Tỉnh thức chờ Chúa đến
CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG – B
Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7 ; 1Cr 1,3-9 ; Mc 13,33-37
Chủ đề: TỈNH THỨC CHỜ CHÚA ĐẾN
Lời Chúa: “Chúng con hãy tỉnh thức, vì chúng con không biết lúc nào chủ nhà trở về” (Mc 13,35)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đòan phụng vụ,
Hôm nay, Giáo hội bước vào một năm Phụng vụ mới, phụng vụ năm - B với Chúa nhật I Mùa Vọng. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng lòng chúng ta trông đợi ngày Chúa đến trong ngày sau hết của đời mình, và trong ngày cánh chung của nhân loại. Người sẽ đến với chúng ta cách bất ngờ. Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức chờ Chúa đến:
Giờ nào Chúa đến, ai ngờ !
Sẵn sàng, tỉnh thức, chần chờ nữa chi ?
Đường công chính, hãy bước đi,
Chăm lo cầu nguyện, đừng khi nào ngừng.
Tâm hồn thư thái ung dung,
Chủ về gõ cửa, cùng chung tiệc mừng.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta chu toàn bổn phận hằng ngày, siêng năng cầu nguyện và làm việc thiện. Nhờ đó, khi Chúa đến chúng ta cũng được mời gọi vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đã hạ sinh để cứu thoát chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa dạy chúng con hãy tỉnh thức đón chờ Chúa đến. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Mùa Vọng, là thời gian Giáo hội chuẩn bị tâm hồn chúng ta chờ đón Chúa đến được lặp lại như một kỷ niệm đối với việc Chúa Kitô đến lần thứ nhất tại Belem. Tâm tình chờ đón này còn mặc ý nghĩa sẵn sàng và tỉnh thức chờ đón Chúa Kitô đến lần thứ hai để phán xét nhân loại. Vì thế, để giúp ta sống tinh thần mùa vọng Giáo hội nêu cao ba hình ảnh sáng chói như một mẫu gương mà chúng ta lần lượt suy ngắm: Isaia, Gioan tẩy Giả và Đức Maria.
Thưa anh chị em, phụng vụ Lời Chúa hôm nay khởi đi từ kinh nghiệm của dân Do thái thời Cựu ước, với niềm hân hoan hồ hởi ban đầu về việc tái thiết thành thánh và đền thờ sau ngày hồi hương từ Babilon vào những năm 539 trước công nguyên đã dần tan biến trước thực tế phủ phàng: Giêrusalem vẫn nằm trong cảnh điêu tàn, và đền thờ vẫn là một đóng gạch vụn. Trước tâm trạng thất vọng và bất mãn đó của dân chúng. Isaia viết lên những dòng trấn an, ông quả quyết rằng: Tuy còn khó khăn và cản trở phải vượt qua, nhưng sự cứu rỗi từ Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến. Isaia thay mặt toàn dân kêu van Thiên Chúa dủ lòng thương đến cứu giúp dân Chúa trong giờ phút khó khăn hiện tại. Xác tín về một Thiên Chúa là Cha, Đấng cứu chuộc, là Thiên Chúa duy nhất, là sức mạnh của niềm mong chờ nơi toàn dân về ngày Chúa đến, dù ngày đó có tính cách đột xuất. Lời cầu nguyện đó của Iasaia không chỉ dừng lại ở dân tộc Do thái thời Cựu ước mà còn hướng tới thời Cứu thế: Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc sẽ đến. Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ là Người sẽ trở lại trần gian này cách bất ngờ: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào”. Để dễ hiểu, Người đưa ra dụ ngôn về người đầy tớ phải canh cửa để đón chủ về bất cứ lúc nào. Do đó, Chúa Giêsu chỉ rõ thái độ cần phải có để chờ Chúa đến là tỉnh thức sẵn sàng như người đầy tớ thức chờ chủ về đột ngột giữa đêm khuya. Dĩ nhiên tỉnh thức ở đây không có nghĩa là không được ngủ, nhưng là tình trạng luôn sẵn sàng khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống và tích trữ cho một kho tàng quý giá là những hành động bác ái, là những công nghiệp chúng ta lập được khi còn sống ở đời này chờ đón chủ về.
Chuyện kể rằng, trong vụ hỏa hoạn lúc 13g45 ngày 1/11/2016 tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) làm 13 người thiệt mạng, hư hại ít nhất 4 ngôi nhà và nhiều tài sản bị thiêu rụi. Được biết, đa số nạn nhân tử vong là học viên Học viện Chính trị quốc gia, lớp dành cho trưởng, phó phòng cấp sở. Thi xong môn học, nhóm học viên tổ chức liên hoan. Một tương lai vừa hé mở với bao ước mơ đã bị đóng sầm lại trong khói lửa của ngày định mệnh ấy!. Cảnh tang tóc thê lương chụp xuống bất ngờ trên các nạn nhân. Mỗi người hứng chịu cái chết trong lửa một cách khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung: ngay trước khi cơn hỏa hoạn xảy ra, chỉ trước đó một lúc, không ai nghĩ là mình sẽ chết!
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Câu chuyện trên đây quả thật, hướng lòng chúng ta trông đợi ngày Chúa đến trong ngày sau hết của đời mình. Người sẽ đến với chúng ta cách bất ngờ. Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức chờ Chúa đến: “Hãy tỉnh thức”, đó là lời mời gọi khẩn cấp vang lên trong khung cảnh của ngày sau hết trong lúc xuất hiện một thế giới mới. Cha Charles de Foucault nói: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Đó là một lời khuyên khôn ngoan, một lời khuyên lặp lại lời nhắn nhủ của chính Chúa: “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết giờ nào chủ sẽ về”.
Lạy Chúa, chúng con tin rằng Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến trong từng người chúng con bằng nhiều cách. Xin Chúa giúp chúng con chờ đón Chúa trong mỗi giây phút hiện tại, trong giờ chết, và trong ngày cánh chung của nhân loại. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: