Bên lề đường cuộc đời - Bằng mọi giá
BÊN LỀ ĐƯỜNG CUỘC ĐỜI
“Một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường”.
Kính thưa Anh Chị em,
Như người hành khất mù loà của Tin Mừng hôm nay, bao lần trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có thể đã từng là một gã mù ngồi ‘bên lề đường cuộc đời’. Gặp Chúa Giêsu, anh mù được thấy, phấn chấn đi theo Ngài; cũng thế, gặp Chúa Giêsu, chúng ta được thấy và hoan lạc bước đi trong Thánh Thần. Thế nhưng, nhưng câu chuyện cuộc đời chúng ta sẽ hấp dẫn và lãng mạn hơn nhiều.
Đây là một người ăn xin mù loà bị nhiều người đối xử tệ bạc như thể anh ta xấu xa và là một tội nhân. Thế nhưng, thú vị thay, mắt đức tin của anh lại ngời sáng; nghe biết Chúa Giêsu ngang qua, mắt linh hồn anh đã thấy được lòng xót thương của Ngài, người anh đặt trọn niềm hy vọng. Anh bắt đầu van xin lòng thương xót đó, mặc cho đám đông yêu cầu anh im đi. Anh không nhượng bộ trước áp lực và chế giễu của họ, chắc chắn không; thay vào đó, anh liên tục kêu lên nhiều hơn. Chúa Giêsu đã mục kích lòng tin của anh, Ngài chữa lành anh; Ngài cho anh nhìn thấy; không chỉ trả lại cho anh thị lực, Ngài trả cho anh phẩm giá, niềm vui và bình an; anh hân hoan đi theo Ngài.
Cũng thế, lắm lúc chúng ta cảm thấy mình trần trụi, sạch túi, sạch cả cơ hội và xúi quẩy về thể chất, tinh thần lẫn tình cảm ‘bên lề đường cuộc đời’. Chứng kiến cảnh cùng kiết của chúng ta, một số người vô tâm bước mau; số khác có thể ném cho chúng ta một đồng kẽm, dẫu chúng không thực sự giúp chúng ta thoát khỏi tuyệt vọng; những người khác có thể đã chế nhạo hoặc không dám nhìn chúng ta; một số khác thậm chí có thể đã mắng chúng ta như đã mắng mỏ anh mù Giêricô, “Im đi!”. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên trong đời Kitô hữu với những cảnh tượng như thế, không ít lần chúng ta cũng phải bầm dập và quỵ ngã. Thế nhưng, khó khăn cuộc sống có thể đánh bại chúng ta hoặc làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn; như anh mù, chúng ta cũng phải thấy cho được lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, và chúng ta liên lỉ van xin Ngài.
Chúa Giêsu vẫn đang liên tục đi qua đường đời mỗi người, Ngài làm được tất cả; làm khi nào và làm như thế nào, chúng ta không biết; nhưng chắc chắn một điều, nếu chúng ta hết lòng kêu van, Ngài sẽ dừng lại; Ngài sẽ hỏi chúng ta như đã hỏi anh mù, và điều Ngài cần biết là sự thật chúng ta cần gì. Như anh mù, chúng ta phải nói sự thật của mình cho Ngài, “Con bị mù, lạy Chúa, con bị bệnh này; con sa đi ngã lại tội lỗi này; con có nỗi đau này; và cũng có thể con đã mất đi tình yêu thuở ban đầu” như sách Khải Huyền hôm nay mô tả. Nhất định Ngài cũng sẽ chữa lành mù loà thiết thực nhất nơi chúng ta, có thể đó là một tội lỗi, một nết xấu nếu chúng ta thật lòng ăn năn và dóc lòng chừa. Nhìn thấy lòng thương xót Chúa, chúng ta cũng sẽ nghe được Lời Ngài như lời sách Khải Huyền hôm nay, “Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải”.
Vào một đêm có hiện tượng nguyệt thực toàn phần, ai nấy đều bàn tán về nó. Rất nhiều người đứng ngoài sân đợi chờ nhiều tiếng đồng hồ để cuối cùng được nhìn ngắm nó trong vài phút ngắn ngủi. Có người tự hỏi, tại sao người ta lại quá chú ý đến sự biến mất của mặt trăng mà không chú ý đến sự xuất hiện của nó? Và người ấy nhớ lại một lời của Emerson, “Người dốt ngạc nhiên trước sự bất thường; người khôn ngạc nhiên trước sự bình thường”.
Anh Chị em,
Sự bình thường ở đây chính là tình yêu làm cho phong phú và phục hồi sức sống; điều bất thường là những gì làm con người trở nên tự mãn, mù loà. Những gì được gọi là cái “thần tôi” chính là cái làm con người đui chột; đang khi Chúa Giêsu, Đấng làm cho sống, trả lại nhân phẩm lại rất gần gũi, Ngài đang có mặt bên cạnh mỗi người một cách rất bình thường. Điều quan trọng, chúng ta có nhận ra lòng thương xót của Ngài hay không; quan trọng hơn, chúng ta có thật lòng xin Ngài chữa lành; để nhờ đó, Ngài cũng có thể bứng chúng ta ra khỏi ‘bên lề đường cuộc đời’ hầu dẫn chúng ta tung tăng trên đường tiến đến lề thiên quốc trong ánh sáng, ân sủng, bình an của Thánh Thần.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong những lúc cùng quẫn và thất vọng ‘bên lề đường cuộc đời’, chớ gì, con gặp được Chúa; mong sao những khắc nghiệt của cuộc sống chỉ làm cho con thêm mạnh mẽ để con chạy đến với lòng thương xót Ngài”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
BẰNG MỌI GIÁ
“Ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật là thú vị, người mù của Tin Mừng hôm qua và Giakêu của Tin Mừng hôm nay nói lên một cách hùng hồn về sự cấp thiết ‘bằng mọi giá’ phải gặp cho được Chúa Giêsu ở hai con người; một người dưới thấp, một người trên cao; một người nghèo kiết xác, một người giàu nứt đố. Người mù sẽ không ngừng la hét cho đến khi anh được đưa đến trước Chúa Giêsu; quan thuế Giakêu chạy đi chạy lại giữa đám đông cho đến khi gặp được Ngài. Vì quyết tâm gặp Chúa, Giakêu phá bỏ mọi lề thói, trèo lên một cây sung, dù ông thấp bé và không mấy ai ưa. Và đây, Chúa Giêsu cũng không lãng phí thời gian để bước vào cuộc sống của gã thu thuế này cách dứt khoát để biến đổi nó.
Chúa Thánh Thần cũng đang ước mong một cuộc gặp gỡ tương tự của mỗi người chúng ta với Chúa Giêsu như thế. Đôi khi, những trở ngại khác nhau cản lối chúng ta nhận ra Chúa Giêsu và hành động của Ngài trong cuộc sống mình; hơn hết, chúng ta thiếu quyết tâm vì thật dễ dàng để đưa ra những lời bào chữa, “Tôi quá lùn”, “Tôi quá xấu xa”, “Chúa Giêsu quá bận”, “Tôi chỉ là một tội nhân”. Thế nhưng, nếu chúng ta thực sự muốn Chúa Giêsu ở lại nhà mình ‘bằng mọi giá’, thì Ngài sẽ đến, nhưng trước hết có thể có những cây sung mà chúng ta cần phải trèo lên trước; trèo lên đã khó, tụt nhanh xuống lại càng khó hơn. Hãy nôn nả dù phải té bịch trước Ngài và nói, “Lạy Chúa, Chúa biết, ‘con yêu mến Chúa’”; hoặc nếu cảm thấy khó vì thiếu thật lòng, chúng ta hãy nói, “Lạy Chúa, Chúa biết, ‘con muốn yêu mến Chúa’, nhưng con là một người đàn ông tội lỗi, một người phụ nữ tội lỗi”. Dẫu thế, Chúa Giêsu vẫn làm điều tương tự như người cha đã làm với đứa con hoang đàng vốn đã đốt sạch tiền bạc với các ả đào và các lạc thú; Ngài sẽ không để chúng ta đọc hết bài phát biểu dọn sẵn, Ngài sẽ bịt miệng chúng ta bằng một cái ôm thật chặt.
Ít ai từng chào đón Chúa Giêsu với niềm vui và sự phấn khích như người đàn ông nhỏ bé có tên Giakêu này. Từ trên cây tụt xuống, ông mở tiệc đón Chúa; chia nửa tài sản cho người nghèo, và hứa đền bù những bốn lần cho các vụ biển lận. Giakêu thực sự như người lái buôn của Tin Mừng khi đã tìm được viên ngọc quý; ‘bằng mọi giá’, ông sẵn sàng bán hết những gì mình có để mua kỳ được viên ngọc với giá rất đắt; viên ngọc ấy chính là tình bạn và sự thân thiết với Chúa Giêsu, người mà ông ‘bằng mọi giá’, gặp cho được cũng là người đã đến ở lại, dùng bữa và nhất là cứu độ ông, “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”. Chúa Giêsu mang cho ông lòng quảng đại, niềm vui, bình an và thú vị nhất, trả lại cho ông điều ông đã mất, đó là sự công chính; trong tiếng Do Thái, Giakêu là “Zakkay” có nghĩa là “người thanh khiết, người công chính”.
Một sự trùng hợp đến bất ngờ khi sách Khải Huyền hôm nay cũng nói đến một cuộc viếng thăm không hẹn mà gặp của Chúa, “Ta sẽ đến với ngươi như kẻ trộm, ngươi sẽ không biết giờ nào Ta sẽ bất chợt đến cùng ngươi”; và tuyệt vời hơn, “Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta”.
Một nhà nghiên cứu cá cảnh chia sẻ một kinh nghiệm kỳ thú, “Một con cá mập được nuôi từ nhỏ, sẽ có kích thước tỷ lệ với kích cỡ chậu kiểng nuôi nó; nó có thể dài tối đa 15cm; nhưng nếu thả nó ra đại dương cũng trong một thời gian nhất định, nó sẽ dài đến 2,5m.
Anh Chị em,
Chúng ta không thuộc hạng Kitô hữu 15cm đáng yêu nhất bơi quanh một vũng nước nhỏ; ‘bằng mọi giá’ và giá đắt nhất là cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Ngài đã đưa chúng ta ra đại dương mênh mông để chúng ta ngụp lặn trong biển sâu ân sủng, ‘vừa bơi vừa bay’ với chim câu Thánh Thần. Hơn thế nữa, mỗi ngày, Vua các vua, Chúa các chúa đến với chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, Ngài không muốn một góc chật hẹp trong tim mỗi người nhưng muốn được đón tiếp trước đại sãnh đường, được ở căn phòng sang trọng nhất của ‘thánh điện tâm hồn’ chúng ta; Ngài mong chúng ta trở thành một Giakêu thanh khiết và công chính tụt xuống khỏi ‘cây tôi’, để Thánh Thần Ngài bứng ra khỏi ‘chậu tôi’ hầu trong cung điện tâm hồn đó, Vua Giêsu có thể an tâm lưu lại.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“‘Bằng mọi giá’, xin bứng con ra khỏi ‘chậu tôi’ chật hẹp hầu con thoả chí tang bồng, ‘vừa bơi vừa bay’ với Thánh Thần ngoài bể khơi ân sủng Chúa. Để được vậy, xin giúp con khao khát Chúa mỗi ngày, cụ thể bằng việc dọn sạch rác rưởi nơi cung lòng con, có thể là một Kitô hữu 15cm”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: