Không cần gì nữa - Một hành động của ân sủng
KHÔNG CẦN GÌ NỮA
“Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chỉ làm bổn phận đấy thôi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, cách nào đó, gây khó chịu; ông chủ xem ra thờ ơ, độc đoán; lời Chúa Giêsu dạy, khi làm xong mọi việc, hãy nói, “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chỉ làm bổn phận đấy thôi” xem ra cũng khó chấp nhận. Vậy mà cách cư xử của ông chủ lại cho thấy điểm nhấn cốt lõi ở đây; đó là thái độ khiêm nhường của người tôi tớ, kẻ ‘không cần gì nữa’ vì đã được chủ tín nhiệm.
Theo Sr. Barbara E. Reid, một học giả Thánh Kinh hiện đại, cách dịch “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng” không lột hết ý nghĩa so với nghĩa đen của bản gốc Hy Lạp; bà đề nghị dịch câu này là, “Chúng tôi không cần gì nữa”. Và sẽ rất thú vị khi chúng ta suy nghĩ đến sự khiêm tốn của người môn đệ Chúa Giêsu; sau khi làm tốt mọi việc, họ sẽ nói với Ngài, “Chúng con ‘không cần gì nữa’, ngoài Chúa”.
Thông thường, sau khi hoàn thành tốt một công việc, chúng ta tìm kiếm sự công nhận và khen ngợi, không chỉ từ con người, nhưng từ cả Thiên Chúa; chúng ta muốn được chú ý. Cho dù đây là một ước muốn ‘tự nhiên’, nhưng nó ‘không siêu nhiên’; đó không phải là ước muốn khiêm tốn nhất. Khiêm tốn ở nhiều mức độ và mức độ sâu sắc nhất cho phép chúng ta lặp lại những lời trên một cách ý nghĩa nhất, “Chúng con ‘không cần gì nữa’, ngoài Chúa”.
Trước tiên, phải nhận ra rằng, việc Thiên Chúa cho chúng ta cộng tác với Người đã là một hồng ân; ý muốn của Thiên Chúa đặt cho chúng ta một nghĩa vụ bắt nguồn từ tình yêu nhưng không của Người; cách nào đó, chúng ta tự xem mình là một tôi tớ, nhưng tôi tớ của tình yêu. Khi hoàn tất việc Chúa trao, chúng ta sung sướng vì làm điều đẹp lòng Người; và đó phải là nguồn vui đích thực, chứ không phải là sự công nhận của một ai. Mặt khác, tốt lành biết bao khi thấy điều thiện người khác làm, chúng ta thừa nhận; làm điều đó, chúng ta không xây dựng thêm ‘cái tôi’ của họ nhưng là để ngợi khen Chúa về điều tốt đã được thực hiện. Cũng thế, khi người khác công nhận ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện nơi chúng ta, chúng ta chấp nhận sự khen ngợi của họ nhưng đó không phải là lý do để tự hào mà là để khiêm tốn nhận ra rằng, Thiên Chúa thật tốt lành, ý muốn của Người được thực thi. Từ đó, chúng ta sống trong niềm vui tạ ơn, khi biết rằng, giờ đây, ‘không cần gì nữa’ vì Chúa được vinh hiển.
Việc ôm lấy ý muốn của Thiên Chúa như một ‘nghĩa vụ thánh’ sẽ giúp chúng ta hoàn thành nó cách ‘thánh’ hơn. Vì thế, khi việc thực thi ý của Thiên Chúa được xem là một điều phi thường, chúng ta sẽ dễ kiêu ngạo và không xây dựng được cho mình một thói quen thích hợp để chu toàn, vì lúc thế này, lúc thế khác; nhưng khi coi đó là một ‘nghĩa vụ thánh’, một cái gì đó rất bình thường trong tình yêu của đứa con đối với Cha, chúng ta sẽ dễ dàng ôm lấy nó một cách trọn vẹn; chúng ta sẽ ‘không cần gì nữa’, vì lẽ đang sống trong sự hiện diện yêu thương và tín nhiệm của Cha. Bấy giờ, bổn phận là con đường nên thánh; chu tất tốt đẹp ‘nghĩa vụ thánh’ là con đường nhanh nhất để ‘làm thánh’.
Thánh Phaolô cũng có cái nhìn này khi ngài nhắc Titô, “Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện”; hăng say làm việc thiện, chuyên chăm bổn phận với một ước trrong duy nhất là được chính Chúa, đó là nên thánh. ‘Không cần gì nữa’ cũng là tâm tình của Chúa Giêsu, “Của ăn Tôi là làm theo ý Đấng đã sai Tôi”; và Ngài đã sống trọn vẹn tâm tình đó mãi đến những phút cuối trên thập giá, “Mọi sự đã hoàn tất”.
Một em bé học vẽ với cha vốn là một hoạ sĩ nổi tiếng. Mỗi ngày, vâng lời cha, em chỉ biết vẽ; không cần ai khen, ai chê; tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, em vẽ hàng trăm bức tranh. Cho đến một ngày kia, cuộc triển lãm tranh được tổ chức; phòng tranh của người cha dành được giải nhất với những bức tranh đẹp nhất, được đấu giá cao nhất. Ngoài hai bố con, nào ai biết, tất cả tranh trong phòng trưng bày đều là của cô bé với chữ ký bên dưới là của người cha.
Anh Chị em,
Như cô bé hoạ sĩ ‘không cần gì nữa’ ngoài việc vâng lời, làm đẹp lòng cha; cũng thế, những việc chúng ta nhận lãnh từ Thiên Chúa được làm trong yêu thương, vâng lời cũng có giá trị trước mặt Người như vậy; đến nỗi, Thiên Chúa sẽ tự nhận những gì chúng ta làm là của Người. Còn gì hạnh phúc hơn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày, xin cho con biết rằng, con ‘không cần gì nữa’ ngoài việc sống trong sự hiện diện đầy yêu thương trước thánh nhan Chúa và làm những gì Chúa muốn một cách tốt đẹp nhất”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
MỘT HÀNH ĐỘNG CỦA ÂN SỦNG
“Còn chín người kia đâu?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ thật bất ngờ khi nói, việc quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa của một trong mười người cùi, được Chúa Giêsu chữa lành, giúp chúng ta thấu cảm hơn với Bí tích Thánh Thể. Vì lẽ, trong tiếng Hy Lạp, để cám ơn ai, người ta nói, ‘εὐχαριστία’, ‘eucaristia’, có nghĩa là ‘Bí tích Thánh Thể’, ‘một hành động của ân sủng’.
Từ người nhận đến người cho, Tin Mừng hôm nay thuật lại những hành động của ân sủng. Không còn gì để mất, những người cùi bị ruồng bỏ liều lĩnh thực hiện một lời cầu xin; niềm hy vọng duy nhất của họ là Chúa Giêsu. Đứng xa xa, họ thừa nhận sự bất lực khi đồng thanh cất lên ‘điệp khúc lòng thương xót’, “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Chúa chữa lành họ, ‘một hành động của ân sủng’, họ hài lòng ra đi; tuy nhiên, Ngài khá thất vọng, “Còn chín người kia đâu?” vì lẽ, chỉ một người quay lại; anh sấp mình dưới chân Ngài, thực hiện ‘một hành động của ân sủng’, ‘eucaristia’, tạ ơn, vì anh đã được cứu.
Việc tạ ơn của người ngoại giáo là một hành vi đúng đắn và cần thiết, Chúa Giêsu đánh giá cao lòng biết ơn của anh. Tại sao hành vi biết ơn lại quan trọng với Ngài đến thế? Theo một cách thức nào đó, khi tỏ lòng biết ơn, đơn thuần, chúng ta trả lại cho Chúa những gì xứng với Người. Như những người phong cùi; họ bất lực mọi sự ngoài việc khẩn xin; trước Thiên Chúa, chúng ta cũng thế thôi, “Xưa kia, chúng ta cũng lầm lạc”, điều Thánh Phaolô đã nhắn gửi Titô và cả chúng ta, những người cùi thiêng liêng đang cầu xin lòng thương xót Chúa; vì thế, nếu đón nhận quà tặng mà không biết cảm tạ, chúng ta cũng sẽ tự liệt mình xuống hạng người chỉ biết ‘tiêu thụ ân sủng’ mà không có khả năng thực hiện ‘một hành động của ân sủng’, đó là biết ơn, ‘eucaristia’. Thiên Chúa muốn cứu chúng ta ngay trong tình trạng vô ơn đó.
Vậy thì đâu là động lực của lòng biết ơn? Khi tạ ơn, chúng ta không còn là ‘người nhận thụ động’; nhưng trở thành ‘người cho tích cực’, trả cho người đã ban những gì chúng ta không xứng. Khi trở thành ‘người cho’, chúng ta được Chúa đặt lên một cấp độ khác, cấp độ có khả năng nhận được nhiều hơn từ Người. Bằng cách tạ ơn, người cùi có khả năng nhận được nhiều hơn từ Chúa Giêsu. Thật vậy, anh ta đã nhận được nhiều hơn, anh được cứu; được cứu là ‘một hành động của ân sủng’ lớn lao nhất; giờ đây, anh có khả năng lớn lên trong sự thiết thân với Chúa… biết đâu anh là một trong những môn đệ của Chúa Giêsu.
Một người cha kể, “Một đêm kia, lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ nói, “Ba ơi, con sẽ đếm sao trời”. Sau đó, tôi nghe giọng êm đềm của con gái, “1, 2, 3, 4…” và tôi cứ chăm chú đọc báo. Âm thanh dễ chịu đó vẫn cất lên đều đều, “123, 124, 125…”; đến đây, bỗng nó ngừng lại, con gái quay sang nói với tôi, “Ba ơi, con không dè trên trời lại có nhiều sao đến thế!”. Tôi giật mình và nói với Chúa, “Chúa ơi, để con đếm thử, con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành của Chúa”, và càng đếm, tim tôi dường như càng thắt lại; không phải vì âu sầu nhưng vì hồng ân Chúa đang đè nặng tim tôi đến nỗi tôi ngộp thở, và tôi thốt lên như con gái, “Lạy Chúa, con không dè, đời con lại có quá nhiều hồng ân Chúa đến thế!”.
Hôm nay, Chúa Giêsu mời chúng ta đi vào trong tương quan cá vị với Ngài, tương quan Thánh Thể; ở đó, chúng ta cũng sẽ đếm các ơn Ngài ban và hẳn, chúng ta sẽ nói với Chúa rằng, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay. Thế nhưng, không là những người ‘thụ động với ân sủng’, chúng ta sẽ là những ‘cộng sự viên của ơn cứu độ’; cùng Chúa Kitô, chúng ta sẽ thực hiện ‘một hành động của ân sủng’, sẽ sống một đời tạ ơn, một đời Thánh Thể, để thu hút và đem ơn cứu độ và sự chữa lành của Thiên Chúa cho thế giới, cho các linh hồn.
Anh Chị em,
Trong tương quan Thánh Thể, cùng Chúa Kitô, chúng ta dâng hy tế tạ ơn lên Chúa Cha; đó cũng là ‘một hành động của ân sủng’, vì bấy giờ, lời ca tụng tạ ơn từ môi miệng chúng ta không còn là ‘nhân linh’, nhưng là ‘thiên linh’; thật xúc động khi chúng ta đọc lại lời này, “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban; bởi chưng, những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, một đôi khi, xin cho con chịu ngồi đếm những ơn lành Chúa ban; nhờ đó, mỗi giây phút của ngày sống của con, là ‘một hành động của ân sủng’ khi con biết tạ ơn, trả lại cho Chúa những gì Chúa đáng nhận; đồng thời, cho con càng biết ra đi đến tận cùng thế giới, trao ban ân sủng và lòng thương xót Chúa cho anh chị em con; như thế, con đang nói với Chúa ‘eucaristia’, con đang sống Thánh Thể”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: