật là, một tâm hồn hoán cải là một tâm hồn bước những bước đầu tiên trên con đường có tên ‘Nên Thánh’; và đó là một công trình vĩ đại của Thiên Chúa như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng, “Vĩ đại thay công cuộc của Chúa”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ‘đến để hoán cải’ và ‘khởi sự mọi việc tốt lành’ nơi mái linh hồn con, xin hãy rựt và bán đi những gì Chúa thấy cần, dù con có xót xa bao nhiêu; may ra, với ân sủng và lòng thương xót Chúa, Giáo Hội trong một tương lai không xa, có thêm một vị thánh nữa. Tại sao không?”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: