Lời cứu sống - Chìm sâu vào trong
LỜI CỨU SỐNG
“Dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lại một sự trùng hợp hiếm hoi đầy thú vị khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói về Lời. Bài đọc Khải Huyền nói đến cuốn sách sự sống, lời vừa ngọt ngào, vừa đắng cay mà Gioan phải nuốt vào; cuốn sách tượng trưng cho Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu, vốn mãi là ‘Lời cứu sống’ nên “Dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người”, Tin Mừng hôm nay kết thúc như vậy.
Thánh Gioan tường thuật thị kiến ngài được lãnh nhận một cuốn sách vừa ngọt ngào, vừa đắng cay từ tay thiên sứ mà Gioan phải ăn lấy; cùng lúc, Gioan nghe tiếng phán, “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa”; điều tương tự cũng đã xảy ra với Giêrêmia thời Cựu Ước, “Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, Lời Chúa làm con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con”, Giêrêmia cũng nghe tiếng Chúa phán, “Ngươi sẽ nên như miệng Ta”. Những gì đã xảy ra với Giêrêmia, với Gioan là những hình ảnh báo trước vốn được chứng thực nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, cũng là ‘Lời cứu sống’.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giận dữ vì cảnh buôn bán diễn ra trong đền thờ. Theo một nghĩa nào đó, đây là sự ‘báng bổ’ nhà Thiên Chúa, một sự ‘tục hoá’ thánh thất, một sự ‘phạm thánh’ cung điện Chúa Trời vốn ẩn mình sau một bức màn lớn; ở đó, thánh điện, nơi đặt sách Luật, Lời Thiên Chúa và Bánh Tiến, tượng trưng cho sự hiện diện thiêng thánh huyền nhiệm của Người. Vậy mà nghịch lý thay, ai muốn thờ phượng Đấng ngự trong cung thánh, Đấng Tối Cao đang ngự trong đó thì trước tiên, họ phải băng qua những gì bên ngoài có vẻ như một khu chợ không hơn không kém, nơi bò bê chiên cừu và chim câu, những bàn đổi tiền và các thứ được giăng đầy.
Chúa Giêsu phẫn nộ, xua đuổi phường buôn bán ra khỏi chốn linh thiêng này, nơi mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đang trục lợi. Thế là họ nổi giận với Ngài, căm ghét Ngài; họ nói, “Ông lấy quyền đâu mà làm các điều ấy?”; Tin Mừng nói, “Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người”. Tin Mừng mô tả, dân chúng say mê từng Lời của Ngài; họ cũng đã từng thốt lên, “Lời gì mà lạ lùng thế!”. Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó không có chỗ cho thế gian; ở đâu có Ngài, không có chỗ cho hư hỏng. Sự ngay thẳng và mạnh mẽ của Chúa Giêsu là chìa khoá cho tính hiệu quả và sự hấp dẫn của Lời Ngài; sức mạnh của Ngài chính là Lời ân sủng, Lời tình yêu, cũng là ‘Lời cứu sống”.
Một mục sư đã kể lại kinh nghiệm khi ông chìm sâu vào một thương vụ bất chính; ông bỏ bê sứ vụ của mình là rao giảng Lời để chạy theo việc kinh doanh, dù là để làm giàu cho Hội Thánh. Ông cho biết, ông cảm thấy như một vận động viên bơi lội kiệt sức gặp nạn, một mình chiến đấu trong làn sóng dữ; ông không thể thoát khỏi những cơn sóng mạnh và sắp phải chìm xuống. Trên bờ, ông có thể nhìn thấy từng khuôn mặt của tất cả những người trong nhà thờ mình. Một số lắc đầu khóc lóc và tuyệt vọng; những người khác đã hét lên và đưa nắm đấm của họ trong giận dữ. Tuy nhiên, cũng có những lời động viên và những cử chỉ thiện chí; ở đó, tất cả họ xếp thành một hàng dài, quan sát và chờ đợi một điều gì đó sẽ xảy ra. Bỗng, một người đàn ông xuất hiện; chỉ có ông bước tới và liều mình lao xuống, bơi lại gần vị mục sư; người ấy hét lên một ‘Lời cứu sống’, “Thầy đây, đừng sợ!” và đưa tay cứu lấy ông, dìu ông vào bờ. Vị mục sư nhận ra đó là Chúa Giêsu.
Anh Chị em,
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn muốn mang lại sự thanh tẩy theo nhiều cách. Ngài ước mong thanh tẩy toàn thể Giáo Hội, xã hội, cộng đồng, gia đình chúng ta và nhất là tâm hồn mỗi người chúng ta. Đừng sợ để cơn thịnh nộ thánh thiện của Ngài phát huy tác dụng. Bởi lẽ, ‘Lời cứu sống’ của Nhà Giáo vĩ đại Giêsu sẽ luôn là kim chỉ nam cho đời sống đức tin chúng ta như tâm tình Tung hô Tin Mừng hôm nay diễn tả, “Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin thương tiết lộ cho con điều Chúa phẫn nộ và đau buồn đang ấp ủ trong linh hồn con. Xin dùng Lời Chúa, ‘Lời cứu sống’ và lửa Thánh Thần để thanh tẩy con tận gốc rễ tất cả những gì mà Chúa không hài lòng; tận nơi sâu thẳm nhất trong trái tim con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
CHÌM SÂU VÀO TRONG
“Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trước cuộc viếng thăm của Mẹ và anh em mình, Chúa Giêsu thốt lên những lời xem ra gây sốc, “Ai là mẹ tôi và ai là anh em tôi?”. Ngài thường không ngại nói ra những lời vượt quá trí hiểu người nghe; thế nhưng, thật thú vị, Ngài lại không quen làm sáng tỏ chúng một cách nhanh chóng. Đúng hơn, Ngài thường để những ai không hiểu phải ‘biết lặng thinh’, hầu lời Ngài có thể ‘chìm sâu vào trong’; nhờ đó, họ mới có thể hiểu được nó. Sự thật này sẽ rất ý vị với điều Zacharia nói trong bài đọc lễ Đức Mẹ Dâng Mình hôm nay, “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa”.
Không nghi ngờ gì nữa, chắc hẳn đã có một sự im lặng nào đó bao trùm đám đông khi Chúa Giêsu thốt ra những lời trên; nhiều người có thể nghĩ, Ngài khá cứng cỏi với mẹ và người thân của mình. Thế nhưng, không phải như vậy, Ngài muốn những lời của Ngài phải được ‘chìm sâu vào trong’ nơi những ai ‘biết lặng thinh’ trước mầu nhiệm Thiên Chúa; vì sau đó, nhìn các môn đệ, Ngài nói, “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi”.
Lạ thay, Chúa Giêsu thường không quan tâm đến việc ai đó có thể hiểu sai lời Ngài, Ngài muốn họ tiên vàn, ‘biết lặng thinh’ trước thông điệp của Ngài; vì Ngài biết, thông điệp đó chỉ có thể hiểu, chỉ có thể lãnh hội bởi những ai biết lắng nghe với một tấm lòng rộng mở, một con tim đầy niềm tin; những ai biết để cho thông điệp ấy ‘chìm sâu vào trong’. Ở đây, những lời của Chúa Giêsu trước hết, trực tiếp nói với Mẹ Ngài; Ngài đề cao người Mẹ Đầy Ơn Phúc của mình vì sự vâng phục tuyệt đối ý muốn của Thiên Chúa nơi Mẹ; vì lẽ, mối ‘quan hệ huyết thống’ đã quan trọng nhưng sẽ quan trọng hơn, mối ‘quan hệ tòng thuộc’ tuyệt đối vào Thiên Chúa. Như vậy, ‘Đức Maria vâng phục’ sẽ là mẹ của Ngài ‘nhiều hơn’ là ‘Đức Maria huyết thống’.
Vì lẽ đó, Mẹ Maria sẽ không nghi ngờ và khó chịu khi nghe những lời xem ra ‘khô khốc’ của Con, những lời vốn đã ‘chìm sâu vào trong’ thật sâu sắc nơi Mẹ. Với một đức tin trọn vẹn, một lòng mến thẳm sâu, Mẹ Maria đã hiểu hơn ai hết và tất nhiên, cũng hơn ai hết, Mẹ đầy niềm vui. Chính lời xin vâng hoàn hảo của Mẹ đối với Thiên Chúa đã giúp Mẹ hiểu được tất cả những gì Chúa Giêsu, Con mình đang nói; điều này cho phép Đức Maria có thể xưng thánh danh ‘Mẹ vâng phục’ với Chúa Giêsu nhiều hơn so với ‘Mẹ huyết thống’ của mình. Mối ‘quan hệ huyết thống’ của Mẹ chắc chắn có ý nghĩa rất lớn, nhưng mối ‘quan hệ tòng thuộc’ Thiên Chúa nơi Mẹ còn có ý nghĩa lớn hơn. Sự hiểu biết sâu sắc đó tất yếu dẫn đến một niềm vui trầm lắng nơi Mẹ vốn được sánh với thiếu nữ Sion mà ngôn sứ Zacharia nhắc đến hôm nay; niềm vui đó phớn phở trong Thánh Vịnh đáp ca, “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”.
Bài đọc Zacharia hôm nay cũng thật ý nghĩa. Thiếu nữ Sion được nhắc đến không chỉ là hình ảnh của Israel, nhưng còn là của chính Mẹ, “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi”. Vì vậy, để có thể hiểu hồng ân được viếng thăm, cũng như có thể trân quý phúc ân trọng đại này, con người cũng phải ‘biết lặng thinh’ và ‘chìm sâu vào trong’ mầu nhiệm Thiên Chúa; Zacharia thật thâm trầm, “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa”.
Một bà mẹ kia có thói quen rất lạ, mỗi khi đứa con trai của bà có điều gì bất ổn, bà thường dắt nó vào rừng, đặt nó ngồi trên một tảng đá, bảo nó nhắm mắt lại. Đoạn, bà lấy cây sáo mang theo, thổi cho nó nghe từ ca khúc này đến ca khúc khác, từ trầm buồn đến réo rắt; bà sẽ thổi cho đến khi nào đứa con của bà vui trở lại; nó sẽ cười reo; lúc bấy giờ, hai mẹ con mới cất bước ra về.
Anh Chị em,
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi Mẹ Maria là “Người Nữ Thánh Thể”; liệu chúng ta có biết để Đức Mẹ ‘dẫn mình vào rừng’ mà cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi khi gặp phải những thánh giá trong đời không? Với Thánh Thể, chúng ta sẽ lặng thinh và ‘chìm sâu vào trong’ Ngài, trong Lời của Ngài như Đức Mẹ. Ở đó, chúng ta chờ đợi thánh ý Thiên Chúa, chúng ta lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần thay vì chúng ta chạy vạy tìm câu trả lời ở nơi đâu khác.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết tận hiến cho Chúa, tận hiến cho Mẹ mỗi ngày, hầu con thuộc trọn về Chúa như Mẹ. Xin dạy con chu toàn điều đẹp lòng Chúa; nhờ đó, con ‘biết lặng thinh’ và ‘chìm sâu vào trong’ chính Chúa mỗi ngày, nhất là khi phải đối diện với mỗi thánh giá đời con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: