Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Canh Một, Canh Hai

Tác giả: 
Nguyễn Văn Thông

Canh Một, Canh Hai

Nguyễn Văn Thông

 

Canh một dọn cửa, dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm...

 

Mấy câu ca-dao ấy bật lên trong tôi khi nghe bài Sách Châm Ngôn (Cn 31, 10-13, 19-20. 30-31) ca-tụng người vợ chăm-chỉ.

"Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần-mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố-thí cho người nghèo-khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng. Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng..."

 

Sách Thánh cũng có chỗ ca-tụng sắc đẹp của người phụ-nữ như làn mây, sắc nước, nhưng ở đây lại bảo cái đáng giá hơn ngọc ngà của nàng là đôi tay cần-mẫn, và tấm lòng thương người mà người chồng đặt hết niềm tin, yêu thương không gì sánh được.

 

Tuyệt thật, có được người vợ như thế thì muốn sống mãi. Nhưng có ông nào có vợ mà dám nói vợ mình không tuyệt-vời như thế? Họ không sai đâu, vì trong tình yêu thì khuyết-điểm chỉ là rơm rác, mà rơm rác lại là "hoa thơm cài đầu"! Nghĩ cho cùng, đàn ông mình là cái gì, hoàn-hảo cỡ nào mà đòi-hỏi cao thế. Mặt khác, với lòng lương-thiện, sự cầu-tiến, tất cả chúng ta đang cố-gắng trở nên hoàn-hảo hơn, dễ thương hơn, thánh hơn ở từng "mẩu bánh nhỏ".

 

Tuy nhiên, thực-tế cho thấy, có đẹp thì có xấu, có cần-mẫn thì có biếng-nhác. Để có thể cầu-tiến, chúng ta phải khiêm-tốn nhìn lại mình. Trong bẩy nguồn-gốc đưa đến tội, kiêu-ngạo đứng đầu thì sự lười-biếng đứng chót. Tuy là chót nhưng tôi không nghĩ là nó thuộc loại nhẹ đâu. Khi liệt-kê thì dĩ nhiên phải có cái trước cái sau, cái sau cùng chưa chắc là nhẹ nhất. Trong dụ-ngôn về những nén bạc, Chúa cho thấy kẻ biếng-nhác cuối cùng bị tống vào nơi tăm-tối khóc than.

 

Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mt 25: 14-30 kể một ông chủ trước khi đi xa trao tiền cho các đầy-tớ để sinh lợi cho chủ. Người được mười và năm nén bạc đều làm tốt nộp lại cho chủ khi ông trở về. Chỉ có người được một nén thì lại chả làm gì nên bị chủ phạt.

 

Ta nghĩ sao nhỉ, không làm lợi cho chủ thì bị chủ phạt, vậy có bất-công không? Có bất-công nếu như tôi là kẻ tình-nguyện. Không bất-công nếu tôi đã có giao-kèo của người làm thuê. Một ngày cuốc mấy công đất, gặt mấy công lúa thì tôi phải làm cho xong, xong sớm nghỉ sớm. Nếu tôi nằm dưới gốc cây ngủ, cuối ngày trả lại cái cuốc, cái liềm cho chủ, bảo sợ mẻ cuốc, gãy liềm nên tôi giữ còn nguyên-si trả lại cho ông chủ thì ông chủ phạt tôi là đúng quá, cãi sao được.

 

Cái tội lười-biếng này trở nên trầm-trọng đáng phạt hơn ở chỗ người đầy-tớ không chấp-nhận lỗi của mình mà đổ cho... ông chủ! Anh đầy-tớ này quả là to gan, dám đội nón cối cho chủ là điền-chủ ác-ôn, chuyên bóc-lột bần-cố nông:

- "Tôi biết ông là người keo-kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp-sợ mà đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông".

 

Người làm lỗi, biết hối lỗi là người khiêm-tốn, dễ thương, rất dễ được tha-thứ. Ngược lại, người ấy không nhận lỗi về phần mình mà đổ cho người khác. Chuyện ấy ta thường thấy, ngay cả ở chính chúng ta. Hãy nghĩ đến vài trường-hợp mà trong đó ta là người lười biếng.

 

- Trường-hợp ít người biết tôi làm biếng, chỉ tôi biết tôi là nhiều, thay vì chăm-chỉ hạt bột đi làm ngày tám tiếng, tôi làm giàu bằng đường tắt: lừa-đảo, gian-lận, trộm-cắp, cờ-bạc. Những chuyện kia xấu rõ-ràng, chuyện cờ-bạc xấu một cách ngấm-ngầm. Không những lừa, ăn cắp tiền vợ con đi đánh bạc mà đối với bạn đánh bạc, họ chẳng tốt gì với nhau, tìm cách sát-phạt, ăn cướp của nhau. Không phải thế sao? Có đồng nào sinh lợi từ sòng bạc đâu, mỗi con bạc chỉ dồn hết tâm trí làm sao lấy được tiền của người khác trong sòng bạc. Họ là kẻ thù của nhau chứ làm sao là bạn được.

 

- Trong các sinh-hoạt quanh mình, thấy người bên cạnh chu-đáo, việc gì cũng làm. Để họ làm miết, mình sướng nhưng nhột quá nên mới nghĩ ra được một kế tuyệt-vời. Tôi đẩy người ấy ra một bên, bảo: ông làm thế sai rồi, làm như tôi thế này mới đúng. Thấy chưa, ông làm đi, cứ làm như thế...

 

- Khi lười-biếng, tôi mất đi sự tự-trọng, tôi hạ giá-trị của tôi xuống khi người khác phải làm thay tôi, dọn-dẹp do tôi bày ra. Tôi có phần hưởng mà tránh phần trách-nhiệm.

 

- Tôi quên hay cố-tình gạt đi rằng, làm việc chăm-chỉ là nguồn của hạnh-phúc bởi vì Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, và Ngài đã ban cho con người niềm vinh-hạnh được dự phần với Ngài trong việc làm cho vũ-trụ này đẹp hơn, xã-hội được văn-minh, văn-hoá hơn, gia-đình được êm-ấm hạnh-phúc hơn, và bản thân được thăng-tiến hoàn-hảo hơn.

 

Được dự phần sáng-tạo với Đấng Tạo Hoá, thật tuyệt-vời. Chẳng cần phải được làm nhà khoa-học sáng-chế ra chiếc máy lợi-ích, người nghệ-sĩ sáng tác ra được điệu nhạc du-dương, vẽ được bức tranh tuyệt mỹ, người ca-sĩ hát lên điệu hát thu-hút lòng người... người mẹ, người chị nấu bữa ăn ngon, con cái gíup mẹ rửa chén, lau nhà sạch-sẽ... chúng ta đã là những thành-phần đáng quí trong chương-trình tạo-dựng của Thiên Chúa, đáng được nghe lời âu-yếm của Chúa:

"Vì con đã trung-tín trong việc nhỏ, con hãy vào hưởng sự vui mừng của Cha". (Mt 25:25)

 

November 15,2020