Một Thiên Chúa có liên quan - Chiều sâu và độ chắc
CHIỀU SÂU VÀ ĐỘ CHẮC
“Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Xem ra Chúa Giêsu biết rõ mức độ lòng tin thất thường của con người vào Thiên Chúa, Ngài tỏ vẻ hồ nghi, “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Hôm nay, thật bất ngờ, Ngài cũng hỏi chúng ta như thế. Câu trả lời của chúng ta sẽ tuỳ thuộc vào việc chúng ta có niềm tin trong trái tim mình hay không; có lẽ chúng ta sẽ thưa “Có”, nhưng đó không chỉ là ‘có hay không’ nhưng hy vọng đó là một khẳng định “Có” vốn liên tục phát triển về ‘chiều sâu và độ chắc’ của nó nhờ vào việc cầu nguyện.
Lòng tin là gì? Lòng tin là sự đáp trả của mỗi người đối với Thiên Chúa đang nói trong họ. Để có thể tin, trước hết phải lắng nghe; mỗi người phải để Chúa Giêsu bày tỏ chính mầu nhiệm Thiên Chúa trong sâu thẳm lương tâm lòng mình. Khi Thiên Chúa bày tỏ, chúng ta tin vào Lời Người, tin vào chính Ngôi Vị của một Thiên Chúa đang nói; chính hành động tin này sẽ biến đổi trái tim chúng ta và hình thành ở đó một đức tin có ‘chiều sâu và độ chắc’ ở mức độ triệt để. ‘Độ chắc’ đó, là điều Thiên Chúa đang tìm kiếm trong cuộc sống chúng ta, đó cũng là câu trả lời Chúa Giêsu chờ đợi.
Vậy thì điều gì sẽ nuôi dưỡng lòng tin này? Thưa, đó là cầu nguyện, cầu nguyện bày tỏ nỗi khát khao được lớn lên trong đức tin, lớn lên trong lòng mến và nhất là lớn lên trong sự hiểu biết Thiên Chúa, Đấng chúng ta tuyệt đối tin tưởng và tuỳ thuộc. Thế nhưng, Thiên Chúa đó là ai? Vì chúng ta chỉ tuỳ thuộc vào người chúng ta tin, và chỉ tin vào người chứng minh được tình yêu và khả năng bang trợ của họ. Đấng chúng ta tin là một Thiên Chúa quyền năng, tốt lành, yêu thương; một Thiên Chúa đang quan tâm đến mỗi người. Với chúng ta, Thiên Chúa là một quan toà, nhưng còn hơn thế; trước hết, Người là một người Cha nhân từ, một vị cứu tinh, một người tình tận tâm, vô điều kiện. Là một người Cha xót thương, Thiên Chúa muốn sự phụ thuộc của chúng ta vào Người có ‘chiều sâu và độ chắc’ trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, qua việc cầu nguyện mỗi ngày.
Vậy mà đôi lúc, chúng ta trải qua những khoảnh khắc mệt mỏi và chán nản vì lời cầu nguyện của chúng ta dường như không hiệu quả. Đừng sợ! Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng, Thiên Chúa tốt lành hơn quan toà kia nhiều lần, Người sẽ nhanh chóng trả lời cho con cái Người, mặc dù điều này không nhất thiết là Thiên Chúa phải đáp ứng ‘khi nào và thế nào’ như chúng ta muốn. Vì lẽ, cầu nguyện không phải là cây đũa thần nhưng cầu nguyện sẽ giúp chúng ta giữ vững đức tin, một đức tin đủ ‘chiều sâu và độ chắc’ vào Đấng chúng ta tin và phó mình cho Người cả khi chúng ta không hiểu ý Người muốn gì. Vì thế, cầu nguyện đòi hỏi những nỗ lực từ phía chúng ta, đó là một hành động yêu thương, hiến dâng và là sự chờ đợi của linh hồn.
Một phụ nữ, đang đối mặt với những thử thách hết sức cam go, đến gặp mục sư Hinson ngay khi ông kết thúc bài giảng. Cô nói, “Tôi rất sợ mình có thể sa ngã”; Hinson trả lời, “Tại sao lại không? Cô có thể làm điều đó”. Người phụ nữ phản đối, “Không, không! Tôi sẽ rơi xuống đâu?”; mục sư nói, “Cô sẽ rơi vào vòng tay vĩnh cửu của Thiên Chúa”. Sau đó, ông nói, “Thánh Kinh viết, ‘Chúa sẽ phù trì che chở; dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân’”.
Anh Chị em,
“Kết hợp với Thiên Chúa, đó là chương trình sống của tôi”, Carlo Acutis đã nói như thế. Nếu chúng ta làm được và có được một ‘chương trình sống’ cụ thể như vị chân phước trẻ của thời đại, chúng ta đã thật sự để cho Thiên Chúa đi vào cuộc sống của mình. Đó chính là lúc trái tim chúng ta có một niềm tin đủ ‘chiều sâu và độ chắc’, lúc mà Thiên Chúa đã hoàn toàn điều khiển chính con người của mình. Và như thế, không cần đợi ngày Chúa quang lâm hay ngày từ giã cuộc đời, chúng ta sẽ nói “Có” với Chúa ngay hôm nay, đáp lại điều Chúa muốn ngay hôm nay, đó là nên thánh; đó là sống trong ân sủng, tin yêu, phó thác và ngày càng thiết thân với Chúa hơn trong cầu nguyện.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con khao khát được lớn lên trong đức tin, trong tình yêu và sự hiểu biết của con về Chúa. Chớ gì, đức tin của con luôn sống động, đủ ‘chiều sâu và độ chắc’; và ước mong của con, là Chúa sẽ tìm thấy đức tin đó như một quà tặng quý giá con dâng cho Ngài”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
MỘT THIÊN CHÚA CÓ LIÊN QUAN
“Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.
Một buổi sáng, một người điên cầm đèn ra chợ, vừa đi vừa la lên, ‘Tôi đi tìm Thiên Chúa’. Thấy cảnh tượng này, nhiều người vô thần đứng đó bật cười. ‘Ngài đã chết rồi?’, một người nói; ‘Ngài đã đi lạc như một đứa trẻ?’, một người khác bảo; ‘Hay là Ngài đang trốn? Ngài xuống tàu và di cư rồi?’, họ cười nhạo và kháo nhau. Người điên lao vào giữa họ, giận dữ la lên, ‘Thiên Chúa ở đâu? Tôi sẽ nói cho các người. Chúng ta đã giết Ngài; bạn và tôi, chúng ta đã giết Ngài. Nhưng bằng cách nào chúng ta làm được điều ấy? Làm sao chúng ta có thể nuốt chửng biển khơi? Ai cho chúng ta miếng bọt biển để lau sạch chân trời? Chúng ta sẽ làm gì khi trái đất không còn mặt trời?’. Và Charles W. Colson nhận xét, quan điểm của Nietzsche không phải là Thiên Chúa không tồn tại, nhưng Thiên Chúa đã trở nên một Thiên Chúa ‘không liên quan’. Người ta có thể khẳng định Ngài tồn tại hoặc không tồn tại, điều đó không có gì khác biệt; thế nhưng, Thiên Chúa chết không phải vì Ngài không tồn tại, nhưng bởi chúng ta sống, vui chơi, sinh sản, cai quản và chết ‘như thể Ngài không tồn tại’.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật tuyệt vời, điều Chúa Giêsu mặc khải trong Tin Mừng hôm nay, “Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”; đó là một Vương quốc hiện diện bởi ân sủng đang sống động trong tâm hồn mỗi người, mỗi cộng đoàn, theo vô vàn cách thức của ‘một Thiên Chúa có liên quan’ đến tôi. Chúng ta sống, vui chơi, sinh sản, cai quản và chết như Ngài đang tồn tại chứ không phải ‘như thể Ngài không tồn tại’.
Trước tiên, đó là ‘một Thiên Chúa có liên quan’ khi Chúa Giêsu khao khát ngự trị trong tâm hồn chúng ta; Ngài ước ao làm chủ cuộc đời mỗi người. Khác với vua chúa trần gian vốn thường độc tài áp đặt uy quyền, Chúa Giêsu không hành quyền để buộc chúng ta tuân theo; nhưng Ngài chỉ luôn mời gọi; Ngài mời gọi chúng ta chấp nhận vương quyền Thiên Chúa trên cuộc đời mình; và mời gọi chúng ta để Ngài được toàn quyền. Nếu chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ được Ngài ban những huấn lệnh, những chỉ dụ; đó là những mệnh lệnh của tình yêu vốn sẽ lôi kéo chúng ta về với Đấng là Chân Thiện Mỹ. Qua Chúa Giêsu, ‘một Thiên Chúa có liên quan’ đến thiết lập vương quyền của Người trong lịch sử chúng ta, ở đây, lúc này và mỗi ngày trong cuộc sống mỗi người. Đó là một Vương quốc được chào đón với đức tin và lòng khiêm tốn; trong Vương quốc đó, tình yêu, niềm vui và hoà bình sẽ nở rộ; cũng ở đó, những đòi hỏi của Chúa Giêsu sẽ làm cho chúng ta tươi mới và được đổi mới; và như thế, ‘một Thiên Chúa có liên quan’ đang ở giữa chúng ta.
Thứ hai, sự hiện diện của Thiên Chúa ở chung quanh chúng ta; ‘một Thiên Chúa có liên quan’ hiện diện mỗi khi bác ái hiện diện; khi con người biết đón nhận nhau như Philêmon đón nhận Ônêsimô qua thư giới thiệu của Phaolô hôm nay; Phaolô đã làm cho Philêmon có được cái nhìn siêu nhiên, đón nhận Ônêsimô như người anh em. Như thế, Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, đòi buộc chúng ta có cái nhìn siêu nhiên, nhìn mọi sự dưới ánh sáng Tin Mừng. Thế giới đầy dẫy những xấu xa khiến chúng ta dễ choáng ngợp bởi những mê hoặc của ác thần; từ đó, chúng ta rất dễ bỏ lỡ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình; một Thiên Chúa đang sống động trong vô vàn cách thức. Vì thế, chúng ta phải luôn cố gắng để nhận ra sự có mặt của Thiên Chúa, sao cho chính mình được truyền cảm hứng từ sự hiện diện của Người và nhất là, yêu thích sự hiện diện này; tắt một lời, chúng ta ước ao sống trước sự hiện diện của ‘một Thiên Chúa có liên quan’, hiện diện bởi ân sủng.
Anh Chị em,
Nước Thiên Chúa đang ở trong lòng chúng ta, gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta khi chúng ta mời Chúa Giêsu đi vào cuộc sống mình mỗi ngày. Quả thực, Ngài đang đến với chúng ta qua vô vàn cách thức từ các bí tích, từ Lời Chúa, các biến cố, từng con người, từng cánh hoa, từng hơi thở, từng lời ru… và như thế, hạnh phúc biết bao khi chúng ta là những người được chúc phúc như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay diễn tả, “Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ”. Sự hiện diện của Người, một sự hiện diện chỉ đem đến niềm vui và hơi ấm cho trái tim.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin hãy chiếm ngự lòng con, con để Chúa toàn quyền trên cuộc sống con; Ngài là Chúa và là Vua, ‘một Thiên Chúa có liên quan’ đến vận mệnh linh hồn con; con yêu mến Chúa và con muốn sống điều Chúa muốn; và điều Chúa muốn, là con nên thánh, xin giúp con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: