Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chịu nhìn xuống - Được hưởng tình yêu

Tác giả: 
Lm Minh Anh

CHỊU NHÌN XUỐNG

“Ai nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống;

ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 

Một người tự cho mình là kỳ vương; một hôm đánh cờ, ông thua liên tiếp ba bàn. Có người hỏi, “Hôm qua anh đánh mấy bàn?”; ông đáp, “Ba bàn”. Người ấy hỏi, “Ai thắng, ai thua?”; ông đáp, “Bàn một, tôi không thắng; bàn hai, họ không thua; bàn ba, tôi muốn hoà, người ấy không chịu”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Thật là lạ, mỗi khi đọc Tin Mừng, nghe những lời quở trách của Chúa Giêsu dẫu chói tai đến mấy, chúng ta vẫn có thể chấp nhận; nhưng mỗi khi Ngài nói đến sự cần thiết phải có lòng khiêm nhượng như Tin Mừng hôm nay đan cử, thì hầu như ai ai cũng lấy làm khó chịu. Đừng ngạc nhiên, vì không ai trong chúng ta ‘chịu nhìn xuống’ bản thân mình, linh hồn mình như vị ‘kỳ vương’ kia.

Dường như chúng ta không bao giờ ‘chịu nhìn xuống’ để có thể tra vấn lương tâm một cách đầy đủ và thường xuyên về những gì liên quan đến nghịch thường của khiêm nhường, đó là sự kiêu ngạo. Kiêu ngạo được ví như ‘mẹ của mọi tội lỗi’, ‘dẫn đến mọi tội lỗi’ và là ‘cội nguồn mọi tội lỗi’; đang khi khiêm nhượng không gì khác hơn là việc nhìn nhận mọi sự như chúng vốn có.

Khi dạy chúng ta chọn chỗ rốt hết, Chúa Giêsu biết chắc một điều, đó là chỗ tốt nhất, thích hợp nhất để mỗi người có thể nên thánh cách dễ dàng nhất. Tại sao như vậy? Bởi lẽ, khi vừa xuống đến chỗ thấp tột cùng, chúng ta phát hiện ở đó, đã có Chúa Giêsu, vì không ai có thể xuống thấp hơn Ngài. Được gần Chúa Giêsu, là nên thánh; sống với Chúa Giêsu, là thiên đàng. Dạy chúng ta chọn chỗ rốt hết, tức là tìm kiếm sự nhỏ bé và ẩn mình, Ngài muốn chúng ta đặt mình trước Thiên Chúa đúng trong một chiều kích tốt nhất cho linh hồn mỗi người, một chiều kích có tên “Giêsu”; vì chỉ từ đó, Thiên Chúa mới có thể cúi xuống nâng chúng ta lên, lên tận chính Người. Chúa Giêsu đã hạ mình đến mức chết trên thập giá và Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài lên, vượt trên muôn ngàn danh hiệu, đúng như lời Ngài nói, “Ai nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

‘Khiêm nhường’ có gốc Latin là humus, là mùn, là đất, cũng là người. Nếu chấp nhận định nghĩa này thì người khiêm nhường là người sát với đất nhất, người có nền tảng nhất; nền tảng đó chính là Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận làm người rốt cùng; thập giá Ngài cắm sâu trong đất, thân xác Ngài được vùi trong đất. Người khiêm nhường có chân đạp đất, tiếp xúc với đất, mang mùi đất, không tách khỏi đất; người đó sẽ toả ra một mùi hương của đất hoà quyện với hương đất Giêsu, hương thiên đàng, và đó là một quà tặng của trời.

Khiêm nhượng là một đức tính được Thiên Chúa yêu thích tựa những chỗ trũng khi so với sự tự tôn như những ngọn đồi cao; như nước luôn tìm xuống chỗ thấp thế nào thì ân sủng Thiên Chúa cũng tràn trề với kẻ rốt hèn như vậy. Khiêm nhượng giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp để đón nhận ân sủng Chúa vốn không ở lâu trên những chỏm cao; trái lại, chảy xuống và đọng dưới chân đồi. ‘Chịu nhìn xuống’ linh hồn mình, con người nhìn nhận mình là một kẻ ăn mày trước mặt Thiên Chúa, bấy giờ, việc hạ mình sẽ nên dễ dàng hơn. Lúc ấy, họ thấy mình yếu đuối, phụ thuộc vào Thiên Chúa và biết rằng, dẫu thành công, họ vẫn không bao giờ có được hạnh phúc trừ khi họ nhìn nhận Thiên Chúa là tất cả.

Trong thư Philipphê hôm nay, Thánh Phaolô xác tín, “Với tôi, sống là Chúa Kitô”; Phaolô không tìm hư danh, nhưng tìm vinh quang cho Thiên Chúa; ngài coi sự sống, sự chết nhẹ tựa hồng mao, “Dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi”. Phaolô không mơ tưởng thế gian, một chỉ khát khao Thiên Chúa, đúng như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống”.

 

Anh Chị em,

Không ai cao tới mức không phải ngước lên, chẳng ai thấp đến nỗi không phải nhìn xuống; ngước lên thật dễ, cúi xuống thật khó; đang khi cuộc đời, đôi lúc, cần phải ngước lên và đôi khi, lại phải ‘chịu nhìn xuống’. Lời Chúa mời gọi chúng ta thường xuyên ngước nhìn Chúa Giêsu, và cúi xuống lòng mình để xem chúng ta đang ở trũng sâu hay ở chỏm cao. Hôm nay thứ Bảy, cuối tháng Mân Côi, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta mẫu gương Maria, Mẹ tuyệt vời. Mẹ đã ‘chịu nhìn xuống’ lòng mình, Mẹ đã bước vào đời như bao thiếu nữ đương thời, nhưng Mẹ đã chọn bước xuống chỗ thật thấp, nơi đó Chúa chờ đợi Mẹ. Trong cung lòng khiêm tốn nhu mì của Mẹ, mùi hương của đất nhân loại quyện với mùi hương của đất Nước Trời tạo nên nguồn sống Giêsu, Đấng cứu độ trần gian.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày, xin cho con biết ‘chịu nhìn xuống’ linh hồn con để con hằng ao ước được ở chỗ thấp, xin cho con yêu mến nó; vì ở đó, con hứng được nhiều, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

ĐƯỢC HƯỞNG TÌNH YÊU

“Hãy vui mừng hân hoan,

vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. 

 

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính Các Thánh Nam Nữ, những lời của thánh Gioan trong bài đọc thứ hai thật an ủi, “Anh em hãy coi, tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào”. Các Thánh Nam Nữ và chúng ta đây là những người ‘được hưởng tình yêu’ của Thiên Chúa Cha, được làm con cái, được mời gọi nên thánh như Thiên Chúa, để được ân thưởng trọng đại ở trên trời. Đó là lý do để chúng ta vui mừng và hân hoan.

Những người đã từng vượt biên trải nghiệm thế nào là hiểm nguy và gian khổ để được đặt chân trên đất của một quốc gia khác; họ đi tìm cái sống trong cái chết. Dẫu biết thế, hàng triệu anh chị em của chúng ta vẫn bỏ nước, xuống thuyền trong những thập niên 80, 90s; đó là một sự thật, một sự thật một mất, một còn. Nếu chỉ để được làm công dân của một nước trần gian tạm bợ mà phải sinh tử như thế, thì phương chi là để trở nên một công dân Nước Trời, nơi không bao giờ mất nhưng là đời đời thì phải trả giá hơn biết bao. Vào được nước Thiên Chúa, còn hơn một công dân, chúng ta là quý tử ‘được hưởng tình yêu’ của Cha; đó là đất của trời, của thiên đàng, quê hương vĩnh cửu, là nhà Cha trên trời cũng là nhà của mỗi người. Các thánh đã đi trước chúng ta, các ngài đang vui hưởng thánh nhan Cha trong thiên quốc thiều quang đó.

Thiên Chúa thật độ lượng, Người không loại bỏ ai; bài đọc Khải Huyền nói, “Tôi đã nhìn thấy một đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”. Đó là các thánh tổ phụ thời Cựu Ước, các thánh tông đồ thời Tân Ước, các thánh tử đạo, các thánh anh hài, bao vị thánh khác qua các thời đại; và cả các thánh hiện đại gần gũi chúng ta như Thánh Gioan 23, Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêxa, song thân của Têrêxa Hài Đồng Giêsu, hoặc như chân phước Carlo Acutis... Tất cả các ngài ‘được hưởng tình yêu’ Thiên Chúa, đang được ân thưởng hiển vinh trên trời cùng triều thần thánh với Đức Mẹ và Thánh cả Giuse.

Ngoài ra, chúng ta không quên, trong số đó, có cả ông bà cha mẹ, những người thân yêu lành thánh ruột thịt của chúng ta. Các ngài đang ngày đêm cầu bàu cũng như thông ơn Chúa xuống cho chúng ta; các ngài ao ước chúng ta nên thánh như các ngài. Nên thánh như các ngài! Đúng thế, vì đó là ơn gọi cao quý đang dành cho chúng ta là những người thông dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, nên giống như Người, ‘được hưởng tình yêu’ của Người.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã rất nhạy bén khi nói rằng, “Tôi muốn dành thiên đàng của tôi để làm điều lành cho trần gian, tôi sẽ làm mưa hoa hồng tình yêu xuống”. Thiên Chúa muốn tất cả những người đã ‘được hưởng tình yêu’ đó chia sẻ công việc tốt lành của Người, tham gia vào kế hoạch thiêng liêng của Người. Tựa một người cha mua một chiếc vòng cổ đẹp cho vợ mình; ông cho những đứa con nhỏ xem và chúng rất hào hứng với món quà ấy; người mẹ đến, người cha yêu cầu các con mang quà cho mẹ. Giờ đây, dẫu món quà là của chồng nhưng, trước tiên, bà mẹ sẽ cảm ơn các con vì đã tham gia trao tặng món quà cho bà. Người cha muốn các con là một phần của sự trao tặng; người mẹ, muốn các con là một phần của việc nhận hưởng với lòng biết ơn.

 

Anh Chị em,

Bà mẹ ấy là hình ảnh Hội Thánh lữ hành, là tất cả con cái Chúa đang lữ thứ trên trần gian; những đứa con là hình ảnh của Các Thánh Nam Nữ. Cũng thế, Thiên Chúa muốn các thánh chia sẻ việc phân phát các ân tứ đa dạng của Người để ai ai cũng ‘được hưởng tình yêu’; và hành động này khiến trái tim Thiên Chúa ngập tràn niềm vui.

Một trải nghiệm khác mà chúng ta cần lưu ý là các thánh cũng cho chúng ta những mẫu mực của sự thánh thiện, đó là lòng bác ái mà các ngài đã sống khi còn trên dương gian; lòng bác ái đó được sống qua các mối phúc Nước Trời mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay. Chứng từ yêu thương và sự hy sinh của các ngài qua tám mối phúc thật không chỉ xảy ra một lần trong lịch sử; đúng hơn, lòng bác ái đó đang sống động và tiếp tục có tác dụng cho phần rỗi chúng ta. Cùng với sự thánh thiện, các ngài đã giặt áo mình, tẩy sạch áo mình hằng ngày trong Máu Con Chiên; nghĩa là, các ngài đã biến những hy sinh, đau khổ khi còn sống thành lễ tế, đã liên kết máu đời mình với Máu hy tế cứu độ của Đức Kitô mà dâng lên Chúa Cha. Như thế, các ngài đã ‘được hưởng tình yêu’ Thiên Chúa không những giờ này, trên thiên quốc, mà ngay khi còn ở trần thế, các ngài đã vui hưởng. Vì thế, lòng bác ái và chứng tá của các ngài đang khích lệ chúng ta; đang tạo ra một mối dây liên kết với chúng ta, đây là mầu nhiệm các thánh thông công, mầu nhiệm tình yêu liên đới cộng hưởng. Lòng bác ái của các ngài cho phép chúng ta yêu mến, ngưỡng mộ và muốn noi gương các ngài.

Để được vậy, phần chúng ta, hãy ra sức nên thánh theo đấng bậc mình. Chu toàn bổn phận với tình yêu là nên thánh; thánh hoá đau khổ thường ngày là nên thánh; vượt qua những bất toàn, hèn yếu của anh em bằng xót thương, tha thứ là nên thánh. Đức Phanxicô nói, “Sự thánh thiện mà Thiên Chúa mời gọi con sẽ lớn lên xuyên qua các cử chỉ nhỏ nhoi của con”; như thế, nên thánh là lắng nghe và chiều theo những đòi hỏi bé nhỏ của Thiên Chúa nhờ sự trợ lực của Thánh Thần.

 

Anh Chị em,

Đừng sợ người ta coi mình là người đạo đức, hãy ước mơ và xin cho được như thế! Đừng ngại khi người ta cho mình là thánh thiện, hãy tạ ơn và ra sức, sống sao cho được vậy! Có Chúa nâng đỡ, triều thần thánh đang cầu bàu, các thiên thần đang giữ gìn, bao tâm hồn tốt lành đã qua đời hay còn sống đang cầu nguyện cho chúng ta; được Lời Chúa dạy dỗ mỗi lúc, các bí tích nuôi dưỡng, ban ân sủng và thanh tẩy mỗi ngày… thì hà cớ gì mà chúng ta sợ mình không thể nên thánh. Và Anh Chị em, hãy nhìn quanh môi trường mình, biết bao nhiêu thánh đang ngồi bên chúng ta, bao tâm hồn tốt lành Chúa đang cho chúng ta chứng kiến hầu chúng ta bắt chước, bao nhiêu người đang thiếu thốn để chúng ta thực thi Tin Mừng. Hãy yêu lấy việc bổn phận, yêu chứ không phải thích; và hơn thế, hãy cậy trông vào Chúa; hãy kính sợ Chúa, cùng lúc, sợ phạm tội mất lòng Chúa và nhất quyết, thà chết chẳng thà phạm tội, thì rõ ràng chúng ta đang nên thánh vậy. Léon Bloy nói, “Bi kịch thảm hại duy nhất của một đời người, đó là không nên thánh”; Đức Phanxicô thì nói, “Con đừng sợ việc hướng nhìn lên cao hơn, hãy cho phép Thiên Chúa yêu con và giải phóng con”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trên đời này không có nghề nào nhàn nhã cho bằng nghề làm thánh; cũng không có công việc nào cực nhọc hơn công việc nên thánh. Xin giúp con học biết mỗi ngày làm sao để sớm ra nghề, hầu ‘được hưởng tình yêu’ Chúa đời đời như các thánh hôm nay Giáo Hội mừng kính”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)